Bước vào kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển và hỗ trợ mạnh mẽ của các công nghệ mới, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu và làm thay đổi toàn diện mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó không loại trừ bất động sản.
Giới chuyên gia khẳng định, chuyển đổi số giờ đây không phải chỉ là một sự lựa chọn, mà đó là điều tất yếu. Doanh nghiệp càng nhanh chóng nắm bắt và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp, sẽ càng sớm tạo được lợi thế cạnh tranh và vị thế mới.
Đặc biệt, sau sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 và trước những diễn biến khó lường của bối cảnh thế giới hiện nay, công nghệ số, chuyển đổi số được cho là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, tăng khả năng chống chịu trước những biến động, rủi ro.
Tại Việt Nam hiện nay, yếu tố thuận lợi là có khoảng 68 triệu người dùng internet, chiếm 73% dân số và con số này tiếp tục tăng trưởng qua thời gian. Cùng với đó, nhằm thích ứng với sự thay đổi về hành vi của người tiêu dùng, các hoạt động kinh doanh cũng đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ offline sang online ở nhiều lĩnh vực như tài chính, du lịch…
Đối với ngành bất động sản, hoạt động chuyển đổi số đã có những bước phát triển chia thành 3 nhóm chính: Chuyển đổi số hỗ trợ cho việc quản trị doanh nghiệp bất động sản; chuyển đổi số hỗ trợ trong hoạt động mua bán, môi giới bất động sản; chuyển đổi số trong đầu tư, kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, với đặc thù là lĩnh vực mang tính truyền thống và thực tế vận hành vô cùng phức tạp, việc ứng dụng các công nghệ mới vào bất động sản diễn ra có phần chậm hơn.
Trên cơ sở đó, để cung cấp cái nhìn toàn cảnh về chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản; nhận diện cơ hội, thách thức và những tác động chuyển đổi số mang lại; dự báo xu hướng phát triển và gợi mở những giải pháp chuyển đổi số phù hợp cho các chủ thể tham gia thị trường, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác chuyển đổi số giữa các đơn vị doanh nghiệp bất động sản, được sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sáng ngày 7/10, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và sự đồng hành của Tập đoàn Meey Land tổ chức Hội nghị Xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản Việt Nam.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia về kinh tế - bất động sản cùng lãnh đạo, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp proptech, sàn giao dịch bất động sản.
Tại sự kiện, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ trình bày tham luận và thảo luận các vấn đề tại phiên Tọa đàm cấp cao về: Thực tiễn chuyển đổi số trong ngành bất động sản hiện nay; Tiềm năng, cơ hội và thách thức trong phát triển, ứng dụng công nghệ vào thị trường bất động sản tại Việt Nam; Vai trò của công nghệ đối với hoạt động của doanh nghiệp bất động sản trong thời đại 4.0; Nhận diện xu hướng phát triển công nghệ bất động sản mới trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, Hội nghị sẽ tiến hành Lễ ký kết Hợp tác xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản Việt Nam./.
Tiêu điểm sự kiện
11:25
Ký kết hợp tác xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản Việt Nam
Thành phần tham dự:
1. Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land
2. Công ty Cổ phần SSLAND
3. Công ty Cổ phần Bất động sản SGO Property
4. Công ty Cổ phần Phát triển Tài sản Sao Vàng Holdings
11:10
Ông Mai Văn Tuyển, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Phần mềm 1, Công ty CP Tập đoàn Meey Land trình bày Tham luận: Giải pháp chuyển đổi số dành riêng cho nhà môi giới, sàn bất động sản
Tôi đã từng có cơ hội hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tận dụng áp dụng công cụ chuyển đổi số nhưng có nhiều khó khăn, từ đó rút ra được nhiều bài học. Meey CRM ra đời và hướng tới toàn bộ đối tượng về môi giới, sàn giao dịch và nhà đầu tư. Hệ thống cung cấp giải pháp quản lý những kho hàng, quỹ hàng trực tuyến. Đồng thời, giúp theo dõi được, tạo ra giao dịch, đặt cọc khách hàng nhanh chóng và rút ngắn thời gian thực hiện.
Đối với sàn giao dịch thổ cư, hệ thống cung cấp công cụ quản lý data tập trung nhất. Trước đây, mọi người thường dùng phương pháp thủ công, hay ghi chú bằng sổ tay, sử dụng nền tảng Facebook… nhưng về lâu dài thì điều đó không khoa học, không đáp ứng được những yêu cầu về quản lý dữ liệu tập trung nhất.
Meey CRM giúp chủ đầu tư dự án, quản lý được giỏ hàng, sàn giao dịch của mình; quản lý trạng thái căn hộ, giao dịch bất động sản… Thời gian giữ chỗ, đặt cọc, góp vốn, bàn giao cũng được rút ngắn. Tóm lại, sản phẩm Meey CRM sẽ đem đến những điều tối ưu nhất cho người sử dụng.
Vấn đề gặp phải của môi giới bất động sản hiện nay là 50% nhà môi giới không nhớ được hết thông tin về khách hàng của mình, 97% nhà môi giới quản lý thông tin bằng excel. Ghi nhớ bằng sổ sách, excel không khả thi. Do đó, việc tìm kiếm khách hàng có nhu cầu gặp khó khăn.
Những sản phẩm chuyên biệt cho thị trường bất động sản hiện nay sẽ cần những môi giới chuyên biệt, nhưng trên thị trường lại không biết có những sự chuyên biệt này.
Do đó khi đưa thông tin khách hàng, quỹ hàng lên kho của Meey CRM thì môi giới sẽ biết được hệ thống của mình về trạng thái của sản phẩm và hàng tồn của mình còn bao nhiêu để đưa ra được phương án bán hàng tốt hơn tránh tồn kho.
Việc quản lý thông tin của khách hàng và hỗ trợ tạo ra được doanh thu, lợi nhuận, đặc biệt là marketing sản phẩm để có thể bán hàng tốt nhất. Meey CRM sẽ giúp môi giới tìm được khách hàng tốt nhất để bán được sản phẩm của mình.
Meey CRM là công cụ nhắc báo cáo hàng ngày hàng tuần, phù hợp với các đơn vị môi giới công ty nhỏ, các đội nhóm: Quản lý, phân quyền và bảo mật các thông tin nhóm, theo từng phân khúc sản phẩm; giúp tiếp cận tới kho hàng của chủ đầu tư nhanh nhất; giúp tối ưu nhất về bảo vệ thông tin của khách hàng.
Khi môi giới bất động sản mới vào nghề có thể sẽ chưa nắm rõ tất cả phân khúc nhưng CRM sẽ đưa ra thông tin, giúp định hình để môi giới không mất quá nhiều thời gian học hỏi, khai thác kiến thức trên thị trường.
Tính năng tiếp theo là giúp đẩy nhanh quá trình giao dịch bất động sản. Vấn đề này liên quan đến nhu cầu giao dịch của người mua, người bán. Chúng tôi sẽ dùng Big Data của AI giúp tìm kiếm thông tin khách hàng nhanh, chuẩn xác và đúng đối tượng nhất.
Khi giao dịch bất động sản trong các hội nhóm, giao dịch xong phải có kết quả để báo cáo cho lãnh đạo. Hệ thống sẽ đưa ra thông số để người dùng nhận biết và đưa vào báo cáo.
Chúng tôi phát triển cả phiên bản app và bản web. Có những tính năng liên quan đến giao việc, nhắc lịch hẹn trong quá trình tương tác với khách hàng. Thông tin được lưu trữ giúp người dùng có thể xem lại tương tác với khách hàng để rút kinh nghiệm và tư vấn tốt hơn. Người mới vào cũng dễ dàng học hỏi nhanh hơn.
Dựa trên các công nghệ mới nhất, hạ tầng của đơn vị lớn như Amazon, Google..., khách hàng hoàn toàn yên tâm dữ liệu được bảo mật an toàn. Dữ liệu trong bất động sản cực kỳ quan trọng, mọi người đều mong muốn được cung cấp nền tảng sử dụng an toàn nhất. Chúng tôi áp dụng trí tuệ nhân tạo để đưa ra dữ liệu chính xác, loại bỏ thông tin rác và không phù hợp, tiết kiệm thời gian. Công nghệ áp dụng này sẽ luôn luôn bám sát, tối ưu theo nhu cầu người dùng.
Một số công nghệ liên quan đến phát triển phần mềm như bảo mật hai lớp, có xác thực để kết nối hệ sinh thái, giúp người dùng đăng tin bán bất động sản nhanh chóng, đặc biệt là định giá sản phẩm.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tập trung phát triển các sản phẩm để tối ưu với người dùng nhất. Tất cả các thông tin sẽ được lưu lại thành một Big Data để có dữ liệu thông tin cho người dùng, để từ đó đưa ra những quyết định tốt nhất.
10:20
Tọa đàm tập trung làm rõ 2 vấn đề: Nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghệ bất động sản; đánh giá về các ứng dụng công nghệ bất động sản hiện nay.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh: Phải nói rằng, chuyển đổi số, kỷ nguyên số chính là hạt nhân trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều chuyên gia nói rằng, cuộc cách mạng này có thể kéo dài ít nhất 30 - 50 năm, bởi vậy tính hạt nhân rất quan trọng.
Chuyển đổi số gắn với cả quá trình, xin được hỏi các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua đang diễn biến như thế nào? Đã bắt kịp xu hướng của khách hàng, của thị trường hay chưa? Tại sao chuyển đổi số bất động sản lại chậm?
Trước tiên, xin được đặt câu hỏi này cho ông Nguyễn Mạnh Hà.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Tôi cho rằng, chuyển đổi số tại thị trường bất động sản Việt Nam còn chậm bởi các chủ thể tham gia thị trường bất động sản hiện nay không phải ai cũng nhận thức về công nghệ một cách đầy đủ. Những gì đã ăn sâu vào gốc rễ tiềm thức thì sẽ rất khó để thay đổi. Đơn cử như việc xây dựng một công trình, nhà ở, dự án, việc chuyển đổi số mới chỉ dừng lại ở việc tiết kiệm năng lượng, ứng dụng vật liệu xanh chứ chưa ứng dụng được những công nghệ cao hơn trong quá trình đầu tư, phát triển, vận hành.
Riêng trong lĩnh vực bất động sản, việc chuyển đổi số là tất yếu mang tính sống còn. Cả thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ, không có lý do gì Việt Nam không bắt kịp xu hướng này. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc xác định quyền sử dụng đất, đánh giá thuế nhà, thuế chuyển nhượng vẫn đang rất khó khăn, chưa có cách xác định giá chính xác vì chưa có các số liệu chính xác về giao dịch bất động sản thực tế. Do đó, trước tiên, cần có hệ thống thông tin chuẩn xác nhất về thị trường mới thực hiện được.
Bên cạnh đó, tài chính bất động sản cũng cần thực hiện chuyển đổi số nhanh. Tôi cho rằng, đây sẽ là lĩnh vực chuyển đổi mạnh mẽ trong tương lai gần.
TS. Võ Trí Thành tổng kết: Như ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ thì tiềm năng của chuyển đổi số ở Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn chậm. Theo đó, có 3 lý do chậm chuyển đổi số, đó là nhận thức chậm, công nghệ phức tạp và dữ liệu bất động sản Việt Nam chưa tốt.
Cuộc cải cách thị trường thành công nhất là năm 1989. Thành công này có được là bởi đó là thời điểm nước ta đang khủng hoảng nghiêm trọng nên không cải cách không được. Điều này cũng giống với chuyển đổi số, khi chúng ta chưa rơi vào thế khó, thế cùng cực thì chúng ta còn khó để chuyển đổi số thành công.
Xin mời ông Nguyễn Văn Đính có ý kiến chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Tôi hoàn toàn đồng tình với ý của ông Nguyễn Mạnh Hà và chỉ muốn bổ sung thêm một chút theo quan điểm cá nhân. Ông Hà đã chia sẻ về vấn đề tư duy và nhận thức của chúng ta vẫn còn chưa tốt về sự cần thiết của công nghệ. Kể cả môi giới bất động sản, có tới hàng triệu người nhưng chưa phải ai cũng có nhận thức rõ ràng, đầy đủ.
Bên cạnh đó, đầu tư vào công nghệ trong lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam còn rất yếu, thua xa so với thế giới. Đồng thời do còn mới nên quá trình tiếp cận sẽ còn nhiều khó khăn và hạn chế, chi phí cũng có thể sẽ lớn hơn so với quốc tế.
Ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam: Tôi có quan điểm khác một chút so với các chuyên gia trước. Việc đánh giá còn tùy thuộc vào việc dựa trên cơ sở và góc độ nào.
Theo tôi, nhìn chung việc chuyển đổi số ở thị trường Việt Nam hiện tại là vừa phải chưa không phải chậm. Bất động sản là tài sản lớn, người mua đến tận nơi tìm hiểu còn khó đưa ra quyết định, huống chi là chỉ xem thông tin trên mạng internet. Do đó, muốn chuyển đổi số thành công phải là cả quá trình. Hệ sinh thái công nghệ cho bất động sản là rất cần thiết và không thể thiếu để đi theo xu thế phát triển bền vững. Tuy nhiên, những nhà cung cấp phải tạo được niềm tin cho khách hàng, đồng thời, phải có giải pháp để góp phần thay đổi dần nhận thức của các chủ thể về vai trò của các ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào chất lượng thực tế và công tác truyền thông của đơn vị.
Đứng ở góc độ của nhà cung cấp thì tôi thấy Việt Nam đi như thế là nhanh, điển hình như Công ty CP Tập đoàn Meey Land. Lo sợ nhất của mọi người khi giao dịch là giá cả và quy hoạch thì Meey Land đã cập nhật được nền tảng đó.
Còn ở góc độ doanh nghiệp và khách hàng thì việc ứng dụng chuyển đổi số ở thị trường hiện vẫn còn chậm. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ mất thời cơ và cơ hội phát triển.
Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong: Việt Nam không hề chậm trong việc chuyển đổi số.
Có hai xu hướng thời đại đang được áp dụng mạnh tại Việt Nam là: Thứ nhất là xu hướng phát triển kinh tế từ “Nâu sang Xanh”; Thứ hai là chuyển đổi số.
Cả hai xu hướng này thực chất đang được áp dụng và không hề có sự chậm trễ, bởi chúng ta đã có một loạt văn bản thể chế hoá nó. Chúng ta cũng đã có một loạt các doanh nghiệp tiên phong vào phát triển các xu hướng này nên cũng không thể đánh giá chậm.
Trong chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ phải là đơn vị đi đầu mới đến doanh nghiệp và cuối cùng là người dân. Nói tóm lại, chúng ta không hề chậm trong việc chuyển đổi số.
Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế vẫn có một số lĩnh vực chậm áp dụng, trong đó có bất động sản.
Nguyên nhân trước hết nằm ở nhu cầu chuyển đổi số. Khi nhu cầu chưa cao thì việc áp dụng, sử dụng chưa lớn. Vì vậy, chúng ta đang thiếu một lượng dữ liệu lớn - Big Data. Khi Big Data còn thiếu thì sẽ khó để chuyển đổi số.
Thứ hai là vấn đề an ninh, bảo mật. An ninh, bảo mật không tốt sẽ đem đến nguy hiểm rất lớn cho việc áp dụng công nghệ.
Thứ ba là vấn đề liên quan đến đầu tư, nhân lực. Khi áp dụng chuyển đổi số thì hiệu quả sẽ tăng lên, đồng thời nhân lực sẽ bị đào thải rất nhiều.
Thứ tư là vấn đề kết nối công nghệ, chọn lựa công nghệ. Nếu công nghệ không đủ tốt thì cũng không thực sự hiệu quả, thậm chí là sẽ dẫn tới một loạt những đổ vỡ khác.
Ông Nguyễn Công Chính - Giám đốc Công nghệ, Trưởng Ban Chuyển đổi số Công ty Cổ phần Dịch vụ & Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc: Để đánh giá nhanh hay chậm thì tôi cũng đồng quan điểm với các chuyên gia ở đây và xin chia sẻ một vài ý kiến.
Đất Xanh Miền Bắc là doanh nghiệp bất động sản, phải chia sẻ rằng, công cuộc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp thực sự rất vất vả.
Chúng tôi bắt đầu công tác chuyển đổi số từ năm 2017, khi đó Ban Chuyển đổi số đã ngồi lại với nhau và nói đùa rằng thế giới 4.0 nhưng thực tế mình đang 0.4. Khi đó, ở Đất Xanh Miền Bắc, bảng hàng vẫn dùng Excel, mà thời điểm này có lẽ vẫn nhiều chủ đầu tư còn dùng Excel để quản lý bảng hàng.
Vì vậy, chúng tôi xác định đây là vấn đề khó khăn và lâu dài. Đến hiện tại đã là 5 năm nhưng Đất Xanh Miền Bắc mới đi được khoảng 1/3 quãng đường. Tổng hợp lại thì có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Về nguyên nhân khách quan:
Thứ nhất, do đặc thù của ngành môi giới, khách hàng không thích thanh toán qua ngân hàng, phần lớn đều thanh toán tiền mặt.
Thứ hai, giá trị giao dịch khá lớn, phí thanh toán online rất cao, Đất Xanh Miền Bắc đã làm việc với một vài đối tác thanh toán thì phí giao dịch thấp nhất là 0,6% trên giao dịch.
Vì vậy muốn đưa công nghệ vào để khép lại giao dịch một cách nhanh chóng thì gặp trở ngại, tức là thanh toán online không khả thi.
Thứ ba, về chính sách. Năm 2018 có phong trào đưa lên Blockchain, Ban Chuyển đổi số của Đất Xanh Miền Bắc cũng có làm việc với giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội nhưng sau một thời gian đưa vào thử nghiệm thì tồn tại rất nhiều bất cập. Chỉ Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý sổ đỏ, sổ hồng cấp cho chủ sở hữu mới có đủ cơ sở triển khai giải pháp quản lý tài sản, số hóa trong công tác quản lý tài sản. Doanh nghiệp không thể làm được điều này.
Về nguyên nhân chủ quan:
Môi giới bất động sản gần đây có sự dịch chuyển rất nhiều, đặc biệt trong thời gian Covid-19 diễn ra, ngành bất động sản đón nhận nhiều nhân sự từ ngành khác sang làm môi giới. Hầu hết sau 1 - 2 tháng thử việc không được, chán nản thì nghỉ việc.
Từ năm 2017, Đất Xanh Miền Bắc đã bắt đầu đưa công nghệ vào để quản lý giao dịch và khách hàng, phải đào tạo cho nhân viên thực hiện quy trình giao dịch trên phần mềm. Vấn đề đặt ra là, Ban Chuyển đổi số đào tạo quy trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ nhưng đào tạo chưa xong thì nhân viên đã nghỉ. Những người mới vào lại tiếp tục đào tạo lại từ đầu. Có nhân viên trong khoảng 1 - 2 tháng mới bán được 1 căn và khi ấy mới sử dụng thao tác trên phần mềm. Lúc mới đào tạo xong có thể thao tác thành thạo nhưng tới lúc thực hành sử dụng thì quên hết.
Một vấn đề khác nữa là sản phẩm có thể rất tốt nhưng phù hợp được đến đâu và khả năng triển khai, áp dụng được vào doanh nghiệp thật sự hiệu quả hay không thì đòi hỏi cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá.
Ông Hoàng Mai Chung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Meey Land: Các chuyên gia chia sẻ rất đúng thực trạng của chuyển đổi số tại Việt Nam. Từ 2017, Chính phủ đã nhắc nhiều đến chuyển đổi số, nhưng cụm từ bất động sản lại không được nhắc đến nhiều trong các văn bản, quy định.
Với doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số rất khó bởi không tìm được người làm về công nghệ cho bất động sản. Đó là những người chỉ đạo đường hướng thực hiện về công nghệ nhưng có tư duy của bất động sản. Các doanh nghiệp hiện nay thường thành lập bộ phận công nghệ riêng để phát triển ứng dụng nhận được những phản hồi hay tiêu chí tìm kiếm sản phẩm của khách hàng. Tuy nhiên, bộ phận công nghệ tại doanh nghiệp lại khá yếu và thực sự không có nhiều nhân lực để phát triển. Nếu trong trường hợp các doanh nghiệp không thể làm được tốt hơn, tôi cho rằng doanh nghiệp có thể ký kết với một đơn vị bên ngoài để có hệ thống chuyên nghiệp về công nghệ.
Quay trở lại câu chuyện chuyển đổi số, tôi cho rằng để biết tốc độ công nghệ nhanh hay chậm thì hãy nhìn vào ứng dụng của doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp họ có ứng dụng công nghệ để thập thu thông tin khách hàng, các chỉ số yêu cầu của khách hàng, dự án, nhu cầu tìm kiếm hay không? Các dự án có được cập nhật 3D tới khách hàng hay không?
Còn với khách hàng, người dân, họ có sử dụng công nghệ để tìm kiếm thông tin dự án, thực hiện giao dịch mua bán hay không? Nếu không đáp ứng được tiêu chí chọn lựa của doanh nghiệp, khách hàng thì cũng rất khó để công nghệ tiếp tục phát triển và ứng dụng rộng rãi, lâu dài.
TS. Võ Trí Thành: Chuyển đổi số không thuần túy chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ mà còn là thể chế
Cảm ơn những chia sẻ của anh Hoàng Mai Chung. Việc nhanh hay chậm của chuyển đổi số thì còn tùy thuộc vào nhiều thứ nhưng chắc chắn chưa đủ như mong đợi. Điều này còn phụ thuộc vào tư duy, chính sách, kỹ năng, phần mềm… Đằng sau đó chúng ta phải hiểu cuộc cách mạng này không phải thuần túy là công nghệ mà là cách mạng về thể chế (chính sách, cách làm, quy định…). Trung tâm của nó là con người và hơn cả đầu óc là trái tim. Tôi đã từng nhắc tới câu: Thế giới này được tạo ra bởi hai thứ là tình yêu và sáng tạo. Điều này cũng gần với bất động sản vì đều cần cả niềm tin, sự sáng tạo. Lưu ý của chúng ta là làm gì cũng phải tạo được niềm tin của thị trường.
Xin hỏi thêm các vị khách mời: Theo các anh, nhìn từ góc độ lớn hơn thì mấu chốt của chuyển đổi số với bất động sản là gì, và cách làm nên bắt đầu từ đâu?
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số là việc tiếp cận các chủ trương, chính sách. Cần phải có sự vào cuộc của hệ thống chính quyền đến các doanh nghiệp.
Ngoài ra, yếu tố quan trọng khác chính là kinh phí. Nếu phải bỏ quá nhiều tiền nhưng rủi ro trên 50% thì rất ít doanh nghiệp dám tham gia vào lĩnh vực này. Vì vậy, cần có sự cân đối một cách chi tiết của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước.
Ông Nguyễn Công Chính: Chuyển đổi số nên bắt đầu từ tư duy của người lãnh đạo
Để chuyển đổi số thành công, tôi cho rằng không có khuôn mẫu nào cả. Chuyển đổi số chỉ thành công khi có định hướng rõ ràng theo từng chiến lược phát triển và ứng dụng của doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề. Do tính đặc thù nên chúng ta cũng không thể bê khuôn mẫu chuyển đổi số của đơn vị, doanh nghiệp này thành công để ứng dụng sang doanh nghiệp, đơn vị, lĩnh vực khác.
Quan trọng, không phải khi nói “tôi chuyển đổi số là đã chuyển đổi số được ngay”, mà đó là cả quá trình kéo dài. Tôi cho rằng, chuyển đổi số trong tư duy của người lãnh đạo là quan trọng, tư duy để hiểu được khó khăn, thách thức và đồng hành cùng với cả quá trình thực hiện chuyển đổi số.
TS. Nguyễn Minh Phong: Thị trường quyết định sản xuất. Chúng ta phải nghiên cứu xem người mua cần những thông gì để đi đến quyết định mua nhà. Các phần mềm, công cụ của sàn nào thiết kế ra đáp ứng đúng với nhu cầu người tiêu dùng thì họ sẽ tiếp cận với sàn đó nhiều nhất, sàn sẽ bán được nhiều sản phẩm nhất. Cứ vì người tiêu dùng mà phục vụ tối đa tiện ích thì sẽ thành công.
Bên cạnh đó cũng cần phải xuất phát từ nhu cầu của các doanh nghiệp. Trong vấn đề này, Nhà nước sẽ đóng vai trò như trọng tài, sẽ phạt nếu vi phạm để đảm bảo các vấn đề liên quan, đặc biệt là vấn đề an ninh. Xây dựng hệ thống dữ liệu data để cho dùng chung.
TS. Nguyễn Văn Đính: Trọng tâm của bất động sản chính là sản phẩm. Sản phẩm giá trị cao nên tính thanh khoản chậm, muốn hiệu quả hơn thì bắt buộc phải chuyển đổi số. Vậy chuyển đổi số theo cách nào? Chúng tôi đang kiến nghị với Chính phủ một số vấn đề:
- Thứ nhất là mã hóa bất động sản, vấn đề này chúng tôi đang kiến nghị với Bộ Xây dựng, phải mã hóa để theo dõi dịch, biến động trên thị trường như thế nào.
- Thứ hai, trong phạm vi ngành nghề, cần mã số đến các sàn giao dịch và từng nhà môi giới, điều này sẽ giúp việc quản lý của Nhà nước tốt hơn, hiệu quả hơn và qua đó, chuyển đổi số của các doanh nghiệp, đơn vị tham gia cũng thuận lợi hơn.
Ông Bùi Văn Doanh: Tôi cho rằng, bên cạnh vai trò của Nhà nước thì vai trò tiên phong của nhà cung cấp (nền tảng, dịch vụ công nghệ bất động sản) là vô cùng quan trọng.
Trước hết, nhà tiên phong cung cấp công nghệ bất động sản phải cho khách hàng hiểu rõ được các sản phẩm của mình. Thứ hai là phải đóng vai trò dẫn dắt thị trường, đảm bảo quan hệ giữa nhà cung cấp và các doanh nghiệp bất động sản, các sàn môi giới.
Ông Hoàng Mai Chung: Là một doanh nghiệp phát triển công nghệ bất động sản, tôi cho rằng người lãnh đạo có vai trò rất quan trọng, phải thực sự quyết tâm.
Bên cạnh đó, yếu tố tài chính cũng rất quan trọng, đây là yếu tố khó khăn nhất với các doanh nghiệp. Tôi khẳng định rằng, về tài chính, Meey Land đã chi ra đến hàng nghìn tỷ đồng. Chúng tôi phải phối hợp với Google, Amazon để cùng hỗ trợ xây dựng nền tảng công nghệ hiện đại, phù hợp nhất cho thị trường và được cập nhật mỗi ngày.
Làm gì cũng cần phải có chiến lược để thành công, theo tôi đối với nền kinh tế chia sẻ thì cách làm tốt là các đơn vị hãy cùng hợp tác với nhau.
TS. Võ Trí Thành kết luận: Muốn chuyển đổi số thành công theo nghĩa lớn thì cần quyết tâm, quyết liệt, từ những vấn đề lớn lao cho đến những vấn đề nhỏ mang tính đặc thù của ngành bất động sản như giá trị tài sản lớn, tính thanh khoản không cao, cần rất nhiều dữ liệu, tạo dựng lòng tin đối với khách hàng,...
Tôi thật sự rất khâm phục các doanh nghiệp, điển hình là Meey Land và Đất Xanh Miền Bắc.
Về điều kiện cần để chuyển đổi số thành công: Thứ nhất là phải có tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo đứng đầu. Thứ hai là phải gắn chiến lược chuyển đổi số với chiến lược kinh doanh thực của doanh nghiệp. Thứ ba là phải bắt đầu chuyển đổi số từ những việc nhỏ nhất và làm theo một cách tốt nhất. Phải tạo ra tiền để còn đầu tư.
Và vừa nãy, chúng ta có thêm bài học thứ 4 của anh Hoàng Mai Chung chia sẻ mà tôi thấy rất đúng, đó là phải hợp tác, doanh nghiệp đừng ôm đồm hết một mình. Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau. Còn muốn đi vừa nhanh, vừa xa thì phải “ôm” nhau.
10:15
Tọa đàm cấp cao: Chuyển đổi số và công nghệ mới cho doanh nghiệp bất động sản
Điều phối Tọa đàm: TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh
Thành phần tham dự:
1. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
2. TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam
3. Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam
4. TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế
5. Ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Meey Land
6. Ông Nguyễn Công Chính, Giám đốc Công nghệ - Trưởng Ban Chuyển đổi số Công ty Cổ phần Dịch vụ & Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc
9:30
Ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Meey Land trình bày Tham luận: Giải pháp chuyển đổi số từ Hệ sinh thái Công nghệ Bất động sản Meey Land (Proptech)
Thị trường bất động sản đang có nhiều vấn đề mà ngay các hiệp hội hành nghề, cơ quan Nhà nước cũng nhìn thấy điều này và đau đáu tìm kiếm các giải pháp để đưa thị trường phát triển phù hợp, lành mạnh và bền vững.
Tuy nhiên, trong bức tranh dường như không thấy điểm sáng nhiều năm qua thì nay chúng ta vẫn còn hy vọng khi đã tìm thấy được một số cơ hội cho chuyển đổi số, công nghệ bất động sản.
Vậy chuyển đổi số bất động sản là gì?
Chuyển đổi số là áp dụng các công nghệ giúp rút ngắn thời gian, chi phí, nhân lực trong quá trình tìm hiểu, mua bán bất động sản. Cụ thể, chuyển đổi số sẽ giúp khách hàng tìm được sản phẩm bất động sản phù hợp nhất với mức giá hợp lý nhất; giúp quay vòng vốn nhanh, ổn định thị trường; kết nối cung cầu; giúp thị trường lưu thông, tăng tính thanh khoản. Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ giúp môi giới bất động sản kết nối với khách hàng dễ dàng, giúp các sàn môi giới giảm chi phí nhân sự,… Tóm lại, mục tiêu của chuyển đổi số - Proptech là đáp ứng 3 yếu tố cơ bản của thị trường bất động sản gồm cung cấp thông tin, hỗ trợ giao dịch và quản lý các quá trình.
Vai trò của chuyển đổi số là rất lớn, nhưng việc áp dụng chuyển đổi số tại Việt Nam đã thực sự phổ biến?
Hiện tại các nền tảng công nghệ trên thị trường đã ra đời khá nhiều và giải quyết nhiều vấn đề cho xã hội, không phân biệt tầng lớp, giai cấp. Tuy nhiên, bất động sản vẫn chưa có những công nghệ như vậy?
Các đối tượng tham gia vào chuỗi bất động sản là rất lớn từ cá nhân, tổ chức, khách hàng với các khâu là giao dịch, mua bán, cho thuê, bảo trì,… Thế nhưng hiện Proptech tại Việt Nam chưa có dữ liệu người dùng lớn. Thực trạng ứng dụng công nghệ vào bất động sản ở nước ta còn rất chậm. Công nghệ là xu hướng tất yếu trong các ngành nghề nhưng thực tế là bất động sản lại có những bước đi sau so với mặt bằng chung.
Các Proptech ở Việt Nam có thể kể đến như: Propzy, Homebase, Infina, Revex,... Quy mô thị trường lớn, nhưng hiện tại nhiều doanh nghiệp đang dần dần đóng cửa và các đơn vị còn lại cũng đang gặp rất nhiều khó khăn để có thể tồn tại. Thị trường biến động, nhân sự biến động, nếu không có am hiểu về bất động sản chỉ cần tác động một chút là sẽ bị đào thải. Thực sự chưa có đơn vị nào phát triển có thể coi là điểm sáng rõ ràng. Mỗi doanh nghiệp chỉ giải quyết một góc hẹp trong thị trường nhỏ.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do có quá nhiều khó khăn liên quan đến con người, công nghệ. Thậm chí, doanh thu trong giai đoạn đầu đối với các doanh nghiệp công nghệ bất động sản cũng rất ít, rất khó để các doanh nghiệp đủ quay vòng vốn. Vì vậy không có nhiều doanh nghiệp theo đuổi được lĩnh vực này.
Ứng dụng công nghệ bất động sản đang chủ yếu tập trung ở mảng cho thuê, còn giao dịch chưa được áp dụng nhiều. Vì vậy, cần một hệ sinh thái được áp dụng và phải am hiểu và có nguồn vốn đủ lớn mới có thể đưa các doanh nghiệp bất động sản đi xa.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế, nếu chúng ta sử dụng công nghệ để giảm rủi ro thì chắc chắn sẽ tạo ra nhiều lợi ích lớn cho kinh tế phát triển.
Nhu cầu giao dịch bất động sản lớn, do đó, cần có những công cụ để giao dịch nhằm giảm chi phí xã hội, tăng thanh khoản.Trong đó bao gồm bất động sản công nghiệp, bất động sản văn phòng, bất động sản nhà ở, bất động sản bán lẻ và dịch vụ.
Meeyland có app web Meeyland.com để tìm kiếm bất động sản. Chúng tôi tạo ra hệ sinh thái công nghệ cho thị trường bất động sản không nhằm mục đích cạnh tranh với các đơn vị đăng tin khác mà muốn nâng cao giá trị trải nghiệm cho khách hàng.
Từ thực tiễn tra cứu thông tin quy hoạch xuất hiện trên nhiều báo đài nên rất cần bản đồ quy hoạch trực tuyến, từ đó chúng tôi đưa ra và phát triển Meey Map. Ứng dụng này cho phép tra cứu quy hoạch trực tuyến; tích hợp đăng tin trên Meeyland.com; phân tích hiện trạng thửa đất; cung cấp các thông tin về bất động sản cùng thông tin về các lĩnh vực thiết yếu khác và vươn ra quốc tế.
9:15
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam trình bày Tham luận: Nhận diện điểm sáng và dự báo xu hướng của thị trường bất động sản Việt Nam năm 2023.
9 tháng vừa qua, nguồn cung mới của thị trường bất động sản chỉ bằng khoảng 20% so với cùng thời điểm năm trước. Các sản phẩm cũng chưa thực sự phù hợp với thị trường khi nguồn cung với phân khúc cao cấp đang thừa, trong khi đó sản phẩm giá rẻ đáp ứng nhu cầu tìm nhà ở thực của người dân lại đang thiếu.
2 năm qua khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 cùng với các hoạt động điều chỉnh chính sách đã có những tác động nhất định tới thị trường bất động sản.
Phân khúc nhà ở giá rẻ có nhu cầu lớn nhưng nguồn cung thiếu và yếu nên giá cả tăng mạnh, so với năm 2021 thì thời điểm hiện tại giá nhà đã tăng khoảng 30%, so với năm 2019 đã tăng 50%. Đặc biệt với phân khúc căn hộ ở tầm 25 triệu/m2 nay đã không còn tìm thấy trên thị trường.
Giá nhà tăng lên và không phù hợp với thị trường nên khả năng hấp thụ của thị trường thấp. Nhiều dự án giảm giá sản phẩm từ 15 - 35% để tăng hấp thụ.
Dự báo diễn biến thị trường giai đoạn cuối năm 2022 và năm 2023:
Từ nay đến cuối năm, một số phân khúc có điểm sáng, dư địa, tiềm năng vẫn còn lớn. Đó là bất động sản nghỉ dưỡng; bất động sản công nghiệp; nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Nhu cầu đầu tư và nhu cầu thực tại các phân khúc này cũng tương đối lớn. Ví dụ như phân khúc bất động sản công nghiệp đang có tỷ lệ lấp đầy tới 89%, kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng của giới chuyên gia, đội ngũ công nhân cũng rất cao. Do đó, các địa phương sẽ cần đẩy mạnh phát triển các phân khúc, sản phẩm dịch vụ ăn theo.
Mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng thị trường bất động sản hiện đang đối mặt với nhiều điểm nghẽn khó khăn. Đơn cử như các quy định của pháp luật, các thủ tục pháp lý đang khiến nhiều dự án nằm chờ chưa thể triển khai. Thời gian vừa qua, Chính phủ đang cố gắng tháo gỡ các rào cản khó khăn, tôi tin rằng thi trường sẽ dần có cân bằng tốt hơn trong năm 2023.
Đặc biệt, xu hướng mới của thị trường là ứng dụng các công nghệ trong lĩnh vực bất động sản sẽ gia tăng so với thực tế đang rất thấp hiện nay.
Giai đoạn 2020 - 2021, thị trường gặp khó khăn bởi Covid-19 nhưng hoạt động của thị trường vẫn rất sôi động, thậm chí bùng nổ mạnh hơn giai đoạn trước dịch thông qua các ứng dụng công nghệ. Các hoạt động mở bán, giao dịch online vẫn diễn ra, nhờ có công nghệ đã tăng tính hiệu quả của thị trường. Công nghệ cũng hỗ trợ khảo sát các thông tin từ khách hàng từ nhu cầu đến số vốn của khách hàng để chủ đầu tư có thể đưa ra các sản phẩm phù hợp.
Trước đây để tham gia, tìm hiểu về thị trường bất động sản cần phải có cả bộ máy, nhiều con người, nhưng nay sử dụng công nghệ thì chỉ trong tích tắc. Việc nhập dữ liệu giúp dễ dàng thu thập thông tin, tiếp cận khách hàng chuẩn xác. Toàn bộ hệ thống công nghệ sẽ giúp xử lý thông tin, giao dịch, hậu mãi quản lý sau bán hàng… đều có thể ứng dụng công nghệ rất tốt.
Hiện chúng ta đã quan tâm, ứng dụng và phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng vẫn chưa tương xứng với ngành nghề khác. Đây là việc chúng ta không thể không theo vì đó là xu hướng tất yếu. Cuộc cách mạng này đã đến giai đoạn bắt buộc phải quan tâm.
Chúng tôi hoan nghênh việc nhiều doanh nghiệp nghiên cứu thành lập công ty công nghệ hỗ trợ chuyển đổi số, thúc đẩy giao dịch bất động sản nhanh chóng, thuận lợi; tiết giảm chi phí, tăng thanh khoản. Trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land được chúng tôi đánh giá cao bởi phương thức triển khai hợp lý và có nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ rất tốt cho nhiều đối tượng tham gia thị trường bất động sản. Đây chính là hệ sinh thái công nghệ bất động sản mà mọi người nên lựa chọn.
9:00
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội nghị:
Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!
Kính thưa quý chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo!
Trước tiên, thay mặt cho Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tôi xin gửi tới quý vị đại biểu, quý chuyên gia, các nhà khoa học, nhà báo lời chào trân trọng và lời chúc sức khỏe tốt đẹp nhất!
Thưa Quý vị,
Do tác động của dịch Covid-19, nhiều thời điểm các hoạt động đầu tư, xây dựng dự án phải tạm dừng; quy trình, thủ tục dự án nhà ở, khu đô thị được kiểm soát chặt chẽ hơn, đặc biệt là các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị gần trung tâm, có sẵn cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dễ làm, dễ kinh doanh hầu như đã hết, việc phát triển các dự án mới nay phải ra ngoài vùng ven, xa trung tâm, thậm chí là ở các tỉnh lân cận, yêu cầu phải có kết nối hạ tầng, xây dựng mới nhiều tiện ích. Vì vậy, nguồn cung bất động sản nhà ở tại khu vực đô thị trong 2 năm trở lại đây rất hạn chế.
Theo Báo cáo tình hình thị trường bất động sản hằng năm của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thì tổng nguồn cung mới nhà ở cả nước (tại khu vực đô thị) năm 2021 chỉ đạt khoảng 55.000 sản phẩm, bằng 58% so với năm 2020 (95.000 sản phảm) và chỉ bằng khoảng 31,5% của năm 2018; tình hình nguồn cung và giao dịch nhà ở 6 tháng đầu năm 2022 cũng không khá hơn, chỉ tương đương với cùng kỳ 2021, khoảng 22.000 sản phẩm. Do nhu cầu về nhà ở còn rất lớn, nguồn cung ít, nên giá nhà ở, đất nền bị đẩy lên mặt bằng giá mới, cao hơn. Đặc biệt, căn hộ bình dân có giá dưới 25 triệu/m2 hầu như không có trên thị trường Hà Nội và TP.HCM. Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, sau một thời gian trầm lắng đã có giao dịch trở lại trong quý 4/2021, xuất hiện hình thức phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trên diện tích đất ở sử dụng lâu dài, đã thu hút các nhà đầu tư quan tâm, có tỷ lệ hấp thụ tốt.
Do tình hình kinh tế thế giới có sự điều chỉnh, Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, việc quản lý chặt chẽ dòng tiền vào bất động sản, lãi suất huy động tăng, mặt khác các khó khăn về pháp lý chưa được giải quyết triệt để, dẫn đến nguồn cung mới cho thị trường bất động sản năm 2023 ở hầu hết các phân khúc bất động sản, nhất là bất động sản nhà ở sẽ không tăng so với năm 2022. Tình hình giao dịch tiếp tục gặp khó khăn.
Tuy nhiên, về trung và dài hạn, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có xu hướng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Như chúng ta đã biết, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay khoảng xấp xỉ 40%, với tốc độ đô thị hóa tăng khoảng 1%/ năm thì mỗi năm dân số đô thị tăng thêm khoảng 1 triệu người, nếu tính riêng nhà ở cho số người tăng thêm này thì hằng năm chúng ta phải xây dựng từ 20 - 25 triệu mét vuông nhà ở. Cùng với đó là xu thế chuyển dịch các cơ sở công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia của thế giới, Việt Nam đang là điểm thu hút đầu tư nước ngoài, thị trường bất động sản công nghiệp cũng đang là điểm sáng của thị trường bất động sản. Các khu công nghiệp được phát triển có tỷ lệ lấp đầy tăng và kéo theo nhu cầu về nhà ở công nhân làm việc tại các khu công nghiệp cũng tăng theo, đây là phân khúc bất động sản chủ lực trong thời gian tới. Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, nhất là ở những địa bàn mới.
Thưa Quý vị,
Xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, thi công xây lắp công trình, sử dụng dữ liệu lớn trong phân tích hiệu quả đầu tư, chăm sóc khách hàng, công nghệ đầu tư tài chính, định giá bất động sản và giao dịch, bán hàng đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều quốc gia bắt buộc các công trình công cộng khi đầu tư xây dựng phải đáp ứng tiêu chí công trình xanh, công trình thông minh, nhiều đô thị thông minh với quy mô cấp thành phố đã được triển khai xây dựng mới hoặc chuyển đổi từ các đô thị cũ.
Trước yêu cầu bắt kịp với xu thế của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhu cầu về chuyển đổi số trong ngành bất động sản là rất lớn, tập trung vào một số lĩnh vực sau:
- Các giải pháp công nghệ, thiết bị cho phát triển công trình xanh, thông minh;
- Sử dụng số liệu lớn trong phân tích hiệu quả đầu tư, chăm sóc khách hàng;
- Số hoá trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai;
- Công nghệ định giá bất động sản tự động;
- Quản trị rủi ro trong đầu tư kinh doanh bất động sản;
- Các ứng dụng mua, bán bất động sản;
- Kinh tế chia sẻ trong bất động sản;
Đặc biệt, thị trường bất động sản còn có quan hệ trực tiếp với thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường bất động sản không chỉ là tác nhân quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển mà còn có tác động tiêu cực tới ổn định kinh tế vĩ mô nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Bởi theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản theo nghĩa rộng chiếm tới gần 14% GDP. Trong những giai đoạn phát triển ổn định, thì tín dụng cho bất động sản chiếm khoảng xấp xỉ 10% tổng dư nợ của toàn hệ thống và mức tăng trưởng tín dụng bất động sản thường cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung khoảng 5%. Ngoài ra, người dân tham gia đầu tư bất động sản với số vốn đặc biệt lớn. Chính vì vậy, tài chính bất động sản là lĩnh vực cần nhiều sản phẩm công nghệ ứng dụng trong thời gian tới.
Có thể khẳng định rằng, công nghệ số và chuyển đổi số không còn là nhu cầu, sự lựa chọn, mà là yếu tố bắt buộc để giúp doanh nghiệp bất động sản vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay; đồng thời, là cơ sở để xây dựng và phát triển thị trường bất động sản chuyên nghiệp, lành mạnh và bền vững.
Thưa Quý vị,
Trên cơ sở đó, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sự đồng hành của Tập đoàn Meey Land, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản Việt Nam.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam rất hoan nghênh việc Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Meey Land tổ chức Hội nghị này. Đây là cơ hội để các công ty công nghệ và các doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp xây dựng gặp gỡ, trao đổi, tìm cơ hội hợp tác. Tôi mong rằng sau Hội nghị này sẽ có thêm các sản phẩm công nghệ ra đời, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của ngành bất động sản và xây dựng của Việt Nam.
Thưa Quý vị!
Nhân dịp này, thay mặt cho Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo và lãnh đạo các doanh nghiệp đã tham dự Hội nghị.
Kính chúc các quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!
Xin chúc chương trình thành công tốt đẹp!
Trân trọng cảm ơn sự lắng nghe của quý vị!
8:50
Các khách mời tham dự Hội nghị:
Hội nghị Xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản có sự tham dự của:
Về phía lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam:
- Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng)
- TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam
- Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam
Về phía các chuyên gia, nhà khoa học:
- TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh
- TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế
- Ông Nguyễn Công Chính, Giám đốc Công nghệ - Trưởng Ban Chuyển đổi số Công ty Cổ phần Dịch vụ & Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc
Về phía BTC và đơn vị đồng tổ chức:
- Ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam
- Nhà báo Bùi Văn Khương - Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam
- Ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Meey Land
Cùng sự có mặt của lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản, đông đảo nhà đầu tư, nhà môi giới bất động sản và các cơ quan báo chí - truyền hình.