Aa

Hoà Lạc thu hút nhà đầu tư nhờ bất động sản lưu trú

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Chủ Nhật, 28/08/2022 - 06:09

Nhu cầu về bất động sản lưu trú tại khu công nghệ cao Hoà Lạc đang ngày càng tăng cao khi các trường đại học chuẩn bị đón hàng nghìn sinh viên tới học tập và sinh sống.

Nhu cầu lớn về bất động sản lưu trú

Hiện nay, Hoà Lạc được coi là khu đô thị vệ tinh lớn nhất tại Hà Nội khi mang vị trí quan trọng và mục tiêu phát triển kinh tế chiến lược quốc gia như một đặc khu kinh tế ngay sát Thủ đô. Tháng 5/2020, Thủ tướng đã chính thức phê duyệt quy hoạch Hoà Lạc trở thành đô thị khoa học công nghệ với dự kiến đến năm 2030 quy mô dân số khoảng 600.000 người, quy mô 17.274ha. Khu đô thị được hình thành và phát triển với mục tiêu là khu đô thị tập trung về khoa học công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và các khu đô thị sinh thái. Nơi đây được chia thành 4 phân khu lớn bao gồm: Phân khu Công nghệ cao Hòa Lạc; phân khu Đại học Quốc gia; Phân khu chuỗi Đô thị, nhà ở và Phân khu tổ hợp Y tế. Trong đó, trọng điểm là Phân khu Công nghệ cao và phân khu trường Đại học Quốc gia.

Tính đến nay, khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được khoảng hơn 100 dự án đầu tư của các tập đoàn trong và ngoài nước với nhiều dự án đang được triển khai xây dựng như: Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Viện Đào tạo nghiệp vụ kiểm toán Nhà nước, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Trung tâm Kỹ thuật Viettel Hoà Lạc, Công ty Dược phẩm Tanaphar, Nhà Giải pháp điện Á Châu (giai đoạn 2), Trung tâm thương mại, VNPT... Ngay khi các dự án được hoàn thiện sẽ đón số lượng lớn cán bộ, công nhân viên, kỹ sư về sinh sống và làm việc.

Đến tháng 9/2022, trường Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đưa hơn 2.000 sinh viên của 4 trường trực thuộc tới học tập tại cơ sở Hòa Lạc, tuy nhiên khu ký túc xá tại đây hiện mới đáp ứng 1.000 chỗ ở cho sinh viên có nhu cầu ở nội trú. Cùng với đó, trường Đại học FPT cũng sẽ đón 6.000 tân sinh viên nhập học vào năm 2022 và 7.000 sinh viên nhập học năm 2023. Vì vậy, trước tình trạng thiếu chỗ ở cho sinh viên, trường Đại học FPT đã cấp bách gửi thông báo tới xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội để cung cấp thêm chỗ ở trong thời gian tới. 

Trường Đại học FPT có thông báo về nhu cầu chỗ ở cho sinh viên đang trở nên cấp thiết

Theo khảo sát của PV, dọc Quốc lộ 21 có hàng loạt nhà trọ cho thuê, nằm san sát nhau, nhiều nhà ở cũng được người dân tận dụng làm nhà trọ cho thuê. Các phòng trọ được thiết kế đầy đủ tiện nghi cho sinh viên thuê với giá từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, cách mặt đường Quốc lộ 21 khoảng 500m là các dãy nhà trọ cũ hơn dành cho công nhân, người có nhu cầu thấp thuê với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. 

Tuy nhiên, với nhu cầu tìm kiếm phòng trọ từ sinh viên của các trường đại học và cán bộ công nhân của các khu công nghiệp, nhà máy đang gia tăng mỗi ngày thì số lượng nhà trọ đang hiện hữu vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu trên thị trường. 

Nhìn thấy tiềm năng sinh lời lâu dài, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra số vốn hàng chục tỷ đồng để đầu tư mua đất và xây dựng nhà ở cho thuê tại đây. Anh Đào Tiến Đạt (Ba Vì, Hà Nội) một nhà đầu tư bất động sản lưu trú tại Hoà Lạc cho biết, mảnh đất anh mua hơn một năm trước với giá 24 triệu đồng/m2 hiện giờ cũng đã tăng giá, dao động từ 35 - 40 triệu đồng/m2. Mục đích chính mà anh Đạt mua mảnh đất này là để xây dựng căn hộ dịch vụ cho sinh viên, cán bộ, kỹ sư, chuyên gia thuê để lưu trú. 

“Trước đây, các phòng trọ giá rẻ mang tính chất tạm bợ, chi phí một tháng khoảng vài trăm nghìn chỉ phù hợp với nhu cầu ăn nghỉ sau giờ làm việc của công nhân, còn tính về lâu dài, các bậc phụ huynh mong con em mình có được chỗ ở tốt để đảm bảo sức khoẻ và tinh thần học tập và các cán bộ, chuyên gia cũng mong muốn có một nơi lưu trú tiện nghi đầy đủ để yên tâm công tác. Từ thực tế như vậy, tôi sẵn sàng bỏ ra thêm hơn 7 tỷ đồng để đầu tư lâu dài. Tôi đã cho thi công xây dựng một toà nhà chung cư mini 5 tầng, thiết kế diện tích mỗi căn phòng khoảng 30m2, trang bị đầy đủ nội thất tiện ích, dự kiến sẽ cho thuê giá phòng từ 3 - 4 triệu đồng/tháng”, anh Đạt chia sẻ.

Ngoài ra, anh Đạt còn cho biết thêm, anh quyết định chọn khu vực Hoà Lạc để đầu tư là vì thị trường nơi đây quỹ đất còn nhiều, ít cạnh tranh với khu vực nội thành Hà Nội, không những thế xu hướng phát triển trong tương lai rất mạnh do có lợi thế gần các trường đại học.

Anh N.T.Hoàng ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng đã đến Hoà Lạc mua mảnh đất 300m2 và đầu tư khoảng 23 tỷ đồng để xây chung cư mini 7 tầng. Anh dự kiến các phòng sau khi xây dựng xong sẽ được cho thuê với mức giá theo diện tích là khoảng 3 triệu đồng/phòng 26m2, 4 triệu đồng/phòng 35m2.

“Tôi tìm hiểu thị trường Hoà Lạc đã lâu và thấy rằng trong tương lai nơi này sẽ nhanh chóng trở nên đông đúc, cơ sở hạ tầng tiện ích sánh ngang như Mỹ Đình bây giờ. Tôi sẵn sàng bán quỹ đất đang có ở nơi khác để dồn vào đây vì nhu cầu thực tế đang hiện hữu, thậm chí trong tương lai còn nhu cầu về lưu trú của người dân sẽ còn tăng hơn nữa”, anh Hoàng chia sẻ.

Nhiều nhà đầu tư bỏ vốn lớn ra để mua đất và xây chung cư mini cho thuê. (Ảnh: Thảo Bùi)

Nhân viên một sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn xã Bình Yên, huyện Thạch Thất cho biết, 2 tháng gần đây các nhà đầu tư tìm đất để xây nhà trọ lưu trú tăng 10%. Đa số là các nhà đầu tư ở nội thành Hà Nội tới đây vừa để đầu tư mà cũng là để ở.

Được biết, nhiều nhà đầu tư đã mua đất trước đó nhưng do thị trường trầm xuống nên họ cũng chưa bán được với lợi nhuận như mong muốn và nhiều người quyết định đầu tư thêm để làm nhà ở cho thuê. “Mục đích đầu tiên của tôi là mua để đầu cơ nhưng lại đúng giai đoạn thị trường bất động sản trầm lắng nên chưa thể bán được, nếu để đó thì lại không có tiền trả lãi ngân hàng. Nên tôi quyết định thêm vốn vào để xây nhà trọ cho thuê, tính về lâu dài tôi vẫn cho rằng quyết định của mình là tối ưu”, chị L.T.Nhàn - một nhà đầu tư cho hay.

Khi sinh viên và người lao động đến học tập và sinh sống, theo quy luật tất yếu thì các dịch vụ tiện ích xung quanh sẽ phải phát triển và mở rộng hơn. Những mảnh đất trống bên cạnh các chung cư mini đang xây cũng đang dần có sự dịch chuyển giá mỗi ngày.

Chị N.T.Linh - Giám đốc một công ty bất động sản tại Hoà Lạc cho biết, giá đất tại thị trường Hoà Lạc đang tăng bình ổn chứ không tăng ồ ạt như trước đây.  

"Hiện giờ giá bất động sản tại khu Bắc Phú Cát dao động từ 31 - 32 triệu đồng/m2, khu đường đôi hơn 40 triệu/m2, các khu trong làng khoảng 20 - 23 triệu đồng/m2. 2 tháng trước thị trường bị đóng băng, hầu như không giao dịch nhưng đến hiện tại thì đã ấm dần lên khi số lượng khách tìm mua và giao dịch diễn ra tăng khoảng 10 - 20%, tôi cho rằng từ giờ đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng mạnh", chị Linh nói.

Cần đầu tư dài hạn

Đánh giá về sự phát triển của phân khúc bất động sản lưu trú tại Hoà Lạc trong thời gian tới, Chị N.T.Linh cho rằng, năm nay là năm của dịch chuyển của dòng tiền. Trước đây họ đầu tư đất và giờ sẽ thi công xây dựng. Hiện nay, giá cho thuê chung cư mini tại Hoà Lạc gần như ngang bằng với giá trong nội thành Hà Nội. Trong tương lai phân khúc bất động sản lưu trú này sẽ còn phát triển hơn nữa với các loại chung cư cao cấp hơn dành cho các chuyên gia, lãnh đạo, quản lý… của các trường học, nhà máy, công ty…

“Hoà Lạc được xem là khu đô thị vệ tinh lớn tại Hà Nội, quỹ đất còn nhiều và được mở rộng về Ba Vì, Hoà Bình. Nếu nhà đầu tư không "dựa dẫm" vào ngân hàng nhiều quá thì hoàn toàn có thể đầu tư vì đây là thị trường thực với nhu cầu hiện hữu”, chị Linh khẳng định.

Giới chuyên gia cũng nhận định, so với mặt bằng chung trên thị trường hiện nay thì giá đất tại Hoà Lạc vẫn khá cao. Do đó, nhà đầu tư không nên đầu tư lướt sóng mà nên đầu tư dài hạn. Bởi, để "kích hoạt" được các dịch vụ cũng phải có tầm nhìn từ 5 - 10 năm chứ không thể trong ngày một, ngày hai.

Hoạt động đầu tư này chỉ phù hợp với người có nguồn tiền nhàn rỗi và có tầm nhìn dài hạn, các nhà đầu tư nhỏ lẻ thì cần thận trọng, nghiên cứu kỹ vì thực tế đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc vội vàng đầu tư theo phong trào mà dòng tiền nhàn rỗi không đủ lớn rồi “tiền mất tật mang”.

Việc trường Đại học Quốc Gia Hà Nội chuyển về Thạch Thất là một trong những tín hiệu đáng mừng trong chủ trương mở rộng vùng kinh tế ra ven đô. Các hoạt động dịch vụ ăn uống, nhà hàng, nghỉ trọ... sẽ thúc đẩy mức thu nhập của người dân tại đây. Dòng tiền lưu chuyển qua dịch vụ với xu hướng bền vững.

Vì vậy, sự phát triển này cũng đặt ra thách thức cho chính quyền đối với việc bảo đảm an ninh trật tự mà lâu nay những vùng ven đô vốn yên bình và ít tệ nạn xã hội. Hơn nữa, cũng phải giám sát việc xây dựng rầm rộ để tránh xảy ra việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top