Aa

Hàng loạt khó khăn khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Năm, 16/03/2023 - 05:59

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chỉ ra hàng loạt tồn tại trong cơ chế quản lý hiện nay khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn vay sản xuất, kinh doanh.

Ngày 15/3, Ngân hàng nhà nước Việt nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh".

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, Doanh nghiệp tư nhân nói chung và DNNVV nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vai trò này đã được khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII Đảng ta đã xác định “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, đặt ra nhiệm vụ “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp”.

Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, Hội nghị này được tổ chức nhằm đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời nắm bắt đầy đủ khó khăn, vướng mắc của DNNVV hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực để tiếp tục tìm ra các giải pháp khắc phục, hỗ trợ cho DNNVV trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, để hỗ trợ DNNVV tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thực hiện Luật hỗ trợ DNNVV, NHNN đã ban hành Thông tư số 45/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 hướng dẫn các TCTD phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng trong cho vay DNNVV có bảo lãnh của Quỹ BLTD tại các địa phương; chỉ đạo các TCTD phối hợp Quỹ Phát triển DNNVV để cho vay DNNVV từ nguồn vốn của Quỹ Phát triển DNNVV.

Ngoài ra, NHCSXH đang triển khai nhiểu chính sách cho vay ưu đãi lãi suất đối với DNNVV như: hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng dịch Covid-19; cho vay đối với DN tại vùng khó khăn (lãi suất 9%); cho vay lãi suất ưu đãi DN sử dụng lao động là người khuyết tật, người DTTS, cho vay hỗ trợ lãi suất 2% từ NSNN theo Chương trình phục hồi và Phát triển kinh tế theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP,…

Như vậy có thể thấy chính sách tín dụng đối với DNNVV đang được triển khai khá đầy đủ qua nhiều kênh: Tín dụng thương mại tại các NHTM, tín dụng ưu đãi tại NHCSXH và tín dụng tại các ngân hàng có bảo lãnh của các Quỹ bảo lãnh DNNVV.

Hiện nay hầu hết các TCTD đã tham gia cho vay đối với khu vực DNNVV, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng DNNVV phần lớn tập trung vào khu vực Thương mại và dịch vụ (56,29%), Công nghiệp và Xây dựng (40,85%). Các NHTMNN đang cho vay DNNVV chiếm 48,05%, Khối NHTM CP cho vay chiếm 47,43%, khối NHNg, NH Liên doanh, Công ty TC và NHHTX tham gia cho vay 4,52%.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lý An

Khó khăn, vướng mắc

Mặc dù tín dụng đối với DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được NHNN triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kết quả tín dụng đối với DNNVV vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, vẫn còn có phản ánh DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay DNNVV vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân khách quan từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước: Tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, tác động đến sản xuất kinh doanh nói chung và hiệu quả hoạt động của DNNVV nói riêng.

Về phía ngành ngân hàng:

Thứ nhất, trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các TCTD đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng, do đó, không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng.

Thứ hai, DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, do đó, các DNNVV phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh để được tiếp cận chính sách ưu tiên trần lãi suất theo quy định.

Thứ ba, thời gian qua trước diễn biến lạm phát kinh tế thế giới và trong nước, việc điều hành chính sách tiền tệ cần đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, các mức lãi suất điều hành điều chỉnh tăng, mặt bằng lãi suất cho vay có giai đoạn tăng cao, cùng với giá cả nguyên vật liệu sản xuất tăng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; việc tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ còn gặp khó khăn do một số nguyên nhân như: khó tách phần chi phí được hỗ trợ đối với doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề; nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh giảm đã không đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất, đánh giá về “khả năng phục hồi”...

Thứ tư, việc tiếp cận thông tin về các DNNVV còn hạn chế do hiện nay các TCTD chủ yếu khai thác thông tin thông qua việc tìm hiểu trực tiếp doanh nghiệp và qua Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), chưa khai thác được tối đa các thông tin từ các hiệp hội, ngành nghề, cơ quan thuế, cơ quan hải quan...

Cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua các Quỹ tài chính nhà nước chưa hiệu quả

Về phía Quỹ bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV: Kết quả bảo lãnh cho DNNVV thời gian qua còn thấp (Dư nợ tín dụng có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng các địa phương tăng từ 411 tỷ đồng năm 2016 lên 648 tỷ đồng năm 2017, sau đó giảm dần qua các năm 2018-2022).

Tổng dư nợ có bảo lãnh của quỹ đến cuối tháng 2/2023 đạt 261.327 triệu đồng hiện chỉ có 2 ngân hàng phát sinh dư nợ là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam) do một số nguyên nhân như: Một số địa phương chưa cấp đủ vốn điều lệ cho Quỹ theo quy định; hoạt động nhiều Quỹ không hiệu quả, trình độ nhân lực còn hạn chế, nguồn thu hạn hẹp chủ yếu là lãi tiền gửi tại các NHTM; Bảo lãnh của Quỹ là bảo lãnh có điều kiện, Quỹ được quyền từ chối nghĩa vụ bảo lãnh nên có nhiều trường hợp Quỹ bảo lãnh tín dụng từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và xảy ra tranh chấp với các TCTD cho vay; Nguyên tắc hoạt động của Quỹ là phải bảo toàn vốn, trong khi hoạt động bảo lãnh là hoạt động có rủi ro, mức trích lập dự phòng rủi ro không đủ lớn để có thể thực hiện nghĩa vụ trả thay khi DNNVV không có khả năng trả nợ, do đó, không khuyến khích Quỹ thực hiện bảo lãnh cho DNNVV.

Về phía Quỹ Phát triển DNNVV: Đến nay chưa phát sinh cho vay trực tiếp đối với DNNVV, nên DNNVV chưa thể tiếp cận trực tiếp các nguồn vốn này. Mặt khác, khi tiếp cận nguồn vốn này gián tiếp qua các TCTD, thì ngoài việc đáp ứng các điều kiện cho vay của các NHTM thông thường, DNNVV phải chịu chi phí vốn cao hơn so với trực tiếp, thủ tục, hồ sơ phức tạp.

Đến 28/02/2023, Quỹ đã ký thỏa thuận giao vốn cho 06 Ngân hàng thương mại (BIDV, MBBank, SHB, HDBank, Bắc Á Bank và Sacombank), tổng số vốn chấp thuận cho vay của Quỹ đạt khoảng 300 tỷ đồng; tổng số vốn đã giải ngân là khoảng 230 tỷ đồng. Các DNNVV đã trả nợ gốc khoảng 100 tỷ đồng, số tiền lãi đã trả là khoảng 20 tỷ đồng, dự nợ hiện tại khoảng 130 tỷ đồng. Hiện chưa phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu đối với toàn bộ dự án đã được chấp thuận ủy thác, cho vay gián tiếp.

Về phía DNNVV: Thứ nhất, hầu hết các DNNVV là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (theo Bộ KH&ĐT trên 65% số doanh nghiệp cả nước là doanh nghiệp siêu nhỏ): quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, thiếu tài sản bảo đảm, không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng.

Thứ hai, đa số các DNNVV khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các DNNVV mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới, vì vậy, TCTD không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của DNNVV, các TCTD khó khăn trong việc quản lý dòng tiền do nhiều DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng.

Thứ ba, các DNNVV trong thời gian qua đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn; mặc dù được các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định thông thường nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do bị chuyển nhóm nợ, nên khó tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh; hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong kho không xuất được; bị khách hàng chiếm dụng vốn, công nợ cao.... Trong đó, một số DNNVV đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp, rủi ro cao khó tiếp cận được vốn vay.

Thứ tư, các DNNVV còn hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nên các phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thường thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường, đặc biệt trong vừa qua nền kinh tế chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19. Đa phần các DNNVV chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác lập dự án kinh doanh, chỉ coi công tác lập dự án là thủ tục để huy động vốn.

Thứ năm, vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp của DNNVV, vướng mắc tài sản là hợp đồng thế chấp tại khu công nghiệp; tình trạng quy hoạch treo, công trình trên đất không có giấy phép xây dựng hoặc chưa hoàn công…dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn của doanh nghiệp.

Cần điều chỉnh cơ chế quản lý thuận lợi để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn. Ảnh: vietnamplus

Định hướng giải pháp tín dụng

Để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho DNNVV trong thời gian tới, ngành ngân hàng tập trung vào một số các giải pháp sau:

- Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, doanh nghiệp.

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DNNVV tiếp cận vốn; phối hợp với các Bộ, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV tại Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương.

- Đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đối tượng thụ hưởng là DNNVV;  Chỉ đạo các TCTD tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

- Tiếp tục triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ, trong đó đẩy mạnh triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách HTLS theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ.

- Đa dạng các hình thức triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của DNNVV.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top