Aa

Hành trình của sự đọc (2): Tuổi đọc từ 6-18 (phần 1)

Thứ Bảy, 24/03/2018 - 20:37

Giai đoạn trẻ bắt đầu đi học lớp 1 cho đến lớp 12 là những năm tháng vô cùng quan trọng, mang tính chất quyết định đến thói quen đọc và cả tính cách sau này của trẻ.

Tôi nhớ có lời của một bài hát, đại để thế này: You live only twice/ One life for yourself, and one for your dreams (Chúng ta sống hai lần/Một cho ta, và một cho những ước mơ).

Dạo bé chắc ai cũng có những ước mơ, dù lớn, dù nhỏ, nhưng chắc hẳn đằng sau những ước mơ ấy có hình bóng của SÁCH. 

Nếu như giai đoạn mẫu giáo, đọc sách chỉ là một trò chơi với trẻ thì ở giai đoạn sau này, khi trẻ bắt đầu bước chân vào lớp 1 thì việc đọc sách có thể mang tính chất quyết định đến thói quen đọc và cả tính cách sau này của trẻ. Và nếu chúng ta coi ĐỌC SÁCH là NẾP NHÀ thì không thể hời hợt, xuề xoà được.

Danh sách các cuốn mà trẻ từ lớp 1 đến lớp 12 được liệt kê ở phần 2. Nhưng đầu tiên, các bậc phụ huynh nên đọc “hướng dẫn sử dụng” của danh sách này:

1. Độ tuổi và bắt đầu đọc từ đâu? 

Danh sách sách sắp xếp theo trình tự tuổi đọc của trẻ một các tương đối.

Phần A dành cho lứa tuổi nhi đồng và thiếu niên, tức là cấp 1 và cấp 2. Trong khoảng đó, bắt đầu đọc ở lớp nào cũng được, cứ bắt đầu ở cấp 1 thì các bố mẹ cho con đọc từ số 1 trở đi, bắt đầu ở cấp 2 thì từ đọc số 6 trở đi. 

Không có tuổi nào là quá muộn để bắt đầu đọc sách. Nhưng đọc càng sớm thì trẻ càng dễ tiếp cận sách hơn rất nhiều. Ảnh: Kim Bách.

Không có tuổi nào là quá muộn để bắt đầu đọc sách. Nhưng đọc càng sớm thì trẻ càng dễ tiếp cận sách hơn rất nhiều. Ảnh: Kim Bách.

Phần B dành cho lứa tuổi thiếu niên và thanh niên, tức là cấp 2 và cấp 3. Tuổi thiếu niên (cấp 2) sẽ bị gối vào 2 danh sách, bởi sự xô lệch của độ tuổi bắt đầu đọc.

Nếu bắt đầu đọc ở cấp 3, các bố mẹ cho con đọc từ số 51 trở đi. Tuổi này mới bắt đầu luyện đọc thì hơi khó khăn. Thường thì các bố mẹ nên bắt đầu từ mấy cuốn tiểu thuyết lãng mạn có chút yêu đương như Bá Tước Monte Crixto của A. Dumas, hay Bọ Cạp-Con Ngựa Định Mệnh chẳng hạn.

Các đầu sách từ số 51-61 trong danh sách sẽ phù hợp với các bạn bắt đầu đọc ở tuổi này. Theo tôi, ta tránh sách đam mĩ hiện đại thì tốt. Bạn bè của tôi nhiều giáo viên, và tôi thường xuyên nhận được chia sẻ về việc học sinh của họ lệch lạc cách sống do sa đà vào đọc thể loại sách này.

Tất nhiên không thể đòi hỏi một sự sắp xếp nào tuyệt đối được, vẫn có những cuốn có ranh giới lứa tuổi mờ nhoè, đặt vào tuổi nào cũng được, như trường hợp của Truyện Cổ Andersen. Với những trường hợp lưỡng khả như thế, các cụ nên để bọn trẻ tự lựa chọn.

Chỉ cần các bậc phụ huynh có thể tạo dựng thói quen đọc sách cho trẻ. Việc còn lại, hãy để chúng tự quyết định. Ảnh: Kim Bách

Các bậc phụ huynh chỉ cần tạo dựng thói quen đọc sách cho trẻ. Những việc còn lại, hãy để chúng tự quyết định. Ảnh: Kim Bách

Danh sách sách mang tính tổng hợp, các bố mẹ không nên ép con đọc bằng hết nhé. Tuỳ vào gu đọc của các bạn ấy mà các bậc phụ huynh nhặt trong đó thôi, hoặc bổ sung những cuốn dịch mới ở ngoài vào.

Mỗi trẻ có một cách tiếp xúc với văn học khác nhau, nhanh chậm cũng khác nhau. Đọc suốt đời, ta cần thông tỏ một điều: KHÔNG BAO GIỜ LÀ “CHẬM” TRONG VIỆC BẮT ĐẦU ĐỌC SÁCH.

Dưới đây, tôi tạm phân loại danh sách sách ra theo đề tài, chủ đề, thể loại; và hướng dẫn đọc theo giá trị bồi dưỡng. Sự phân chia này chỉ mang tính tương đối, nhiều cuốn có thể nằm đồng thời ở nhiều chỗ khác nhau.

2. Phân loại sách 

* Tuổi đọc cấp 1-2
a) Truyện dân gian: cổ tích, ngụ ngôn, thần thoại (số 1-8)
b) Truyện phiêu lưu viễn tưởng (số 8-12, 30-36)
c) Truyện động vật (số 24, 25)
d) Truyện việc tốt, lòng tốt (số 13-23)
e) Truyện về đề tài xã hội (số 26-29)
g) Truyện/sách danh nhân nhạc, hoạ (số 38-46)
h) Truyện/sách làm quen với triết học (số 48-50)

* Tuổi đọc cấp 2-3:
i) Truyện lãng mạn, tình cảm, văn hoá châu Âu (số 51-61)
k) Truyện có yếu tố lịch sử (số 58, 59, 62-75)
l) Truyện xã hội (số 76-80)

3. Hướng dẫn đọc sách theo giá trị bồi dưỡng

* Tuổi đọc cấp 1-2:

Ở lứa tuổi này, tôi chủ trương bồi dưỡng về ngôn ngữ, trí tưởng tượng (mục a, b), thẩm mĩ (mục g), lòng vị tha và tình yêu cuộc sống (mục c, d, e). Trong đó, tôi đặc biệt coi trọng thẩm mĩ và lòng vị tha.

Số sách danh nhân tôi ưa đọc về nhạc sĩ và hoạ sĩ hơn, nhưng việc tìm sách loại này hiện nay khá khó. Các cuốn mục g) toàn là sách cũ, xuất bản từ khoảng 1970s, là truyện chữ.

Ở lứa tuổi này, tôi chủ trương bồi dưỡng về ngôn ngữ, trí tưởng tượng (mục a, b), thẩm mĩ (mục g), lòng vị tha và tình yêu cuộc sống (mục c, d, e).

Ở lứa tuổi mới bắt đầu đi học, việc đọc chủ yếu nhằm bồi dưỡng về ngôn ngữ, trí tưởng tượng, thẩm mĩ, lòng vị tha và tình yêu cuộc sống.

Tôi không thích sách danh nhân được tóm tắt dưới dạng comic (truyện tranh), nó chỉ thuần tuý cung cấp thông tin, không rèn luyện ngôn ngữ, trí tưởng tượng cũng như tình cảm với âm nhạc và hội hoạ.

Tôi nghĩ, con cái chúng ta có thể không biết chơi đàn, không biết vẽ, nhưng để phát triển thành một người bình thường thì các cháu nên hiểu biết về nghệ thuật, cụ thể là âm nhạc và hội hoạ.

Để hình thành cho trẻ lòng vị tha và tình yêu cuộc sống, tôi chủ trương bắt đầu từ việc đọc sách về động vật. Gia đình hạt nhân hiện nay đang đặt trẻ em ở một vị trí độc tôn, đứa trẻ được coi là trung tâm của gia đình, được hưởng mọi thương yêu và chăm sóc, chỉ “nhận” nhiều mà ít khi phải CHO ĐI.

Ta nên cân bằng giữa sự nhận được và CHO ĐI của đứa trẻ. Lí tưởng nhất là mua cho chúng một vài con thú cưng, để chúng biết cho đi tình yêu thương và sự chăm sóc. Nhưng có hay không có thú cưng thì vẫn nên cho chúng đọc sách về động vật. Những câu chuyện đó sẽ đưa chúng phiêu bồng đến những miền đất mới, đem lại cho chúng hiểu biết về tự nhiên rộng lớn xa xôi trên địa cầu, và hình thành cho trẻ một tình yêu động vật.

Thưa các bậc phụ huynh, tình yêu với một cá thể khác loài, ngoài huyết thống là một thứ tình-cảm-hoàn-toàn-không-vụ-lợi, trong sáng, nó đặt những bước đầu tiên để xây dựng nên một con người nhân văn, biết ứng xử đúng đắn với tự nhiên.

Sách kinh điển cũ về động vật không nhiều, bởi vậy, tôi cũng đã tổ chức dịch được 24 cuốn về động vật, trong tủ sách của KẸP HẠT DẺ (số 25).

Khoảng cấp 2, nên dành một chút để trẻ làm quen với triết học (mục h). Các bậc phụ huynh đừng sợ triết, nó là nền tảng cho nhận thức của con người đó. Gọi là triết nhưng cuốn 48-49 rất dễ đọc, vui vẻ, làm quen với triết học và xã hội qua những mẩu chuyện cười. Hướng trẻ đến những suy nghĩ hóm hỉnh cũng hay đấy, nó biểu thị một trí tuệ thông minh và thái độ nhẹ nhõm.

Tôi xếp Kinh Thánh vào cuối danh sách cấp 2, là bởi cuốn này khó đọc, nhưng là nền tảng cho việc đọc hiểu văn học phương Tây và nghệ thuật Phục Hưng. Đây là cuốn sách đọc dần từng tí một, bởi vậy, các cụ có thể cho con làm quen khoảng lớp 8 là vừa.

* Tuổi đọc cấp 3:

Giai đoạn người-lớn-trẻ-dại này khá nhạy cảm, dễ phản ứng, dễ đam mê, nên rất cần một định hướng đọc đúng đắn. List B bắt đầu từ các tiểu thuyết lãng mạn Âu-Mĩ, nuôi dưỡng những xúc cảm của tuổi mới lớn theo hướng tích cực, bồi đắp thẩm mĩ và cung cấp ứng xử trong cuộc sống. Tôi đảm bảo các bậc phụ huynh cũng sẽ mê tít loại này.

Các bộ kinh điển có tính lịch sử như Những Người Khốn Khổ, Sông Đông Êm Đềm có những giá trị rất lớn về lịch sử, xã hội, văn hoá và các giá trị sống. Trẻ tiếp thu được bộ này, sẽ có được cái nhìn khái quát về lịch sử và văn hoá của một quốc gia, thậm chí là một thời đại.

Nhược điểm của chúng là quá đồ sộ, trẻ sẽ khó tiếp xúc, cả về thời gian và tâm thức. Tôi chỉ khuyên các cháu ham sách đọc các bộ này, còn lại thì các bố mẹ cho đọc những tiểu thuyết xã hội khác, trong khoảng từ số 58-80. Bố Già chẳng hạn, rất đời, rất cuốn hút với những nguyên tắc sống quý giá và sự nhận thức về giá trị của gia đình.

Phần tiếp theo: Không gian, thời gian đọc sách, ứng xử của bố mẹ và danh sách các cuốn sách phù hợp theo từng lứa tuổi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top