Hiện thực hoá các giải pháp phát triển công trình xanh tại Việt Nam

Hiện thực hoá các giải pháp phát triển công trình xanh tại Việt Nam

Thứ Năm, 12/05/2022 - 06:09

 Trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng… trào lưu công trình xanh tại các nước phát triển được xem là mô hình lý tưởng cho các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, công trình xanh đã trở thành một chủ đề được quan tâm đặc biệt hiện nay. Tuy nhiên, việc tiếp thu kinh nghiệm thế giới như thế nào là hết sức quan trọng nhằm đảm bảo cho đất nước vừa phát triển vừa giữ gìn được bản sắc dân tộc. Bên cạnh việc tiếp thu các công nghệ tiên tiến của các nước phát triển, cần quan tâm đến khía cạnh nhân văn, khai thác lợi thế của các địa phương trong việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam và phát triển bền vững của đất nước.

Bài viết này đề cập đến việc hiện thực hóa các giải pháp phát triển công trình xanh và bàn luận về những thách thức, cơ hội phát triển công trình xanh tại Việt Nam hiện nay. 

Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước để trở thành một nước công nghiệp. Sau gần ba mươi năm đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, nền kinh tế nước ta không ngừng phát triển, diện mạo đất nước đã hoàn toàn đổi khác. Nhiều đô thị mới được hình thành theo quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và rộng khắp. Các thành phố cũ được cải tạo, mở rộng và nâng cấp. Hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng được cải thiện và xây dựng mới. Những công trình kiến trúc hiện đại cao đến vài chục tầng mọc lên bên những đại lộ đã không còn là xa lạ. Sự xuất hiện các khu đô thị mới với những chung cư cao tầng tiện nghi, hiện đại đã đem đến một hình ảnh về lối sống mới cho cư dân đô thị. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này đã nảy sinh những thách thức của sự phát triển đô thị thiếu bền vững, xu hướng kiến trúc bị thương mại hóa, thiếu bản sắc. Bên cạnh đó là vấn đề môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm nặng nề dưới tác động của đô thị hóa. Các hồ, đầm bị san lấp, bị lấn chiếm để lấy đất xây dựng. Công viên, vườn hoa… lá phổi xanh của thành phố bị thu hẹp. Nguồn tài nguyên nước quý giá tưởng như là vô tận đang bị nhiễm và nguy cơ bị suy giảm...

Trên thế giới những năm gần đây, trước thực tế đáng báo động về ảnh hưởng tác động của ngành công nghiệp xây dựng với môi trường sống, cảnh quan và hệ sinh thái… đã dẫn đến nhu cầu tìm ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp xây dựng theo hướng phát triển bền vững. Các khái niệm như đô thị sinh thái, kiến trúc thích ứng khí hậu, kiến trúc sinh thái, công trình xanh…đã xuất hiện và được áp dụng trong thực tiễn. Công trình xanh đang trở thành xu hướng phát triển bền vững của nhiều quốc gia không chỉ trong các công trình xây dựng mà cả quy hoạch đô thị.

Trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, trào lưu kiến trúc tại các nước đang phát triển lan sang các nước đang phát triển như Việt Nam được xem như là một mô hình lý tưởng. Những mô hình công trình xanh này khiến các nước đang phát triển choáng ngợp bởi các giải pháp công nghệ tân tiến, vật liệu xây dựng hiện đại (như là vật liệu kính, thép…).  Tuy nhiên việc ứng dụng một cách linh hoạt và phù hợp vào trong điều kiện riêng của từng nước, từng địa phương còn đang là một khoảng trống lớn. Việc hiện thực công trình xanh đang gặp rất nhiều trở ngại.

Trên thế giới, châu Á và tại Việt Nam, từ vài năm nay đã có những nỗ lực tạo ra một hướng đi cho công trình “xanh”. Biểu đồ dưới đây cho ta một góc nhìn toàn diện về phát triển công trình xanh trên thế giới khi so sánh số lượng công trình xanh năm 2018 và 2021. Việt Nam đã có những bước tiến trong phát triển công trình xanh nhưng vẫn còn một khoảng cách so với các nước tiên tiến trên thế giới. Nhiều giải pháp thúc đẩy công trình xanh đã được đưa ra nhưng dường nhưng chưa đi vào cuộc sống. Hiện thực những giải pháp này chính là cách để nhanh chóng bắt kịp với thế giới khi Việt Nam đã có những cam kết về giảm phác thải CO2 trong COP 26 vào tháng 12/2021 vừa qua.

Xu hướng phát triển công trình xanh trên thế giới.

Phát triển kiến trúc Việt Nam hiện nay đang đứng trước khá nhiều thách thức. Đó là việc phát triển chung chung mờ nhạt, thiếu bản sắc, tính hiện đại không triệt để, còn một khoảng cách khá xa với trình độ quốc tế. Đối với xu hướng kiến trúc tiên tiến và đang phát triển trên thế giới như công trình xanh, cách tiếp cận và sự hiểu biết của chúng ta còn rất sơ lược. Số lượng các tài liệu về “công trình xanh” lưu hành tại Việt Nam chưa nhiều và chưa được phổ cập rộng rãi. Đa phần các tài liệu có xuất xứ từ Châu Âu hay Bắc Mỹ, nơi chủ yếu chống lạnh, trong khi tại Việt Nam, vấn đề chống nóng và thoát ẩm phải đặt lên hàng đầu.

Hiện nay Việt Nam chưa có hệ thống hành lang pháp lý do Bộ Xây dựng ban hành nhằm thúc đẩy, khuyến khích và bắt buộc các nhà tư vấn, các chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình tuân theo xu hướng thiết kế và xây dựng công trình xanh bền vững, thiếu sự định hướng của Nhà nước và các quy định về luật. Đồng thời sự quan tâm của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ, vật liệu xanh nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu còn chưa nhiều. Còn thiếu một hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh tiêu chuẩn như các nước trên thế giới cho điều kiện riêng Việt Nam.

Việc ứng dụng công nghệ xanh mang lại nhiều lợi ích về môi trường, có độ bền cao, đảm bảo phát triển bền vững và giúp cho việc quản lý tòa nhà được hiệu quả hơn nên những công trình xây dựng áp dụng những công nghệ xanh ở mức độ cao là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ xanh trong các công trình xây dựng hiện nay ở Việt Nam mới chỉ là khởi đầu với chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nên việc ứng dụng, triển khai gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh những tổ chức, doanh nghiệp… đang nỗ lực hướng tới những sản phẩm sinh thái, thân thiện với môi trường, không ít hiện tượng mượn cái mác “xanh” để trục lợi từ các chính sách ưu đãi hoặc để tạo ra vẻ ứng dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng mà không hề thực chất.

Bên cạnh đó, một yếu tố không thể thiếu là sự thay đổi tư duy thiết kế của các kiến trúc sư và sự thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội, để từ đó mọi người đều có trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường sống, tiết kiệm tối đa sử dụng tài nguyên. Hướng tới công trình xanh nhưng với những nỗ lực còn riêng lẻ, thiếu sự phối hợp đồng bộ mà đây lại là điều kiện tiên quyết để thành công.

Bên cạnh những thách thức thì cũng không ít cơ hội mở ra cho phát triển công trình xanh Việt Nam. Việt Nam đang trên đà phát triển và hội nhập, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng: các khu đô thị, các công trình phúc lợi xã hội…ngày càng được phát triển. Trước những thách thức lớn của quá trình đô thị hóa thì phát triển công trình xanh là giải pháp giúp kiến trúc Việt Nam phát triển bền vững, có bản sắc và thân thiện với môi trường. Đây chính là một cơ hội mở cho công trình xanh Việt Nam phát triển.

Xét về phương diện kiến trúc tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, thân thiện với môi trường thì hình mẫu kiến trúc truyền thống Việt Nam là một hình mẫu công trình xanh. Trong cách xây dựng, tổ chức ngôi nhà truyền thống ông cha ta đã đúc kết rất nhiều kinh nghiệm như chọn hướng xây nhà, bố cục tổ chức không gian khuôn viên đến lựa chọn vật liệu xây dựng, bố trí ao hồ, cây xanh...để ngôi nhà của mình phù hợp với cuộc sống tự nhiên tạo một cuộc sống thích nghi phù hợp với tâm sinh lý người Việt trong điều kiện kinh tế cho phép. Những kiến trúc dân gian Việt Nam từ lâu đời đã có những kinh nghiệm xanh mặc dù ở một trình độ công nghệ thấp. Dù vậy những bài học này lại là những nền móng rất vững chắc cho việc phát triển công trình xanh trong điều kiện Việt Nam trong tương lai.

Một số hình ảnh của ngôi nhà truyền thống Việt Nam, nguồn: tác giả

Công trình xanh đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng ở các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Công trình xanh đã phát triển ở nhiều nước phương Tây và đã đem lại những giá trị tích cực. Do mới bắt đầu cho công cuộc phát triển công trình xanh, nước ta có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm của các nước phát triển.

Nhà nước đã bước đầu có những quan tâm tới phát triển công trình xanh bằng việc ban hành một số văn bản pháp quy. Bộ Xây dựng đang tập trung điều chỉnh, xây dựng mới những tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về mặt quy hoạch, đưa dần các tiêu chuẩn xây dựng xanh vào ở mức độ các tòa nhà, các khu đô thị mới. Một số chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động quốc gia có thể liệt kê như sau:

·      Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh, giai đoạn 2014 - 2020

·      Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu

·      Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

·      Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

·      Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững

·      Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019  -2030

Những thay đổi trong quan điểm phát triển công trình xanh của các cơ quan quản lý tại Việt Nam:

Phát triển Công trình xanh đối với nhà ở và nhà công cộng là nội dung chủ yếu của ngành xây dựng nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động quốc gia của Chính phủ về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hoạt động phát triển Công trình xanh mang tính tự nguyện. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm huy động các nguồn lực của xã hội tham gia hoạt động phát triển Công trình xanh, đồng thời có trách nhiệm tổ chức, dẫn dắt hoạt động phát triển các loại công trình này.

Hoạt động đầu tư xây dựng hoặc cải tạo công trình nhà ở, tòa nhà văn phòng làm việc và công trình công cộng được đầu tư và vận hành bằng ngân sách nhà nước phải đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn Công trình xanh.

Công trình xanh cần phải có chiến lược xanh trong toàn bộ các lĩnh vực, công đoạn và cần bắt đầu ngay từ khâu thiết kế.

Hiện thực công trình xanh cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế. Phát triển công trình xanh không đi ngược lại nhu cầu phát triển kinh tế và phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội của từng địa phương. Có thể thấy phát triên công trình xanh không phải là giải pháp riêng cho các nước phát triển mà của cả các nước đang phát triển để giải quyết một loạt các vấn đề về môi trường đang đặt ra trên bình diện toàn cầu. Bên cạnh những lợi ích cho môi trường, sức khỏe và tiện nghi cho người sử dụng, công trình xanh còn mang lại nhiều lợi ích cho các nhà phát triển bất động sản được thể hiện trong bảng dưới đây.

Lợi ích của công trình xanh
Lợi ích của công trình xanh

Phát triển công trình xanh cần được triển khai bao trùm trên cả đô thị, công trình kiến trúc, vật liệu và các sản phẩm xây dưng. Những sản phẩm của công trình xanh là một quá trình khép kín. Giảm thiểu những đầu vào của đô thị và kiến trúc (những vật liệu thô), giảm thiểu đầu ra của đô thị và kiến trúc (ô nhiễm, rác thải, nước thải…). Sử dụng triêt lý “nguồn gốc trở về nguồn gốc - C2C” để thực hiện việc tái sử dụng các vật liệu cũ càng nhiều càng tốt…

Cần thống nhất khái niệm xanh từ kiến trúc sư, cho đến các nhà sản xuất, đầu tư, quản lý ….Khái niệm xanh được hiểu một cách khái quát là những công trình và đô thị được thiết kế có trách nhiệm với môi trường. Trong đó những vấn đề chính cần quan tâm là nguồn năng lượng, chất thải, sử dụng nước, sử dụng đất, ảnh hưởng đối với hệ sinh thái khu vực, chất lượng không khí và chất lượng môi trường bên trong công trình…, đồng thời còn phải nghiên cứu tổ chức không gian, công năng của công trình kiến trúc tương ứng và ý nghĩa và yêu cầu của thẩm mỹ đô thị và  kiến trúc. Nhận thức về công trình xanh cần được tuyên truyền trong cộng đồng xã hội  để định hướng và thúc đẩy phát triển theo hướng kinh tế xanh một xu thế đã được thế giới lựa chọn.

Cần có sự phối hợp hành động giữa các tổ chức liên quan dến việc phát triển công trình xanh như Bộ xây dựng, Hội kiến trúc sư Việt Nam, Hội đồng công trình xanh ….

Hiện nay đang có hiện tượng đánh đồng khái niệm công trình xanh với các khái niệm công trình thân thiện với môi trường khác. Điều này khiến cho những người làm thiết kế, quản lý và đào tạo… còn mơ hồ và không công bằng cho những người phát triển công trình xanh thực chất.

Khái niệm về công trình xanh theo Luật Xây dựng (2020) tại Việt Nam
Khái niệm về công trình xanh theo Luật Xây dựng (2020) tại Việt Nam

Phát triển công trình xanh tại Việt Nam bên cạnh việc tiếp thu các công nghệ tiên tiến rất cần quan tâm đến các khía cạnh nhân văn, khai thác tối đa các lợi thế của địa phương. Trong mọi hoàn cảnh luôn cần lấy con người là trung tâm tránh việc sùng bái công nghệ mà bỏ qua những tiềm năng của địa phương, hướng tới sự phát triển hài hòa của môi trường sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn. Cần hướng đến những công nghệ phù hợp với điêu kiện khí hậu, kinh tế, xã hội của tường địa phương thay vì chạy theo các công nghệ của các nước phát triển. Tôn trọng nguyên tắc khai thác tối đa các yếu tố tự nhiên, sử dụng các kỹ thuật xây dựng phù hợp. Có thể cải tiến những kỹ thuật xây dựng dân gian cho phù hợp với thực tiễn, thân thiện với môi trường và xã hội hóa với sự tham gia của cộng đồng.

Để công trình xanh có thể đi vào đời sống, cần thực hiện được bốn giải pháp không thể thiếu có thể liệt kê như sau:

·     Xây dựng chính sách: Cần có sự cam kết của cấp lãnh đạo, cần có một hệ thống luật rõ ràng.

·     Sản phẩm xanh: Cần phải tạo một nguồn cung các sản phẩm xanh dồi dào, phong phú và có chất lượng cao với giá thành hợp lý.

·     Khách hàng cho sản phẩm xanh: Cần xây dựng một thị trường cho sản phẩm xanh với các khách hàng xanh

·     Quản lý và khuyến khích các sản phẩm xanh: Cần xây dựng một hệ thống quản lý và đánh giá các sản phẩm xanh để phát huy công trình xanh một cách thực chất.

Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, công trình xanh với tư tưởng mới là tiền đề cho hàng loạt kế hoạch hành động cần triển khai để hiện thực hóa các giải pháp phát triển công trình xanh tại Việt Nam trong thời gian tới:

Thứ nhất, xây dựng một cơ chế hỗ trợ và khuyến khích công trình xanh thông qua việc ban hành các hệ thống luật liên quan. Cụ thể là: Xây dựng cơ chế, chính sách tài chính khuyến khích phát triển công trình xanh; Quan tâm phát triển công trình xanh trong thể loại nhà ở, nhà công cộng, tòa nhà thương mại được đầu tư từ ngân sách nhà nước; Hoàn thiện hệ thống định mức, quy chuẩn tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng công trình xanh…

Thứ hai, tạo lập môi trường cho công trình xanh thông qua sự cân bằng của kinh tế và môi trường, áp dụng vào các sản phẩm công nghiệp và hoạt động thương mại. Thông qua các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xây dựng công trình xanh; phát triển và sản xuất VLXD xanh - thân thiện môi trường….

Thứ ba, xây dựng các chương trình đào đạo nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực…về công trình xanh từ các trường đại học và mở rộng đến các tầng lớp trong xã hội.

Thứ tư, xây dựng các chuẩn ISO và hệ thống đánh giá cho các công trình và sản phẩm xây dựng xanh.

Thứ năm, xây dựng các mô hình thực hiện từ chính sách- thí điểm- lựa chọn hình mẫu chuẩn – áp dụng nhân rộng

Công trình xanh là hướng đi tất yếu của Kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, bởi nó đáp ứng được các giá trị của kinh tế, văn hóa, công nghệ, các yêu cầu và chất lượng cuộc sống trong hiện tại và tương lai.

Nhiều cơ hội đang mở ra với công trình xanh trong quá trình phát triển tại Việt Nam. Quá trình phát triển các vùng đô thị rộng lớn như là Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh tạo ra nhiều cơ hội cho việc giảm thiểu việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên và lượng khí thải. Đây cũng là điều kiện tốt cho việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng nền kinh tế hiệu quả về năng lượng và xanh sạch trên tinh thần của công trình xanh.

Bên cạnh đó, công trình xanh rất cần những nỗ lực mạnh mẽ của các cơ quan liên quan từ quản lý, giám sát và cả ngành công nghiệp xây dựng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   China Academy of Building Research – Technical Guidelines for Green Building – MOC and MoST -  Beijing 2005.

2.   Nguyễn Hữu Dũng - Tiết kiệm năng lượng và tài nguyên –tiêu chí quan trọng để phát triển đô thị và kiến trúc bền vững - Tạp chí Xây dựng 3 – 2011.

3.   Hội KTS - Hiệp Hội BĐS thành phố Hồ Chí Minh - Tập đoàn KOHLER – Xây dựng Công trình Xanh  tại Việt Nam - Hội thảo quốc gia – Thành phố Hồ Chí Minh 12/2010.

4.   VGBC. Công cụ LOTUS phi nhà ở. Phiên bản V.1, ngày 3/8/2011.

5.   Institute for Building Environment and Energy Convervation, Japan Green Building Council (JaGBC/ Japan Sustainable Building Consortium (JaSBC). Japan CASBEE for new construction. Technical Manual 2008 Edition. Tool-1.

6.   Singapore. BCA Green Mark for New Non – Residential Buildings Version NRB/4.0, Effective date: 1 Dec 2010.

7.   Phạm Ngọc Đăng, Phạm Hải Hà. Bàn về xây dựng đô thị sinh thái ở nước ta. Tạp chí “Kiến trúc Việt Nam”, số 4/2002.

8.   Phạm Ngọc Đăng. Phát triển đô thị bền vững về môi trường ở Việt Nam. Tạp chí “Quy hoạch Xây dựng”, số 6/2004.

9.   Phạm Đức Nguyên. Chương trình phát triển công trình xanh và sự ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành xây dựng. Tạp chí “Người xây dựng”, tháng 4/2.

Thế Công
12/05/2022 06:09
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top