Nếu thực hiện đúng mục tiêu, mỗi năm thị trường có thêm khoảng 100.000 - 110.000 căn nhà ở xã hội
Đánh giá về Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định, trong bối cảnh nhà ở xã hội (NƠXH) thiếu nghiêm trọng, nếu thực hiện đúng mục tiêu thì mỗi năm thị trường có thêm khoảng 100.000 - 110.000 căn hộ, góp phần gia tăng cơ hội tiếp cận về nhà ở của người thu nhập thấp và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển cân đối, bền vững.
Ngoài ra, đề án là cơ sở để các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư và phát triển NƠXH.
Cụ thể, nghiên cứu xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển NƠXH và sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), pháp luật về thuế và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về NƠXH.
TS. Nguyễn Văn Khôi cũng nhấn mạnh, điểm mới của đề án là xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp sẽ thuộc hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của địa phương.
Đề án cũng sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư thực chất hơn, theo hướng đối với phần 20% diện tích đất thương mại trong dự án nhà ở xã hội được hạch toán riêng, không phải hạch toán chung vào cả dự án; được hạch toán các chi phí hợp lý, hợp lệ trong quá trình đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội vào giá thành.
Theo thống kê, nhu cầu về nhà ở xã hội của các địa phương giai đoạn 2021 - 2030 vào khoảng 2,4 triệu căn, như vậy, mục tiêu lớn hơn của Đề án không chỉ dừng lại ở con số 1 triệu nhà ở xã hội. Và muốn thực hiện thành công, cần sự phối hợp của nhiều bên liên quan.
“Đồng chí Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã thường xuyên chỉ đạo và làm việc với các địa phương, doanh nghiệp… để lắng nghe về những khó khăn, bất cập và đưa ra giải pháp để giải quyết từng dự án đầu tư, nhất là dự án NƠXH. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp bất động sản các tỉnh, thành phố lớn với sự tham gia của các sở, ngành, để bàn giải pháp triển khai NƠXH theo chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Vấn đề quan trọng hiện nay là chính quyền địa phương và các nhà đầu tư cần khẩn trương triển khai từ khâu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, dự án, giải phóng mặt bằng và thực hiện đầu tư”, TS. Nguyễn Văn Khôi nhận định.
Đề xuất rút ngắn thủ tục và thời gian giải quyết đối với phân khúc nhà ở xã hội xuống còn 10 - 12 tháng
Để đề án thực sự đi vào thực tiễn và lan tỏa được giá trị, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất một số giải pháp.
Thứ nhất, cần nhanh chóng thể chế hoá và đảm bảo hiệu lực thực thi bằng văn bản quy phạm pháp luật với những định hướng, điều kiện thuận lợi, ưu đãi đã được xác định trong Đề án về hạ tầng, đất đai, tài chính… cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xây dựng NƠXH.
Thứ hai, trên cơ sở Đề án, trong từng giai đoạn, các địa phương cần đề ra mục tiêu cụ thể, như xây ký túc xá cho sinh viên, NƠXH cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp dựa trên điều chỉnh quy hoạch, vị trí đất đai và phân bổ nguồn lực phù hợp.
Thứ ba, chính quyền địa phương cần kiểm soát về giá nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và mức phí dịch vụ khu nhà ở xã hội.
Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu, dự báo tình hình, đánh giá đầy đủ nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là công nhân, người lao động có thu nhập thấp, sinh viên mới ra trường. Đặc biệt, cần tính đến mức thu nhập phổ biến của người lao động và khả năng có thể mua nhà ở xã hội để điều hành chính sách tài chính, tiền tệ cho phù hợp, nhất là lãi suất và cơ chế cho vay mua nhà ở xã hội.
Thứ năm, tăng cường tính minh bạch, chính xác về thông tin, dữ liệu về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng để dự báo cung - cầu, nhất là giám sát về giá, cơ cấu căn hộ, tỷ lệ nhà cho thuê, mua và giải phóng mặt bằng.
Về phía doanh nghiệp, có thể đề xuất điều chỉnh một số dự án sang nhà ở xã hội, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương về việc tham gia dự án đầu tư nhà ở xã hội trong quỹ đất 20% và quỹ đất tập trung theo danh mục công bố của địa phương.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Văn Khôi đưa ra một số giải pháp cần thực hiện ngay. Trong đó, về quỹ đất, chính quyền địa phương sớm duyệt dự án 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại cho xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, bố trí quỹ đất tập trung để đầu tư nhà ở xã hội.
Tiếp theo là rút ngắn thủ tục và thời gian giải quyết đối với phân khúc nhà ở xã hội xuống chỉ còn 10 - 12 tháng. Sau đó thời gian đầu tư xây dựng, chính quyền thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Từ khâu quy hoạch, kế hoạch sử dựng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, nghiệm thu công trình, cấp giấy chứng nhận… đồng thời chính quyền địa phương đầu tư hạ tầng bên ngoài để kết nối hạ tầng bên trong.
Về nguồn vốn, cần bố trí đầy đủ và quy định giải ngân đặc thù. Chính quyền địa phương lập danh sách công khai dự án vay vốn. Đồng thời, xem xét kiến nghị của một số doanh nghiệp về việc tăng giới hạn mức lợi nhuận hơn 10% như hiện nay, lãi suất vay dưới 6,5%/năm. Còn lãi suất vay mua nhà ở xã hội nên ở mức dưới 5%/năm, thì phù hợp với thu nhập của người lao động.
Bên cạnh đó, nhanh chóng điều chỉnh tiêu chí, trình tự và thời gian xét duyệt cho người được mua, thuê. Đồng thời có quy định để các doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp vào diện được thuê, mua, giải quyết cho người công nhân khu, cụm công nghiệp.
“Trong quá trình thực hiện, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan, tiếp tục triển khai có cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc nắm bắt thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản và đề xuất các kiến nghị, giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản Việt Nam”, TS. Nguyễn Văn Khôi khẳng định./.