Aa

Hoạt động của Tổng cục Hải quan 7 tháng đầu năm 2022

Thứ Năm, 04/08/2022 - 14:33

Tổng cục Hải quan báo cáo thông tin hàng hóa xuất nhập khẩu, tình hình thu Ngân sách Nhà nước, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại... tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022.

Trong tháng 7 năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 60,62 tỷ USD, giảm 6,8% so với tháng trước (tương ứng giảm 4,45 tỷ USD). Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 30,32 tỷ USD, giảm 7,7% (tương ứng giảm 2,52 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu ước đạt 30,3 tỷ USD, giảm 6% (tương ứng giảm 1,93 tỷ USD).

Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 7 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 431,95 tỷ USD, tăng 14,8%, tương ứng tăng 55,79 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu ước đạt 216,36 tỷ USD, tăng 16,1% (tương ứng tăng 29,93 tỷ USD) và nhập khẩu ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% (tương ứng tăng 25,86 tỷ USD).

Như vậy, trong tháng 7 cả nước ước xuất siêu 21 triệu USD. Tính đến hết 7 tháng/2022, cả nước ước tính xuất siêu 763,5 triệu USD.

Số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 7/2022 đạt 34.474 tỷ đồng. Tổng thu 7 tháng đầu năm 2022 đạt 261.062 tỷ đồng, bằng 74,2% dự toán được giao, bằng 70,6% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2021.

Trong tháng lực lượng Hải quan toàn quốc đã bắt giữ một số vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhưng không có tính chất phức tạp. Mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm: đường cát, thuốc lá, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, sản phẩm gia cầm… được các đối tượng vận chuyển qua các tuyến: hàng không, cảng biển, bưu điện, đường mòn, lối mở biên giới đường bộ.

Hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vẫn diễn ra hết sức phức tạp qua các tuyến hàng không, đường bộ. Tình hình tại các cửa khẩu biên giới đã mở cửa thông thương với các nước trên thế giới, việc đi lại, thông thương hàng hóa thuận lợi hơn nên lượng hàng ma túy thẩm lậu vào Việt Nam có xu hướng tăng lên. Số lượng hành khách xuất nhập cảnh, quá cảnh, hàng hóa, phương tiện vận tải  xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất… tăng mạnh nên số vụ việc qua các cửa khẩu có xu hướng tăng cao.

Nhằm chủ động thu thập thông tin, nắm bắt tình hình thực tế tại địa bàn, kịp thời chỉ đạo điều hành, quản lý nhà nước về Hải quan, Tổng cục Hải quan đã tăng cường chỉ đạo, cảnh báo, kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ đối với lực lượng chống buôn lậu trong toàn ngành, cụ thể: Ban hành văn bản về công tác thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác xác minh vi phạm pháp luật; Rà soát đánh giá hiệu quả kiểm soát mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Lào; Cảnh báo trong toàn ngành về công tác kiểm soát, chống buôn lậu xăng dầu và hướng dẫn kiểm tra việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự; Thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin, hồ sơ tài liệu đối với 22 yêu cầu của cơ quan điều tra, cơ quan khác liên quan đến hoạt động điều tra hình sự; Tổ chức Hội nghị tập huấn chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Tính từ 16/6/2022 đến 15/7/2022, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.842 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 222,458 tỷ đồng; Số thu ngân sách đạt 20,530 tỷ đồng, Cơ quan Hải quan khởi tố 2 vụ chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 14.

Lũy kế từ 16/12/2021 đến 15/7/2022, ngành Hải quan đã trực tiếp và phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý: 9.376 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 3.996 tỷ đồng, Cơ quan Hải quan khởi tố 26 vụ án hình sự. Chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 69 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 299,5 tỷ đồng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top