Aa

Khánh Hoà: “Siết chặt” chuyển nhượng dự án bất động sản du lịch

Thứ Bảy, 22/12/2018 - 00:28

UBND tỉnh Khánh Hoà mới đây đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một nội dung trong văn bản này chỉ đạo các dự án không được chuyển nhượng và thay đổi cổ đông đang được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia, phản ánh là có nội dung trái luật.

Cụ thể, tại Văn bản số 12143/UBND-KGVX do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh ký ngày 27/11/2018 về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.

Văn bản này được gửi đến các sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Tài Chính, Sở Tư pháp, Sở Du lịch và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Theo văn bản này, UBND tỉnh Khánh Hoà đề cập đến hai nội dung chính nhằm tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định.

Cụ thể, về việc cấp, điều chỉnh quyết định chủ trương dự án đầu tư và xử lý vi phạm, UBND tỉnh giao các sở đơn vị, địa phương kiểm tra rà soát các quy định hiện hành và các vướng mắc trong thực tế để nghiên cứu tham mưu bãi bỏ các quy định liên quan không còn phù hợp và xây dựng quy định mới để thống nhất thực hiện. Trong đó yêu cầu làm rõ trình tự, thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền, trách nhiệm của các đơn vị với nội dung yêu cầu thẩm định, tham mưu phê duyệt, quyết định chủ trương dự án đầu tư.

với quy định này, những doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ chịu “thiệt thòi”.

Với quy định này, những doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ chịu “thiệt thòi”.

Việc quản lý, theo dõi, xử lý vi phạm, chấm dứt dự án, thu hồi chủ trương quyết định đầu tư tỉnh này lưu ý đến 4 nội dung cơ bản gồm: Cơ sở pháp lý, trình tự thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng đối với hồ sơ phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư; Biểu mẫu, nội dung của quyết định chủ trương đầu tư; Xử lý, giải quyết đề xuất của doanh nghiệp về giãn tiến độ đầu tư, điều chỉnh tiến độ dự án và điều chỉnh dự án và cuối cùng là nội dung theo dõi, quản lý và xử lý vi phạm.

Đáng chú ý, thông tin thứ hai của văn bản này đề cập việc ngăn ngừa chuyển nhượng dự án không đúng quy định, tại khoản a trong văn ban UBND tỉnh chỉ đạo: “Yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra xây dựng quy định, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các phòng chuyên môn trong Sở, không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn doanh nghiệp để chuyển nhượng dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách”.

Đây là nội dung dấy lên nhiều lo ngại từ phía các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà về khoản a, điều 2 của văn bản nêu trên được phản ánh là trái với Luật Doanh nghiệp.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên tỉnh Khánh Hòa ban hành văn bản kiểu như thế này. Cách đây hơn 1 năm, vào ngày 11/9/2017, tỉnh Khánh Hoà đã ban hành Thông báo số 603/TB-UBND về tình hình triển khai thực hiện dự án Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao, trong đó cũng đưa ra quy định Sở Kế hoạch và Đầu tư phải báo cáo UBND tỉnh xem xét chấp thuận trước khi cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư dự án này điều chỉnh giấy phép đăng ký kinh doanh. 

Văn bản này đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”. Đến ngày 13/6/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Thông báo 353/TB-UBND về việc giải quyết điều chỉnh nội dung đăng ký doanh nghiệp của Công ty Cổ phần Carava Resort và Công ty cổ phần du lịch Hòn Một, đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư “kiểm tra, thẩm định hồ sơ và giải quyết việc điều chỉnh nội dung đăng ký doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật”.

Văn bản số 12143 đang gây tranh cãi

Văn bản số 12143 đang gây tranh cãi

Hệ lụy của những quy định hành chính trái luật đã làm ách tắc hoạt động của doanh nghiệp, tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại tỉnh Khánh Hòa và những địa phương khác. Bởi với quy định này, những doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ chịu “thiệt thòi”, còn những doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở địa phương khác hoặc đã lên sàn chứng khoán thì vẫn được thực hiện theo đúng quyền hợp pháp trong Luật doanh nghiệp.

Thậm chí, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng quy định này còn có thể dẫn đến việc doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, bị phá sản không thể thực hiện được quyền do bổ sung thêm cổ đông, tăng vốn… để tiếp tục thực hiện các công việc và dự án. 

Trong khi Chính phủ đang nêu cao tình thần kiến tạo, tháo gỡ các khó khăn và cởi bỏ nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh giúp doanh nghiệp được kinh doanh dễ dàng hơn, thì tỉnh Khánh Hòa lại tiếp tục ban hành một văn bản trái luật, đi ngược lại tinh thần kiến tạo của Chính phủ. Dư luận và cộng đồng doanh nghiệp đặt ra câu hỏi, mục tiêu thực sự của Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa có phải là tạo ra một “giấy phép con” bên cạnh việc quản lý các dự án du lịch có vốn ngoài ngân sách?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top