Aa

Các quỹ đầu tư mạo hiểm đổ hàng tỷ USD vào Proptech khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Thứ Bảy, 25/02/2023 - 06:15

Các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đang đổ rất nhiều tiền vào Proptech (công nghệ bất động sản) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do nhu cầu về công trình xanh ngày càng tăng cao.

Proptech (viết tắt của Property Technology) là thuật ngữ chỉ các công nghệ hiện đại được ứng dụng vào lĩnh vực bất động sản. Ra đời cùng xu hướng niêm yết thông tin về sản phẩm bất động sản cần mua bán và cho thuê trên môi trường Internet, Proptech nở rộ trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng đáng kể nhờ vào những đột phá công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data). 

Cụ thể, theo thống kê từ Savills Impacts, vốn đầu tư vào lĩnh vực này đã tăng từ dưới 1 tỷ USD vào năm 2013 lên mức cao nhất là hơn 22 tỷ USD vào năm 2021 với gần 1.200 giao dịch. Chỉ trong năm 2022, hơn 10 tỷ USD đã được đầu tư vào các công ty Proptech trên toàn cầu.

Theo công ty tư vấn và nghiên cứu Future Market Insights, thị trường Proptech toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp hàng năm là 16,8% từ năm 2022 đến năm 2032, quy mô đạt 86,5 tỷ USD. Là khu vực kinh tế sôi động, châu Á - Thái Bình Dương cũng nhanh chóng đón nhận làn sóng đầu tư vào Proptech.

Thống kê của Statista cho thấy từ năm 2010 đến nửa đầu năm 2022, khu vực châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận hàng chục tỷ USD đầu tư vào Proptech, trong đó hai quốc gia dẫn đầu là Trung Quốc với 12,5 tỷ USD và Ấn Độ với 9,1 tỷ USD. 

Khối lượng vốn đầu tư vào các công ty Proptech tại châu Á - Thái Bình Dương theo quốc gia từ năm 2010 đến hết nửa đầu năm 2022. (Biểu đồ: Statista)

Từ đầu năm 2023, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã triển khai các dự án đầu tư hàng tỷ USD vào Proptech châu Á - Thái Bình Dương với kỳ vọng các công ty khởi nghiệp tại khu vực này sẽ nhanh chóng đón đầu làn sóng về phát triển bền vững đang lan rộng tại thị trường bất động sản. 

Tháng 1 năm nay, quỹ đầu tư mạo hiểm Fifth Wall có trụ sở tại Los Angeles, Hoa Kỳ đã thành lập văn phòng châu Á đầu tiên, đặt tại Singapore và hiện đang gây quỹ đầu tư về Proptech cho khu vực này. Theo Business Wire, Fifth Wall là công ty đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới trong lĩnh vực Proptech với hơn 110 đối tác chiến lược trên toàn cầu và đang quản lý danh mục đầu tư trị giá 3,2 tỷ USD.

Trong khi đó, Undivided Ventures có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) cũng đang tìm cách hoàn thành quỹ đầu tư đầu tiên của mình trị giá 50 triệu USD vào Proptech khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào cuối năm nay, với mức vốn hóa huy động tối đa là 100 triệu USD. Quỹ đầu tư này sẽ dành cho các công ty khởi nghiệp Proptech tập trung vào các tiêu chí ESG. Undivided Ventures cũng đang tiến hành đàm phán với các đối tác chiến lược tiềm năng, trong đó có các nhà phát triển bất động sản và nhà đầu tư trên toàn cầu. 

Không nằm ngoài cuộc chơi, JLL Spark Global Ventures, chi nhánh liên doanh của công ty tư vấn bất động sản toàn cầu JLL, hiện đang thành lập một quỹ đầu tư bằng đồng Nhân dân tệ mới và dự kiến ra mắt trong năm nay. Quỹ này sẽ rót vốn vào các công ty khởi nghiệp về công nghệ hỗ trợ các nhà đầu tư và khách thuê bằng các giải pháp sáng tạo và bền vững thuộc các lĩnh vực công nghệ xây dựng, công nghệ tài chính, tòa nhà thông minh, công nghệ công nghiệp và việc làm, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành bất động sản Trung Quốc. Kể từ khi chính thức thành lập vào năm 2018, JLL Spark Global Ventures đã đầu tư hơn  340 triệu USD vào hơn 40 công ty Proptech. 

Một cách khái quát, Proptech giúp nhà phát triển bất động sản giảm chi phí và giảm phát thải carbon thông qua tối ưu mức năng lượng tiêu thụ, tích hợp năng lượng sạch và thu hẹp khoảng cách về hiệu suất giữa thiết kế và vận hành tòa nhà trong thực tế. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, bất động sản chịu trách nhiệm cho 40% lượng khí carbon phát thải toàn cầu, chủ yếu đến từ xây dựng - kiến trúc. Tuy nhiên trong số đó, chỉ 11% lượng khí carbon phát thải đến từ vật liệu xây dựng như bê tông, xi măng. 28% còn lại đến từ chính quá trình vận hành tòa nhà như tiêu thụ năng lượng điện để thắp sáng, sưởi ấm, làm mát. 

Việc quản lý mức tiêu hao năng lượng của tòa nhà thường gặp nhiều khó khăn bởi ngay cả khi sử dụng thiết bị điện tắt/mở tự động, mỗi thiết bị cũng có một bộ lưu trữ dữ liệu riêng lẻ. Điều này gây cản trở cho nhà quản lý trong việc đánh giá hiệu suất tiêu thụ điện của toàn bộ không gian tòa nhà. Thông qua công nghệ Internet vạn vật kết nối (IoT) và cơ sở dữ liệu, mọi thông tin về không gian, an ninh, số người ra vào, mức tiêu thụ điện năng của mỗi thiết bị, hiệu suất sử dụng không gian... đều được tập hợp một cách toàn diện, giúp người điều hành quản lý được công năng của tòa nhà. 

IoT thể hiện sự vượt trội hơn hẳn hệ thống quản lý tòa nhà truyền thống (BMS) nhờ vào những tính năng vượt trội, tốc độ nhanh và tiết kiệm chi phí quản lý. (Ảnh minh họa: Softweb Solution)

Bên cạnh đó, công nghệ mô phỏng cũng giúp kiến trúc sư tối ưu hóa thiết kế sao cho giảm năng lượng tiêu thụ xuống mức thấp nhất có thể. Trước đây, khi không có sự trợ giúp của công nghệ, mức tiêu hao năng lượng của tòa nhà trong thực tế thường cao gấp nhiều lần định mức được dự tính trong bản thiết kế. 

Trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao cùng với hiểm họa từ biến đổi khí hậu, việc tiến tới xanh hóa công trình, giảm tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải carbon đối với doanh nghiệp bất động sản không còn là một sự lựa chọn có tính xã hội, mà là một bước đi cần thiết trong chiến lược kinh doanh nhằm giảm tối đa chi phí vận hành và đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. 

Khi tiến tới nền kinh tế tuần hoàn, bất động sản xanh sẽ có ưu thế vượt trội so với “bất động sản nâu” - các sản phẩm bất động sản phát thải lượng khí carbon lớn, tiêu hao nhiều năng lượng và không đáp ứng được các tiêu chuẩn công trình xanh. Các chuyên gia ước tính rằng hiện nay, 97% cổ phiếu bất động sản thương mại là “tài sản nâu” và rất khó để chuyển đổi thành bất động sản không phát thải. Trong khi đó, 80% các tòa nhà đã được xây dựng theo tiêu chuẩn cũ sẽ tiếp tục tồn tại cho đến năm 2050. 

Nhiều lời cảnh báo đã được đưa ra, rằng số “tài sản nâu” này sẽ trở thành nạn nhân của hiện tượng “giảm giá nâu” khi mà cả nhà đầu tư, người mua và người thuê bất động sản đang ngày càng có yêu cầu cao về tính bền vững của công trình. Bất động sản thương mại không đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh sẽ rất khó cho thuê và bán, dẫn đến giá trị tài sản giảm và khiến nhà đầu tư đối mặt với nhiều rủi ro. 

Các chứng nhận đạt tiêu chuẩn công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng đang dần trở thành điểm cộng lớn trong mắt các nhà đầu tư bất động sản. (Ảnh minh họa: Jobsite)

Không chỉ vậy, bất động sản xanh ngày càng chiếm ưu thế trong việc khai thác nguồn vốn. Trước đây, chỉ có các tổ chức cho vay phát triển như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xác định các tiêu chuẩn bền vững khi xem xét điều kiện vay của các dự án. Tuy nhiên gần đây, các ngân hàng thương mại cũng đã cân nhắc tính bền vững và tiêu chí ESG trong chương trình nghị sự của mình. Nhiều khoản vay xanh đã ra đời, đồng thời trái phiếu xanh bất động sản cũng ghi nhận hoạt động sôi nổi trong thị trường vốn châu Á. Điều đó có nghĩa là, những dự án bất động sản xanh đã có thể chiếm ưu thế cạnh tranh hơn về vốn và thanh khoản so với các dự án bất động sản không bền vững. 

Với nhu cầu phát triển bền vững ngày càng tăng cao trong ngành công nghiệp bất động sản, Proptech sẽ có nhiều “đất dụng võ” với tiềm năng tăng trưởng dồi dào. Trong tương lai, công nghệ sẽ ảnh hưởng và tác động đến hầu hết chu trình vận hành của thị trường bất động sản, từ giai đoạn phát triển dự án, huy động vốn, xây dựng công trình đến giao dịch mua bán, cho thuê./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top