Nửa đầu năm của các “ông lớn” xây dựng: Vui là vui gượng kẻo là…

Nửa đầu năm của các “ông lớn” xây dựng: Vui là vui gượng kẻo là…

Hải Thu
Hải Thu thutrinhk96lhp@gmail.com
Thứ Bảy, 06/08/2022 - 06:15

Quý II, nhiều “ông lớn” ngành xây dựng đã ghi nhận mức doanh thu kỷ lục tính theo quý. Song “vui là vui gượng kẻo là” khi nhiều đơn vị lâm vào cảnh âm nặng dòng tiền kinh doanh và chấp nhận giảm sâu biên lợi nhuận…

***************

Lời toà soạn: 

Sau hai năm dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi và phát triển. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,03% trong quý I/2022 và 7,72% trong quý II/2022, góp phần đưa GDP 6 tháng đầu năm tăng ở mức 6,42%, là tốc độ tăng trưởng tương đối cao so với khu vực châu Á.

Hưởng lợi từ các chính sách phát triển kinh tế hậu Covid-19 của Chính phủ, thị trường bất động sản, xây dựng cũng dần khởi sắc. Kết thúc 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp xây dựng thương mại - dân dụng, nhà ở đã “trình làng” những vũ điệu đẹp mắt về doanh thu lợi nhuận. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có nhiều doanh nghiệp dường như vẫn còn loay hoay trong vũng lầy khủng hoảng khi doanh thu, lợi nhuận đều giảm tốc, thậm chí chịu lỗ. 

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, dù không mang tính đại diện, nhưng như câu nói “trong một giọt nước có thể tìm thấy bí mật của cả đại dương”, lại phản ánh khá chính xác hành trình phát triển của nhóm doanh nghiệp này.

Để hiểu rõ hơn sự trở lại và phục hồi của nhóm doanh nghiệp xây dựng thương mại - dân dụng, nhà ở sau hai năm dịch bệnh, Reatimes khởi đăng tuyến bài “Kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp xây dựng nhà ở, xây dựng”.

BỨT TỐC DOANH THU 

Sau 2 năm vất vả vì dịch bệnh, các số liệu thống kê đã cho thấy đà phục hồi tích cực của kinh tế Việt Nam. GDP 6 tháng đầu năm tăng ở mức 6,42%, là tốc độ tăng trưởng tương đối cao so với nhiều nước trong khu vực. Hưởng lợi từ các chương trình phục hồi kinh tế hậu Covid - 19 của Chính phủ, cùng với sự khởi sắc của thị trường bất động sản, ngành xây dựng cũng trở lại hành trình tái thiết và chạy đua. Khép lại 6 tháng đầu năm 2022, nhiều “ông lớn” xây dựng lĩnh vực thương mại - dân dụng đã trình diễn những "vũ điệu" đẹp về doanh thu khi ghi nhận mức doanh thu kỷ lục tính theo quý trong nhiều năm. 

Đầu tiên phải nhắc đến Hoà Bình (HoSE: HBC) khi quý II/2022 ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.080 tỷ đồng, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước, tăng 36,7% so với quý I vừa qua. Đây là mức doanh thu quý cao nhất so với 9 quý liền tiếp trước đó (kể từ quý I/2020), cho thấy nỗ lực tái cấu trúc của Chủ tịch Lê Viết Hải hai năm khủng hoảng 2020 - 2021 đã bắt đầu đơm quả ngọt. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của công ty đạt 7.063 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu 17.500 tỷ đồng trong năm nay. 

Theo sau là “đối thủ” Coteccons (HoSE: CTD), sau quý I đáng quên (doanh thu 1.912 tỷ đồng, là doanh thu quý thấp nhất kể từ 2016) Coteccons đã trở lại đường đua với 3.281 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 28,6% so với cùng kỳ - là quý cao nhất so với 5 quý liền tiếp kể từ quý I/2021. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 5.193 tỷ đồng, không cải thiện đáng kể so với cùng kỳ (nhích nhẹ 1,5%).

Quý II, nhiều “ông lớn” ngành xây dựng đã ghi nhận mức doanh thu kỷ lục tính theo quý (Ảnh: HTN) 

Ricons tiếp tục chứng tỏ là “tàu tốc hành” của làng xây dựng Việt Nam khi gặt hái 2.749 tỷ đồng trong quý II, tăng 50% so với cùng kỳ - là doanh thu quý II cao nhất trong vòng 4 năm qua. Luỹ kế 6 tháng, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 4.764 tỷ đồng, tăng 8,5%. 

Tương tự, Hưng Thịnh Icons (HoSE: HTN) thu về 1.757 tỷ đồng doanh thu trong quý II, là doanh thu quý II lớn nhất kể từ năm 2017. Nửa đầu năm, doanh thu của công ty đạt 3.246 tỷ đồng, tăng 13,6%. 

Không được “rực rỡ” như những “đại gia” trên, song kết quả quý II của Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC) được xem là không tồi khi doanh thu tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 289 tỷ đồng (giảm 31% so với quý I/2022). 

NỐT TRẦM LỢI NHUẬN 

Nhìn vào doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 có thể thấy sự trở lại đầy hào hứng của các “ông lớn” ngành xây dựng sau 2 năm hứng trọn “cú đấm thẳng” của Covid - 19. Song, nói như Nguyễn Du, “vui là vui gượng kẻo là”, bởi đối lập với sự bứt tốc của doanh thu là sự giật lùi của lợi nhuận. 

Điển hình là Ricons, do giá vốn quý II tăng quá cao (tăng 54%) biên lãi gộp sụt giảm tới 2 điểm %, còn 1,8%. Việc biên lãi gộp giảm mạnh trong quý II đã khiến biên lãi gộp 6 tháng đầu năm còn vỏn vẹn 2,1% trong khi cùng kỳ là 4,6%. Trong bối cảnh số lượng dự án khan hiếm cùng với “bão giá” nguyên vật liệu, có hai khả năng xảy ra với Ricons, một là quản trị giá vốn không tốt, hai là công ty đã phải cạnh tranh bằng giá. Kết quả là dù đã cố gắng tiết giảm các chi phí khác nhưng lãi trước thuế vẫn đi lùi 17%, còn 34 tỷ đồng, trái ngược với sự bứt phá của doanh thu. 

Tương tự, PHC cũng không thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui khi lãi trước thuế quý II giảm sâu tới gần 4 lần so với cùng kỳ, còn vỏn vẻn 11 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá vốn, chi phí quản lý doanh nghiệp phình to. 

Với HBC, đơn vị vốn duy trì được mức biên lợi nhuận gộp ở mức khá so với nhiều doanh nghiệp xây dựng khác, thì đến quý II này cũng không còn “giữ được phong độ” khi biên lãi gộp chỉ còn 3,3%, giảm gần một nửa so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, trong kỳ, do chi phí tài chính tăng tới 77%, đạt 142 tỷ đồng, các chi phí khác cũng “nở ra” nên lợi nhuận bị “ăn mòn” chỉ còn 75 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ bất chấp đà tăng của doanh thu.

HTN có vẻ khấm khá hơn khi lãi trước thuế quý II tăng nhẹ 5,8%, đạt 108 tỷ đồng. Bán niên, công ty “bỏ túi” 162 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. 

Dù kết quả lợi nhuận không “rực rỡ” như doanh thu, song các doanh nghiệp trên dường như đã minh chứng cho hành trình trở lại cuộc đua của mình. Còn CTD lại trở thành “cánh chim lạc đàn” khi chịu lỗ trước thuế đau đớn 28 tỷ đồng trong quý II - quý lỗ kỷ lục trong lịch sử kể từ khi niêm yết tới giờ. Dù đã cải thiện được biên lãi gộp từ 5,3% lên 6,6% trong kỳ, tuy nhiên việc chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cực mạnh, tới 3 lần(360 tỷ đồng) cùng với việc phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 242 tỷ đồng cho dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh (đã bàn giao từ năm 2019) đã “ăn mòn sạch sẽ” lợi nhuận của công ty.

Quý II/2022 là quý thua lỗ "đau đớn" nhất trong lịch sử của Coteccons (Ảnh: CTD)

Luỹ kế nửa đầu năm, CTD lãi sau thuế vỏn vẹn 5 tỷ đồng, chỉ bằng 5% so với khoản lãi cùng kỳ năm trước. Dẫu kế hoạch lãi năm nay chỉ là 20 tỷ đồng - thấp nhất kể từ năm 2006, nhưng với diễn biến không mấy tốt đẹp này, khả năng CTD khó hoàn thành mục tiêu đề ra. Cùng tái cấu trúc doanh nghiệp, nhưng có vẻ không được “tái sinh” nhanh như HBC, CTD vẫn còn loay hoay trong vũng lầy khủng hoảng. 

BÓC TÁCH CHẤT LƯỢNG DÒNG TIỀN

Cùng với sự giật lùi của lợi nhuận, dòng tiền kinh doanh cũng là điều không mấy vui vẻ của nhóm doanh nghiệp xây dựng trên. Nửa đầu năm, ngoại trừ “tuấn mã” Ricons, các doanh nghiệp còn lại đều lâm vào tình trạng âm, thậm chí âm rất nặng dòng tiền kinh doanh. Dòng tiền kinh doanh biểu hiện cho việc doanh nghiệp có thể thu được tiền về từ các hoạt động sản xuất kinh doanh hay không. Dòng tiền âm cho thấy các doanh nghiệp chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách nhưng thực tế đa phần là không thu được tiền về - đây là tín hiệu đáng buồn với các doanh nghiệp xây dựng. 

Đáng kể trong số này là HBC, âm 1.364 tỷ đồng trong khi cùng kỳ hoạt động kinh doanh tạo tiền rất tốt, dương 692 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do công ty tăng các khoản phải thu (1.350 tỷ đồng, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ). Nhìn vào cơ cấu tài sản của HBC, chiếm tới 78% là các khoản phải thu ngắn hạn (12.963 tỷ đồng) - đây cũng là điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp này khi trong nhiều năm các khoản phải thu luôn tăng mạnh và chiếm tỷ trọng rất cao. Dòng tiền kinh doanh âm chính là nguyên nhân khiến HBC phải tăng cường vay nợ, biểu hiện rõ nhất là dòng tiền vay/trả nửa đầu năm ở mức cao: 5.630 tỷ đồng/4.193 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và giảm 20% so cùng kỳ. Còn tính con số nợ vay, giá trị đã đạt tới 6.535 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm, cao gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu. 

Cùng chung cảnh ngộ, trong kỳ, dòng tiền kinh doanh của CTD cũng âm nặng 1.298 tỷ đồng, do tăng các khoản phải thu (tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên 898 tỷ đồng). Để bù đắp thâm hụt dòng tiền, bên cạnh việc thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác, CTD đã gia tăng nợ vay, khiến dòng tiền vay/trả nửa đầu năm tăng rất mạnh: 1.451 tỷ đồng/140 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,3 lần và giảm 2,4 lần. Doanh nghiệp xây dựng tư nhân vĩ đại nhất Việt Nam một thời từng nổi tiếng với nguyên tắc nói không với nợ vay đã ghi nhận tới 1.314 tỷ đồng nợ vay tại ngày kết thúc quý II/2022, trong khi đầu năm con số này chỉ vỏn vẹn chưa tới 2 tỷ đồng! 

HTN cũng “ngổn ngang trăm mối bên lòng” khi dòng tiền kinh doanh âm 1.187 tỷ đồng, chủ yếu là do tăng các khoản phải thu. Vẫn “bài thuốc” quen thuộc, HTN đã lựa chọn đi vay để bù đắp dòng tiền. Trong kỳ, dòng tiền vay/trả của công ty vẫn neo ở mức cao: 2.239 tỷ đồng/1.312 tỷ đồng, lần lượt tăng 31% và 7% so với cùng kỳ. HTN hiện phụ thuộc khá nặng nề vào vốn bên ngoài khi hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên tới 4,3 lần, chỉ tính riêng nợ vay đã gấp 1,76 lần vốn chủ sở hữu. 

Với PHC, công ty chịu âm 38 tỷ đồng dòng tiền kinh doanh, nguyên nhân chính là do giảm các khoản phải trả. Dù vẫn sử dụng đòn bẩy tài chính là đi vay nhưng dòng tiền vay/trả của công ty đã giảm so với cùng kỳ: 606 tỷ đồng/491 tỷ đồng, lần lượt giảm 23% và 40%. Đáng nói, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 2,5 lần, là một nỗ lực cải thiện không nhỏ nếu như biết rằng giai đoạn trước đó, có năm hệ số này lên tới 4,9 lần. 

Có thể thấy điểm chung trong câu chuyện âm dòng tiền kinh doanh của các doanh nghiệp trên đều đến từ việc tăng các khoản phải thu. Điều này xuất phát từ nguyên nhân thị trường bất động sản quý II khá trầm lắng, thanh khoản kém tại nhiều phân khúc do tác động của việc kiểm soát tín dụng vào bất động sản, dẫn đến sức mua suy giảm, làm các chủ đầu tư dự án khó khăn về dòng tiền, và do đó khó thanh toán sớm cho các nhà thầu xây dựng.

Vui vẻ nhất có lẽ là Ricons khi hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm đã tạo tiền rất tốt, thu về 403 tỷ đồng. Việc mang lại tiền tươi đã giúp sức đưa tổng lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ của công ty đạt trạng thái tăng trưởng so với đầu kỳ, cụ thể tăng tới 89%, đạt 567 tỷ đồng. 

Dù thị trường bất động sản khó khăn song các doanh nghiệp xây dựng vẫn kỳ vọng những điều chỉnh chính sách mới sẽ khơi thông thị trường (Ảnh: Hải Thu) 

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022, dù không mang tính đại diện, nhưng như câu nói “trong một giọt nước có thể tìm thấy bí mật của cả đại dương”, kết quả này lại phản ánh phần nào đó khá chính xác hành trình của các doanh nghiệp, như sự vươn lên mạnh mẽ của Ricons, quả ngọt tái cấu trúc của HBC, hay tình trạng loay hoay trong vũng lầy của CTD,... 

Song, đi qua nửa đầu năm, hầu hết các doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành chưa tới 50% kế hoạch doanh thu năm 2022, có thể thấy sức ép 6 tháng cuối năm là rất lớn. Bên cạnh việc nỗ lực ký mới, đôn đốc thu hồi công nợ, tiết giảm chi phí để gia tăng lợi nhuận, các doanh nghiệp xây dựng sẽ phải kỳ vọng vào những điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản và thị trường xây dựng có những động lực tăng trưởng mới. Nếu không, 2 quý cuối năm sẽ vẫn là những vật lộn trong lo toan, và những hồ hởi đầu năm về các kế hoạch tăng trưởng sẽ chỉ là ảo ảnh xa vời.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top