Aa

Hỗ trợ khách hàng vay vốn nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng

Thứ Sáu, 24/04/2020 - 06:00

Thống đốc yêu cầu các NH tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động NH trong những năm tới.

Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tới tất cả các Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước về tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Trước tác động của dịch Covid-19, toàn ngành Ngân hàng đã vào cuộc sớm. Ngày 13/3/2020, NHNN đã ban hành thông tư 01, thực hiện cơ cấu lại nợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và doanh nghiệp vay vốn.

NHNN cũng ban hành chỉ thị 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trên thực tế.

Cùng với đó, NHNN đã chủ động trong việc điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt là thanh khoản, liên ngân hàng, giữ ổn định tỉ giá, giảm lãi suất, đặc biệt trong lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ảnh minh họa.

Thống đốc Lê Minh Hưng đánh giá, sau một tháng triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách, những kết quả đạt được bước đầu của ngành ngân hàng là rất tích cực. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và vướng mắc cần tháo gỡ.

Thống đốc NHNN yêu cầu toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của ngành với nền kinh tế, triển khai mạnh mẽ các biện pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất cho vay.

Phải xác định việc hỗ trợ khách hàng vay vốn cũng là hỗ trợ cho chính các TCTD, giúp hệ thống TCTD hoạt động tốt hơn trong giai đoạn khó khăn. Hỗ trợ cho khách vay vốn có tác dụng đối với cả hệ thống ngân hàng lẫn khách hàng vay vốn, là trách nhiệm của từng TCTD đối với ngành Ngân hàng nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Các ngân hàng có vốn nhà nước phải tổ chức quán triệt tới tất cả các chi nhánh các quy định về hỗ trợ khách hàng để tiếp tục đẩy nhanh tiến trình làm việc với khách hàng, xử lý tháo gỡ các vấn đề phát sinh trong thực tế.

Các ngân hàng cần chia sẻ tối đa khó khăn với khách hàng vay vốn, với nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay cũng như sau khi dịch kết thúc. Trong đó, thực hiện tối đa việc giảm chi phí đó để hỗ trợ giảm lãi suất cho nền kinh tế, phải xem xét chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư cho những dự án án khả thi, phải coi cho vay mới hỗ trợ phục hồi sau dịch là yếu tố then chốt giúp nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay.

Các ngân hàng phải tiếp tục tập trung chỉ đạo đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng trong những năm tới.

Đối với một số TCTD chưa ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Thông tư 01 của NHNN phải kịp thời ban hành và triển khai thực hiện. Trong quá trình cơ cấu lại nợ, không chỉ khách hàng doanh nghiệp mà cả khách hàng cá nhân bị khó khăn trong thu nhập cũng cần phải được các NHTM phải xem xét cơ cấu lại nợ, cả nợ gốc và nợ lãi.

Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Thông tư 01, chỉ thị 02 là nhiệm vụ quan trọng nhất, xuyên suốt trong năm 2020.

NHNN chi nhánh thực hiện tiếp nhận, xử lý thông tin, chủ động báo cáo lãnh đạo tỉnh, làm việc với các sở ban ngành địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trên địa bàn chủ động xử lý các kiến nghị. Phải chủ động chỉ đạo, phối hợp TCTD trên địa bàn để xử lý các vấn đề phát sinh trên thực tế.

Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý các TCTD, các cán bộ ngân hàng trên địa bàn thiếu trách nhiệm, không chấp hành chỉ đạo của NHNN, để khách hàng đáng lẽ được hỗ trợ nhưng chậm hoặc không được xử lý.

Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Vụ pháp chế, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Thanh toán chủ động rà soát, tham mưu sửa đổi các quy định hiện hành và ban hành ngay các văn bản hướng dẫn cụ thể cho các vấn đề còn vướng mắc, các kiến nghị chủ yếu tập trung vào Thông tư 01, nhất là các vấn đề về thời hạn cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, dự thu, xác định khách hàng, cho vay tái cấp vốn, thanh toán điện tử…, tiếp tục triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, miễn giảm phí dịch vụ điện tử.

Ngân hàng Chính sách xã hội khẩn trương phối hợp các bộ ngành triển khai nhiệm vụ được giao, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại, cho vay mới các đối tượng chính sách bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, hoàn thiện thủ tục xin ý kiến các bộ, ngành trình thủ tướng giảm lãi suất cho các đối tượng này.

Hiệp hội Ngân hàng phát huy vai trò của mình, tạo sự đồng thuận giữa các NHTM thành viên trong việc triển khai hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do dịc bệnh. Đồng thời, nắm bắt và có hình thức thông tin kịp thời, rộng rãi về những hoạt động, ghi nhận những kiến nghị, phản ánh của các NTHM trong giai đoạn hiện nay…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top