Aa

Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025: Gọi tên lực lượng doanh nghiệp

Thứ Ba, 01/06/2021 - 08:00

Lần đầu tiên, lực lượng doanh nghiệp có tên trong Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, với việc phát triển lực lượng doanh nghiệp được xác định là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Lực lượng doanh nghiệp như thế nào vào năm 2025?

Trong Dự thảo Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cuối tuần trước, phát triển lực lượng doanh nghiệp được xác định là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xếp dưới mũ này cùng thực hiện nhiệm vụ chung là nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy nội lực, tăng cường tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.

Lực lượng doanh nghiệp có nhiệm vụ chung là nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy nội lực, tăng cường tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế
Lực lượng doanh nghiệp có nhiệm vụ chung là nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy nội lực, tăng cường tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế. (Ảnh: Đ.T)

Điều đáng nói, một bức tranh khá chi tiết đã được lên kế hoạch cho từng khu vực doanh nghiệp, với những chỉ tiêu định lượng và nhiệm vụ cụ thể sẽ phải làm.

Cụ thể, đến năm 2025 sẽ hoàn thành quá trình cơ cấu lại sở hữu doanh nghiệp nhà nước tại các ngành, lĩnh vực. 103 doanh nghiệp trong danh mục do Nhà nước đang nắm giữ 100% vốn sẽ được chuyển thành công ty cổ phần.

Giai đoạn này sẽ không đầu tư vốn nhà nước để thành lập mới doanh nghiệp nhà nước, nhưng sẽ xem xét bổ sung vốn cho doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế... Đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước không còn là công chức, viên chức.

Với doanh nghiệp tư nhân trong nước, vào năm 2025 sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp; 40% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo; 50% có hoạt động đổi mới công nghệ, thiết bị; 30% doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu... Vào năm 2025, tỷ trọng đóng góp trong tổng giá trị xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước là 40%.

Đặc biệt, mục tiêu hình thành, phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế... được xác định rõ.

Với khu vực doanh nghiệp FDI, vốn đăng ký giai đoạn này được dự tính khoảng 150 - 200 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 100 - 150 tỷ USD. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025.

Đến năm 2025, tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 45 - 50%. Năm 2018, tỷ lệ này là khoảng 36%.

Mục tiêu tối đa hóa mọi nguồn lực

Thực ra, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI đều là những nhân vật chính ở cả góc độ đối tượng thụ hưởng và đối tượng thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 5 năm vừa qua.

Chỉ có điều, các khu vực này được tách bạch, đặt ở các nhiệm vụ khác nhau. Doanh nghiệp nhà nước được xếp ở nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cùng với cơ cấu lại đầu tư công và tổ chức tín dụng. Hai khu vực doanh nghiệp còn lại được nhắc đến ở nhiệm vụ phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân và thu hút hợp lý vốn FDI.

Tuy nhiên, rất nhiều lần, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, sự phát triển của các khu vực doanh nghiệp luôn có sự tác động, liên đới nhau. Thậm chí, sự thiếu liên kết giữa các khu vực doanh nghiệp không chỉ tác động bất lợi tới sự phát triển của từng khu vực, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, kết quả của nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Ngay trong Tờ trình gửi Chính phủ về Dự thảo Đề án Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhắc tới thực trạng là 3/5 nhiệm vụ chưa hoàn thành của Đề án Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 thuộc về nhiệm vụ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công.

Đó là tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm, mới chỉ tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng... Điều này cũng có nghĩa là cơ hội thị trường, cơ hội tiếp cận các nguồn lực của khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa hoàn toàn mở rộng như kế hoạch.

Tương tự, khu vực kinh tế tư nhân cũng được đánh giá chưa lớn mạnh, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp, mức độ sẵn sàng liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu...

Như vậy, cho dù nỗ lực nhiều, nhưng các nguồn lực trong các khu vực kinh tế đều không phát huy tối đa hiệu quả.

Tình thế đang được đặt lại khi nhìn vào mục tiêu mà Dự thảo Đề án đặt cho từng khu vực doanh nghiệp.

Mục tiêu cho khu vực doanh nghiệp nhà nước là nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ hướng tới mục tiêu phát triển lực lượng lớn mạnh dựa trên ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu.

Còn khu vực doanh nghiệp FDI, yêu cầu được đặt ra cho giai đoạn này là phát huy vai trò trong nâng cấp chuỗi giá trị và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Có thể thấy rõ, cơ chế, chính sách để thực hiện các mục tiêu trên đòi hỏi sự đồng bộ, liên kết, phối hợp chặt chẽ, từ đó tạo nên tác động cộng hưởng.

Quan trọng hơn cả, tư duy về vai trò của Nhà nước, về quan hệ giữa Nhà nước và thị trường theo hướng Nhà nước phục vụ và kiến tạo, Nhà nước bổ sung, đồng hành với thị trường, làm cho thị trường phát triển đầy đủ, toàn diện và cạnh tranh hơn đang được nhìn thấy trong các mục tiêu và kế hoạch thực hiện cụ thể. Cũng phải nhắc lại, đây là một trong những nguyên nhân được xác định là ảnh hưởng đến kết quả chưa như mong muốn của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn vừa qua...

Năm nhóm nhiệm vụ thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025:

- Củng cố nền tảng vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại nền kinh tế;

- Phát triển các loại thị trường yếu tố sản xuất, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực;

- Phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy nội lực, tăng cường tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế;

- Tăng cường liên kết vùng và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng;

- Nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

(Dự thảo Đề án Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top