Aa

Hồi sinh sông Tô Lịch: Mọi biện pháp xử lý tại chỗ chỉ là tạm thời

Thứ Sáu, 16/08/2019 - 13:30

Giải cứu sông Tô Lịch không thể chỉ trông đợi vào việc xử lý ô nhiễm tại chỗ bằng hóa chất hay công nghệ, bởi nếu không có biện pháp ngăn được nước thải chảy xuống sông thì mọi việc đều là vô nghĩa, không bền vững.

Muối bỏ bể

Thời gian vừa qua, dư luận không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến chuyên gia Nhật Bản tắm trong khu vực quây tôn thí điểm xử lý ô nhiễm môi trường nước tại khu vực đầu nguồn sông Tô Lịch.

Theo nhiều chuyên gia, những nỗ lực của Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) rất đáng ghi nhận, nhưng rất khó để triển khai đại trà trên dọc sông Tô Lịch. Lý giải về việc này, nhiều chuyên gia cho rằng, bản chất của sông Tô Lịch hiện nay là mương thoát nước thải của TP, tức là luôn có nước bẩn chảy vào. 

Bản thân JVE cũng nhận thức rõ được điều này khi tiến hành quây tôn khu vực xử lý ô nhiễm nước và lớp bùn đáy, để hạn chế thấp nhất lượng nước thải bổ cập vào khu vực thử nghiệm. Tuy nhiên, như đã nói, sông Tô Lịch luôn có nước thải bổ cập vào nên việc xử lý theo công nghệ Nhật Bản hay hóa chất nào cũng rất khó khăn.

Sông Tô Lịch hết mùi và có màu xanh đặc trưng khi được bổ cập nước hồ Tây

PGS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viên Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam) cho rằng, đối với công nghệ Nano - Bioreactor do JVE thực hiện là phương pháp sục khí ôxi dưới dạng na - nô đã được triển khai ở một số nước.

Trong quá trình xử lý ô nhiễm, ngoài việc bơm ôxi dưới dạng na - nô vào nguồn nước, các chuyên gia Nhật Bản còn sử dụng các cá thể dạng bờ lốc bằng các vật liệu là nham thạch của núi lửa để xử lý lớp bùn phía dưới.

Tuy nhiên, đây là biện pháp xử lý tại những khu vực nước tù và không phát sinh nguồn thải vào thường xuyên. Còn đối với những dòng sông nước thải chảy vào liên tục, hoặc dòng sông động thì hiệu quả chưa thể đánh giá được.

Liên quan đến việc xử lý môi trường sông Tô Lịch, vừa qua, TP. Hà Nội đang thí điểm 2 công nghệ làm sạch nguồn nước (Công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản và Redoxy - 3C của Đức). Sau một thời gian thí điểm, bước đầu các công nghệ trên đều cho kết quả khả quan, nước đã bớt mùi hôi và hàm lượng oxi trong nước cũng tăng lên.

Tuy nhiên, một số chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng, do sông Tô Lịch vẫn có dòng chảy, nên việc dùng hoạt chất hoặc công nghệ xử lý chưa thể mang lại kết quả bền vững.

Một mũi tên trúng hai đích

Hiện tại, nhằm xử lý ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch, ngoài việc thí điểm xử lý theo công nghệ Nano - Bioreactor do JVE thực hiện, TP cũng đang nghiên cứu những biện pháp khác nhằm hồi sinh sông Tô Lịch, trong đó, một trong giải pháp được dư luận, các chuyên gia đánh giá cao là việc đưa nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch.

Bổ cập nước hồ Tây cho sông Tô Lịch được đánh giá là biện pháp hữu hiệu nhằm hồi sinh sông Tô Lịch

Theo nguyên Giám đốc Ban QLDA thoát nước Hà Nội (nay là Ban QLDA đầu tư Công trình Cấp, thoát nước và môi trường TP) Phạm Văn Cường, với đặc điểm của sông Tô Lịch là mùa mưa, dòng chảy mới được lưu thông, mùa khô thì nước sông sẽ trở nên “tù”, thậm chí có khi cạn trơ đáy nên vẫn phải được bổ cập nước thường xuyên. 

Do đó, dự án "đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch" mà Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đang trình lên UBND TP. Hà Nội là cần thiết trong tất cả các khả năng đặt ra, chứ không phải giải pháp trước mắt đối với vấn đề của sông Tô Lịch.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Trần Đức Hạ khẳng định, việc đưa nước sông Hồng vào giải cứu sông Tô Lịch là cần thiết. Bởi, việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch đã được đưa vào quy hoạch thoát nước của Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2012. Bên cạnh đó, vào mùa khô, khi lượng mưa thấp, nếu không có nước bổ cập, sông Tô Lịch sẽ đứng trước nguy cơ chạm đáy và trở thành dòng sông chết.

Xung quanh vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết, hiện tại, đề án trên đã được đơn vị trình lên UBND TP chờ phê duyệt. Nếu đề án được chấp thuận đề xuất, Công ty sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng hệ thống trạm bơm dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào làm sạch hồ Tây. Khi hồ Tây sạch sẽ dẫn nước từ hồ qua hai cửa xả vào sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông.

Theo đề xuất, dự án xây dựng trạm bơm dẫn nước từ sông Hồng vào Hồ Tây có công suất 156.000m3/giờ, tổng mức đầu tư của dự án khái toán khoảng 150 tỷ đồng.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top