Aa

HSBC: Lạm phát của Việt Nam dự báo dưới mức 4%

Thứ Bảy, 14/05/2022 - 06:20

Trong báo cáo “Vietnam at a glance” tháng 5 với tựa đề “Lấy lại hào quang chiến thắng”, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, áp lực lạm phát của Việt Nam duy trì ở mức thấp trong khu vực ASEAN.

Trong năm 2022, HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên 3,7%, nhiều khả năng vẫn sẽ nằm dưới mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước.

Theo HSBC, trong tháng 4, lạm phát toàn phần chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, kéo theo mức tăng so với cùng kỳ năm trước cũng khiêm tốn ở mức 2,6%, vẫn nằm trong mức kỳ vọng của thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ chi phí vận tải thấp, một phần do giá dầu thế giới giảm trong tháng 4, một phần do Việt Nam hạ thuế bảo vệ môi trường.

Kể từ 1/4/2022, mức thuế bảo vệ môi trường, chiếm phần lớn nhất trong các loại thuế và phí với nhiên liệu, đã cắt giảm còn 2.000 đồng/lít đối với xăng và từ 700 - 1.000 đồng/lít đối với các mặt hàng nhiên liệu khác. Trong khi đó, chi phí thực phẩm cũng giảm 0,1% so với tháng trước, cho thấy giá nông sản nội địa ổn định so với các nước khác trong khu vực vốn đang phải đối mặt với tình trạng giá thực phẩm cao hơn.

Thực tế, các mặt hàng cốt lõi là nguyên nhân chính. Giá đã tăng trên diện rộng ở một số hạng mục chính như giáo dục, dịch vụ và bán lẻ. Cụ thể, chi phí “nhà ở và vật liệu xây dựng” tăng 0,6% so với tháng trước, cho thấy chi phí tiện ích và thuê cao hơn khi công nhân ở tỉnh tiếp tục trở lại các thành phố.

“Nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi và giá hàng hóa thế giới có xu hướng tiếp tục tăng, chúng tôi dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên 3,7% trong năm 2022. Áp lực giá nhiều khả năng vẫn sẽ nằm dưới mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước”, HSBC nhận định.

Báo cáo của HSBC cũng cho thấy, Việt Nam rõ ràng đang hưởng lợi nhờ chiến lược mở cửa trở lại. Kể từ khi chính thức mở cửa biên giới từ 15/3, Việt Nam đã sớm hưởng lợi nhờ du lịch mở cửa trở lại. Việt Nam đón hơn 100.000 khách du lịch trong tháng 4, cao gấp ba lần so với tháng 3.

Theo dữ liệu Destination Insights của Google, Việt Nam cùng với Philippines là hai đại diện duy nhất của châu Á lọt vào top 10 nước có nhu cầu du lịch tăng trưởng cao nhất trong tháng 4. Du khách từ châu Âu chiếm 19%, Hàn Quốc chiếm 14% và Mỹ chiếm13% trong tổng số khách du lịch đến Việt Nam.

Mặc dù đây là một bước tiến tích cực, chặng đường phục hồi phía trước còn dài. Tuy nhiên, việc thiếu vắng du khách Trung Quốc, từng chiếm tới 30% tổng khách du lịch đến Việt Nam vào năm 2019, là vấn đề tất yếu ở đây. Trong khi đó, sự cạnh tranh ở khu vực ASEAN lại quá khốc liệt. Sau khi cả khu vực mở cửa trên diện rộng, các nước như Singapore và Thái Lan đã quyết tâm giảm nhẹ thủ tục đi lại, du lịch bằng cách miễn hẳn yêu cầu xét nghiệm.

Ngoài du lịch, nhu cầu nội địa cũng ở thế vững vàng nhờ chính quyền gỡ bỏ bớt các hạn chế phòng chống dịch trong nước. Sau một đợt giảm nhẹ trong quý I/2022, khả năng đi lại của người dân đã vượt mức trước đại dịch kể từ đầu tháng 4. Sự cải thiện này rõ ràng đã góp phần phục hồi ngành bán lẻ, giúp ngành này tăng 5,8% trong tháng 4.

Không chỉ doanh số hàng hóa tăng 2% so với tháng trước, quan trọng hơn là ngay cả chi tiêu cho dịch vụ và các mảng liên quan đến du lịch cũng đã tăng 7% so với tháng trước, báo hiệu một khởi đầu khởi sắc cho sự phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ.

Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Trong bản cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi bất chấp bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, giá hàng hóa thế giới tăng và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt.

Tuy vậy, các chuyên gia của WB cũng lưu ý Việt Nam cần thận trọng với lạm phát và các rủi ro đối với việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ như hiện nay. Cả lạm phát cơ bản và giá lương thực, thực phẩm đều tiếp tục nhích lên, cho thấy cần phải theo dõi chặt chẽ. Nếu lạm phát tiếp diễn trong trung hạn thì nền kinh tế nên được cho phép điều chỉnh theo mức giá cả cao hơn, với các cấp có thẩm quyền đóng vai trò cung cấp các ưu đãi khuyến khích đầu tư nhằm nâng cao năng suất và tổng cung.

Theo WB, gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tiếp tục nâng giá nhập khẩu và ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá thương mại vốn đã xấu đi đáng kể trong quý I/2022.  Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc, ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong năm 2022 và điều này có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam nên tác động toàn phần của tình trạng phong tỏa ở quốc gia này đối với hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn được cảm nhận trong những tháng tới. Do đó, việc đa dạng hóa đối tác thương mại sẽ là một cân nhắc chiến lược an toàn để giảm nhẹ rủi ro và đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu được duy trì.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top