Aa

Quy hoạch đô thị: Hướng đến xây dựng Thủ đô thông minh và hiện đại

Chủ Nhật, 08/05/2022 - 06:31

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch là một trong những vấn đề chiến lược phát triển trong quá trình hình thành bộ mặt đô thị.

Các quận, huyện của Hà Nội đang tập trung công tác quy hoạch, quản lý tốt quy hoạch nhằm góp phần xây dựng Thủ đô phát biển bền vững theo hướng xanh, thông minh, hiện đại.

Giai đoạn 2021 - 2025, TP. Hà Nội đặt mục tiêu lập 236 đồ án quy hoạch đô thị. (Ảnh: VGP/Gia Huy)

Quy hoạch đóng vai trò quan trọng trong phát triển đô thị

Thời gian qua, nhằm cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP. Hà Nội xây dựng và ban hành nhiều quy hoạch lớn như: Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Nội đô lịch sử (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng); Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng; Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống…

Các quy hoạch đô thị được Hà Nội ban hành nhằm hướng đến xây dựng Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thông minh và hiện đại, các quy hoạch phải có tầm nhìn và tạo được tính đột phá, phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô hiện đại và bền vững.

Giai đoạn 2021 - 2025, TP. Hà Nội đặt mục tiêu lập 236 đồ án quy hoạch đô thị, xây dựng nhằm tiếp tục cụ thể hoá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó có 4 đồ án quy hoạch phân khu đô thị; 146 đồ án, nhóm đồ án quy hoạch chi tiết đô thị; 34 đồ án thiết kế đô thị riêng; 14 đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện…

Ở góc nhìn địa phương, theo Phó Chủ tịch huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Hưng, quy hoạch đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị. Các quy hoạch đô thị cần đi trước một bước theo nguyên tắc bảo đảm sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị, tạo thêm nhiều không gian cây xanh mặt nước và các khu vực chức năng phải thỏa mãn các tiêu chí về chất lượng môi trường, phát triển kinh tế.

Với huyện Quốc Oai, năm 2015, Thành phố đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng huyện Quốc Oai đến năm 2030 gồm 3 khu vực chính, bao gồm: Khu vực đô thị, khu vực nông thôn và khu vực hành lang xanh.

Quy hoạch huyện Quốc Oai cũng đề ra mục tiêu nhằm khai thác và phát huy các lợi thế cạnh tranh, đặc biệt tập trung vào phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, tiểu thủ công nghiệp kết hợp dịch vụ - du lịch và sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái; đóng góp phát triển đô thị Hòa Lạc thành đô thị mới hiện đại, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật có vai trò giảm tải về chức năng và áp lực dân số cho đô thị trung tâm. Đặt mục tiêu phát triển thị trấn sinh thái Quốc Oai theo mô hình đô thị sinh thái để hỗ trợ phát triển vùng nông thôn nằm trong hành lang xanh.

Để đạt được mục tiêu, huyện Quốc Oai đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành theo lĩnh vực, bổ sung, điều chỉnh hệ thống quy hoạch. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển kinh doanh, dịch vụ, các hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, gắn với du lịch làng nghề.

Quy hoạch đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị. (Ảnh: VGP/ Gia Huy)

Quản lý tốt quy hoạch trong quá trình phát triển lên quận

Còn tại huyện Hoài Đức, theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hoàng Trường, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hoài Đức có khoảng 65% diện tích nằm trong vùng phát triển đô thị. Huyện được quy hoạch là đô thị trung tâm của Hà Nội thuộc chuỗi đô thị phía đông đường vành đai 4 với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Phần còn lại nằm ngoài vành đai 4 là khu vực dân cư hiện trạng nằm trong đê Tả Đáy và khu vực hành lang sông Đáy.

Trong những năm qua, huyện Hoài Đức có nhiều dự án được các cấp thẩm quyền giao nghiên cứu và triển khai thực hiện trên địa bàn. Giai đoạn 2015 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2026 huyện Hoài Đức đã ban hành chương trình, kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xác định các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác quy hoạch và tổ chức quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc.

Đến nay, huyện cơ bản đã phủ kín các quy hoạch xây dựng và quy hoạch chuyên ngành như: Quy hoạch Chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; các quy hoạch phân khu đô thị S2, S3, S4 và GS; quy hoạch giao thông; quy hoạch tiêu thoát nước. Đây là các đồ án quy hoạch chung mang tính chất định hướng để phát triển đô thị.

Trên địa bàn huyện Hoài Đức có 89 dự án đô thị nhà ở, công nghiệp, dịch vụ - thương mại có sử dụng đất, được nhà nước giao đất, cho thuê đất thực hiện bằng vốn ngoài ngân sách. Một số dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng và có dân cư sinh sống: Khu đô thị mới Bắc An Khánh, Khu đô thị mới Nam An Khánh, Khu đô thị mới Vân Canh, Khu đô thị Bắc Quốc lộ 32, Khu đô thị mới hai bên đường Lê Trọng Tấn (Geleximco), Khu Thiên đường Bảo Sơn, Khu nhà ở biệt thự Hoa Phượng, Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch; Khu đô thị mới thuộc Khu đô thị Đại học Vân Canh; Khu đô thị Orange Garden...

Trên địa bàn huyện có khoảng trên 41 dự án đất dịch vụ, tổng diện tích khoảng 223ha đã thực hiện xong công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch bảo đảm phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và các Quy hoạch phân khu đô thị đã được phê duyệt.

Từ thời điểm năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện Hoài Đức có khoảng trên 30 dự án đấu giá quyền sử dụng đất đã và đang triển khai thực hiện. Nhóm các dự án này được huyện tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch bảo đảm phù hợp các chỉ tiêu quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chuyên ngành... có liên quan.

Năm 2020, UBND huyện Hoài Đức đã rà soát lập danh mục đề xuất UBND TP. Hà Nội và các Sở, ngành cho phép lập quy hoạch chi tiết đối với 13 đồ án điểm dân cư nằm trong vùng phát triển đô thị làm cơ sở để phục vụ công tác quản lý quy hoạch kiến trúc và sử dụng hiệu quả quỹ đất xen kẹt còn lại trên địa bàn (bao gồm khu dân cư hiện trạng và phần xen kẹt còn lại giữa các dự án phát triển đô thị đang triển khai và khu vực dân cư hiện trạng

Huyện Hoài Đức đặt mục tiêu thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan trên địa bàn huyện Hoài Đức, nhất là trong giai đoạn huyện xây dựng, phát triển huyện đạt tiêu chí thành quận.

Hướng đến xây dựng đô thị điển hình xanh, thông minh, hiện đại

Tại quận Tây Hồ, theo định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, quận Tây Hồ thuộc khu vực trọng điểm phát triển của thành phố, trở thành trung tâm văn hóa, lịch sử, dịch vụ, du lịch của Thành phố, là khu bảo tồn sinh thái đô thị kết hợp với xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang kiến trúc và hạ tầng đô thị.

Nhiều dự án trên địa bàn quận được triển khai như dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, đường An Dương Vương - Âu Cơ - Nghi Tàm, đường Lạc Long Quân, cầu Nhật Tân, đường Võ Chí Công... góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị của quận ngày càng khang trang văn minh, hiện đại.

Công tác quy hoạch quận Tây Hồ được triển khai tích cực, từ năm 2014 đến nay quận được thành phố phê duyệt Quy hoạch phân khu Hồ Tây và vùng phụ cận tỉ lệ 1/2000 khu vực (quy hoạch A6); Quy hoạch phân khu H2-1 tỉ lệ 1/2000. Đến nay, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được ban hành, phủ kín quy hoạch khu vực ngoài để làm cơ sở pháp lý để đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị tại địa bàn quận.

Quận Tây Hồ cũng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp được thành phố giao nhiệm vụ thực hiện lập đồ án quy hoạch, thực hiện quy hoạch: Khu đô thị mới Nam Thăng Long, khu đô thị Tây Hồ Tây là những khu đô thị điển hình của Thành phố về đô thị xanh, thông minh, hiện đại...

Để góp phần đưa Thủ đô pháp triển theo hướng xanh, thông minh và hiện đại, quận Tây Hồ đã đặt mục tiêu hình thành, kết nối liên thông, duy trì và vận hành hệ thống dữ liệu không gian đô thị số hóa và cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia. Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị và hệ thống dữ liệu không gian đô thị theo tầng bậc, từng bước hoàn thiện theo cấp độ đô thị, vùng và quốc gia./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top