Aa

Khánh thành, đưa vào sử dụng cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn

Thứ Ba, 03/01/2023 - 11:08

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Sáng 31/12/2022, tại khu vực cầu Tuần thuộc xã Thủy Bằng và xã Hương Thọ, TP. Huế, Bộ Giao thông Vận tải cùng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ khánh thành dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đi qua hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Khánh thành cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Mở ra cơ hội đầu tư, phát triển cho Huế và Quảng Trị

Theo ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh - chủ đầu tư, dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn có chiều dài xây dựng là 98,35km, điểm đầu tại Km 0+000 (giao với Quốc lộ 9 tại Km10 +380), thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối tại Km 102 + 200 (La Sơn), trùng với điểm đầu dự án La Sơn - Túy Loan, thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Dự án đi qua các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) và các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy và Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Giai đoạn đầu, dự án đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường là 12m (riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m); giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m; các cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Dự án được khởi công hai gói thầu đầu tiên ngày 16/9/2019, khởi công gói thầu cuối cùng ngày 29/4/2020; tổng mức đầu tư dự án thành phần này khoảng 7.669 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Ông Quý cho biết thêm, theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/03/2016, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài khoảng 2.109km. Hiện đã khai thác và đang xây dựng một số đoạn dài 601km. Thực hiện Nghị Quyết số 52/2017/QH14 của Quốc Hội khóa XIV, giai đoạn 2017 - 2020, dự án cao tốc Bắc - Nam tiếp tục đầu tư một số đoạn với chiều dài khoảng 654km, chia làm 11 dự án thành phần, trong đó có đoạn từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên - Huế).

Tại lễ khánh thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có ý nghĩa quan trọng, khởi đầu cho việc hình thành một tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Dự án đi qua hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của hai tỉnh, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, mở ra nhiều cơ hội đầu tư, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh nói riêng và khu vực Trung Bộ, đặc biệt đã đánh dấu mốc quan trọng, là một trong các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đầu tiên hoàn thành, góp phần tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, đáp ứng chiến lược phát triển giao thông vận tải và kinh tế - xã hội của cả nước.

“Trong thời gian tới, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục được triển khai, tôi đề nghị các đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải phối hợp với chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, phấn đấu hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo Nghị quyết 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội”, ông Thắng nêu.

Tiếp tục hoàn thiện, kết nối liên thông các tỉnh miền Trung

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương bày tỏ, sau hơn 2 năm xây dựng (9/2019-12/2022), dưới sự quyết tâm chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Ban Quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh, các nhà thầu, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương và ủng hộ của nhân dân vùng dự án, dự án thành phần cao tốc Cam Lộ - La Sơn với chiều dài 98,3km nối hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Đây là một trong những cung đường đẹp, kết nối liên thông các tỉnh miền Trung, đi qua vùng có nhiều quần thể di tích, danh lam, thắng cảnh; mở ra tuyến giao thông huyết mạch mới - song hành, giảm tải cho các trục giao thông Bắc - Nam; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng cho khu vực.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

“Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng mong muốn và tin tưởng rằng, trong thời gian tới, các bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ địa phương nhiều hơn nữa, hoàn thành nhiều dự án trọng điểm quốc gia, như đường ven biển, các quốc lộ kết nối cảng biển đến cửa khẩu quốc tế với nước bạn Lào; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị và quyết tâm của tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025, đưa toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”, ông Phương nói.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chia sẻ, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đi qua tỉnh Quảng Trị với chiều dài hơn 37km, tổng diện tích bị ảnh hưởng lớn, khoảng 261ha; trên tuyến có 210 hộ bị ảnh hưởng và 27 hộ tái định cư. Để thực hiện dự án, có nhiều hộ dân đã nêu cao tinh thần gương mẫu, dù chưa nhận tiền bồi thường nhưng đã tháo dỡ vật kiến trúc, cây cối để bàn giao mặt bằng, tạo hiệu ứng tích cực. Chỉ sau 14 tháng (4/2019 - 6/2020) tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành và bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư chiều dài 37/37km, trở thành địa phương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho dự án sớm nhất cả nước. Đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng dự án qua Quảng Trị giảm 10 tỷ đồng so với phương án đã duyệt.

Theo ông Hưng, mặc dù dự án thành phần nói trên đã thông xe, nhưng toàn bộ công việc mới ở mức cơ bản hoàn thành, cần tiếp tục hoàn thiện. Cụ thể, trên tuyến đoạn qua Quảng Trị tại Km 30 giao với Quốc lộ 15 được thiết kế nút giao liên thông; đây là điểm kết nối hệ thống giao thông khu vực phía Nam tỉnh với tuyến cao tốc, tạo ra tính kết nối với tuyến Quốc lộ 1 đang khai thác nhưng chưa hoàn thành. Trong trường hợp trên tuyến cao tốc xảy ra ùn tắc, đây là điểm quan trọng để kịp thời phân luồng, giải tỏa áp lực và đảm bảo an toàn giao thông. “Kính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan của bộ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, sở ngành địa phương tập trung thi công hoàn thành đưa vào sử dụng đảm bảo an toàn hệu quả khi đưa tuyến chính vào khai thác, sử dụng”, ông Hưng nói./.

Khởi công dự án thành phần cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ

Ngày 1/1/2023, tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình tổ chức Lễ khởi công dự án thành phần cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.

Lễ khởi công dự án thành phần cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ.

Lễ khởi công dự án thành phần cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ được kết nối trực tuyến với 11 điểm cầu còn lại trong sự kiện khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh sáng cùng ngày 1/1/2023. Trong sự kiện này có ba điểm cầu chính ở các tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Bình, Hậu Giang đại diện cho ba khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ.

Tại Quảng Trị, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, các địa phương và đơn vị đã thực hiện nghi thức nhấn nút khởi công dự án thành phần đường bộ cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ. Dự án này có chiều dài trên 65km, tổng vốn đầu tư hơn 9.900 tỷ đồng, trong đó đoạn đi qua tỉnh Quảng Trị dài hơn 32,5km, còn lại đi qua tỉnh Quảng Bình.

Đáng chú ý, dự án có hai gói thầu xây lắp XL01 và XL02, cùng có thời gian thực hiện hợp đồng trong 34 tháng và Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh (Quảng Bình) đều là nhà thầu tham gia thi công cả hai gói thầu này. Cụ thể, gói thầu XL01 do Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty Cổ phần Xây dựng 368 thực hiện thi công xây dựng đoạn từ Km 675+400 - Km 708+350 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) với tổng chiều dài gần 33km; giá trị 3.361 tỷ đồng. Phạm vi công việc chính của gói thầu này gồm xây dựng công trình giao thông đường bộ cấp I, cầu đường bộ cấp III. Gói thầu XL02 do Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh, Công ty Cổ phần Giao thông xây dựng số 1, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Đường sắt thực hiện thi công xây dựng đoạn từ Km 708+350 – Km 740+884,83 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) với chiều dài hơn 32,5km; giá trị gói thầu 3.480 tỷ đồng. Phạm vi công việc chính của gói thầu này gồm công trình giao thông đường bộ cấp I, cầu đường bộ cấp II, cấp III.

Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh đề nghị các nhà thầu phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo tiến độ, chất lượng cũng như đảm bảo công tác an toàn giao thông trong quá trình thi công trên công trường. Đặc biệt, các nhà thầu phải thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, nghiêm cấm tuyệt đối các nhà thầu sử dụng thầu phụ trái quy định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top