Aa

Hướng dẫn thủ tục xin trợ cấp khó khăn do Covid-19

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Thứ Sáu, 10/04/2020 - 14:50

Mức trợ cấp cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 dao động từ 250 đồng - 1,8 triệu đồng/người/tháng. Vậy thủ tục xin trợ cấp cụ thể như thế nào?

Ngày 9/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, sẽ có khoảng 20 triệu người hận được sự hỗ trợ từ gói an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng. 

Mức trợ cấp dao động từ 250 đồng - 1,8 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tùy theo thực tế tình hình dịch bệnh, tính từ 1/4/2020 và không quá 3 tháng.

Nghị quyết cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện…) trong thời gian từ ngày 1/4/2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận UBND xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

Chính phủ giao Bộ Lao động - thương binh và xã hội chủ trì hướng dẫn các địa phương xác định đúng đối tượng và thực hiện chính sách này.

Chủ tịch UBND tỉnh, TP chỉ đạo rà soát, phê chuẩn danh sách đối tượng đủ điều kiện 

Theo thông tin từ Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cách thức triển khai để chi trả gói hỗ trợ như sau: Danh sách các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo rà soát, xem xét, phê chuẩn trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch trong từng tổ dân phố, thôn, xóm và niêm yết công khai ở cấp xã, phường.

Sau khi báo cáo được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ Trung ương tới địa phương sẽ lập Ban giám sát do người đứng đầu Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam làm Trưởng ban với sự tham gia của Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội và thành viên một số ngành tại địa phương.

Chi trả trợ cấp 1 lần, trong tháng 4 và đầu tháng 5

Đối với hỗ trợ các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo, hộ cận nghèo sẽ thực hiện hỗ trợ 3 tháng - thực hiện chi trả 1 lần, cơ bản trong tháng 4 và đầu tháng 5.

Đối với đối tượng có quan hệ lao động, việc hỗ trợ tối đa trong 3 tháng, tháng nào bị giảm sâu thu nhập, đủ điều kiện thì hỗ trợ tháng đó. Đối với việc cho doanh nghiệp vay lãi 0% để trả lương, doanh nghiệp đứng ra vay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi trả trực tiếp vào tài khoản của người lao động.

Đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do) đây là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, lớn nhất của dịch Covid-19. Đây cũng là nhóm khó xác định nhất, dễ nảy sinh hệ lụy, hỗ trợ từ kinh phí của Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương. Người lao động tự do được hưởng chính sách hỗ trợ chủ yếu từ chính quyền cơ sở, phường xã nơi quê quán, song cũng có thể ở nơi lao động làm việc khi có xác nhận chưa nhận hỗ trợ tại quê quán.

Việc chi trả, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cùng Văn phòng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ngành Bưu điện cơ bản thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến.

Đồng thời, quy rõ trách nhiệm của từng cấp nhất là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải chịu trách nhiệm ở địa bàn xã; ở công ty, doanh nghiệp... người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Đối với những người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.

Thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp 

Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm: Sổ Bảo hiểm xã hội; Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

Bên cạnh đó, người lao động cần chuẩn bị bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc; Quyết định sa thải; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Ngoài ra, người lao động cũng cần mang theo Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân và sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú kèm theo bản gốc để đối chiếu.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trên, người lao động thực hiện theo 4 bước:

Bước 1. Nộp hồ sơ tới trung tâm dịch vụ việc làm

Khoản 1, điều 17 Nghị định 28 năm 2015 của Chính phủ quy định: Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi muốn nhận trợ cấp.

Bước 2. Giải quyết hồ sơ

Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động chưa tìm được việc làm thì trung tâm dịch vụ việc làm xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, trung tâm giới thiệu việc làm ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo sổ bảo hiểm xã hội có xác nhận trả cho người lao động

Ảnh minh họa.

Bước 3. Nhận tiền trợ cấp thất nghiệp

Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương chi trả tiền trợ cấp tháng đầu cho người lao động kèm theo thẻ bảo hiểm y tế.

Hàng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp thất nghiệp trong vòng 12 ngày tính từ ngày hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Bước 4. Hàng tháng thông báo tìm kiếm việc làm

Để được nhận trợ cấp trong những tháng tiếp theo, hàng tháng, người lao động phải đến trung tâm dịch vụ việc làm để thông báo về việc tìm kiếm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp (theo đúng lịch hẹn ghi trong Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top