Hành trình “xưng vương“ của Hoà Bình (HBC)

Hành trình “xưng vương“ của Hoà Bình (HBC)

Hải Thu
Hải Thu thutrinhk96lhp@gmail.com
Thứ Bảy, 25/06/2022 - 06:15

Tranh đoạt vị trí số một ngành xây dựng trong suốt một thập niên, Hòa Bình cuối cùng cũng có được “ngôi vương” từ tay Coteccons. Quả ngọt này là xứng đáng khi Hoà Bình đã kiên cường vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Ngành xây dựng Việt Nam trong khoảng mười năm trở lại đây chứng kiến cuộc đua kịch tính giữa bộ đôi Coteccons (HoSE: CTD) và Hòa Bình (HoSE: HBC). Trong suốt một thập niên, hai doanh nghiệp đều tăng trưởng với tốc độ phi mã, song Coteccons luôn thể hiện sự vượt trội so với Hòa Bình. 

Phải đến năm 2021, Hòa Bình mới vượt lên trên Coteccons để trở thành “ngôi vương” mới của ngành xây dựng Việt Nam. Cuộc “soán ngôi” lịch sử này của Hòa Bình có phần may mắn khi “đối thủ” Coteccons gặp khủng hoảng trầm trọng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng “vương vị” của Hòa Bình là xứng đáng khi doanh nghiệp này đã duy trì được tốc độ tăng trưởng siêu tốc trong suốt một thập niên và cố gắng bám trụ trong dịch bệnh. 

Thực vậy, nhìn lại giai đoạn 2008 - 2018, Hòa Bình đã có “thập niên vàng” với tốc độ tăng trưởng doanh thu “siêu tốc”, khi cứ 5 năm, doanh thu lại tăng gấp 5 lần. Cụ thể, doanh thu năm 2008 là 696 tỷ đồng; năm 2013, tăng gấp 5 lần, đạt 3.431 tỷ đồng; năm 2018, doanh thu lại tăng gấp 5 lần, đạt 18.299 tỷ đồng. Giai đoạn rực rỡ này là niềm tự hào của “người Hòa Bình” và cũng là nguồn cảm hứng lớn cho Nhà sáng lập Lê Viết Hải (đương kim Chủ tịch HĐQT) viết cuốn sách nổi tiếng của ông “Thập kỷ vàng – Trang sử mới”.

Năm 2019, Hòa Bình chạm đến đỉnh cao mọi thời đại, khi doanh thu đạt 18.610 tỷ đồng. Song, niềm vui này của Hòa Bình, nói như Nguyễn Du trong Truyện Kiều, “vui là vui gượng kẻo là”, bởi tốc độ tăng trưởng doanh thu đã chậm lại rất rõ rệt. Những năm trước đó, Hòa Bình tăng trưởng hàng chục %/năm thì năm 2019, doanh thu chỉ nhích nhẹ 1,7%.

Như cơn gió đầu mùa báo hiệu một mùa đông lạnh giá, sự chững lại của tăng trưởng doanh thu năm 2019 báo trước một năm 2020 vô cùng khó khăn của Hòa Bình. Và quả thực năm 2020 đã trở thành năm khó khăn nhất trong lịch sử 33 năm tồn tại của doanh nghiệp này khi doanh thu sụt giảm gần 40%, xuống chỉ còn 11.224 tỷ đồng, thấp nhất kể từ 2016 và lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ 28 tỷ đồng, giảm tới 93% so với năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2008!

Tuy nhiên, chính trong tột cùng khó khăn, Hòa Bình đã thực hiện cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ trên nhiều khía cạnh, từ mô hình kinh doanh đến nhân sự, công nghệ, quản trị, tài chính... Nhờ đó, năm 2021, doanh nghiệp ngăn chặn được đà rơi doanh thu, thậm chí có tăng trưởng dương (tăng 1,1%), đạt 11.536 tỷ đồng, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 bao trùm toàn bộ nền kinh tế, trong đó ngành xây dựng phải chịu những tổn thất nặng nề.

Dù đây là mức doanh thu rất thấp, song trong bối cảnh đối thủ Coteccons chìm sâu trong khủng hoảng (doanh thu năm 2021 tiếp tục “rơi tự do” xuống mức 9.087 tỷ đồng), Hòa Bình đã trở thành doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam trên mọi khía cạnh: Doanh thu, lợi nhuận và giá trị vốn hóa.

Thành tích “xưa nay chưa từng có” này dường như là một liều “doping” giúp Hòa Bình hưng phấn, khiến quý I/2022 có kết quả kinh doanh khá tốt khi đạt doanh thu 2.983 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước và là mức doanh thu quý I cao nhất tính từ năm 2020. 

Khi nhìn vào hành trình “xưng vương” của Hòa Bình, ngoài tốc độ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ, người ta có thể nhận ra một điểm sáng khá nổi bật khác là biên lợi nhuận gộp khá cao so với các đơn vị lớn cùng ngành.

Chẳng hạn xét năm 2016 - năm đầu tiên doanh thu của Hòa Bình vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp lên tới 11,4%. Để so sánh, năm đầu tiên Coteccons vượt ngưỡng doanh thu 10.000 tỷ đồng (2015) chỉ có biên lợi nhuận gộp 8,1%. 

Những năm gần đây, mặc dù biên lợi nhuận gộp của Hòa Bình có xu hướng giảm (năm 2017 là 10,5%; năm 2018 là 9,2%; năm 2019 là 6,7%; năm 2020 là 6,5%; năm 2021 là 7%), song so với các doanh nghiệp lớn cùng ngành, vẫn là ở mức cao. Coteccons trong cùng giai đoạn còn đưa biên lợi nhuận gộp đi dần xuống “đáy”, lần lượt là: 7,4%, 6,4%, 4,4%, 5,8% và 3%.

Sự sụt giảm biên lợi nhuận gộp của Hòa Bình nói riêng, các doanh nghiệp xây dựng nói chung có thể được lý giải bởi đà tăng của giá nguyên vật liệu xây dựng, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nhà thầu khi lao vào cuộc đua cạnh tranh bằng giá, thậm chí xuất hiện những đơn vị chấp nhận làm dưới giá vốn. 

Hiểu bối cảnh chung như vậy mới thấy biên lợi nhuận gộp của Hòa Bình là ở mức “đáng nể”. Biên lợi nhuận gộp biểu hiện cho khả năng quản trị giá vốn của doanh nghiệp, cụ thể hơn là khả năng đàm phán với nhà cung cấp. Biên lợi nhuận ở mức khá cho thấy khả năng đàm phán với nhà cung cấp của Hòa Bình là tương đối tốt so với phần đông còn lại của thị trường.

Có thể nói, qua 2 năm nỗ lực tái cấu trúc của Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải, Hoà Bình đã bắt đầu gặt hái được những trái đầu mùa. Song, nhìn nhận kỹ lưỡng có thể thấy rằng cấu trúc của Hoà Bình vẫn còn tồn tại khá nhiều vấn đề về kinh doanh, tài sản và nguồn vốn mà ông Lê Viết Hải cùng các cộng sự sẽ phải khắc phục trong thời gian tới. 

Cụ thể, về kinh doanh, trong giai đoạn khó khăn của thị trường xây dựng, Hòa Bình đã không thể sống được bằng hoạt động kinh doanh cốt lõi mà phải phụ thuộc vào các khoản thu khác. 

Có thể thấy sự phụ thuộc này bắt đầu những dấu hiệu đầu tiên vào năm 2019 khi khoản thu nhập khác tăng đột biến 5 lần so với năm trước (đạt 142 tỷ đồng), đóng góp 123 tỷ đồng (tương đương 23%) vào lợi nhuận trước thuế của năm. Đáng chú ý, khoản thu nhập khác này chủ yếu là lãi từ giao dịch mua rẻ (HBC mua thêm cổ phần, biến HBO thành công ty con). Có thể nói đây là khoản lãi “không thực chất”, vì chỉ mang ý nghĩa hạch toán.

Bước sang năm 2020, sự phụ thuộc nói trên trở nên cực kỳ rõ nét. Trong bối cảnh doanh thu thuần giảm mạnh, doanh thu tài chính và thu nhập khác đã trở thành “cứu tinh” cho lợi nhuận của Hòa Bình: Doanh thu tài chính tăng gần gấp đôi (đạt 112 tỷ đồng, chủ yếu là lãi chậm thanh toán) và còn thu nhập khác đạt trên 100 tỷ đồng (chủ yếu là lãi từ giao dịch mua giá rẻ - HBC mua thêm cổ phần, biến Công ty Tiến Phát Đông Bắc thành công ty con). Chỉ riêng khoản thu nhập khác đã đóng góp tới 86 tỷ đồng, tương đương 75%, vào lợi nhuận trước thuế năm 2020 của Hòa Bình.

Năm 2021, tình trạng lệ thuộc này đã được cải thiện phần nào do lợi nhuận gộp tăng, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm. Đáng chú ý, khoản thu nhập khác đã giảm rất mạnh (giảm hơn 4 lần, chỉ còn 23 tỷ đồng). Điều này cho thấy, những cải cách của ông Lê Viết Hải trong suốt 2 năm 2020 - 2021 đã cho ra được những kết quả ban đầu.

Về tài sản, vấn đề lớn của Hòa Bình chính là các khoản phải thu. Trong giai đoạn 2016 - 2021, khoản phải thu của Hòa Bình tăng khá mạnh và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tổng tài sản. Cụ thể, năm 2016, khoản phải thu chiếm 59%, năm 2017 tăng lên 66%, từ năm 2018 trở đi chiếm trung bình 70% tổng tài sản.

Xét cơ cấu các khoản phải thu của Hòa Bình, có 2 khoản chủ yếu là “phải thu ngắn hạn khách hàng” (khoản 131) và “phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng” (khoản 337). 

Khoản 337 ghi nhận cùng lúc với doanh thu, là phần trăm công việc HBC đã hoàn thành, được xác minh bởi bên tư vấn thứ ba, nhưng chưa lập hóa đơn cho khách hàng. Khoản 131 là phần giá trị được chuyển từ khoản “phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng” (khoản 337) sang, là phần việc đã lập hoá đơn và chuyển đến khách hàng, theo đó khách hàng có nghĩa vụ phải thanh toán cho Hòa Bình và bất kỳ khoản thanh toán chậm nào sẽ bị phạt. 

Trong các năm qua, khoản 337 chiếm tỷ trọng khá lớn trong các khoản phải thu, có thời điểm lên tới quá nửa (chiếm 51% các khoản phải thu vào năm 2017). Song giai đoạn vừa qua, cơ cấu khoản phải thu khách hàng dịch chuyển theo hướng tăng dần khoản 131, giảm dần các khoản 337 cho thấy chất lượng khoản phải thu ngày càng tăng, cùng với đó là khả năng cao trong việc thu hồi các khoản phải thu, công tác đệ trình và phê duyệt hồ sơ của HBC tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên, việc ghi nhận khoản mục 337 đã dẫn đến thời gian thu hồi công nợ bình quân của Hòa Bình tương đối cao, năm 2020 là 337 ngày, năm 2021 là 325 ngày, từ đó làm gia tăng khả năng phát sinh nợ xấu. Và thực tế, những năm qua, Hòa Bình đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn 2019 -  2021, khoản nợ xấu này tương đối cao, lần lượt là: 386 tỷ đồng, 403 tỷ đồng và 369 tỷ đồng.

Mặt khác, việc các khoản phải thu có giá trị rất lớn cũng đã ảnh hưởng mạnh tới dòng tiền của Hòa Bình. Suốt các năm 2017 - 2020, dòng tiền kinh doanh của công ty luôn trong tình trạng âm nặng: Năm 2018 âm 182 tỷ đồng, năm 2019 âm 706 tỷ đồng, 2020 âm 290 tỷ đồng. Đến năm 2021, dòng tiền kinh doanh mới dương 563 tỷ đồng (do tăng các khoản phải trả), nhưng tới quý I/2022, dòng tiền kinh doanh lại tiếp tục âm 1.050 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh âm liên quan trực tiếp tới vấn đề nguồn vốn của HBC. Không giống như đối thủ Coteccons (trung thành với nguyên tắc “không vay nợ” dưới thời ông Nguyễn Bá Dương và vay nợ tương đối ít dưới triều đại Bolat Duisenov), Hòa Bình nổi tiếng là doanh nghiệp ưa thích sử dụng đòn bẩy tài chính. 

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Hòa Bình các năm qua luôn khá cao, có thời điểm lên tới 5,2 lần (năm 2016). Dù các năm sau đó đã điều chỉnh giảm: Năm 2017 là 4,6 lần; năm 2018 là 4,4 lần; năm 2019 là 3,2 lần; năm 2020 là 2,7 lần, năm 2021 là 3 lần; cuối quý I/2022 là 3,18 lần, song nhìn chung đây vẫn là một mức khá cao, kể cả khi xét đặc thù xây dựng là ngành thâm dụng vốn.

Xét riêng nợ vay, giá trị các khoản vay mượn của Hòa Bình cũng đã rất cao: Năm 2016 gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu; năm 2017 gấp 1,86 lần; năm 2018 gấp 1,48 lần. Dòng tiền vay/trả hàng năm của HBC trong giai đoạn 2018 - 2020 luôn trên 10.0000 tỷ đồng/năm. Năm 2021, dòng tiền vay/trả đã được cải thiện, song vẫn ở mức rất lớn, đạt 9.809 tỷ đồng/9.829 tỷ đồng.

Trên thực tế, Hoà Bình đã và đang có những phương án tăng cường vốn chủ sở hữu cũng như tìm kiếm những nguồn tài trợ dài hạn khác để giảm bớt đòn bẩy tài chính. Chẳng hạn như năm 2019, Hoà Bình đã phát hành 25 triệu cổ phiếu cho Hyundai Elevator Co., Ltd, tăng vốn chủ sở hữu lên 575 tỷ đồng; đồng thời Hòa Bình cũng đã thông qua phương án phát hành trái triếu chuyển đổi trị giá 50 triệu đô la Mỹ.

Bên cạnh đó, việc sử dụng vay nợ để tài trợ cho hoạt động kinh doanh giúp Hòa Bình tận dụng được nhiều cơ hội để tăng trưởng doanh thu và sử dụng hiệu quả nguồn vốn chủ sở hữu, thể hiện ở chỉ số ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) khá cao. Phân tích chỉ số ROE qua từng năm cho thấy đòn bẩy tài chính đóng vai trò rất lớn trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn chủ sở hữu của Hoà Bình. Ví dụ như các năm 2017 - 2019, ROE đạt tới 44,5%, 25,4% và 13,2%. 

Tuy nhiên, nợ vay cũng là "con dao hai lưỡi". Trong bối cảnh khó khăn, "con dao” này có khả năng sẽ quay lại đâm ngược vào hoạt động kinh doanh của công ty. Năm 2020 - 2021, Hòa Bình đã bị đâm rất sâu khi chi phí tài chính (lên tới hơn 300 tỷ đồng) đã ăn mòn lợi nhuận sau thuế, khiến tỷ suất lợi nhuận ròng lần lượt chỉ đạt 0,8% và 0,9%, góp phần lớn vào sự sụt giảm của ROE năm 2020 và 2021, lần lượt là 2,1% và 2,5%. 

Một điều khá đáng tiếc khác cho Hòa Bình là khoản đầu tư tài sản cố định. Để đảm bảo cho tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016 - 2017, Hòa Bình đã đầu tư khá lớn vào máy móc thiết bị cũng như bộ máy quản lý, dẫn đến chi phí cố định hàng năm lớn. Cụ thể, năm 2016, Hòa Bình đã mạnh tay chi tới 602 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng tài sản cố định, năm 2017 là 589 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2018 trở đi, với những khó khăn của thị trường dẫn đến doanh thu tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp chưa thể tận dụng hết các chi phí cố định này.

Hòa Bình đã đi một chặng đường dài để trở thành số một. Những diễn biến gần đây nhất cho thấy công ty đang quyết tâm giữ vững ngôi vị của mình. Năm 2022, Hòa Bình đề ra mục tiêu doanh thu 17.500 tỷ đồng; lợi nhuận 350 tỷ đồng, lần lượt tăng 54,1% và 261% so với thực hiện năm 2021. Con số này lớn hơn đối thủ Coteccons khá nhiều (chỉ hơn 15.000 tỷ đồng doanh thu và vỏn vẹn 20 tỷ đồng lợi nhuận).

Dài hơi hơn, Hòa Bình tham vọng tới năm 2032, doanh thu đạt 20 tỷ USD và lợi nhuận 1 tỷ USD. Đây là một con số khổng lồ và dường như bất khả nếu Hòa Bình chỉ quanh quẩn trong nước. Đó cũng là lý do vì sao Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải nung nấu ý định “đem chuông đi đánh xứ người” và thực tế là trong mấy năm qua, Hòa Bình đã - đang đầu tư ra nước ngoài, cả về xây dựng lẫn kinh doanh địa ốc. Tuy nhiên, câu chuyện đầu tư ra nước ngoài chưa bao giờ là dễ dàng. 

Bây giờ, Hòa Bình đã là số một. Thành tựu đã có, song vẫn còn là khiêm tốn. Để trở nên vĩ đại hơn, còn rất nhiều việc phải làm...

Hải Thu
Lê Quyên
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top