Aa

Khẳng định tầm quan trọng và giá trị phổ quát của UNCLOS

Thứ Sáu, 18/11/2022 - 08:08

Trong hai ngày 16 - 17/11, Học viện Ngoại giao đã tổ chức các Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 với chủ đề “Biển hòa bình - Phục hồi bền vững”.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 bao gồm nhiều phiên, trong đó có phiên riêng Kỷ niệm 40 năm ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) và 20 năm ASEAN và Trung Quốc ký kết Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (viết tắt là DOC).

Biển Đông nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các học giả, chuyên gia và nhà khoa học

Tại Hội thảo, đa số các ý kiến đều khẳng định tầm quan trọng và giá trị phổ quát của UNCLOS với vai trò là một bản Hiến pháp của Đại dương. Sau 40 năm, nhiều vấn đề mới nảy sinh như bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học biển, biển đổi khí hậu, sự phát triển của khoa học kỹ thuật… thách thức vai trò của UNCLOS. Tuy nhiên, các học giả cho rằng những thách thức mới hoàn toàn có thể được giải quyết trong khuôn khổ pháp lý của UNCLOS và các hiệp định thực thi trong khuôn khổ UNCLOS. Các phán quyết của cơ quan tài phán cũng góp phần làm sáng tỏ cách giải thích và thực thi luật quốc tế.

Đánh giá về những thách thức mới với an ninh biển trong thời gian gần đây, nhiều học giả cho rằng biển không phải là không gian tách biệt mà có mối liên hệ mật thiết giữa các không gian khác như đất liền, vùng trời, đáy biển, vùng đất dưới đáy biển và kết nối cả với không gian phi truyền thống như không gian mạng và khoảng không vũ trụ trong bối cảnh khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển. Đây cũng là những điểm mà các quốc gia trong khu vực cần tính tới trong việc thúc đẩy hợp tác để xây dựng những quy tắc đảm bảo an toàn, phòng chống đụng độ, từ đó đảm bảo an ninh và hòa bình trên biển.

Đánh giá về giá trị của Tuyên bố DOC, nhiều học giả cho rằng DOC là thành tựu quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc, cho thấy các bên có thể hợp tác để tìm kiếm tương đồng vì mục đích chung dù vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt.

Việc đạt được tuyên bố DOC có ý nghĩa khởi đầu cho những nỗ lực chung thúc đẩy hợp tác tại khu vực, là cơ sở cho quá trình tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong tương lai.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về những phát triển gần đây tại Biển Đông như việc có nước lợi dụng những quy định thiếu rõ ràng trong luật quốc tế và các phát triển của khoa học công nghệ để tiến hành các hoạt động ảnh hưởng tới quyền lợi của các quốc gia ven biển và trật tự trên Biển Đông.

Để thúc đẩy hợp tác và phục hồi bền vững, các học giả đánh giá về triển vọng thúc đẩy hợp tác kinh tế biển xanh, nhiều ý kiến đều cho rằng kinh tế xanh, kinh tế biển ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sáng tạo, sử dụng tốt các nguồn tài nguyên, đối phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của nhiều quốc gia, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Chính vì thế, các nước và các tổ chức quốc tế như EU, ASEAN đều ưu tiên phát triển hợp tác kinh tế biển xanh và hợp tác trên biển, đặc biệt trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 nhằm thúc đẩy sự kết nối, đảm bảo chuỗi cung ứng và hồi phục nền kinh tế.

Các đại biểu tham dự các phiên họp trực tiếp tổ chức tại TP. Đà Nẵng

Một số đại biểu chia sẻ, trong quá trình hợp tác triển khai phát triển kinh tế biển xanh, ASEAN và các đối tác cũng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn như sự thiếu hụt khuôn khổ nền tảng, thiếu nguồn lực tài chính. Trong đó, tình hình tranh chấp trên Biển Đông chưa được giải quyết cũng sẽ là lực cản đối với việc hiện thực hóa chiến lược kinh tế biển xanh. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng để giải quyết các khó khăn, các bên cần tận dụng thế mạnh để thúc đẩy hợp tác kinh tế và khuyến khích mô hình xã hội hóa với sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp công và tư nhân.

Đặc biệt, các đại biểu cũng bày tỏ quan tâm thảo luận về nội dung thương mại bền vững, chuỗi cung ứng, phục hồi kinh tế, phát triển. Các biến động lớn trên thế giới trong những năm qua như cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, đại dịch Covid-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraina, đã có tác động sâu rộng tới kinh tế toàn cầu trong nhiều lĩnh vực cụ thể như vận tải đường biển và chuỗi cung ứng bán dẫn.

Để vượt qua những thách thức này, các đại biểu cho rằng các quốc gia và khu vực cần tăng cường tự chủ và độc lập, đa dạng chuỗi cung ứng, tăng cường dịch vụ cảng biển, vận tải biển, mở rộng hợp tác để giảm thiểu tác động của sự gián đoạn nguồn cung vật liệu thô, bán dẫn, các khoáng chất quan trọng và công nghệ xanh và sạch…

Bà Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao

Phát biểu bế mạc, bà Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá cao sự tham gia tích cực và nhiệt tình của các đại biểu trực tuyến và trực tiếp cùng chất lượng của các phiên thảo luận. Qua 2 ngày hội thảo, 8 phiên thảo luận, 1 phiên dẫn đề, gần 40 bài tham luận và hơn 160 ý kiến bình luận, câu hỏi trao đổi tại hội thảo đã cho thấy Biển Đông không phải là vùng biển đóng kín mà đóng vai trò trung tâm, kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Biển Đông đang đối mặt với nhiều biến chuyển và nhiều thách thức từ tình hình chung của thế giới và khu vực.

Tuy nhiên, bà Phạm Lan Dung nhận định bên cạnh các thách thức, chúng ta vẫn có thể thấy được những tín hiệu tích cực và tiếp thu các ý tưởng, đề xuất có giá trị để đối phó với những khó khăn thách thức. Trong thời gian tới, cộng đồng khu vực và quốc tế cần tiếp tục cam kết với luật pháp quốc tế và việc đảm bảo thượng tôn pháp luật, tin tưởng vào các kênh hợp tác đa phương, linh hoạt, sáng tạo trong các cơ chế hợp tác trên các lĩnh vực và không gian khác nhau để xây dựng Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, giúp các quốc gia tập trung phục hồi bền vững./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top