Aa

Hương cốm sữa Hà Thành     

Thứ Ba, 27/09/2022 - 06:14

Mễ Trì hiện có tổng cộng khoảng 30 hộ dân theo nghề cốm. Nghề này rất vất vả và lãi không cao. Chỉ vì yêu và muốn giữ nghề cốm cổ truyền của làng có từ hơn 100 năm nay nên mọi người vẫn làm.

Nếu có dịp đến Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) từ tháng 7 đến tháng 10 dương lịch này, bạn sẽ được chứng kiến cảnh nhộn nhịp của những người dân trong làng đang làm cốm. Mùi lúa nếp thơm ngọt thoang thoảng khắp nơi quyện với tiếng thình thịch của chày giã cốm văng vẳng bên tai.

Để làm ra được hạt cốm dẻo thơm thì những người đàn ông trong làng phải dậy từ 4h sáng để chở lúa. Hiện lúa của làng tự cấy trồng còn rất ít nên lúa nếp được thu mua từ khắp các nơi như Vĩnh Phúc, Phú Thọ...

Lúa nếp cái hoa vàng dùng để làm cốm.

Anh Hậu ở  Mễ Trì Thượng cho biết: "Nhà tôi vẫn làm cốm theo phương pháp gia truyền từ hàng trăm năm nay là thường rang lúa bằng củi. Rang bằng củi dễ kiểm soát được nhiệt độ và hạt cốm sẽ ngon hơn. Sau khi tuốt rời từng hạt, thóc nếp được đãi trong nước sạch, vừa là rửa và cũng để loại bỏ hết thóc lép. Tiếp đến công đoạn rang, đây là việc khá vất vả và đỏi hỏi kinh nghiệm, hạt cốm có ngon hay không cũng là do khâu rang này quyết định. Sau khi rang khoảng 2 tiếng đồng hồ thì lúa chín. Lúc này không khí trong bếp cũng như ngoài sân thơm lựng mùi lúa nếp.

Công đoạn chà xát hiện đã được làm bằng máy, cứ chà đi xát lại khoảng 15 lượt cho vỏ trấu tróc ra rồi mới cho vào cối giã. Vẫn là cối đá nhưng lại được giã bằng máy nên phần nào cũng đỡ mất công hơn. Hạt cốm được giã rồi lại sảy vỏ trấu rồi lại cho vào giã khoảng 5 lượt là được. Lúc này hạt cốm đã mỏng ra và dẻo quánh lại. Nếu lúa non và rang đúng lửa thì hạt cốm sẽ quyện dính chặt vào nhau và xanh mướt tự nhiên. Nếu rang quá lửa thì hạt cốm sẽ có mầu hơi vàng và cứng".

Cũng theo anh Hậu, cốm mà gia đình anh làm ra và thường bán hết trong ngày. 10 cân thóc nếp mới làm được 1kg cốm nên số lượng cốm làm ra rất ít. Khách muốn mua nhiều thường phải đặt trước.

Hiện phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội còn tổng cộng khoảng 30 hộ dân theo nghề cốm. Nghề này rất vất vả và lãi không cao. Chỉ vì yêu và muốn giữ nghề cốm cổ truyền của làng có từ hơn 100 năm nay nên mọi người vẫn làm mặc dù không nhiều.

Một năm có hai vụ cốm là vụ chiêm từ tháng 3 đến tháng 6 dương lịch. Cốm vụ mùa từ tháng 7 đến tháng 10 dương lịch. Lúa nếp cái hoa vàng dùng để làm cốm khi hạt thóc còn ngậm sữa, vì vậy trong quá trình rang sẽ bị hao hụt rất nhiều. Cứ 10kg thóc mới làm được 1kg cốm và hiện giá cốm ngon loại 1 nhà anh Hậu bán là 250.000 đồng/kg.

Vợ chồng anh Hậu chị Thắm ở Mễ Trì Thượng đang tuốt lúa nếp chuẩn bị làm cốm.
Công đoạn rang thóc nếp.
Đảo thóc rang bằng máy đỡ sức người.
Rang thóc nếp bằng củi dễ kiểm soát được nhiệt độ.

Kiểm tra xem thóc nếp rang đã chín hay chưa để chuẩn bị giã.
Mỗi nhà có từ 3 đến 4 bếp rang thóc.
Hạt thóc nếp sau khi được xát vỏ trấu.
Thay vì làm cốm hoàn toàn thủ công, thì nay các hộ trong làng đã áp dụng máy móc, cơ giới hóa vào các khâu làm cốm, giúp tiết kiệm thời gian, giảm công sức, chi phí sản xuất, nhưng vẫn không làm mất đi hương vị.

Công đoạn giã cốm vẫn sử dụng cối đá. 
Chày giã cốm sử dụng máy nên đỡ sức người.
Chị Thắm sảy vỏ trấu sau khi giã cốm.
Cốm dừa hạt sen làm theo yêu cầu của khách đặt hàng.

Cốm thành phẩm được gói bằng lá sen tươi buộc bằng sợi rơm nếp.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top