Aa

Hội đồng Quản trị có thêm 5 "người lạ"!

Thứ Sáu, 03/05/2019 - 14:00

7 gương mặt mới nhiệm kỳ 2019 - 2024 có 2 người hiện đang công tác tại MB, còn 5 người lạ và 4 trong số đó đến từ các cổ đông lớn của ngân hàng...

ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Quân đội 

ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Quân đội 

Không thoái vốn hoàn toàn khỏi MBS

Sáng 27/4, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - MBB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 và tổng kết nhiệm kỳ 2014 - 2019, phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2019 - 2024, đồng thời bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của nhiệm kỳ mới.

Báo cáo tại Đại hội, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cho biết, năm 2018, Ngân hàng đạt hầu hết các chỉ tiêu được cổ đông giao cho, ngoại trừ huy động vốn từ dân cư (mới đạt 97,8% kế hoạch song vẫn tăng 9% so với cuối năm 2017).

Đến hết năm 2018, tổng tài sản của Ngân hàng đạt hơn 362.325 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng hơn 214.685 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu là 1,33%. Vốn điều lệ của Ngân hàng được nâng lên 21.605 tỷ đồng, tăng 19%.

Đáng chú ý, doanh thu của Ngân hàng năm 2018 tăng 41% và đạt 19.537 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 7.676 tỷ đồng, tăng 68% so với năm trước. Năng suất lao động của cán bộ nhân viên tăng 23% đạt bình quân 826 triệu đồng/người/năm.

Với kết quả đạt được, MB dự kiến chi trả cổ tức năm 2018 là 14% trong đó 6% bằng tiền mặt và 8% bằng cổ phiếu (chi trả trong năm 2019).

Năm 2019, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 9.560 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng mẹ dự kiến đạt 8.345 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến đạt 402.606 tỷ đồng, huy động tiền gửi đạt 269.396 tỷ đồng (tăng 12%), cho vay khách hàng đạt 246.036 tỷ đồng (tăng 15%). Nợ xấu mục tiêu kiểm soát dưới 2%. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến duy trì ở mức 14%.

Chiến lược kinh doanh của MB năm 2019 là chú trọng khai thác sâu khách hàng theo từng phân khúc, chú trọng trải nghiệm khách hàng; ưu tiên sản phẩm dịch vụ số, bên cạnh việc hoàn thiện các mô hình kinh doanh bán lẻ, phát triển thẻ, hoạt động ngân hàng đầu tư và khách hàng FDI.

Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cho biết, chủ trương của MB là không thoái vốn hoàn toàn khỏi MBS (CTCP Chứng khoán MB) mà vẫn nắm quyền chi phối, tức là 51% trở lên. Hiện Ngân hàng đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ, chứng khoán.

Chia sẻ với cổ đông, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết năm tới sẽ tăng vốn quyết liệt. Sở dĩ trong kế hoạch năm 2019, MB tăng vốn qua phát hành riêng lẻ thay vì cho cổ đông hiện hữu vì muốn giữ cơ cấu cổ đông khi nhiều cổ đông lớn hiện tại là Nhà nước.

Theo ông Thái, các đơn vị thành viên của MB được giao mang về 1.421 tỷ đồng, gấp đôi năm trước. Trong đó, công ty con ở mảng bảo hiểm nhân thọ (MB Ageas Life) đặt mục tiêu hòa vốn, trong khi năm trước lỗ 319 tỷ đồng. Còn MB Shinshen, công ty con trong mảng cho vay tiêu dùng, đã thu lãi 320 tỷ đồng trong năm thứ hai hoạt động, gấp nhiều lần mức 2 tỷ đồng của năm 2017. Năm 2018, nhiều đơn vị khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tốt như Công ty chứng khoán MBS lãi 202 tỷ đồng, tăng 800%, bảo hiểm MIC lãi 135 tỷ đồng, tăng trên 240%...

Mục tiêu lớn nhất của MB Shinshen hiện nay là mở rộng thị trường và kiểm soát chặt chất lượng. Ông Lưu Trung Thái thừa nhận dự thảo Thông tư 43 sửa đổi đang lấy ý kiến giới hạn cho vay vốn tiền mặt có thể thay đổi cách thức kinh doanh tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, MB Shinshen là công ty mới nên khả năng thay đổi nhanh chóng hơn, ông Thái cho biết.

Tại đại hội lần này, MB trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 21.604 tỷ đồng lên 25.841 tỷ đồng trong năm nay, như vậy sẽ tăng vốn điều lệ thêm 4.236 tỷ đồng.

Thêm 5 "người lạ" vào Hội đồng Quản trị

Cũng trong Đại hội lần này, Ngân hàng đã thông qua bầu nhân sự Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2019 - 2024. Kết quả, số lượng thành viên Hội đồng Quản trị là 11 người trong đó có 1 thành viên độc lập.

Cụ thể, ông Lê Hữu Đức, chủ tịch Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2014 - 2019 tiếp tục được bầu làm Chủ tịch trong nhiệm kỳ 2019 - 2024. Trước đó, ông Đức đã từng làm Chủ tịch HĐQT MB từ năm 2011.

Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc ngân hàng và là Phó Chủ tịch nhiệm kỳ cũ, tiếp tục là Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc trong giai đoạn 2019 - 2024.

Ngoài ra ngân hàng còn có thêm 2 phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019 - 2024 đó là bà Vũ Thị Hải Phượng và ông Đỗ Minh Phương.

Đáng chú ý trong 7 gương mặt mới nhiệm kỳ 2019 - 2024 có 2 "người nhà" đang công tác tại MB đó là bà Vũ Thị Hải Phượng và ông Lê Viết Hải, còn lại là 5 "người lạ" và 4 trong số đó đến từ các cổ đông lớn của ngân hàng.

Cụ thể, ông Trần Trung Tín (SN 1956) trúng cử Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập hiện đang là giảng viên khoa Tài chính ngân hàng của Học viện Hậu Cần và từng công tác tại Báo Quân đội Nhân dân, sau đó là Cục kinh tế Bộ Quốc phòng, rồi là Phó tư lệnh Binh đoàn 15, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty 15. Từ 2004 đến 2016 ông Tín là Phó cục trưởng rồi Cục Trưởng của Cục kinh tế Bộ Quốc phòng.

Ông Ngô Minh Thuấn (SN 1971) đang là Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Đây là cổ đông lớn đang sở hữu gần 5,96% vốn điều lệ của MB.

Ông Đỗ Minh Phương (SN 1969) là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel. Ông Phương tham gia vào MB với tư cách là đại diện vốn của Viettel tại MB sở hữu 11,69% vốn.

Bà Vũ Thái Huyền (SN 1976) là Trưởng ban đầu tư 1 của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Hiện SCIC đang nắm giữ 7,8% vốn của MB.

Cuối cùng là ông Kiều Đặng Hùng (SN 1972), Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, thành viên HĐQT Công ty CP Đào tạo bay Việt Nam. Hiện Trực Thăng Việt Nam đang nắm 6,21% vốn điều lệ của MB.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top