Aa

Hàng loạt dự án bất động sản và tài sản liên quan của Tasco đã bị thế chấp tại ngân hàng

Thứ Năm, 23/05/2019 - 04:31

Theo báo cáo thống kê, cho đến hết năm 2018, có đến 240 tỷ USD giá trị bất động sản và tài sản có liên quan đến quyền bất động sản hiện đang được thế chấp tại hơn 20 ngân hàng.

Đáng chú ý, trong danh sách có tập đoàn Tasco với hàng loạt “lùm xùm” liên quan đến các dự án BT, BOT.

Cụ thể, CTCP Tasco (HUT) - đơn vị được biết đến với các dự án BOT lớn có giá trị nợ vay chiếm trên 50% nguồn vốn. Hết quý I/2019, tổng giá trị vay và nợ thuê tài chính của HUT ở mức 5.508 tỷ đồng, trong đó có đến 5.438 tỷ là nợ vay dài hạn. Hiện số nợ phải trả của HUT chiếm 7.651 tỷ đồng, tương ứng 70% tổng nguồn vốn doanh nghiệp.

Ngoài ra, Tasco cũng “lấn sân” sang hoạt động trong lĩnh vực y tế. Được biết, các khoản vay này nhằm thực hiện các dự án BT, BOT, dự án xây dựng hệ thống thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe và dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện mắt Hà Nội cơ sở 2.

Sau một thời gian xả trạm do người dân phản đối kéo dài, hiện nay trạm thu phí Mỹ Lộc đã chính thức thu phí trở lại.

Sau một thời gian xả trạm do người dân phản đối kéo dài, hiện nay trạm thu phí Mỹ Lộc đã chính thức thu phí trở lại.

Việc vay nợ lớn khiến doanh nghiệp chịu áp lực lãi vay không nhỏ. Riêng trong quý I, chi phí lãi vay mà HUT phải trả là 61,9 tỷ đồng, gần bằng cả lợi nhuận gộp thu về trong quý. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thua lỗ trong 2 quý gần đây của doanh nghiệp.

Trước đây, hàng loạt dự án BOT đã đem lại những siêu lợi nhuận khiến Tasco liên tục tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, tại các dự án này đã bị người dân lên tiếng phản đối. Cùng với những khó khăn ở BOT Đông Hưng, BOT Mỹ Lộc, Quốc lộ 10 Hải Phòng (vướng mặt bằng), BT 39 (chưa quyết toán xong), thu phí không dừng VETC (khó khăn lặp đặt thiết bị), giá thành tăng cao... Do vậy, nguồn thu từ BOT liên tục sụt giảm.

Được biết, hiện Tasco sở hữu hàng loạt dự án bất động sản “khủng” như: Dự án Foresa Villa, Dự án văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp 48 Trần Duy Hưng, Dự án đầu tư xây dựng nhà ở South Building - Pháp Vân, Dự án Xuân Phương Residence, Dự án Nhà ở cho Cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao.

Ô biệt thự số 9 (ký kiệu BT9) “phá vỡ” quy hoạch tại Foresa Villa.

Ô biệt thự số 9 (ký kiệu BT9) “phá vỡ” quy hoạch tại Foresa Villa.

Trong đó đáng chú ý là dự án Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương có tên là Foresa Villa có quy mô 38ha gồm 813 căn nhà ở thấp tầng với tổng mức đầu tư lên tới 2.850 tỷ đồng.

Dự án Xuân Phương Residence với tổng mức đầu tư là 1.100 tỷ đồng có diện tích 3,95ha, gồm 6 tòa chung cư cao 17 tầng, 126 căn nhà liền kề, 642 căn hộ chung cư. Dự án Nhà ở Bộ Ngoại giao với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ có diện tích 13.770m2, gồm 2 tòa 27 tầng, 800 căn hộ chung cư.

Tuy nhiên, trước đó Báo điện tử Xây dựng từng đăng tải thông tin, tại dự án Xuân Phương Residence xuất hiện hàng loạt ngôi nhà xây dựng không đúng với thiết kế ban đầu mà thay đổi kết cấu, phá nát quy hoạch đô thị. Một số lô còn được đập thông các sàn bê tông, phá dỡ diện tích ban công tầng 1, tầng 2, tầng 3, tầng 4. Cơi nới, mở rộng diện tích sân, cấy thêm dầm, dựng cột bê tông, xây tường… trái phép.

Bên cạnh đó, Tasco còn xây dựng khu đô thị Mỹ Đình - Nam Từ Liêm (Hà Nội) với mức đầu tư “khủng” 3.500 tỷ đồng với quy mô lên tới 49ha, gồm 400 căn hộ thấp tầng. Tuy nhiên, cũng giống như ở Xuân Phương Residence, vài căn biệt thự đã được thiết kế khác đi, không giống những căn biệt thự trong khu đô thị được xây dựng kết cấu 3 tầng, 1 tầng áp mái.

Cụ thể, ở vị trí lô BT9-1 trong ô biệt thự số 9 (ký kiệu BT9) lại hình thành một lâu đài nguy nga, tráng lệ có kiến trúc khác biệt hoàn toàn. Tòa nhà này hữu tới 3 mặt tiền được thiết kế xây dựng theo phong cách châu Âu trong một khuôn viên rộng hàng trăm m2 với rất nhiều chi tiết cầu kỳ, bắt mắt.

Một công trình đang tự ý thay đổi chiều cao tại Khu sinh thái Foresa Villa làm méo mó, biến dạng quy hoạch.

Một công trình đang tự ý thay đổi chiều cao tại Khu sinh thái Foresa Villa làm méo mó, biến dạng quy hoạch.

Việc xây dựng đã phá vỡ quy hoạch và chiếm dụng không gian thông thoáng của các căn nhà liền kề. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng kéo dài, không có che phủ cẩn thận gây ra ô nhiễm tiếng ồn, bụi bẩn và ảnh hưởng tới khu dân cư trong khu đô thị.

Dù Tasco đã phải “tháo chạy” khỏi các dự án BOT sau một thời gian dài hoạt động kém hiệu quả, tuy nhiên, sau khi chuyển hướng kinh doanh sang bất động sản và y tế, tình hình hoạt động của Tasco cũng được đánh giá là không mấy khả quan. Các dự án bất động sản thì vướng phải những “nghi án” và bị người dân phản đối, gây xôn xao dư luận. Hàng loạt những báo cáo tài chính cho thấy dấu hiệu sụt giảm của “ông trùm” BOT một thời.

Cùng nằm trong danh sách trên còn có CTCP Thuận Thảo (GTT) là một trong những trường hợp điển hình cho việc rủi ro trong cho vay bất động sản. Nổi lên trong giai đoạn 2009 - 2010, ngoài việc tăng vốn thần tốc, GTT đã vay tiền ngân hàng để đầu tư vào các dự án bất động sản, đầu tư xe cộ vận tải... Do đầu tư bất động sản dàn trải, tới năm 2014, GTT bắt đầu thua lỗ triền miên cho đến nay.

Tính đến cuối quý I/2019, vốn chủ sở hữu của GTT đang âm 863,9 tỷ đồng do khoản lỗ lũy kế đã lên tới 1.310 tỷ. Trong khi đó, nợ phải trả của doanh nghiệp đang là 1.605 tỷ đồng (bao gồm 629,3 tỷ nợ vay ngắn hạn và 11,1 tỷ đồng nợ vay dài hạn). GTT vừa tiến hành thanh lý, chuyển nhượng tài sản hoặc chuyển nhượng một số lĩnh vực kinh doanh để giảm nợ và ngân hàng cũng phải tiến hành phát mãi tài sản của Thuận Thảo để thu hồi nợ vay.

Một doanh nghiệp BOT mới chào sàn chứng khoán hồi tháng 2 vừa qua là CTCP BOT Cầu Thái Hà cũng có dư nợ ngân hàng khá lớn so với quy mô doanh nghiệp. Trong khi quy mô doanh nghiệp ở mức 1.467 tỷ đồng thì có tới 1.034 tỷ đồng tới từ nợ vay ngân hàng VietinBank chi nhánh Hà Nam. Tình trạng kinh doanh cũng không mấy khả quan khi ngay vừa lên sàn, BOT Cầu Thái Hà đã báo lỗ hơn 43 tỷ đồng ngay trong quý I/2019.

Như vậy, thống kê trên 23 ngân hàng thương mại cổ phần tính đến cuối năm 2018, có 5,7 triệu tỷ đồng giá trị bất động sản và tài sản liên quan đến quyền bất động sản đang được thế chấp tại các ngân hàng này, tăng 22,2% so với năm 2017.

Con số này cũng tương ứng chiếm 57,4% tổng giá trị tài sản thế chấp theo mệnh giá đang được các bên đi vay thế chấp tại các ngân hàng. Đáng chú ý, con số này chỉ là giá trị sổ sách của các tài sản, không phản ánh hết giá trị thực tế của khối bất động sản này.

Bất động sản hiện vẫn là loại hình tài sản thế chấp được ưa thích đối với các nhà băng. Tuy không có chi tiết về đối tượng thế chấp cũng như mục đích vay vốn của khối bất động sản thế chấp trên, song đối với thị trường bất động sản, hầu hết các dự án đều được “gửi gắm” ở ngân hàng nhằm đảm bảo cho khoản vay xây dựng, đầu tư của chủ đầu tư.

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản còn nhiều tiềm ẩn rủi ro đối với ngân hàng. Nguyên nhân chính là do quy định pháp luật đối với thị trường bất động sản còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình bất động sản mới.

Đầu tư kinh doanh bất động sản là kênh đầu tư có kỳ vọng lợi nhuận cao nên dễ dẫn đến đầu cơ trên thị trường. Đồng thời, tình trạng mất cân đối cung cầu vẫn tồn tại ở một số phân khúc bất động sản cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến rủi ro trong việc cấp tín dụng.

Nhưng đối với các dự án BOT và BT, việc cấp tín dụng tiềm ẩn rủi ro trong dài hạn vì đây là các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian cho vay dài. Trong khi năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế, tài sản đảm bảo chủ yếu là quyền thu phí trong khi chính sách phí chưa thực sự ổn định, do đó nguy cơ chuyển nợ sang nhóm nợ xấu là rất lớn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top