Aa

Hội thảo “Không gian đô thị Phú Quốc: Sự dịch chuyển mạnh mẽ của xu hướng đầu tư mới“

Thứ Năm, 11/08/2022 - 06:00

Sáng 11/8, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Reatimes và VIRES phối hợp cùng Meyland tổ chức Hội thảo "Không gian đô thị Phú Quốc: Sự dịch chuyển mạnh mẽ của xu hướng đầu tư mới".

Quyết định 767/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 đã xác định mục tiêu quy hoạch là phát triển TP. Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc; một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; đồng thời là một trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khoẻ, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao ở tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị - văn hóa. Bên cạnh đó, không đơn thuần là một điểm đến, một thiên đường nghỉ dưỡng, Phú Quốc sẽ trở thành một không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

"Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Kiên Giang cũng đã xác định mục tiêu xây dựng TP. Phú Quốc đạt đô thị loại I vào năm 2025, trở thành thành phố du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế. Với vị thế là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, dự báo đến 2030, Phú Quốc sẽ có 550.000 dân. Với mức dân số tăng gấp 3 lần hiện tại, Đảo Ngọc tương lai sẽ trở thành một trung tâm kinh tế - tài chính mới của khu vực và thế giới. Không chỉ hấp dẫn giới đầu tư kinh doanh, mà còn thu hút đội ngũ chuyên gia, nhân sự chất lượng cao về làm việc, sinh sống. Nơi đây sẽ hình thành quần thể cộng đồng trí thức cao, tinh hoa hội tụ.

Đứng trước cơ hội trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc, một thành phố đáng sống bậc nhất, với những thế mạnh riêng có, Phú Quốc đang dần chuyển mình để sẵn sàng trở thành điểm đến an cư, đầu tư đắt giá. Một “cuộc cách mạng” thực sự về mở rộng và hiện đại hóa không gian đô thị đang dần hình thành tại Phú Quốc. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội phát triển là những thách thức song hành. Theo đó, còn nhiều vấn đề phải giải quyết để Phú Quốc hiện thực hóa được mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế mới của khu vực và thế giới.

Cụ thể, thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước đang thiếu hụt những mô hình phát triển mới, bền vững, tích hợp đa chức năng về cả y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ tài chính ngân hàng… Để phát triển xứng tầm, hơn lúc nào hết Phú Quốc cần nhanh chóng phát triển các sản phẩm bất động sản tương xứng, đặc biệt là các khu đô thị cao cấp, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp cư dân mới, để hoàn thiện bức tranh đô thị mới của Phú Quốc.

Trên cơ sở đó, sáng 11/8 tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng Công ty Cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành - Meyland tổ chức Hội thảo Không gian đô thị Phú Quốc: Sự dịch chuyển mạnh mẽ của xu hướng đầu tư mới.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, UBND TP. Phú Quốc, các chuyên gia kinh tế - tài chính, bất động sản, kiến trúc - quy hoạch hàng đầu Việt Nam, cùng đại diện các doanh nghiệp phát triển dự án tại Phú Quốc.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ trình bày tham luận và thảo luận về các vấn đề: Chiến lược quy hoạch, đầu tư, xây dựng các đô thị của Phú Quốc trong giai đoạn tới; Phú Quốc và định hướng trở thành trung tâm kinh tế - tài chính của châu Á và thế giới; Triển vọng phát triển không gian đô thị Phú Quốc nhìn từ quy hoạch Phú Quốc đến năm 2040; Thực trạng và xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản Phú Quốc; Tiên phong kiến tạo không gian đô thị Phú Quốc từ thực tế phát triển dự án Meyhomes Capital Phú Quốc; Tiềm năng sinh lời từ việc đầu tư lâu dài, bền vững vào phân khúc nhà ở cao cấp tại thị trường Phú Quốc…

Toàn bộ nội dung Hội thảo sẽ được tường thuật trực tiếp trên Reatimes.vn.

Tiêu điểm sự kiện

    12:00

    Hội thảo kết thúc

    11:50

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan kết luận Hội thảo

    Trong 3 tiếng đồng hồ vừa qua, chúng ta đã nghe tất cả những ý kiến quý báu từ các chuyên gia, nhà khoa học.

    Thay mặt Ban tổ chức, chúng tôi xin tiếp thu các ý kiến trong tham luận, ý kiến tại phiên tọa đàm. Sau đó, chúng tôi sẽ cùng các đơn vị tập hợp ý kiến để báo cáo Chính phủ và các Bộ, ban, ngành Trung ương liên quan. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức thêm Hội thảo về kinh tế biển để làm rõ một số vấn đề.

    Thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị đồng tổ chức và các cơ quan báo chí.

    Xin trân trọng cảm ơn!

    11:45

    Ông Trịnh Ngọc Thái, Giám đốc Vận hành Khu đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc phát biểu

    Theo tôi, khi vận hành một khu đô thị để trở thành nơi đáng sống với cư dân thì cần ba yếu tố:

    Đầu tiên là an ninh an toàn cho cư dân.

    Thứ hai là cảm giác được an cư lạc nghiệp. Các chỉ số từ môi trường, dịch vụ, giáo dục… đều được ưu tiên và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để người dân cảm nhận được chất lượng cuộc sống cao.

    Cuối cùng là phát triển đô thị thông minh (smart city). Chúng tôi đang phát triển và vận hành khu đô thị qua apps thông minh, tất cả các vấn đề về tiện ích, hiệu suất sử dụng căn nhà, quản lý... đều được thực hiện qua apps. 

    Ba yếu tố đó hiện đã và đang được Meyhomes Capital Phú Quốc chú trọng phát triển.

    11:35

    TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế phát biểu

    Tôi xin chia sẻ 4 điểm nhấn của Phú Quốc:

    Thứ nhất, Phú Quốc là hòn đảo đặc biệt của nước ta, có nguồn nước ngọt phong phú, tài nguyên biển đảo đẹp. 

    Thứ hai, đây là đô thị biển đảo đầu tiên của Việt Nam. 

    Thứ ba, Phú Quốc là thành phố cực kỳ mở, mang tính quốc tế cao, cả về mặt dân số, kinh tế, văn hoá. 

    Thứ tư, thị trường bất động sản Phú Quốc có nhiều tiềm năng nhưng cơ cấu sản phẩm đang bị lệch: Thiếu bất động sản lưỡng dụng vừa ở vừa cho thuê; mới có bất động sản nghỉ dưỡng 3, 4 sao, còn cao cấp rất ít.

    Về chính sách phát triển, tôi cho rằng, cần quan tâm 2 yếu tố:

    Thứ nhất, cần có quy hoạch chung bao quát, những quy hoạch riêng chi tiết và cần có tổ chức đấu thầu tầm cao, tránh lắt nhắt, điều chỉnh nhiều lần. Dự án bất động sản ở Phú Quốc vẫn thiếu tính bản địa, dân tộc cũng như tính văn hoá mới. Do đó, yêu cầu kiến trúc quy hoạch mang tính quốc tế cao hơn, đa văn hoá hơn cũng như giữ được tính bản địa.

    Thứ hai, cần có chính sách quản lý, cơ chế thu hồi dự án để đảm bảo thị trường bền vững cũng như đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng. Phú Quốc cần được áp dụng các chính sách kinh tế, xã hội ở mức mới và cao nhất. Cần có cơ chế riêng về xây dựng dự án bất động sản lưỡng dụng, thậm chí là cơ chế riêng khuyến khích xây dựng phát triển tại các đảo nhỏ. Đồng thời, công khai, minh bạch các yếu tố quy hoạch từ chung đến riêng.

    Thứ ba, cần sử dụng ngân sách Nhà nước để xây dựng các yếu tố hạ tầng kỹ thuật cơ bản như nguồn nước, nguồn điện và các hạ tầng công nghiệp.

    11:25

    PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế phát biểu

    Trước hết, tôi muốn nhắc tới việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập TP. Phú Quốc - thành phố biển đảo duy nhất hiện nay. Theo tôi, trong quy hoạch Phú Quốc, cần phải chú trọng tới 4 trụ cột chính:

    Thứ nhất, trụ cột về công nghiệp giải trí: Hiện Phú Quốc mới có nền công nghiệp mang tính cơ bản, chưa có công nghiệp giải trí biển đảo thực sự. Điều này đòi hỏi phải có thời gian, tiềm năng lớn để phát triển giải trí theo hướng giải trí biển đảo xanh, thông minh.

    Thứ hai, trụ cột về du lịch nghỉ dưỡng: Đến thời điểm hiện tại, Phú Quốc đã thu hút đầu tư được khoảng 16,7 tỷ USD và việc đầu tư đó đã đạt kết quả tốt. Mức độ phát triển kinh tế với hiệu quả cao, đóng góp 40% nguồn thu cho Kiên Giang. Đây là những nền tảng giúp cho Phú Quốc trở thành đô thị đặc sắc trong tương lai.

    Thứ ba, trụ cột để xây dựng Phú Quốc thành trung tâm tài chính mới của khu vực. Đây quả thực là vấn đề không đơn giản. Các quốc gia thường xây dựng trung tâm tài chính quốc gia rồi mới xây dựng trung tâm khu vực, tạo điều kiện cho các chuyên gia tới làm việc. Tuy nhiên, việc phát triển Phú Quốc thành trung tâm tài chính phải nhằm phục vụ các hoạt động tài chính, bằng việc phát triển du lịch, công nghệ giải trí, nghiên cứu khoa học. Cần xây dựng hạ tầng, các tuyến đường, hệ thống internet tốt nhất.

    Thứ tư, trụ cột để trở thành thành phố biển đảo đặc sắc, cần có trung tâm kinh tế biển. Phú Quốc có đầy đủ điều kiện để phát triển kinh tế biển, ngoài công nghiệp, du lịch, giải trí cần phải cụ thể hóa, phát triển thương mại, logistics, phục vụ cơ sở hạ tầng biển.

    Phát triển kinh tế biển ở đây là mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng trong điều kiện hoạt động ở những điều kiện khác nhau.

    Về quy hoạch Kiên Giang trình Thủ tướng mới đây, chúng tôi cho rằng cần có quy hoạch ổn định 40 - 50 năm và trở thành đường hướng để việc đầu tư phát triển đi theo hướng đó. Việc phát triển đô thị, đầu tư bất động sản trở thành mục tiêu quan trọng nhưng cần phù hợp với sự phát triển trong dài hạn của thành phố thông minh và công nghệ cao.

    Cuối cùng, tôi cho rằng, việc phát triển bất động sản, kinh tế Phú Quốc chính là bài toán cấp bách với sự phát triển của cả nền kinh tế trong tương lai.

    11:15

    TS. KTS. Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng phát biểu

    Phú Quốc được mệnh danh là Đảo Ngọc nhưng cá nhân tôi thấy Phú Quốc đang dần đánh mất đi những nét đặc thù riêng và trở nên giống với đa số các khu du lịch khác.

    Phải khẳng định rằng, nếu như một đô thị chỉ phát triển thuần du lịch thì rất mong manh, đại dịch đã chứng minh điều đó. Ví dụ như Đà Nẵng quê hương tôi là thành phố thuần du lịch, sau tác động của đại dịch thì gần như tê liệt, xơ xác. Đó là thực tế rất đau lòng. 

    Do đó, ngoài du lịch, tôi cho rằng, Phú Quốc cũng nên phát triển dân cư. Cần có dòng dịch chuyển dân cư, chứ không chỉ đến Phú Quốc chỉ để du lịch rồi về. Để cụ thể hóa cái “độc lạ” của Phú Quốc nên có những mô hình, định hướng chiến lược để thiết lập các dự án đô thị kiểu mẫu, đảm bảo thu hút lượng lớn người nước ngoài và Việt Nam nhập cư vào Phú Quốc. 

    Đại dịch cho chúng ta nhận ra làm việc xa cũng tốt, gắn giữa du lịch và làm việc từ xa. Khái niệm “thành phố 15 phút” được đưa ra vào năm 2016 tại Pháp. Ban đầu có gây ra tranh cãi nhưng thực tế, đại dịch đã chứng minh khái niệm này hợp lý. Đó là đảm bảo chỉ với 15 phút di chuyển,  người dân có thể được đáp ứng các dịch vụ. Khái niệm này đưa ra cách thức sống mới khi các dịch vụ tiện ích, xã hội có thể được đáp ứng trong vòng 15 phút. Trong trường hợp bị hạn chế di chuyển, người dân chỉ cần 15 phút có thể tiếp cận được những nhu cầu hàng ngày như mua sắm, ăn uống, khám bệnh…

    Các đô thị du lịch Việt Nam chưa nhắc nhiều đến hạ tầng bệnh viện, trạm y tế, chăm sóc sức khỏe. Hệ thống chăm sóc sức khỏe rất quan trọng trong bối cảnh đại dịch, nhất là thực tế dịch chồng dịch như hiện nay. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe giờ đây ngày càng lớn hơn. Trung tâm mua sắm hiện nay theo xu hướng quốc tế hóa nhưng cũng cần có khu mua sắm phổ thông, dành cho những người thu nhập trung bình phổ biến trong xã hội. Khi có khủng hoảng trong khu đô thị, trung tâm mua sắm này sẽ đáp ứng được cho đa số dân. Khu công viên cây xanh, vườn hoa cũng phải kế cận và đáp ứng nhu cầu vận động, thư giãn của người dân. 

    Do đó, tôi cho rằng, mô hình phát triển của Phú Quốc không nên chỉ gói gọn là một điểm đến du lịch hấp dẫn mà phải là thành phố định cư đúng nghĩa, một đô thị hoàn chỉnh, có hoạt động sống, phát triển kinh tế… Khi phát triển đô thị là trọng tâm thì Phú Quốc phải là một cơ thể hoàn chỉnh chứ không chỉ có du lịch.

    11:00

    PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị xanh Việt Nam chia sẻ quan điểm

    Tôi có một số đề xuất để phát triển Phú Quốc theo hướng xanh và bền vững. 
    Phú Quốc có nhiều tiềm năng để phát triển theo hướng này. Theo tôi, bền vững có ba thành tố, gồm: Môi trường, văn hoá và kinh tế. 

    Thứ nhất là yếu tố môi trường. Nếu Phú Quốc muốn phát triển thì yếu tố đáng sống cần được ưu tiên trước tiên, và các dự án bất động sản tại đây cũng đang làm được điều đó. 

    Thứ hai là yếu tố kinh tế. Bất cứ nhà đầu tư nào tìm đến Phú Quốc cũng đều hướng đến bài toán kinh tế. Nhìn ở góc độ bền vững, tôi nghĩ trong dài hạn cần tạo cho Phú Quốc yếu tố cạnh tranh. Để hòn đảo này có thể cạnh tranh với nhiều địa điểm hấp dẫn khác trên thế giới thì cần tạo được những đặc điểm riêng với sức hút riêng. 

    Cuối cùng là yếu tố văn hoá. Tôi đồng ý với các ý kiến nhấn mạnh đến sự độc và lạ của Phú Quốc. Những khu đô thị đang hiện hữu có những giá trị hiện hữu, văn hoá riêng; song nhiều dự án gần đây lại mang văn hoá ngoại lai đưa vào vùng đất này. Tôi nghĩ rằng văn hoá Phú Quốc vẫn nên là văn hoá bản địa và các nhà đầu tư cần nhạy bén với điểm này. 

    Thêm nữa, dù Phú Quốc có diện tích ngang với Singapore nhưng quỹ tài nguyên rất giới hạn, đặc biệt là tài nguyên đất. Làm sao để khai thác quỹ đất được hiệu quả là vấn đề cần đặt ra, nếu không, về lâu dài sẽ đánh mất đi khả năng khai thác phát triển Phú Quốc trong tương lai.

    10:45

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan điều phối phiên Tọa đàm: PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phát biểu

    Phú Quốc là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam trên chủ trương, quyết định. Một thành phố đảo đúng nghĩa là như thế nào thì vẫn còn những tranh luận. Từ đầu Hội thảo, có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia với những quan điểm riêng khác nhau, nhưng đặt vào khuôn chung có thể thấy các ý kiến đều đúng, một phía là tầm nhìn phát triển còn một phía là lộ trình để triển khai. 

    Tôi cho rằng, cần nhìn vào lộ trình để có cách thức thực hiện an toàn và quy hoạch sẽ bám sát vào đó để điều chỉnh sao cho linh hoạt. Mặt khác, khi cơ quan quản lý đưa ra nhiều thông điệp, đề ra những nguyên tắc thì các doanh nghiệp của chúng ta có thể phát triển đúng hướng và mang tính bền vững.

    Tôi rất đồng tình với quan điểm, Phú Quốc là một viên ngọc và ngọc thì càng mài càng sáng, tuy nhiên nếu mài không cẩn thận, ngọc cũng sẽ "tối", không phát huy được giá trị vốn có.

    Đặc biệt, vấn đề nước là vấn đề cần quan tâm tại Phú Quốc, chúng ta không nên biến Đảo Ngọc thành đảo ngập. Tôi cho rằng, cần đặt ra tư duy cho các nhà làm quy hoạch, không xây dựng một cách vô tội vạ, thay vào đó cần bảo tồn các yếu tố cũ và xây dựng yếu tố mới một cách đúng hướng.

    Sở dĩ Phú Quốc phát triển đến ngày hôm nay là nhờ có sự đóng góp của các nhà đầu tư chiến lược, nhưng phát triển về đường dài thế nào sẽ cần bàn luận thêm nhiều vấn đề.

    Phú Quốc có lợi thế về biển đảo, cần phát triển trên 2 yếu tố: Tính trội riêng với các đảo để phát triển; tính liên kết giữa đảo và biển với các đảo, khu vực biển xung quanh.

    Bên cạnh đó, sự chuyển dịch về địa chính trị trong khu vực khiến khu vực Phú Quốc cũng cần có cách nhìn mới. Theo đó, việc hướng tới thu hút các nhà đầu tư trong nước sẽ tốt hơn các nhà đầu tư nước ngoài tại khu vực này. Theo đó việc xây dựng và phát triển đô thị, nghỉ dưỡng tại Phú Quốc đã được cân nhắc kỹ.

    Tôi xin nhấn mạnh, Phú Quốc là phần lãnh thổ thiêng liêng của đất nước, doanh nghiệp phát triển được thì rất đáng hoan nghênh.

    Cuối cùng, phát triển đô thị phải gắn liền với kinh tế đô thị, nên tôi nhất trí cần đô thị cho người dân ở. Ngoài những khu dân cư, đô thị hiện hữu thì cần các khu dân cư mới - đây là khía cạnh khai thác kinh tế khá tốt. Và thêm nữa, chúng ta đã phát triển ra biển chứ không còn chỉ đứng trên bờ nữa, tuy nhiên tôi cho rằng phát triển Phú Quốc không nên lấn biển như nhiều tỉnh thành đang làm, vì tại Phú Quốc còn nhiều dư địa phát triển với đất và rừng./.

    10:35

    Ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành trình bày Tham luận

    Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!

    Kính thưa quý chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo!

    Lời đầu tiên, tôi xin gửi tới quý vị đại biểu, quý chuyên gia, các nhà khoa học, nhà báo lời chào trân trọng và lời chúc sức khỏe tốt đẹp nhất! Chúc quý vị đại biểu gặp nhiều may mắn, an khang thịnh vượng.

    Thưa Quý vị,

    Từ uy tín đã tạo dựng của một thương hiệu Quốc gia, Tập đoàn Tân Á Đại Thành định hướng phát triển chuyên sâu ở 3 lĩnh vực: Công nghiệp gia dụng; Sản xuất vật liệu xây dựng và Bất động sản. Trong đó bất động sản sẽ phát triển chuyên sâu 3 dòng sản phẩm: Đô thị và nhà ở cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp. Nhờ nền tảng tài chính vững mạnh, tầm nhìn dài hạn và chiến lược “đứng trên vai những người khổng lồ” thông qua việc hợp tác với các đối tác quốc tế, Tân Á Đại Thành đã nhanh chóng khẳng định vị thế riêng trong lĩnh vực này.

    Thưa Quý vị,

    Tân Á Đại Thành là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực đô thị tại Phú Quốc. Thực tế cho thấy chúng tôi đang thành công với hướng đi khác biệt này. Cùng chung tầm nhìn với chính quyền thành phố về tương lai Phú Quốc, chúng tôi quyết tâm kiến tạo Đại đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc quy mô 266ha thành một “Thành phố tinh khiết, lõi trung tâm đảo Ngọc”. Nơi đây hội tụ đầy đủ những giá trị của một thành phố đáng sống đó là: “Nhịp sống sôi động - Giáo dục thông minh - Sức khoẻ trọn vẹn - Kinh tế bền vững”… tạo ra môi trường sống hoàn hảo và tương lai tốt đẹp cho cộng đồng cư dân toàn cầu.

    Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi đã hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực: Quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, quản lý xây dựng, vận hành… Trong đó phải kể tới việc hợp tác với Tập đoàn Daewoo E&C - Hàn Quốc, Dark Horse Architecture, HBA Architecture, Artelia Group, ChungHo Nais, OneLanscape, Accor Hotels, CBRE… để cùng kiến tạo những dự án chất lượng, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương - nơi dự án hiện diện. Tân Á Đại Thành - Meyland cũng đặc biệt chú trọng phát triển mô hình đô thị thông minh (smartcity), ngôi nhà thông minh (smarthomes). Để thực hiện định hướng này, Meyland đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Đô thị thông minh và bắt tay hợp tác với các đối tác lớn trên thế giới chuyên về giải pháp đô thị thông minh, gần đây nhất là lễ ký kết với Schneider Electric Việt Nam - doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực quản lý năng lượng và tự động hóa công nghiệp.

    Kính thưa Quý vị đại biểu!

    Với vị thế là trung tâm kinh tế - văn hóa - tài chính mới của Phú Quốc, Meyhomes Capital Phú Quốc sẽ là một đô thị sống năng động, nơi làm việc, vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng và kinh doanh hiệu quả bậc nhất thành phố Đảo. Đó cũng là lý do khiến Meyhomes Capital Phú Quốc nhận được nhiều sự quan tâm giữa các lựa chọn đầu tư tại Phú Quốc.

    Thay mặt chủ đầu tư, tôi xin cảm ơn sự quan tâm và tin tưởng của quý vị tới dự án!

    Một lần nữa, tôi xin trân trọng cảm ơn!

    10:15

    TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam trình bày Tham luận: Thực trạng và xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản Phú Quốc

    Về thực trạng thị trường bất động sản Phú Quốc, tôi xin có một vài chia sẻ.

    Thứ nhất, đối với bất động sản du lịch: 

    Bất động sản du lịch Phú Quốc phát triển mạnh từ xưa đến nay. Sản phẩm du lịch cũng ngày càng đa dạng, góp phần tăng sức hút của Phú Quốc đối với du khách. Chưa nơi nào ở Việt Nam hội tụ nhiều sản phẩm du lịch mới như ở Phú Quốc.

    Riêng tại khu vực Bãi Trường đang có 20 khu du lịch và cung cấp cho thị trường đến 20.000 sản phẩm là nơi lưu trú cho thị trường nghỉ dưỡng.

    Phân khúc này tăng trưởng mạnh, mỗi năm cung cấp cho thị trường bất động sản từ 2.000 - 3.000 sản phẩm, bao gồm: Căn hộ du lịch, biệt thự, shophouse… Đặc biệt, hệ sinh thái bất động sản du lịch nghỉ dưỡng gắn với không gian vui chơi, giải trí tại Phú Quốc được đầu tư đa dạng, bao gồm casino đầu tiên cho người Việt vào chơi, vườn thú safari lớn nhất Đông Nam Á, cáp treo vượt biển dài nhất thế giới.

    Những dấu hiệu này cho thấy Phú Quốc không thể cưỡng lại đà phát triển, thậm chí có thể tăng tốc nhanh hơn để gia nhập sân chơi nghỉ dưỡng toàn cầu nhờ sự hiện diện của những thương hiệu bất động sản du lịch, khách sạn đình đám thế giới như JW Marriott, InterContinental, Best Western, Mövenpick, Novotel…

    Cùng với đó, tăng trưởng về giá bất động sản du lịch tại Phú Quốc đạt trên 15%/năm, mức hấp thụ đạt bình quân > 60%/năm.

    Mặc dù giá bất động sản tại Phú Quốc cao nhưng so mặt bằng chung của thế giới là vẫn còn thấp.

    Thứ hai, đối với bất động sản đô thị và nhà ở:

    Trong bức tranh sôi động của thị trường Phú Quốc nhiều năm qua, rổ hàng bất động sản nghỉ dưỡng luôn chiếm ưu thế. Trong khi đó, bất động sản nhà ở sở hữu lâu dài kết hợp du lịch, đặc biệt ở khu vực trung tâm lại có nguồn cung khiêm tốn hơn.

    Đất ở tại thành phố đảo chủ yếu là tại thị trấn cũ, ít có dự án nhà ở mới trong khi nhu cầu lại rất cao. Điều này dẫn đến hiện tượng xâm phạm đất nông nghiệp, lâm nghiệp… để bán và xây dựng trái phép diễn ra phổ biến trong giai đoạn 2015 - 2019 tại Phú Quốc.

    Tuy nhiên, đối với nhu cầu an cư trước làn sóng di dân đang diễn ra mạnh hiện nay, bất động sản sở hữu lâu dài sẽ là dòng sản phẩm được ưu tiên lựa chọn. Bởi lẽ, nhà ở thực trong tâm lý người Việt trước hết phải là tài sản sở hữu lâu dài, có giá trị truyền đời, được linh hoạt định đoạt quyền thừa kế.

    Đối với các thành phố du lịch, quyền lợi này còn là hình thức linh hoạt cho thuê khi không có nhu cầu ở. Nói cách khác, loại hình vừa có chức năng nhà ở (sở hữu lâu dài) vừa linh hoạt khai thác cho du khách thuê hứa hẹn là sản phẩm giàu tiềm năng của thị trường Phú Quốc.

    Hiện nay, thị trường Phú Quốc đã xuất hiện những dự án đô thị và nhà ở có chất lượng từ trung đến cao cấp. Những sản phẩm này chắc chắn sẽ có sức hấp dẫn lớn.

    Tỷ lệ hấp thụ về nhà ở chào bán luôn ở mức cao, đạt trên 80%. Trong giai đoạn 2015 - 2019, giá đất ở tại Phú Quốc tăng trưởng rất mạnh, hơn 50%/năm. Ở thời điểm hiện tại, mức độ tăng trưởng là hơn 20%/năm.

    So với Hà Nội, TP.HCM, giá đất ở tại Phú Quốc vẫn còn thấp hơn rất nhiều, do đó dư địa tăng giá còn cao. Mặt khác, nhu cầu về ở định cư lâu dài tại các khu đô thị Phú Quốc là rất lớn.

    Bởi các khu du lịch lớn kéo theo đó lượng lớn lao động dịch vụ, kỹ thuật, chuyên gia nước ngoài. Đội ngũ này sẽ không ở tại khách sạn mà sẽ có nhu cầu sống tại các khu đô thị trong khi các “đô thị cổ”, “dân cư cổ” tại Phú Quốc hiện nay hợp với bảo tồn hơn, do đó xu hướng sẽ là phát triển các khu đô thị mới hiện đại, khang trang đầy đủ tiện ích.

    Dự báo thị trường bất động sản Phú Quốc giai đoạn 2022 - 2025

    Thị trường bất động sản Phú Quốc giai đoạn sắp tới chắc chắn sẽ có sự phân lọc mạnh trong lựa chọn đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp. Những dự án chất lượng kém, khả năng kinh doanh thấp sẽ khó thu hút các nhà đầu tư tham gia.

    Ở phân khúc bất động sản đô thị và nhà ở, do tính khan hiếm và có tiềm năng phát triển nên bất động sản nhà ở Phú Quốc vẫn sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trên cả nước, đặc biệt là những sản phẩm được cung cấp bởi các dự án chính thống, chất lượng hạ tầng tốt, cảnh quan đẹp, có khả năng khai thác kinh doanh hiệu quả. Ví như dự án của Tân Á Đại Thành tại Phú Quốc cũng có giá 70 - 80 triệu đồng/m2 tương đương với các khu vực lân cận trong khi lại có chất lượng và không gian sống tốt hơn.

    Đặc biệt, xu hướng tìm kiếm của khách hàng vào bất động sản ở cũng đang tăng lên vì có sổ đỏ, trong khi nhiều sản phẩm nghỉ dưỡng vẫn vướng yếu tố sở hữu lâu dài.

    10:00

    GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày Tham luận: Thị trường bất động sản Phú Quốc trong bối cảnh phát triển không gian đô thị

    Chúng ta đã bàn về Phú Quốc rất nhiều lần, tôi còn nhớ lần đầu tiên là năm 2005, khi đó mới chỉ bàn về quy hoạch huyện đảo Phú Quốc, sau đó tiếp tục bàn về việc phát triển Phú Quốc thành khu kinh tế, khu kinh tế - hành chính đặc biệt và hiện nay là khi Phú Quốc trở thành thành phố với những định hướng quy hoạch mới. 

    Chủ trương đã được quyết định là quy hoạch Phú Quốc trở thành một thành phố đóng vai trò trọng yếu về phát triển kinh tế trong nước, đồng thời là trung tâm phát triển của khu vực và quốc tế. Hướng theo mục tiêu này, quy hoạch đã được điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn giữ tư tưởng chính là đưa Phú Quốc trở thành: (1) Khu kinh tế - hành chính đặc biệt, Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế, Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực; (2) Đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; (3) Trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ chuyên ngành; (4) Trung tâm bảo tồn sự đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; (5) Vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng. 

    Về phát triển không gian, quy hoạch đã xác định cấu trúc chuỗi tập trung, đa trung tâm; cấu trúc không gian theo trục chính Bắc - Nam hướng An Thới - Cầu Trắng và theo trục giao thông vòng quanh đảo, kết nối với cảng biển quốc tế An Thới, Bãi Đất Đỏ, sân bay quốc tế Dương Tơ và 3 không gian đô thị chính gồm Cửa Cạn, Dương Đông và An Thới; các vùng du lịch sinh thái gồm Bắc đảo gắn với rừng nguyên sinh, Nam đảo gắn với biển mở, Bãi Trường - Bãi Vòng gắn với du lịch hỗn hợp cùng các làng nghề truyền thống. Cấu trúc không gian của đảo còn có vùng cảnh quan, vùng nông nghiệp, không gian mở gồm rừng cảnh quan vườn quốc gia, rừng phòng hộ, các công viên chuyên đề và các khoảng không gian mở.

    Nhìn lại toàn bộ quy hoạch phát triển đảo Phú Quốc, có thể thấy đây là bản quy hoạch đầy hoài bão và tham vọng. Phú Quốc được định hướng phát triển để trở thành một điểm sáng trên bản đồ khu vực và thế giới về du lịch, dịch vụ tài chính, khoa học chuyên ngành, giao thông quốc tế và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Để thực hiện tham vọng này, Phú Quốc với tiềm năng địa kinh tế và hoàn cảnh cụ thể của mình hoàn toàn có thể đạt được trong một thời gian không dài. Vấn đề đặt ra là tìm bước đi cụ thể với việc xác định những điểm khác biệt cụ thể đối với từng mặt phát triển cụ thể để từng bước đạt được tổng thể mọi mục tiêu của hoài bão.

    Về địa kinh tế, thứ nhất, Phú Quốc nằm trên đường hàng hải từ Thái Bình Dương qua Đông Nam Á tới Ấn Độ Dương. Con đường này hiện đi qua Singapore đã tạo nên một điểm nút (Hub) giao thông hàng hải và hàng không quốc tế. Nếu kênh đào Kra qua bán đảo Malacca được hình thành thì Phú Quốc có khả năng thay thế Singapore nếu biết làm một cách chuyên nghiệp. Dù sao đi nữa thì đây vẫn là việc của thì tương lai xa. 

    Thứ hai, Phú Quốc là khu dự trữ sinh quyển lâm nghiệp, nông nghiệp và biển trên thế giới. Khu dự trữ sinh quyển nguyên sơ như vậy sẽ là điểm đến hấp dẫn của những du khách từ các nước công nghiệp phát triển, nơi mà sự phát triển công nghiệp đã lấy đi mọi sự đơn sơ, bình yên của trái đất. Theo ngữ cảnh này, Phú Quốc nên phát triển là một hòn đảo riêng biệt về du lịch có tính thu hút cao đối với các du khách muốn yên tĩnh, hòa mình vào thiên nhiên sau nhiều tháng làm việc căng thẳng. 

    Tôi cho rằng Phú Quốc chưa nên phát triển là thành phố công nghệ, khoa học kỹ thuật chuyên ngành. Chúng ta nên lấy điểm mạnh của Phú Quốc là nơi còn nguyên môi trường, đảm bảo như viện bảo tàng môi trường. Có thể xây dựng một thành phố sử dụng toàn năng lượng tái tạo tại chỗ để sản xuất điện, điện từ gió biển, từ thủy triều, từ sóng biển. Giao thông chỉ sử dụng xe chạy động cơ điện. Các bất động sản nhà ở hay du lịch đều tuân thủ tiêu chuẩn đô thị “xanh”. Hướng người dân địa phương phát triển các công trình, môi trường xanh - mô tả được đây là hòn đảo môi trường sạch điển hình trên thế giới. Đầu tiên nên làm như vậy mới kéo giá trị gia tăng của du lịch, sau đó mới tính đến bước phát triển các khu đô thị hiện đại. Đây chính là điểm độc và lạ của thành phố Phú Quốc thu hút nhiều du khách nước ngoài.

    Để phát triển, Phú Quốc cần những chính sách, cơ chế đặc thù, lấy hội nhập khu vực và quốc tế làm cơ sở. Phú Quốc cần được phép áp dụng những chính sách riêng về đất đai và tìm vốn đầu tư. Một số chính sách đất đai và bất động sản cần cho phép Phú Quốc áp dụng bao gồm: (1) Cơ chế góp đất và điều chỉnh lại đất đai để phát triển đô thị, phát triển hạ tầng và phát triển các khu du lịch, cơ chế này đã được Nghị quyết 18-NQ/TW đưa vào như một yêu cầu đổi mới; (2) Cho phép chế độ sử dụng đất vào mục đích phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tương đương như đất ở (sử dụng đất dài hạn); (3) Mở rộng quyền sở hữu và kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng của người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam tương đương như đối với đất ở; (4) Cho phép các chủ đầu tư dự án được thế chấp bằng bất động sản ở Việt Nam tại các tổ chức tín dụng có pháp nhân nước ngoài.

    Tất cả 4 chính sách nói trên đều chưa được Luật Đất đai 2013 cho phép áp dụng tại Việt Nam, mặc dù vậy, tôi cho rằng Quốc hội cần cho phép áp dụng tại Phú Quốc nhằm tăng tốc quá trình đầu tư phát triển và tăng tính hấp dẫn của Phú Quốc. Việc cho phép như vậy hoàn toàn phù hợp với đặc thù của một khu hành chính đặc biệt trong quá trình hội nhập quốc tế.

    9:35

    Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam trình bày Tham luận: Triển vọng bất động sản nhà ở đô thị Phú Quốc nhìn từ biến động dân cư

    Từ ưu thế về vị trí địa lý, quy mô và lợi thế đi tắt đón đầu, hoàn toàn có đủ cơ sở để khẳng định có thể phát triển Phú Quốc thành đô thị biển đảo tầm vóc thế giới. Đặc biệt về quy hoạch, cần có tầm nhìn xa để quy hoạch một cách bài bản, khoa học để sử dụng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất, không gian biển… một cách hiệu quả, trong đó có bất động sản nói chung và nhà ở nói riêng.

    Quyết định số 767/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 đã xác định mục tiêu: “Phát triển TP. Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc; một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao ở tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị - văn hóa; một không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển”.

    Đồng thời cũng xác định tính chất của Phú Quốc là trung tâm du lịch, đầu mối giao thông quan trọng về cả vận tải nội vùng và cảng biển, cảng hàng không quốc tế; đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành…

    Như vậy, Phú Quốc sẽ lấy du lịch làm trọng tâm, trong đó đặc biệt chú trọng đến du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe công nghệ cao; nhưng đồng thời cũng đóng vai trò đầu mối giao thông và đặc biệt là không gian sống có chất lượng theo xu hướng sống xanh. 

    Điều này sẽ tác động mạnh đến sự biến động dân cư làm gia tăng dân số - đây là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng để khẳng định rằng, bất động sản nhà ở đô thị là phân khúc tiềm năng để đón đầu xu hướng này. Sự tăng dân số chủ yếu là cơ học xuất phát từ các nguồn sau:

    Thứ nhất, khách lưu trú - chủ yếu là lưu trú dài ngày;

    Thứ hai, nguồn nhân công đến làm việc;

    Thứ ba, người đến định cư.

    Bất động sản luôn gắn liền với hạ tầng, sự phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là cư dân. Chính vì vậy, từ dự báo về sự dịch chuyển dân cư mà cả nhà quản lý và nhà đầu tư cần có chiến lược trong định hướng, quy hoạch, hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch và chiến lược cũng như kế hoạch đầu tư để vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài, vừa tiết kiệm quỹ đất để phát triển bền vững và kinh doanh hiệu quả.

    Về sự dịch chuyển của thị trường bất động sản: 

    Theo dự báo, sau giai đoạn đầu với sự phát triển nhanh chóng của bất động sản du lịch đủ đảm bảo cơ sở lưu trú cho du lịch phát triển ngay cả trong giai đoạn ngắn trước mắt, xu hướng thị trường bất động sản Phú Quốc sẽ là sự phát triển song song của hai loại hình bất động sản du lịch và bất động sản nhà ở đô thị. Tiếp diễn ngay sau đó sẽ là sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản nhà ở đô thị để đáp ứng nhu cầu của lực lượng lao động đến làm việc tại Phú Quốc gia tăng mạnh mẽ, và một bộ phận cư dân (chủ yếu là giới trung lưu và thượng lưu, cả trong nước và quốc tế) đến định cư để thụ hưởng cuộc sống ở thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe này. Đó là sự dịch chuyển tất yếu và cần thiết của thị trường bất động sản trong các giai đoạn phát triển của một đô thị du lịch - kinh tế - tài chính mới.

    Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, sự dịch chuyển này có một số điểm đáng lưu ý sau:

    Giai đoạn đầu sẽ là sự phát triển của phân khúc nhà ở cao cấp, chủ yếu là biệt thự cao cấp thiên về tính chất nghỉ dưỡng nhưng có sở hữu lâu dài. Đối tượng cư dân của phân khúc này chủ yếu là người có thu nhập, mức sống cao và nhu cầu thụ hưởng môi trường sống tốt.

    Tuy nhiên, phân khúc này sẽ nhanh chóng bị thu hẹp bởi chính quyền địa phương sau giai đoạn mời gọi, thu hút đầu tư sẽ đi vào thắt chặt quỹ đất; vì thế, những dự án với hệ số sử dụng đất thấp cũng sẽ hạn chế dần. Sức tiêu thụ của phân khúc này được dự báo ban đầu có thể còn chậm nhưng sẽ tăng dần và rất chắc chắn.

    Giai đoạn tiếp theo và phát triển song song ngay sau đó sẽ là sự phát triển của phân khúc nhà ở hạng trung. Phân khúc này sẽ phát triển mạnh trong giai đoạn bùng nổ của Phú Quốc và được dự báo sức thanh khoản sẽ cao.

    Một số vấn đề cần đặt ra đối với các chủ thể:

    Đối với nhà quản lý: Cần nhận rõ từng giai đoạn phát triển của thành phố để có chiến lược, kế hoạch sử dụng đất một cách hiệu quả, tiết kiệm và hài hòa trong từng giai đoạn. Đặc biệt cần cân đối giữa quỹ đất cho phát triển nhà ở đô thị cao cấp (nhất là biệt thự) và nhà ở hạng trung (chủ yếu chung cư cao tầng) để đáp ứng các yêu cầu của sự gia tăng dân số cả trước mắt và lâu dài.

    Đối với nhà phát triển bất động sản: Cần dự báo sự phát triển kinh tế - xã hội của Phú Quốc theo từng giai đoạn, nhất là sự gia tăng dân số và cơ cấu dân số để có chiến lược phát triển các phân khúc, loại hình bất động sản thích hợp, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa có tính thanh khoản cao.

    Đối với nhà đầu tư thứ cấp: Cần phân tích, đánh giá, dự báo nhu cầu thị trường trong từng giai đoạn, đặc biệt gắn với sự phát triển dân số, cân đối với nguồn tài chính để có sự lựa chọn phân khúc đầu tư khôn ngoan để vừa đảm bảo được sự an toàn tương đối, vừa đạt được mức biên lợi kỳ vọng. Trong đó, nắm bắt được xu thế của thị trường và chớp cơ hội đầu tư được cho là yếu tố quyết định.

    Sự dịch chuyển của thị trường bất động sản Phú Quốc đang diễn ra là quy luật tất yếu của sự phát triển, đồng thời cũng là thời cơ cho các nhà đầu tư nhưng cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao cho các nhà quản lý để thị trường bất động sản Phú Quốc phát triển đúng hướng và hiệu quả.

    9:10

    TS. KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam Nam trình bày Tham luận: Triển vọng phát triển không gian đô thị Phú Quốc nhìn từ quy hoạch Phú Quốc đến năm 2040

    Phú Quốc, còn được mệnh danh là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích khoảng 589,23km² (xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore thập niên 1960). Phú Quốc nằm cách thành phố Rạch Giá 120km và cách thị xã Hà Tiên 45km. Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả huyện này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tiềm năng du lịch Phú Quốc có thể so sánh với Maldives, Phuket (Thailand), Bali (Indonesia), Jeju (Hàn Quốc)…

    Ngày 11/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 (Quyết định số 633/QĐ-TTg) và ngày 17/6/2015, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Quyết định số 868/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030... Tuy nhiên sau khi thành phố Phú Quốc được thành lập, việc lập quy hoạch chung thành phố là cần thiết và cấp bách. Bởi vậy, tại Quyết định 767/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040, với các tính chất nổi trội:

    + Đô thị biển - đảo độc đáo, đặc sắc, hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.

    + Là khu kinh tế có vị thế đặc biệt, trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc và có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng cao của quốc gia và quốc tế, trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế.

    + Là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng không quốc tế.

    + Là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực.

    + Có vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng.

    Về tầm nhìn, phát triển Phú Quốc trở thành:

    + Thành phố Đảo Ngọc, Khu du lịch Quốc gia

    + Khu kinh tế Quốc gia có vị thế địa chính trị đặc biệt

    + Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia

    Về quan điểm, cần nhận thức một cách sâu sắc, trong lộ trình từng bước đi của mình, Phú Quốc phải thực sự trở thành Đảo Ngọc - một thương hiệu lừng danh có tính toàn cầu... cho dù trong tương lai nó sẽ phải đi qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo khác nhau.

    Phú Quốc là đô thị biển; là khu kinh tế nên phát triển đô thị cơ bản theo hướng tổng hợp đa ngành chứ không chỉ còn dựa vào trụ cột là du lịch như hiện nay. Theo đó, việc thu hút đầu tư để phát triển 4 trụ cột: Công nghiệp giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính ngân hàng và kinh tế biển.

    Về tổng thể, cần cân nhắc bài toán ngưỡng hoặc khả năng dung nạp, chịu tải của môi trường, cảnh quan đảo Phú Quốc trong phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch... trên cơ sở khống chế, quản lý cơ cấu sử dụng đất và không gian chức năng theo hướng thân thiện, bền vững…

    Quy hoạch hướng tới phát triển bền vững, xây dựng phát triển theo kế hoạch... Càng duy trì, bảo vệ được nhiều đặc điểm điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường, văn hóa bản địa... trong cấu trúc không gian tổng thể càng tốt..., giá trị thương hiệu càng được nâng cao.

    Bảo vệ, duy trì nghiêm ngặt không gian rừng cảnh quan vườn quốc gia, rừng phòng hộ, các công viên chuyên đề và không gian mở. Coi đây là việc sống còn của hệ giá trị đặc hữu trên đảo…

    Về định hướng phát triển không gian tổng thể thành phố Phú Quốc đến năm 2040, theo Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (VIUP), Phú Quốc sẽ có khoảng 12 phân vùng phát triển dựa theo các đặc điểm cảnh quan, sinh thái tự nhiên, đặc điểm địa hình và các điều kiện hiện trạng khác. Các phân vùng sẽ tận dụng các tiềm năng và cơ hội của mỗi khu vực đặc trưng trong khu vực lập quy hoạch, tạo điều kiện để Phú Quốc phát triển năng động, hiệu quả và có bản sắc về kinh tế - xã hội - cảnh quan với chất lượng tương xứng với đô thị loại 1 và thành phố du lịch quốc tế.

    Theo đó, Phú Quốc sẽ phát triển các khu đô thị du lịch và các khu chức năng tại các khu vực ven biển, ven sông, dọc các hành lang sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên, trong các khu vực này sẽ được tổ chức giao thông chậm, ưu tiên đi bộ, đi xe đạp, quy mô đường giao thông vừa đủ, không quá lớn để không làm suy giảm chất lượng đô thị du lịch, tạo các cấu trúc đô thị gắn bó với đặc trưng về sinh thái, cảnh quan và địa hình tại từng khu vực.

    Bên cạnh đó, quy hoạch chung cũng nghiên cứu xem xét bổ sung quỹ đất phát triển mới với quy mô phù hợp, lân cận các khu dân cư hiện hữu, bổ sung chức năng và hoàn thiện không gian cho các khu vực dân cư hiện hữu, đặc biệt là các không gian công cộng, tín ngưỡng, lưu trữ và chế biến...

    Toàn cảnh Hội thảo

    Về các giải pháp cụ thể, cần tập trung vào các vấn đề cốt lõi sau:

    - Thiết lập, xác định các ranh giới cụ thể bằng cách cắm mốc đối với các khu chức năng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch... như các khu vực phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp, nông thôn, các vùng cảnh quan sinh thái, vùng bảo tồn, các vùng hạn chế hoặc cấm xây dựng...

    - Xây dựng đề án phát triển kiến trúc, cảnh quan trên phạm vi toàn đảo theo hướng thành phố Phú Quốc là một hòn Đảo xanh - Đảo Ngọc.

    - Đối với các vùng đô thị - du lịch (khu đô thị Cửa Cạn, khu đô thị Dương Đông, khu đô thị An Thới); các vùng du lịch sinh thái (phía Bắc, Nam đảo, du lịch hỗn hợp Bãi Trường - Bãi Vòng); các làng nghề truyền thống… cần áp dụng cách tiếp cận quy hoạch mới (phương pháp, TCQC…) theo hướng phát triển đô thị xanh, du lịch sinh thái, kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả… Mỗi khu đô thị phải có “cá tính” riêng.

    - Nhất thiết phải tạo ra tuyến đường du lịch - cảnh quan quanh đảo/có nét đặc trưng riêng. Đặc biệt, tuyến đường du lịch - cảnh quan khu vực phía Bắc đảo.             

    - Tạo dựng nét đặc trưng riêng về kiến trúc cảnh quan cho từng khu vực trọng tâm (Khu đô thị Dương Đông, An Thới…, Khu du lịch sinh thái Bãi Dài, Bãi Thơm…, làng truyền thống…). Tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch, thiết kế công trình điểm nhấn…

    Thành phố Phú Quốc đang có cơ hội trở thành điểm sáng phát triển trong tư duy chiến lược Quốc gia. Triển vọng phát triển không gian đô thị Phú Quốc đến năm 2040 sẽ góp phần xây dựng Phú Quốc sớm trở thành đô thị biển - đảo độc đáo, đặc sắc, hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; một khu kinh tế có vị thế đặc biệt, trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc và có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng cao của quốc gia và quốc tế, trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế...

    9:00

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo

    Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!

    Kính thưa quý chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo!

    Trước tiên, thay mặt cho Ban Tổ chức, tôi xin gửi tới quý vị đại biểu, quý chuyên gia, các nhà khoa học, nhà báo lời chào trân trọng và lời chúc sức khỏe tốt đẹp nhất!

    Thưa Quý vị,

    Như chúng ta đã biết, sự phát triển của các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển thời gian qua đã thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến với Phú Quốc, từng bước thay đổi diện mạo, định hình chân dung thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. Nhiều người đều hình dung Phú Quốc là một “thiên đường du lịch nghỉ dưỡng”, nơi có những công trình kỳ vỹ hoà mình cùng thiên nhiên. Nhưng trong tương lai gần, thành phố đảo không chỉ và không thể mãi chỉ là một “điểm đến” mà phải trở thành một thành phố đảo đáng sống, một trung tâm kinh tế - tài chính mới của khu vực và thế giới.

    Với sứ mệnh của mình, Phú Quốc không nên đơn điệu và cũng không thể đơn điệu trong đường hướng phát triển, nếu chỉ tập trung vào du lịch, nghỉ dưỡng. Bởi lẽ, Phú Quốc không chỉ là nơi đón khách du lịch, mà phải trở thành đô thị lưu giữ cư dân sinh sống và làm việc lâu dài. Khi đó, diện mạo đô thị sẽ có sự thay đổi ngoạn mục. Có như vậy, mới phát huy hết giá trị bền vững và tạo ra cơ hội cho Phú Quốc bứt phá. Nhận định trên xuất phát từ tầm nhìn quy hoạch, chiến lược phát triển và vị thế của Phú Quốc – một tọa độ hấp dẫn không chỉ của châu Á mà đang đứng trước cơ hội trở thành nơi sống và tận hưởng hàng đầu thế giới.

    Ngày 23/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 767/QĐ-TTg, phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040, xác định mục tiêu quy hoạch là phát triển TP. Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc; một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; đồng thời là một trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khoẻ, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao ở tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị - văn hóa. Bên cạnh đó, không đơn thuần là một điểm đến, một thiên đường nghỉ dưỡng, Phú Quốc sẽ trở thành một không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

    Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Kiên Giang cũng đã xác định mục tiêu xây dựng TP. Phú Quốc đạt đô thị loại I vào năm 2025, trở thành thành phố du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế. Với vị thế là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, dự báo đến 2030, Phú Quốc sẽ có 550.000 dân. Với mức dân số tăng gấp 3 lần hiện tại, Đảo ngọc tương lai sẽ trở thành một trung tâm kinh tế - tài chính mới của khu vực và thế giới.

    Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, đó mới chỉ là những dự báo theo phương pháp thông thường. Còn với Phú Quốc, quy mô, tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa, gia tăng dân cư có thể sẽ vượt ra khỏi những tư duy dự báo thông thường mà sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ. Điều đó cho thấy, Phú Quốc đang đứng trước cơ hội không chỉ hấp dẫn giới đầu tư kinh doanh, mà còn thu hút số lượng rất lớn đội ngũ chuyên gia, nhân sự chất lượng cao về làm việc, sinh sống. Nơi đây sẽ hình thành quần thể cộng đồng trí thức cao, nơi tinh hoa hội tụ.

    Đặc biệt, với tầm nhìn chiến lược, việc thu hút nguồn vốn lớn để phát triển đô thị là tất yếu để tạo nên sự phát triển đa dạng và bền vững cho Phú Quốc. Khi xác lập 4 trụ cột phát triển gồm: Công nghiệp giải trí - Du lịch nghỉ dưỡng - Dịch vụ tài chính ngân hàng - Kinh tế biển, Phú Quốc đã có giai đoạn dài thu hút đầu tư mạnh mẽ vào công nghiệp giải trí - du lịch nghỉ dưỡng với các dự án tỷ đô tại Bắc Đảo, Nam Đảo và khu vực Bãi Trường. Nhưng tiền đề cho 2 trụ cột còn lại: Dịch vụ tài chính ngân hàng và kinh tế biển thì mới chỉ ở giai đoạn đầu, với một số dự án đô thị đang được triển khai xây dựng. Bên cạnh sự hiện diện của những tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, sự tiên phong đầu tư vào hạ tầng đô thị của Phú Quốc của những tập đoàn kinh tế như Công ty cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành – Meyland với đại đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc – là một lời khẳng định sứ mệnh đặt nền móng cho việc phát triển mở rộng không gian đô thị tại thành phố đảo xinh đẹp này.

    Đứng trước cơ hội trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc, một thành phố đáng sống bậc nhất, với những thế mạnh riêng có, Phú Quốc đang dần chuyển mình để sẵn sàng trở thành điểm đến an cư, đầu tư đắt giá. Một “cuộc cách mạng” thực sự về mở rộng và hiện đại hóa không gian đô thị đang dần hình thành tại Phú Quốc.

    Thưa Quý vị,

    Đi cùng với cơ hội phát triển là những thách thức song hành, nhất là khi quỹ đất cho sự phát triển đô thị Phú Quốc ngày càng khan hiếm. Còn nhiều vấn đề phải giải quyết để Phú Quốc hiện thực hóa được mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế mới của khu vực và thế giới. Cụ thể, Thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước đang thiếu hụt những mô hình phát triển mới, bền vững, tích hợp đa chức năng về cả y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng… Để phát triển xứng tầm, hơn lúc nào hết, Phú Quốc cần nhanh chóng phát triển các sản phẩm bất động sản tương xứng, đặc biệt là các khu đô thị cao cấp, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp cư dân mới, để hoàn thiện bức tranh đô thị mới của Phú Quốc.

    Đó vừa là cơ hội, đồng thời cũng chính là thách thức đối với Phú Quốc. Nhưng bối cảnh đó cũng chính là dư địa cho các nhà đầu tư tiên phong biết nắm bắt cơ hội đầu tư vào thị trường này. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, trong giai đoạn 3-5 năm trước, tại thị trường Phú Quốc, có đến trên 90% nhà đầu tư tham gia vào phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tâm điểm đầu tư lại là các dự án đô thị ở có pháp lý minh bạch, với trên 60% nhà đầu tư quan tâm lựa chọn phân khúc này. Đại đa số nhà đầu tư đều lựa chọn phương thức đầu tư dài hạn, với kỳ vọng sản phẩm sẽ tăng giá gấp nhiều lần trong những năm tới.

    Thưa Quý vị,

    Xuất phát từ thực tiễn trên, được sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sự đồng hành của Công ty cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành - Meyland, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo chuyên đề: Không gian đô thị Phú Quốc: Sự dịch chuyển mạnh mẽ của xu hướng đầu tư mới.

    Với tinh thần đó, tôi hy vọng và đề nghị các diễn giả tham dự Hội thảo sẽ tập trung làm rõ một số khía cạnh sau:

    Một là, khái quát về vị thế và tầm nhìn mới của đô thị biển đảo Phú Quốc – điểm đến hàng đầu thế giới; chiến lược quy hoạch, đầu tư, xây dựng các đô thị của Phú Quốc trong giai đoạn tới; Triển vọng và giải pháp phát triển không gian đô thị nhìn từ quy hoạch Phú Quốc đến năm 2040;

    Hai là, phân tích thực trạng và xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản Phú Quốc;

    Ba là, chia sẻ kinh nghiệm kiến tạo không gian đô thị Phú Quốc từ thực tế phát triển các dự án khu đô thị;

    Thứ tư là, nhận định, đánh giá về tiềm năng sinh lời từ việc đầu tư lâu dài, bền vững vào phân khúc nhà ở cao cấp tại thị trường bất động sản Phú Quốc…

    Bên cạnh đó, Ban Tổ chức hy vọng và đề nghị các diễn giả sẽ đưa ra những khuyến nghị, tư vấn thiết thực phục vụ chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu của khách hàng, nhà đầu tư trong giai đoạn tới, cùng mang lại thịnh vượng cho các nhà đầu tư tiên phong.

    Thưa Quý vị!

    Nhân dịp này, thay mặt cho Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Ban Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, xin trân trọng cảm ơn các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo và lãnh đạo các doanh nghiệp đã tham Hội thảo. Ban Tổ chức trân trọng cảm ơn Công ty cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành – Meyland đã tài trợ đồng hành cùng Hội thảo.

    Kính chúc các quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!

    Xin chúc chương trình thành công tốt đẹp!

    Trân trọng cảm ơn sự lắng nghe của quý vị!

    8:30

    Các khách mời tham dự Hội thảo

    Hội thảo "Không gian đô thị Phú Quốc: Sự dịch chuyển mạnh mẽ của xu hướng đầu tư mới" có sự tham dự của:

    Về phía các chuyên gia, nhà khoa học:

    - PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

    - GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

    - TS. KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam

    - PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Đô thị xanh Việt Nam

    - PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế

    - TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế

    - TS. KTS. Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng

    Về phía đối tác đồng hành:

    - Ông Phạm Minh Đức - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành

    - Ông Trịnh Ngọc Thái - Giám đốc Vận hành Khu đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc

    Về phía lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Ban Tổ chức:

    - TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

    - Nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam

    - Ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam

    - Nhà báo Bùi Văn Khương - Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam

    - Ông Nguyễn Thành Công - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam

     

    Lên trên
    Ý kiến của bạn
    Bình luận
    Xem thêm bình luận

    Đọc thêm

    Thương hiệu dẫn đầu

    Lên đầu trang
    Top