Aa

Hiện thực hóa khát vọng sông Hồng: Giải bài toán phát triển

Thứ Sáu, 05/08/2022 - 16:05

Khát vọng về một thành phố ven sông, về không gian văn hóa mới đang dần trở thành hiện thực sau thời gian dài một tài sản và cũng là di sản quý chưa được khai thác.

Với các lợi thế sẵn có cùng với việc phát huy tối những giá trị sông nước bền vững, không giới hạn, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng khi được triển khai thực hiện sẽ không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn là động lực thu hút đầu tư, tiến tới hình thành chuỗi đô thị hiện đại, tạo lập cảnh quan đô thị hai bên bờ sông với các công trình điểm nhấn - biểu tượng của Thủ đô.

Khát vọng về một thành phố ven sông, về không gian văn hóa mới đang dần trở thành hiện thực sau thời gian dài một tài sản và cũng là di sản quý chưa được khai thác.

Song, đây là một bài toán khó và phức tạp khi triển khai, đòi hỏi quyết tâm cao, cách làm đúng. Vì vậy, để thực hiện được bản quy hoạch nhiều kỳ vọng này, Hà Nội cần nỗ lực triển khai các giải pháp với tư duy, kỹ năng khoa học về cả quản trị và kinh tế nhằm hiện thực hóa khát vọng; trong đó, tôn trọng các yếu tố văn hóa, lịch sử, sinh thái, đặc biệt lấy người dân là trung tâm cho sự phát triển.

Du khách ngắm hoàng hôn sông Hồng trên tàu du lịch cao cấp. (Ảnh: TTXVN phát)

Tôn trọng giá trị gốc, hình thành bản sắc văn hóa mới

Tại Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử khu vực sông Hồng được thành phố đặc biệt quan tâm khi thực hiện quy hoạch, đồng thời phát huy các giá trị đó theo hướng hình thành trục không gian văn hoá mới, góp phần thúc đẩy du lịch và các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác phát triển.

Những người yêu văn hóa Hà Nội cũng kỳ vọng trong thời gian tới, thành phố tiến hành tu bổ, tôn tạo các di tích dọc hai bờ sông, khôi phục một số lễ hội lớn diễn ra tại dòng sông Hồng như lễ hội đèn Quảng Chiếu, lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội Lý Ông Trọng chém con giải trên sông... và phát triển các không gian văn hóa sáng tạo.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, thành phố cần có một quy hoạch rõ ràng, chi tiết cho khu vực dọc sông Hồng, hình thành nên một mạng lưới các không gian, để giới sáng tạo có thể cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, nguồn lực và tổ chức thêm nhiều sự kiện thu hút sự quan tâm của xã hội và có thêm công chúng.

Sự phát triển của các không gian sáng tạo ở khu vực sông Hồng sẽ có những đóng góp quan trọng đối với Thủ đô, làm nên diện mạo mới về văn hóa Hà Nội, để nơi đây thực sự xứng đáng với vị trí trung tâm văn hóa lớn nhất của cả nước, biểu tượng cho những giá trị cao đẹp của con người và đất nước Việt Nam.

Là địa bàn được hưởng lợi trực tiếp khi Hà Nội triển khai Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, người dân làng Bát Tràng mong muốn thành phố cần xem xét yếu tố đặc thù khi triển khai Quy hoạch. Trên cơ sở đó, thực hiện đồng bộ các dự án góp phần đưa Bát Tràng sớm trở thành điểm du lịch tiêu biểu của Thủ đô và cả nước.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi chia sẻ, thành phố cần đầu tư tôn tạo các công trình văn hóa, phục dựng, tôn vinh các giá trị văn hóa phi vật thể của các địa phương, các làng nghề truyền thống. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện xây dựng các sản phẩm du lịch của từng làng nghề phục vụ cho từng đối tượng khách du lịch và được quảng bá rộng rãi.

Việc khai thác phát triển sông Hồng thành tuyến du lịch trọng điểm là vấn đề lớn liên quan đến các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, vì vậy rất cần sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, thành phố cần tập trung xây dựng và hoàn thiện công tác quy hoạch các cảng thủy nội địa, các tuyến đường thủy nội địa kết nối đồng bộ với quy hoạch các tỉnh tạo thành mạng lưới du lịch đường thủy nội địa quốc gia hoàn chỉnh, thống nhất. Trong đó, phối hợp hình thành ba hành lang du lịch đường thủy nội địa, gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình, Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, thành phố cần tập trung nguồn lực để đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở như hệ thống giao thông đường thủy, giao thông kết nối, hạ tầng nội khu và hạ tầng du lịch tại các bến cảng du lịch đường thủy; đồng thời, thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư nâng cấp các bến tàu thủy nội địa, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động, thu hút khách du lịch; nghiên cứu triển khai một số mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư, vận hành tại các bến cảng du lịch đường thủy.

Bên cạnh đó, thành phố cần đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng các cảng du lịch đường thủy theo đúng quy hoạch, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm đường thủy mới phục vụ du khách.

Lấy người dân làm trung tâm

Theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, mở rộng thêm diện tích đất dân dụng và đất công cộng đô thị, đường giao thông, Hà Nội sẽ có hệ thống hạ tầng mới là cảng ven sông và không gian xanh ven sông để làm nơi thư giãn, phát triển trung tâm thương mại dịch vụ phục vụ du lịch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh khu vực Long Biên, Hoàn Kiếm - nơi đang thiếu hụt không gian sống; đồng thời, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các khu vực lân cận như Đông Anh, Sóc Sơn và nhiều đô thị khác.

Cùng quan điểm coi trọng các không gian xanh, anh Lê Quang Bình, Điều phối viên Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống bày tỏ, Hà Nội cần coi sông Hồng là một thực thể cần được bảo vệ và duy trì chức năng thiên nhiên của nó. Dòng sông, các thảm thực vật và các loài động vật ở bãi giữa cũng như dọc sông chính là những giá trị lớn mà sông Hồng mang lại cho thành phố. Bất cứ can thiệp nào của con người, dù từ khía cạnh văn hóa hay kinh tế, yếu tố sinh thái phải được đặt lên hàng đầu.

Các ý kiến chuyên gia đều cho rằng quy hoạch phân khu là tiền đề tốt để xây dựng đô thị sông Hồng thành trục văn hóa, du lịch, lịch sử, một đô thị xanh - văn minh hai bên bờ sông, nhưng đòi hỏi nguồn lực rất lớn.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh các vấn đề về tái hiện cư dân như thế nào, bồi thường, xây dựng ra sao... là bài toán kinh tế đô thị đòi hỏi Hà Nội phải có những chính sách cụ thể, minh bạch để thu hút đầu tư mà không bị cản trở bởi các thủ tục hành chính.

Tất cả quy hoạch chi tiết phải được công khai, lấy người dân làm trung tâm, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, thì quy hoạch sẽ tốt.

Đề cập đến việc triển khai quy hoạch vào thực tiễn, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng khó khăn lớn nhất là Hà Nội phải huy động nguồn lực. Vì vậy, Quy hoạch phân khu phải được cụ thể hóa thành quy hoạch chi tiết và có chính sách đặc thù, cụ thể để kêu gọi xã hội hóa tham gia quy hoạch và nguồn lực đầu tư.

Đồng thời, các cấp chính quyền phải tuyên truyền giúp người dân thấy rõ trách nhiệm và tiềm năng để sẵn sàng ủng hộ việc triển khai thực hiện quy hoạch. Bởi vì nguồn lực xã hội không chỉ là ngân sách mà còn là ý thức trong bảo vệ môi trường, là nguồn lực tuyên truyền quảng bá để mọi người thấy vị thế của sông Hồng.

Cũng theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, vấn đề phức tạp nhất đối với quy hoạch hai bờ sông Hồng hiện nay là vướng mắc ở việc ổn định dòng chảy và kết nối khai thác dòng sông với các vùng trong nội đô lịch sử. Vì vậy, kiến trúc xây dựng tại hai bờ sông Hồng phải đáp ứng được các vấn đề của tự nhiên, phải thuận thiên.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng đặt vấn đề: Phải tìm ra nguồn kiến trúc để khi nào có nước thì kiến trúc đó mới tồn tại chứ không phải chúng ta sợ thiên tai mà chúng ta không xây dựng. Ví dụ, khi xây dựng 2 con đường ở hai bên sông Hồng như 1 con đê thì chúng ta phải tính đến khu vực hướng bờ sông chỉ làm cây xanh, khu vực công cộng, không gian xanh, vui chơi giải trí. Khi mùa nước thì đó là nơi thoát lũ. Còn bên trong có thể các nhà thấp tầng, nhà vườn, càng gần trung tâm thì cao tầng.

“Như vậy, chúng ta có đô thị hướng ra sông chứ không quay lưng ra sông nữa; đồng thời, sông Hồng vẫn được giữ gìn và bảo vệ, giữ là dòng sông lịch sử, dòng sông văn hóa. Tất cả cái đó sẽ đáp ứng yêu cầu làm quy hoạch chung, tức là quy hoạch tích hợp giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, thủy lợi và quy hoạch kinh tế và đây là điều kiện để Hà Nội phát triển”, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nêu quan điểm.

Có thể thấy, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt là quyết tâm chính trị của Hà Nội vì liên quan đến rất nhiều người dân đang sống tại khu vực ven sông.

Theo thống kê của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, có khoảng 243.670 người dân tương ứng trên 66.000 hộ nằm trong phạm vi quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và là những đối tượng chính chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quy hoạch này.

Nhiều người dân bày tỏ vui mừng, ủng hộ chủ trương của thành phố và mong chờ một khu đô thị xanh với các dự án cộng đồng hàm chứa đầy đủ các giá trị về vật chất và tinh thần sớm được đầu tư xây dựng để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, cũng có không ít hộ dân mấy chục năm sống phụ thuộc vào dòng sông như chị Phạm Thị Hạnh (người dân ở xóm chài khu bãi giữa sông Hồng) mong muốn thành phố cần đảm bảo quyền lợi cho người dân và nhất là việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ thuộc diện di dời.

Hiện thực hóa “khát vọng sông Hồng” hay hành trình biến giấc mơ thành hiện thực đang đặt lên vai chính quyền, người dân Hà Nội những gánh nặng lớn lao của lịch sử, văn hóa và khát vọng phát triển.

Với sự chung tay của toàn thể nhân dân, sự hỗ trợ từ các nguồn lực quốc tế và nhất là nỗ lực mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội đang quyết tâm phát triển với niềm tin lớn lao “Khát vọng sông Hồng" sẽ trở thành hiện thực.

"Dòng sông đỏ nặng phù sa" sẽ sớm khoác lên mình “tấm áo mới,” xứng đáng với một Thủ đô ngang tầm khu vực và quốc tế trong tương lai không xa./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top