Aa

“Học thày không tày học bạn”

Thứ Sáu, 18/08/2017 - 17:25

Những người quan tâm đến sân bay Tân Sơn Nhất vừa bất ngờ nhận được thông tin về một biện pháp ít tốn kém nhằm nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên gấp đôi, chỉ trong thời gian 6 tháng. Quá tuyệt vời!

LTS: Lâu nay, để tự an ủi mình, các nhà “thành tích học” thường ngoái lại phía sau để so sánh. Thí dụ như về thành tích xuất khẩu gạo thì nhớ đến nạn đói năm 1945, rồi nhớ đến cảnh ăn hạt bo bo thay cơm. Hoặc như nói về nền công nghiệp sản xuất ô tô lại nhớ đến thời cây kim khâu cũng phải nhập khẩu... Nhưng khi nhìn sang ngang so sánh với các quốc gia láng giềng thì... ôi thôi!

Những người quan tâm đến sân bay Tân Sơn Nhất vừa bất ngờ nhận được thông tin về một biện pháp ít tốn kém nhằm nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên gấp đôi, chỉ trong thời gian 6 tháng. Quá tuyệt vời!

Người đề xuất ra giải pháp này không xa lạ gì, chính là nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, một trong 15 thành viên của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Điều ấn tượng của đề xuất này là tính thuyết phục cao khi soi qua tấm gương của nước bạn.

Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang quá tải sân đỗ tàu bay Ảnh: Linh Anh/Báo Người Lao động

Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang quá tải sân đỗ tàu bay. Ảnh: Linh Anh/Báo Người Lao động

Theo ông Vinh, có hai việc cần đồng thời thực hiện để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất: Thứ nhất là mở rộng, sửa chữa, cải tạo sân bay, nhà ga, đường giao thông; Thứ hai là soát xét lại quy trình vận hành quản lý sân bay. Việc thứ nhất thì ai cũng biết rồi, tốn tiền của, tốn thời gian... không biết bao nhiêu mà kể, trong khi sức ép quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất đang đè nặng lên tâm cảm người dân TP. HCM từng giây từng phút.

Còn việc thứ hai thì sao?

Ông Bùi Quang Vinh cho rằng, biện pháp cần làm ngay lúc này là phải xem xét lại toàn bộ quy trình vận hành quản lý sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện tại, tần suất cất hạ cách tại sân bay này là 5-7 phút/chuyến. Nếu kéo giảm xuống còn 2 phút/chuyến như nhiều nước trong khu vực thì có thể đưa công suất sân bay lên 50 triệu lượt khách/năm (từ mức 25 triệu lượt khách/năm của hiện tại) mà không cần đầu tư nhiều.

Đồng thời, ông Vinh còn chỉ ra rằng hải quan cũng cần phải thay đổi cách làm việc. Theo ông, tình trạng người nước ngoài xếp hàng dài chờ nhập cảnh đang khiến nhà ga bị ùn tắc, góp phần níu giữ tần suất cất hạ cánh tại sân bay này ở mức 5-7 phút/chuyến. “Tôi đến Kenya. Tôi tự nhập cảnh bằng phần mềm điện tử. Chỉ bấm là ra, đưa hộ chiếu vào là được nhập cảnh. Mình còn kém cả Kenya ở châu Phi. Sân bay Changi ở Singapore không quá rộng so với Tân Sơn Nhất nhưng lượng khách họ gấp đôi, gấp ba của mình. Tại sao? Đấy là năng suất lao động, chất lượng quản lý” – ông khẳng định.

Nghe được chuyện này mà thấy sống mũi cay cay. Thôi thì so sánh với Singapore thì còn đỡ. Ai lại so với cả Kenya, mà lại còn kém cả họ nữa. Hết chỗ nói!

Thế nhưng cũng phải cảm ơn những tấm gương bạn bè ấy để người nước mình tự nhận ra đúng vị trí của mình trong một thế giới ngày càng nhỏ bé này.

Lại còn nhớ cách đây ít lâu, các nhà khoa học nước mình “lọ mọ” đi tìm con đường góp phần nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) chung của quốc gia. Bỗng có một niềm tự hào trỗi dậy khi được biết, tính chung giai đoạn 1992-2014, NSLĐ tính theo sức mua tương đương năm 2011 của Việt Nam tăng trung bình 4,64%/năm, là mức tăng cao nhất trong số các nước ASEAN.

Thế nhưng, theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra trong năm 2014 cho thấy, NSLĐ của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu), thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần (!).

Thì ra, do xuất phát điểm quá thấp nên tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam có cao nhưng tổng thể lại vẫn là nhóm “hít bụi” trong số các nước láng giềng.

Năng suất lao động thấp, của cải làm ra không nhiều nhưng Việt Nam mình lại vượt trội về sự cồng kềnh của bộ máy Nhà nước. Các nhà phân tích từng đưa ra so sánh, tổng dân số Mỹ gần 350 triệu, Việt Nam 90 triệu dân. Về dân số Việt Nam gần bằng ¼ Mỹ, xét về địa lý thì Việt Nam bằng 1/10 Mỹ. Thế nhưng Mỹ có 2,1 triệu công chức, còn Việt Nam 2,8 triệu công chức. Nếu theo tỉ lệ công chức trên đầu dân của Mỹ, thì Việt Nam chỉ cần 500.000 công chức. Tức là nếu đủ trình độ và công cụ quản lý đạt đẳng cấp của các nước tiên tiến, Việt Nam có thể giảm được 2,3 triệu công chức hiện nay.

Trở lại vấn đề nâng cao tần suất cất, hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất, hôm 16/8 vừa qua, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã kiểm tra 3 Tổng công ty thuộc ngành hàng không, gồm: Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA), Quản lý bay Việt Nam và Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Ông Mai Tiến Dũng đã đặt thẳng câu hỏi: “Tần suất cất hạ cánh ở Việt Nam tương đối thấp là do quản trị, điều hành hay hạ tầng. Chúng ta hay nói đổ hết cho hạ tầng, không nói đến con người? Thủ tướng nói hãy hỏi lại các anh xem do hạ tầng hay con người? Liệu có thể nâng gấp đôi công suất gần 25 triệu khách mỗi năm của Tân Sơn Nhất không khi chúng ta chưa thể nâng cấp sân bay này và chưa xây dựng xong sân bay Long Thành?”.

Thật ra đặt câu hỏi thì dễ nhưng trả lời thì lại quá khó. Chắc là phải “đèn sách” sang mà học bạn bè thôi. Quản lý là một môn khoa học nghiêm túc mang tính toàn cầu chứ đâu phải là chuyện “đóng cửa bảo nhau”!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top