Aa

Kết luận sai phạm trong quy hoạch Thủ Thiêm: Nút thắt nào chưa gỡ?

Thứ Tư, 12/09/2018 - 20:01

Luật sư Trương Xuân Tám cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân (kể cả trong quá khứ) liên quan đến sai phạm trong quy hoạch Thủ Thiêm. Ngoài ra, phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bà con bị thu hồi đất trái quy định.

Liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM), mới đây Thanh tra Chính phủ ra văn bản kết luận, trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư, xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP.HCM và các sở, ngành liên quan đã để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều hộ dân sinh sống trên địa bàn.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã phần nào đáp ứng được mong mỏi của người dân trong việc giải quyết khiếu nại của bà con hàng chục năm nay. Tuy nhiên, nhiều người dân Thủ Thiêm vẫn còn băn khoăn, lo lắng. Họ nghĩ về tương lai của bản thân, gia đình, về những cá nhân, tổ chức đẩy họ vào hoàn cảnh như ngày hôm nay vẫn chưa bị xử lý.

Trao đổi với Reatimes, Luật sư Trương Xuân Tám (Ủy viên Hội đồng Luật sư Toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, cái sai căn bản, nghiêm trọng nhất trong vụ việc này là TP.HCM đã làm trái quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tự ý quy hoạch cả phần không nằm trong quy hoạch, giao đất tái định cư cho một số doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh thương mại. Điều này gây ra khiếu kiện kéo dài, đau khổ bĩ oan cho người dân suốt hàng chục năm qua.

"Không thể coi những sai phạm trên là sự vô tình, bản thân nhà quản lý không thể không biết được chuyện này, nó có bóng dáng của lợi ích nhóm. Trong khi bà con Thủ Thiêm phải chịu khổ, chịu oan hàng chục năm thì một số cá nhân, doanh nghiệp lại thoải mái hưởng lợi trên nỗi khổ và oan khuất của người dân. Khi TTCP ra kết luận về những sai phạm tại Thủ Thiêm thì ai đúng ai sai đã rõ ràng. Trước đây cứ nói người dân khiếu kiện là sai nhưng bây giờ có thể khẳng định bằng một câu 'khiêm tốn nhất' đó là, những khiếu kiện của người dân là 'có cơ sở' ", ông Tám bức xúc.

"Dù TTCP không kiến nghị chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra Bộ Công an, nhưng Cơ quan điều tra vẫn có quyền tham gia xử lý dựa trên kết luận của TTCP. Theo tôi, Bộ Công an nên chủ động xử lý, xem xét trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tổ chức liên quan đến sai phạm trong quy hoạch tại Thủ Thiêm. Xem xét trách nhiệm từ Văn phòng Chính phủ về vấn đề lưu trữ hồ sơ, cho đến các Bộ, ban ngành liên quan và cả UBND TP.HCM. Có như vậy thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề, người dân mới cảm thấy yên tâm, thỏa đáng", Luật sư Trương Xuân Tám nhấn mạnh.Theo Luật sư Tám, kết luận của TTCP mới là báo cáo thanh tra, để có hiệu lực thì phải trình cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng ý bằng văn bản. Mặt khác, vị luật sư tỏ ra rất tiếc vì trong kết luận thanh tra chưa đề cập tới việc chuyển hồ sơ sai phạm của một số cá nhân (kể cả trong quá khứ) cho Cơ quan điều tra Bộ Công an.

Liên quan đến vấn đề đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bà con bị thu hồi đất, ông Tám cho rằng, những khu đất đã giao cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng rồi thì rất khó có thể thu lại được. Tuy nhiên, cần phải có chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hợp lý cho các hộ dân. Hợp lý ở đây chính là việc đền bù, tái định cư cho người dân phải tương ứng với giá thị trường của phần đất bị thu hồi.

Ở Thủ Thiêm ta thấy được sự tùy tiện, coi thường chủ trương của Chính phủ, mà theo tôi động cơ của nó xuất phát từ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ

Nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, Luật sư Tám nhận định, những sai phạm trong quy hoạch tại Thủ Thiêm là bài học đắt giá không chỉ cho TP.HCM mà còn là bài học cho tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Những tỉnh thành này cần phải tự ra soát lại những dự án do Chính phủ quy hoạch, rà soát các văn bản thu hồi đất đã ban hành xem có phù hợp hay không? Nếu sai ở đâu thì phải chủ động sửa sai ngay.

"Có những địa phương thực hiện đúng quy hoạch nhưng là quy hoạch treo, không hiệu quả thì cũng phải bỏ đi, trả lại cuộc sống bình thường cho người dân. Ví dụ, triển khai quy hoạch một vùng đất rất rộng lớn nhưng sau hàng chục năm chỉ mới làm được một phần nhỏ, còn lại những phần khác cứ treo lơ lửng. Người dân đi không được vì không được nhận tiền đền bù, ở không xong vì không thể tiến hành xây dựng", ông Tám đề xuất.

Trở lại vấn đề sai phạm trong quy hoạch Thủ Thiêm, nhiều người đặt ra câu hỏi, có tồn tại một lỗ hổng pháp lý liên quan đến thẩm định và phê duyệt quy hoạch hay không? Luật sư Trương Xuân Tám khẳng định, không có lỗ hổng pháp lý trong vấn đề này. Theo ông, lỗ hổng nằm trong chính nhận thức, hành động của một bộ phận cán bộ, dẫn đến sai phạm.

"Quy trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch không hề sai. Chính phủ quy định quy hoạch bao nhiêu diện tích thì địa phương thu hồi bấy nhiêu, rất đơn giản, có vị trí bản đồ cụ thể. Nhưng ở Thủ Thiêm ta thấy được sự tùy tiện, coi thường chủ trương của Chính phủ, mà theo tôi động cơ của nó xuất phát từ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Nhất định phải làm rõ điều này!", vị Luật sư nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top