Aa

Huyện Gia Lâm sẽ hoàn thành các tiêu chí phát triển thành quận vào năm 2022

Thứ Ba, 08/10/2019 - 17:00

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần, huyện Gia Lâm đang tập trung tối đa các nguồn lực, phấn đấu chậm nhất đến năm 2022, huyện sẽ hoàn thành các tiêu chí để phát triển lên thành quận.

Chiều 8/10, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, huyện Gia Lâm đã thông tin về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2019.

Theo báo cáo của huyện Gia Lâm, 9 tháng đầu năm 2019, kinh tế trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 10,58% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước có tiến bộ, các chỉ tiêu về thu ngân sách nhà nước đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm ước đạt 1.829 tỷ đồng, bằng 64% dự toán Thành phố và huyện giao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần thông tin tại hội nghị

Công tác xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả nổi bật. Đến nay, 20/20 xã thuộc huyện được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn 19 tiêu chí xã nông thôn mới. Nhiều nhóm tiêu chí nông thôn mới đạt kết quả cao như: 100% trục chính, đường liên thôn được cứng hóa bằng bê tông xi măng, bê tông nhựa; 100% đường ngõ xóm trên 2m có điện chiếu sáng;… thu nhập bình quân đầu người đạt 53,8 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,47%.

Năm 2018, Gia Lâm đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới năm 2018. Huyện đang tiếp tục rà soát, đánh giá tiêu chí nông thôn mới nâng cao tại 20 xã, xây dựng và triển khai kế hoạch tới các phòng, ban, đơn vị thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện.

Đề cập đến kết quả trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản, GPMB, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, 9 tháng đầu năm, huyện Gia Lâm cấp được 369 giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân, bằng 123% kế hoạch. Ban hành và triển khai Kế hoạch khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất công và xử lý công trình xây dựng trên đất nông nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần, những tháng cuối năm, huyện này sẽ tập trung triển khai Kế hoạch quản lý khai thác và xây dựng chợ năm 2019; Hoàn thiện thủ tục đầu tư, triển khai mở rộng Cụm công nghiệp Phú Thị, Cụm công nghiệp làng nghề Đình Xuyên, bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp Lệ Chi.

Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ triển khai lập kế hoạch sử dụng đất năm 2020; Tiếp tục xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong công tác dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa tại các xã: Dương Quang, Lệ Chi, Văn Đức…

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc thực hiện đề án lên quận của huyện Gia Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần chia sẻ, theo định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội, các huyện như: Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng đang phấn đấu thực hiện mục tiêu trở thành quận chậm nhất vào năm 2025.

Theo đề án đầu tư, xây dựng để huyện Gia Lâm thành quận đến năm 2025, huyện này phải đạt 27 tiêu chí. Đến nay, huyện đã hoàn thành 24/27 tiêu chí. Đối với 3 tiêu chí còn lại, huyện đặt mục tiêu đến năm 2021, Gia Lâm cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng các tuyến đường hạ tầng khung, hoàn thành tiêu chí về giao thông và các tiêu chí xây dựng huyện thành quận.

Đối với tiêu chí cân đối ngân sách, huyện sẽ thực hiện các thủ tục để xin cơ chế, huy động nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất và phần phân bổ ngân sách của thành phố cho đầu tư công.

Huyện Gia Lâm đang tập trung tối đa các nguồn lực, phấn đấu chậm nhất đến năm 2022, huyện và các xã, thị trấn đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của quận, phường theo quy định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top