Hơn 200 doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể
Theo số liệu thống kê từ Cục Đăng ký quản lý kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 7 tháng đầu năm nay, có khoảng 212 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là ngành nghề có tỷ lệ doanh nghiệp hoàn tất giải thể cao nhất trong tất cả các ngành nghề có doanh nghiệp giải thể. Số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể 7 tháng qua là 773 doanh nghiệp, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tạm ngừng kinh doanh cũng dẫn đầu với mức tăng 46,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân, theo cục Quản lý đăng ký kinh doanh đưa ra là do kể từ tháng 4 đến nay, các địa phương đang tích cực triển khai công tác chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu nhằm loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập từ lâu nhưng không còn hoạt động. Sau khi rà soát, những doanh nghiệp này được chuyển sang tình trạng chờ giải thể. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp chờ giải thể trong 7 tháng đầu năm, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Mặt khác, theo đánh giá của nhiều chuyên gia bất động sản, nguyên nhân còn do từ đầu năm đến nay thị trường bất động sản nhiều nơi giao dịch chậm, thị trường trầm lắng. Những doanh nghiệp môi giới nhỏ lẻ, làm ăn chụp giựt, hoạt động “ăn theo” tình hình thị trường không cầm cự nổi nên tự giải thể, đóng cửa.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, kể từ thời điểm thị trường bất động sản bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi, rất nhiều doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hoặc lấn sân, mở rộng ngành sang lĩnh vực bất động sản. Cũng theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp mới xuất hiện trên thương trường bất động sản luôn đứng ở vị trí top đầu những năm trở lại đây. Do đó, nhiều chuyên gia lo ngại thị trường sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt lo ngại doanh nghiệp bất động sản mới ra đời dựa trên nền tảng nguồn vốn vay từ các ngân hàng sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế.
Cũng trước lo lắng này, một số ngân hàng đã áp dụng những quy định để hạn chế dòng tiền chảy ồ ạt vào thị trường này. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đổ vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là lĩnh vực địa ốc. Cụ thể, NHNN có văn bản số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước theo sát và đánh giá tiến độ của các dự án, năng lực tài chính, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp hạn chế rủi ro. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, vay vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng như khách hàng của thị trường bất động sản.
Doanh nghiệp lớn tự cứu mình ra sao?
Thực tế cho thấy, trong khi phần lớn các doanh nghiệp môi giới hoặc doanh nghiệp đầu tư nhỏ lẻ buộc phải giải thể thì các doanh nghiệp lớn vẫn nỗ lực tìm mọi cách để phát triển. Đáng chú ý là để giảm phụ thuộc nguồn vốn ngân hàng và chủ động hơn trong việc triển khai kinh doanh, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tìm đến các đối tác nước ngoài để cùng phát triển dự án. Đặc biệt, đã có những cái bắt tay những giữa các ông lớn “nội – ngoại”. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đồng thời cơ cấu lại danh mục đầu tư, cụ thể là quỹ đất khi bán bớt dự án để tập trung vào những dự án trọng điểm, có khả năng thu lợi nhanh.
Theo thống kê từ CBRE Việt Nam cho thấy, thị trường đã diễn ra nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập dự án, đơn cử, các nhà đầu tư nước ngoài như Kepple Land, Frasers mua lại những khu đất tại quận 2, 9, huyện Bình Chánh từ các nhà phát triển bất động sản trong nước. Ước tính của CBRE, tổng giá trị giao dịch trong nửa đầu năm 2018 lên đến gần 1 tỷ USD.
Theo bà Khanh Nguyễn, Giám đốc thị trường Vốn tại Việt Nam của Công ty Jones Lang Lasalle nhận định: “Hình thức liên doanh đang dần phổ biến giữa các nhà đầu tư nước ngoài, vốn có lợi thế về khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm, với cộng đồng doanh nghiệp địa phương, những nhà đầu tư đang nắm giữ đất đai trên thị trường cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại. Hiện tham gia mạnh nhất trong các thương vụ này là các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, ngoài ra còn có sự tăng trưởng nhất định của các nhóm đến từ Trung Quốc. Đồng thời với sự gia tăng của nhà đầu tư nước ngoài, ngày càng có nhiều giao dịch thâu tóm bất động sản đến từ nhà đầu tư trong nước”.
Cũng theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay, có khá nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước tìm cách huy động vốn thông qua sàn chứng khoán. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm đã có 4 doanh nghiệp lên sàn và có thể trong những tháng cuối năm sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp lên sàn chứng khoán. Đây là hướng đi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi huy động vốn trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp bất động sản, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills cho hay: "Nếu như trước đây, các doanh nghiệp huy động vốn thực hiện dự án chỉ có thể phụ thuộc vào các nguồn như ngân hàng, hay nguồn từ khách hàng thì nay nhiều chủ đầu tư tìm cách huy động vốn ở các kênh khác, một trong các kênh đó chính là lên sàn. Đây chính là một trong những yếu tố để phát triển lâu dài cũng như để đa dạng hóa các kênh huy động vốn giúp chủ đầu tư có nguồn vốn đảm bảo cho các dự án về đích đúng tiến độ”.