Aa

Hòa Bình bứt tốc trong cuộc chạy đua bất động sản công nghiệp

Thứ Năm, 25/02/2021 - 06:30

Trong những năm qua, nhiều lĩnh vực quan trọng của tỉnh Hòa Bình đã cho thấy sự chuyển động tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

Điểm sáng đầu tư bất động sản công nghiệp

Trong những năm gần đây, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều chính sách thông thoáng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đến đầu tư và sản xuất kinh doanh hiệu quả tại tỉnh.

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, triển khai thực hiện nhiều giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, có tác động tích cực đến kết quả hoạt động thu hút đầu tư.

Trong 5 năm từ 2016 - 2021, tỉnh đã thu hút được 284 dự án đầu tư (riêng FDI là 17 dự án) với tổng vốn đăng ký khoảng 41.624 tỷ đồng và 275,7 triệu USD. Lũy kế đến cuối năm 2020, có 621 dự án đầu tư (trong đó có 45 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký khoảng 670 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 360 triệu USD, bằng 54% tổng vốn đăng ký).

Trong đó, có 100 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp (26 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký khoảng 499,75 triệu USD và 74 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký khoảng 7.328,56 tỷ đồng). Thu hút, quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đạt kết quả tích cực. Thu hút thêm được 9 dự án ODA, nâng số dự án ODA trên địa bàn còn liệu lực là 22 dự án với tổng số vốn là 5.559 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 4.526 tỷ đồng.

Nhiều khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hoạt động hiệu quả, tỷ lệ lấp đầy cao, điển hình như khu công nghiệp Bờ trái Sông Đà - nguồn mạch kinh tế tỉnh được thiết kế và xây dựng với cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ.

Tại tỉnh Hòa Bình, các dự án đến từ Hàn Quốc cũng đang chiếm số lượng lớn nhất trong tổng số dự án FDI đầu tư vào địa bàn. Thống kê từ năm 2018 đến nay, tỉnh thu hút được 10 dự án FDI thì trong đó, có 6 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc, 2 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản và 2 dự án của nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 40 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 580.206 nghìn USD. Trong đó, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc chiếm số lượng lớn nhất với 21 dự án, sau đó là Nhật Bản (12 dự án), Trung Quốc (3 dự án) và các nước Ấn Độ, Indonesia, Singapore,…

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước như: Vingroup, FLC, T&T Group, Phú Mỹ Hưng,… đến với Hòa Bình để nghiên cứu, khảo sát và đầu tư vào những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như đô thị sinh thái, du lịch, công nghiệp, kỳ vọng tạo ra sự bứt phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ.  

Có thể nói, trong những năm qua, nhiều lĩnh vực quan trọng của tỉnh Hòa Bình đã cho thấy sự chuyển động tích cực đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Một số khu công nghiệp ở Hòa Bình hoạt động có hiệu quả đạt tỷ lệ lấp đầy rất cao như: Khu công nghiệp Bờ trái Sông Đà (TP. Hòa Bình), Khu công nghiệp Lương Sơn (huyện Lương Sơn),...

Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thuộc tỉnh Hòa Bình phát triển ổn định. Đến nay, đã có 60 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động.

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình, tính đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã thu hút được 87 dự án, trong đó có 23 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 605,4 triệu USD và 64 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đăng ký 7.250,14 tỷ đồng. Đóng góp cho sự phát triển đó, tiêu biểu nhất phải kể đến Khu công nghiệp Bờ trái Sông Đà - nguồn mạch kinh tế tỉnh Hoà Bình do Công ty CP Thương mại Dạ Hợp làm chủ đầu tư. Khu công nghiệp này được thiết kế và xây dựng với cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ. Có hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, hệ thống điện, hệ thống nước, và nhà máy nước sạch, nhà máy xử lý nước thải theo những tiêu chuẩn cao nhất của khu công nghiệp phát triển bền vững.

Số liệu cũng cho thấy, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có 98 dự án đầu tư đã được cấp phép. Trong đó, có 26 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 518,05 triệu USD và 72 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 7.397,87 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp phát triển ổn định. Đến nay đã có 60 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động.

Sẵn sàng dọn tổ đón “đại bàng”

Những năm qua, việc đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư luôn được tỉnh Hòa Bình xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong thực tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương.

Theo chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, thời gian tới địa phương này tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào thu hút công nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến với Hòa Bình.

Trong 5 năm tới, tỉnh Hòa Bình xác định mục tiêu trong đó có việc phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và thực hiện các mục tiêu xã hội, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 54% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Chú trọng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Trong các mục tiêu phát triển kinh tế, tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2025 diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.

Đặc biệt, trong các mục tiêu phát triển kinh tế, tỉnh Hòa Bình ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp như: Yên Quang, Mông Hóa, Nam Lương Sơn, Lạc Thịnh; mở rộng Khu công nghiệp Lạc Thịnh lên khoảng 1.000ha; nâng tỷ lệ lấp đầy diện tích các khu công nghiệp trên 80%. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.

Là một trong những nhà đầu tư tại tỉnh Hòa Bình, đại diện Công ty Cổ phần An Việt Hòa Bình - chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Yên Quang cho biết, hiện công ty đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Công ty đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 40ha thuộc giai đoạn 1 của dự án. Hiện đơn vị này đang thực hiện các bước xây dựng cơ sở hạ tầng để tiến hành thủ tục xúc tiến đầu tư. Công ty cũng khẳng định đang được nhân dân, tỉnh Hòa Bình tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai dự án đúng theo tiến độ phê duyệt.

Ngoài những địa phương ở phía Bắc đi đầu trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp và có những bước thành công đáng kể như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh,... tỉnh Hòa Bình được đánh giá có nhiều tiềm năng và hoàn toàn có thể coi là mảnh đất “vàng” đầu tư bất động sản công nghiệp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, đây cũng vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với chính quyền tỉnh Hòa Bình trong việc cải thiện môi trường và thu hút dòng vốn đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động đặc biệt là đối với các dự án FDI.

Cùng với đó là việc phải lựa chọn các doanh nghiệp có đủ kinh nghiệm, năng lực tài chính để thực hiện các dự án theo đúng tiến độ. Bởi thực tế, làm bất động sản công nghiệp khác với bất động sản nhà ở vì phải bỏ vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, khu sản xuất nhưng việc thu hồi vốn lại nhỏ giọt, gặp áp lực với tỷ lệ lấp đầy.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top