PGS. TS. Trần Đình Thiên: Khát vọng phát triển của Quảng Ninh phải luôn luôn rực cháy

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Khát vọng phát triển của Quảng Ninh phải luôn luôn rực cháy

Nguyễn Thành Công
Nguyễn Thành Công Congnguyenthanhyb@gmail.com
Thứ Hai, 24/10/2022 - 06:30

Mấy năm nay, thật tình cờ bởi cứ khi nào tôi gọi điện xin gặp là y như rằng PGS. TS. Trần Đình Thiên lại nói đang ở Quảng Ninh. Ban đầu, tôi nghĩ chắc ông có một tình cảm đặc biệt với Quảng Ninh. Thật dễ hiểu vì tôi cũng vậy. Nhưng tiếp xúc với ông, tôi nhận thấy rằng suy nghĩ đó đúng nhưng chưa đủ. Để gắn bó với một vùng đất như vậy, tình cảm, dù rất sâu nặng, vẫn chưa đủ. Cần c động lực khác nữa và khát vọng đặc biệt mạnh mẽ dành cho nó.

Nhiều người biết đến ông với vai trò là thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Nhưng với Quảng Ninh, ông là chuyên gia tư vấn chiến lược và cố vấn liên tục trong hơn thập niên vừa qua, bằng cách này hay cách khác, dù trực tiếp hoặc gián tiếp, qua chính quyền hay doanh nghiệp, v.v..

Nhìn lại hành trình phát triển ngoạn mục khi Quảng Ninh xác lập được vị thế dẫn đầu và đã chuyển đổi thành công mô hình kinh tế, từ “nâu” sang “xanh”, ông Thiên khẳng định đó là kết quả của tính quyết liệt và sự nhất quán trong hành động.

 

PGS. TS. Trần Đình Thiên nhớ lại thời điểm cách đây hơn 10 năm, khi được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính đặt vấn đề phải quyết tâm chuyển từ “nâu” sang “xanh”. Người đứng đầu Quảng Ninh khi đó và các thế hệ lãnh đạo tiếp theo đã phải “máu lửa” đến mức cả bộ máy cam kết luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ doanh nghiệp. Việc “thổi bừng lên ngọn lửa” phát triển của Quảng Ninh, chuyển từ “nâu” sang “xanh” là phải vì nhân dân, vì doanh nghiệp.

Ông Trần Đình Thiên vẫn kiên định rằng, chính quyền Quảng Ninh dù muốn làm gì thì khát vọng phát triển vẫn phải luôn mạnh mẽ. Ai cũng mong muốn địa phương mình phát triển, nhưng khát vọng có rực cháy ở trong người hay không thì lại là chuyện hoàn toàn khác.

Tỉnh nào chẳng muốn phát triển, lãnh đạo nào chẳng muốn tỉnh mình đi lên, nhưng nhiều khi thấy khó là không dám làm, thấy có vấn đề là bủn rủn chân tay. Gặp điều kiện khó là không cố nghĩ cách giải quyết”, PGS. TS. Trần Đình Thiên bắt đầu câu chuyện với tôi ngay sau chuyến đi công tác Quảng Ninh.

 

- Năm 2012, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã đưa ra định hướng phát triển dựa trên triết lý: Chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên - Con người - Văn hoá, kết hợp với xu thế hoà bình, hợp tác và hội nhập. Là người có hành trình đồng hành với Quảng Ninh rất dài, ông nhìn nhận và đánh giá ra sao về bối cảnh và hành động thay đổi chiến lược phát triển của tỉnh?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh đã được đặt ra rất sớm, từ vài chục năm trước nhưng không làm được, bởi chúng ta đều biết rằng, khai thác than rất ô nhiễm. Trong khi đó, Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long rất đẹp, có những di sản văn hóa nổi tiếng để làm du lịch.

Nhưng suốt bao nhiêu năm không thể thực hiện được vì thiếu những điều kiện quan trọng. Điều kiện rõ ràng nhất là người lao động của Quảng Ninh chủ yếu là công nhân mỏ, lâu nay vẫn sống với mỏ, dựa vào đào than. Và đất nước vẫn tôn vinh xứ than, ca ngợi “xứ vàng đen” của Tổ quốc. Nhưng than là bụi, là ô nhiễm hết tầm, hết mức.

Mà để làm du lịch lại phải có những điều kiện rất khác. Ở Quảng Ninh, “xanh” đầu tiên là phải giảm than, chuyển hướng vào du lịch chứ chưa phải đẳng cấp công nghiệp công nghệ cao. Nghĩa là chuyển từ đào than sang làm du lịch, mà du lịch lại dựa trên nền tảng di sản thiên nhiên thế giới.

Nếu làm du lịch thì thứ nhất, đất nước phải giàu, dân chúng mới đi du lịch nhiều và nhờ đó, du lịch mới trở nên đẳng cấp được. Thứ hai là phải mở cửa để kéo du khách nước ngoài đến. Khi đó, du lịch phải có những điều kiện tối thiểu để phát triển, chứ chỉ có những hòn đảo đẹp là chưa đủ.

Thời trước, dù biết vậy nhưng Quảng Ninh vẫn không thể nào làm được. Nếu chuyển trọng tâm sang làm du lịch thì tỉnh phải bớt khai thác than đi; hoặc nếu phải tiếp tục đào than thì phải đào theo kiểu khác chứ không được để gây ô nhiễm. Nhưng như vậy thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, thu nhập của người dân, mà trực tiếp là công nhân mỏ than, đông tới cỡ 150 ngàn người chứ có ít đâu. Áp lực xã hội và thách thức kinh tế đều rất lớn, vượt qua hầu như là bất khả thi. Vì thế, trải qua nhiều đời lãnh đạo Quảng Ninh, vấn đề vẫn không được giải quyết. Không thể thay đổi hiện trạng nếu vẫn giữ cách làm cũ. Chân lý đơn giản là như vậy.

Đó là giai đoạn tuyệt đối khó khăn cả về điều kiện vật chất lẫn nhận thức, quan điểm. Vượt qua cái “ám ảnh” không thể chuyển từ “nâu” sang “xanh” suốt nhiều thập niên là điều không tưởng đối với Quảng Ninh.

- Như ông phân tích thì có lẽ nhiều cán bộ lãnh đạo sẽ lựa chọn giữ mình an toàn ở một vùng đất hội tụ những gì tinh túy hiếm nơi nào có được như Quảng Ninh. Nghĩa là chọn cách bằng lòng với cơ cấu ngân sách của tỉnh với 70% từ than, 20% từ sản xuất kinh doanh và 10% từ đất mà không cần thay đổi gì. Nhưng sự thực thì cán bộ lãnh đạo lúc bấy giờ của Quảng Ninh đã không chọn cho mình sự an toàn?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Cách đây hơn 10 năm, khi được điều động làm Bí thư Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính đặt vấn đề phải chuyển từ “nâu” sang “xanh”.

Trước đó, nhiều lãnh đạo của Quảng Ninh cũng đã nói đến việc này rồi nhưng không làm được. Sau này, ông Phạm Minh Chính có nói với tôi, khi làm việc này, có lãnh đạo cũ của tỉnh nói rằng đó là điều không thể làm được. Đây cũng là ý kiến “đồng thuận” của tuyệt đại đa số cán bộ địa phương. Ngoài câu chuyện sắp xếp, tạo việc làm mới cho mấy chục nghìn công nhân mỏ, còn những vấn đề khác như vốn đâu để đầu tư du lịch, ai làm, nhân lực du lịch ở đâu, hạ tầng kết nối ra sao,... Toàn những chuyện động trời, vượt tầm.

Cho nên, việc chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh” đơn giản là không thể làm được, là điều hoang tưởng. Nhưng người đứng đầu tỉnh Quảng Ninh lúc bấy giờ vẫn quyết định làm.

Khi ấy, có một điều kiện là đến năm 2001, nước ta đã cải cách, đổi mới được 15 năm. Tiếp đà mở cửa đang thuận hơn, đến năm 2010, UNESCO tiến hành đánh giá lại các di sản thế giới và Vịnh Hạ Long vẫn được xếp là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới. Khi đó, tình thế phát triển đặt ra cho Quảng Ninh là nếu đặt mục tiêu làm du lịch dựa trên nền tảng sẵn có thì cực kỳ khó, nhưng rõ ràng thời cơ là rất lớn, nếu không chớp lấy sẽ đánh mất cơ hội lịch sử và sẽ phải trả giá rất lớn.

Thời cơ là ở chỗ tài nguyên du lịch Quảng Ninh được xếp vào hàng đầu thế giới, mà đất nước thì đang mở cửa mạnh mẽ. Cách đặt vấn đề lúc đó mà Bí thư Quảng Ninh nêu ra là: Việt Nam - Quảng Ninh đang sở hữu báu vật đẹp nhất của loài người. Chúng tôi muốn mời loài người đến đây để cùng hưởng thụ báu vật đó. Nhưng chúng tôi còn nghèo, nên để hưởng thụ được thật tốt thì các bạn hãy đến và cùng với chúng tôi tạo dựng cơ sở để sự hưởng thụ ấy trở thành hiện thực. Tức là hãy đầu tư vào đây, mang cơ hội du lịch hàng đầu đến cho thế giới, chúng ta sẽ cùng sẻ chia lợi ích - mà chắc chắn lợi ích sẽ là rất lớn.

 

Để làm được như vậy, Quảng Ninh phải chuyển trọng tâm kinh tế sang du lịch - nhưng phải là du lịch đẳng cấp cao của thế giới. Còn nếu làm du lịch “tầm tầm” thì du khách thế giới, đẳng cấp cao sẽ không đến.

Thống nhất cách đặt vấn đề như vậy giúp tỉnh xác định lại hướng phát triển, từ đó, mới xác định trong cấu trúc tổng thể thì tương quan của ngành than cần “dọn dẹp” lại như thế nào.

Đầu tiên, cần làm thành phố sạch lên khỏi bụi than, để các tọa độ du lịch trọng điểm như Hạ Long, Cẩm Phả phải sạch sẽ, gọn gàng. Thứ hai, các tuyến đường kết nối phải thông. Nghĩa là phải quy hoạch lại Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Quy hoạch để làm thật thì mới bứt phá thật được. Trên tinh thần đó, Hạ Long được chọn là tâm điểm của công cuộc phát triển theo “hai tuyến - đa chiều”, theo huớng nâng tầm đẳng cấp. Quảng Ninh không chỉ phải sạch mà còn phải đẹp, đẹp dần lên. Điều này cực kỳ quan trọng, bởi vì trước đây đâu đâu cũng là than và bụi, rất ô nhiễm.

Cần tập trung làm quyết liệt để Hạ Long trở thành đô thị du lịch tầm cao, chuyển dịch, lan tỏa dần sang Vân Đồn. Cây cầu nối Hạ Long sang Bãi Cháy để kết nối với Tuần Châu tạo thành một hành lang động lực phát triển đặc biệt quan trọng.

Trước đấy, Tuần Châu đã là một thử nghiệm chính sách rất hay, tạo cơ sở cho việc việc áp dụng cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” mang tính đột phá trên phạm vi cả nước.

Từ công thức thí điểm Tuần Châu, Quảng Ninh biết rằng cơ sở để thay đổi hình thái phát triển phải dựa trên nền tảng là vốn. Mà vốn chính là đất nằm ở dưới chân mình. Bây giờ xuống đến Bãi Cháy, chúng ta đâu còn thấy một Bãi Cháy bùn lầy rác rưởi. Bãi Cháy đã “cháy”, đã trở thành địa chỉ sang trọng bậc nhất thế giới rồi.

Một điểm cần thay đổi nữa là phải nối các tuyến phát triển.

Khi đã quyết tâm làm kinh tế du lịch rồi thì phải có tư duy dồn ưu tiên cho du lịch, còn than cứ phát triển ổn định bình thường vì xử lý vấn đề lao động của ngành này là cực kỳ khó. Sứ mệnh của ngành than chủ yếu lúc đó vẫn là tạo công ăn việc làm, bảo đảm thu nhập cho công nhân mỏ. Nhưng phải định hướng ngành than phục vụ phát triển du lịch, theo nghĩa là phải làm “sạch” ngành than. Tư duy như vậy đã định hình những hành động thực tiễn rất hay cho giai đoạn sau này của Quảng Ninh.

Thấm nhuần tư tưởng ấy, lãnh đạo Quảng Ninh đã thiết kế ra những chương trình hành động bám sát chiến lược chuyển từ “nâu” sang “xanh”. Ông Phạm Minh Chính, người đứng đầu tỉnh Quảng Ninh lúc đó, là người rất quyết liệt, cả trong tư duy lẫn hành động, có tầm nhìn vượt trội và tư duy đột phá. Có lẽ vì thế mà Quảng Ninh đã đi được đúng quỹ đạo đó và xác lập được vị thế cho mình.

- Cụ thể hơn, ông có thể chỉ ra những thay đổi nổi bật để thực hiện chiến lược đó?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Để chuyển sang “xanh”, cần phải kết nối nhanh và thông suốt, chứ đi từ Hà Nội đến Quảng Ninh mà mất 5-7 tiếng đồng hồ thì du lịch Quảng Ninh khó mà phát triển, chưa nói “phát triển vượt tầm”.

Lúc mới khởi động chuyển từ “nâu” sang “xanh”, tôi đi từ Quảng Ninh lúc 10 giờ tối thì 2 giờ sáng mới về tới Hà Nội, dù đường đêm khá vắng. Cho nên, lãnh đạo Quảng Ninh mới tập trung “thông” tuyến đường từ Hạ Long, Cẩm Phả đi ra Móng Cái, để có thương mại, dịch vụ gắn liền với du lịch. Tuyến đường này đã hỗ trợ cho du lịch Quảng Ninh.

Sáng kiến mở đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng là một đột phá ghê gớm khi tỉnh đề xuất được dùng ngân sách tỉnh để giải phóng mặt bằng làm tuyến đường này. Năm 2013, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh báo cáo Thủ tướng cho phép tỉnh được dùng tiền từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vượt thu hàng năm, phần trung ương trả nợ ngân sách tỉnh đã ứng trước thực hiện dự án giao thông khác trước đó, tiết kiệm chi hàng năm, với tổng số khoảng 6.000 tỷ đồng để thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, nối vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Riêng với hạng mục dự án cầu Bạch Đằng (thuộc tổng thể dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng) sử dụng vốn theo hình thức BOT.

Năm 2014, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được khởi công xây dựng với tổng nguồn vốn cả đường và cầu gần 14.000 tỷ đồng (trong đó ngân sách khoảng 6.000 tỷ đồng). Ngày 1/9/2018, 26km đường cao tốc và cầu Bạch Đằng chính thức khánh thành và thông xe nối cao tốc Hải Phòng - Hà Nội. Tuyến cao tốc này đã góp phần quan trọng trong việc phát huy giá trị của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thúc đẩy liên kết vùng, kết nối toàn khu vực và tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, mở thêm không gian và cơ hội phát triển kinh tế toàn khu vực.

Nếu không có tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng thì đến bây giờ, đường quốc lộ 5B (cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) vẫn cứ “ì xèo”, ít xe chạy. Con đường mạch máu này thông là khác hẳn. Trên tuyến đường này, còn cảm nhận được vẻ đẹp của Hạ Long, tạo ra cảm hứng phát triển du lịch.

Một điểm rất đặc biệt của hạ tầng du lịch Quảng Ninh là Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn. Đây là dự án đã tạo ra những cuộc tranh luận rất quyết liệt. Đến bây giờ quan niệm đã khác đi rồi chứ khi ấy, khi Quảng Ninh đặt vấn đề làm sân bay Vân Đồn, nhiều người phản đối, thậm chí là phản đối quyết liệt, đa số hoài nghi. Bởi vì khi ấy, chỉ có Nhà nước làm sân bay thôi trong khi Vân Đồn chưa có lý do gì đặc biệt thuyết phục để làm sân bay mà Nhà nước lại đâu có dư dả tiền bạc để làm.

 

-  Như vậy, có thể coi Quảng Ninh là minh chứng sinh động nhất cho sự thay đổi lớn trong tư duy của Nhà nước, khi đã nhìn nhận và đề cao vai trò của các tập đoàn kinh tế tư nhân?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã thay đổi được tư duy khi mời doanh nghiệp tư nhân tham gia vào công cuộc kiến tạo diện mạo của tỉnh. Có thể thấy, bên cạnh sự thay đổi tư duy là sự can đảm, “liều mạng”, dám chấp nhận rủi ro “tày đình” của tập đoàn Sun Group. Có thể coi đó là cú liều mạng đến mức “điên rồ”. Nhưng đủ “điên” thì mới làm được việc lớn. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn hình thành như mở ra một cơ chế mới, đó là tư nhân làm sân bay có thể hiệu quả hơn các tập đoàn kinh tế Nhà nước mà vẫn đảm bảo an toàn, đạt chất lượng cao và giá trị đẳng cấp. Trong tiến trình đổi mới của Quảng Ninh, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn như một “ngòi nổ”, là biểu tượng cho sự trỗi dậy của Tỉnh.

Đồng thời, phải nói đến hiệu ứng lan tỏa. Khi xây dựng được sân bay thì hệ thống giao thông kết nối cũng nhanh chóng có sự thay đổi. Điển hình nhất là tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái. Tuyến đường này được doanh nghiệp tư nhân đầu tư, được làm như một công trình nghệ thuật và mở ra không gian phát triển rộng lớn cho Quảng Ninh, cho cả nước chứ không đơn thuần chỉ là con đường cho xe chạy. Nhà đầu tư “cố tình” kiến tạo những điểm “check-in” trên các cung đường xuyên núi, băng rừng, ven biển, nối đảo, chạy từ Hạ Long ra Vân Đồn, đến Móng Cái. Có thể thấy những công trình giao thông mà các doanh nghiệp tư nhân tạo dựng ở Quảng Ninh thực sự tạo ra cảm hứng về cái đẹp, chứ không chỉ mang mục đích phục vụ cho giao thông vận tải.

- Để Quảng Ninh có được những bước chuyển mình mạnh mẽ như hiện nay thì sự nhất quán trong chiến lược phát triển và cam kết đồng hành dài hạn với doanh nghiệp chính là yếu tố then chốt?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Quảng Ninh mới trải qua hơn 10 năm đổi mới, nhưng giá trị của bước chuyển mình thì rất rõ ràng, khi mọi chiến lược đều được quán triệt sâu sắc và có sự nhất quán trong hành động. Điều đó rất khó thực hiện ở Việt Nam.

Tôi vừa đi Bình Liêu, một vùng đất trước đây là chiến trường ác liệt - thời chiến tranh biên giới phía Bắc. Tuy còn nghèo nhưng Bình Liêu có ý thức phát triển xanh dựa trên nền tảng văn hóa là điều cực kỳ đáng quý, khi bảo vệ được cả di sản và thiên nhiên. Dân số ở Bình Liêu không lớn, chủ yếu là dân tộc thiểu số, nhưng họ ý thức rất rõ điều này vì được đặt trong bối cảnh chiến lược phát triển xanh của cả Quảng Ninh đang được triển khai rất bài bản. Và Bình Liêu không thể nằm ngoài sự bài bản, nhất quán ấy.

Phải nói rằng, Quảng Ninh đã có cách giải quyết khéo léo với bước chuyển mình mạnh mẽ nhưng vẫn bảo đảm được đời sống cho công nhân mỏ than. Sự thực là bây giờ, hiệu quả khai thác than suy giảm. Độ giàu có của mỏ đã giảm đi nhiều. Ngày trước, cả nước khai thác đạt được 4-5 triệu tấn than/năm đã được coi là kỷ lục. Giờ đây, một năm đào được gấp mười lần nên chẳng mấy chốc sẽ cạn kiệt tài nguyên. Và khi mỏ than cạn kiệt thì phải tính đến việc giải quyết các hậu quả kinh tế - xã hội một cách khéo léo. Mà chúng ta đều biết tính biểu tượng chính trị - xã hội của ngành than là rất lớn.

Về mặt xu hướng, chúng ta thấy mọi chuyện đang diễn ra ở Quảng Ninh căn bản là đúng bài bản và dự tính.

 

- Bên cạnh những thành quả không thể phủ nhận thì trên hành trình thay đổi chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh, còn điều gì vẫn chưa thực hiện được?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Trong tổng thể phát triển Quảng Ninh, có một điểm chưa thật “yên lòng”. Đó chính là Vân Đồn. Là một tọa độ chiến lược của Quảng Ninh và của quốc gia nên Vân Đồn từng được đề xuất làm Đặc khu hành chính - kinh tế. Cho đến nay, việc chưa hình thành được Đặc khu Vân Đồn không phải chủ yếu vì lý do kinh tế mà chủ yếu vì những quan ngại chính trị - xã hội. Nói như vậy để thấy lý lẽ phát triển kinh tế của Vân Đồn theo hướng Đặc khu vẫn có cơ sở để tiếp tục trong tương lai. Vân Đồn như một viên ngọc sáng vẫn nguyên vẹn, nhất là khi đã có một sân bay quốc tế hiện đại cùng hệ thống hạ tầng kết nối và di sản vịnh Bái Tử Long tuyệt đẹp bao quanh.

Tất cả những nỗ lực như vậy cần được nhìn nhận trong chương trình tổng thể thay đổi cách tư duy và phương thức phát triển. Trải qua 10 năm, giờ đây Hạ Long, Bãi Cháy đang “đổi đời” theo từng quý. Ngay cả trong thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch Covid-19, chúng ta vẫn giữ một niềm tin rằng nơi này sẽ bật dậy mạnh mẽ. Đây là một điểm đến, cùng với Phú Quốc, dù Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực rất mạnh nhưng hạ tầng du lịch vẫn tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh mẽ.

- Chìa khoá mở ra một cánh cửa mới cho sự phát triển của Quảng Ninh, hiện thực hoá chiến lược chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Quảng Ninh là gì, thưa ông?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Quảng Ninh hay nêu các phương châm hành động thực tiễn: Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; lãnh đạo công - quản trị tư; đầu tư công - quản lý tư; đầu tư tư - sử dụng công, v.v.. Ông Phạm Minh Chính là tác giả, cũng là người đứng ra đốc thúc, tổ chức thực hiện những phương châm này. Nhưng để những phương châm đó trở thành yếu tố quyết định thành công thì cần phải có thêm sự khéo léo, biến hoá linh hoạt khi kết hợp giữa công với tư.

Tại sao Quảng Ninh lại đặt vấn đề công - tư như vậy và quá trình chuyển đổi chiến lược cứ xoay quanh chúng? Bản chất vấn đề là ở chỗ công - tư là hai bộ phận cấu thành nền kinh tế.

Cách đặt vấn đề của Nhà nước đối với khu vực tư nhân như thế nào cho thỏa đáng là điểm mấu chốt của phát triển, mà giá trị cốt lõi chính là sự tôn trọng, biết cách sử dụng, khuyến khích khu vực tư phát triển và Nhà nước không hề mất đi vai trò của mình.

Có thể thấy, điển hình khó khăn của kinh tế Nhà nước ở Quảng Ninh là ngành khai thác than đang suy thoái. Nhưng Quảng Ninh vẫn giữ ngành than ổn định, đảm bảo về mặt xã hội cho một lực lượng quan trọng bậc nhất của cách mạng - điều mà lúc đó tưởng chừng không thể làm được.

 

- Bên cạnh những thế mạnh về phát triển kinh tế xanh thì Quảng Ninh cũng là địa phương có lợi thế để phát triển công nghiệp. Theo ông, công nghiệp tại Quảng Ninh hiện nay đã phát triển tương xứng với tiềm năng hay chưa?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Quảng Ninh có rất nhiều khu công nghiệp, có điều hiệu quả chưa thực sự cao. Một trong những lý do chính là ở vị trí địa lý: Khá xa các trung tâm phát triển và nguồn cung cấp nhân lực, làm tăng chi phí vận tải và khó tìm nhân lực. Đến thời điểm hiện tại, khoảng cách đó đã được rút ngắn đáng kể. Tuy nhiên, cách tiếp cận phát triển công nghiệp của Quảng Ninh vẫn là làm khu công nghiệp truyền thống nên chưa thực sự phát triển đúng với tiềm năng và lợi thế.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cũng cho thấy rằng, nếu chỉ tập trung quá vào du lịch sẽ không ổn, mà Quảng Ninh là tỉnh có diện tích rộng lớn, phân bố đều ra thì cũng cần có các trung tâm công nghiệp, đô thị. Bài học thực tế cho thấy phải thay đổi cách tiếp cận phát triển công nghiệp, để tạo bứt phá. Nếu cứ đi theo kiểu truyền thống thì mãi theo một lối mòn, sẽ khó phát triển.

- Vậy theo ông, cần phải thay đổi như thế nào để Quảng Ninh đi “trúng” và “đúng” hướng?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Thay đổi là điều rất khó, còn khó hơn việc tiếp tục đi theo hướng truyền thống. Vậy thì làm như thế nào đang là bài toán đang đặt ra cho Quảng Ninh. Trong quy hoạch, những khu công nghiệp xung quanh Hạ Long phải ứng dụng công nghệ mới, hướng tới công nghiệp sạch, nghĩa là bảo đảm môi trường cho du lịch. Tới đây, những khu công nghiệp khi đặt sát với Quảng Yên, Hải Phòng sẽ gắn liền với khu đô thị, công nghệ cao, logistics… Tôi cho rằng, phải đặt vấn đề theo một mạch nhất quán cho kinh tế xanh. Đã hướng đến kinh tế xanh thì phát triển cái gì cũng phải mang tiêu chuẩn xanh ra để xem xét và làm cơ sở quyết định. Đó là điều tôi nghĩ Quảng Ninh phải làm và sẽ làm được.

Ở góc độ rộng hơn, cần nói rằng, chính quyền Quảng Ninh dù muốn làm gì thì khát vọng phát triển phải luôn luôn luôn rực cháy. Ai cũng muốn phát triển, nhưng khát vọng có rực cháy ở trong người hay không thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Tỉnh nào chẳng muốn phát triển, lãnh đạo nào chẳng muốn tỉnh mình đi lên, nhưng nhiều khi thấy khó là không dám làm, thấy có vấn đề là bủn rủn chân tay, gặp điều kiện khó là không cố gắng nghĩ cách giải quyết.

 

Như Quảng Ninh, để chuyển từ “nâu” sang “xanh” là rất khó. Vì thế, người đứng đầu tỉnh luôn phải “cháy” theo đúng nghĩa, phải lặn lội, phải định hình rõ ràng cái khát vọng ấy thành một chương trình phát triển cụ thể mang tính thuyết phục. Người ta nói từ ý tưởng “điên” mà thuyết phục được thiên hạ là không dễ, nhưng chính sự nhiệt huyết của Quảng Ninh đã trở thành một luận cứ vững chắc để thuyết phục không chỉ Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa mà còn trở thành hình mẫu cho những địa phương khác nghiên cứu.

- Ông muốn nói đến tầm nhìn, sự dũng cảm, quyết đoán của người đứng đầu Quảng Ninh?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Trong giai đoạn 2011-2015, để khởi động và triển khai trên thực tế chương trình từ “nâu” sang “xanh”, chỉ trong hai năm, lãnh đạo Quảng Ninh, đặc biệt là ông Phạm Minh Chính đã tổ chức tới 200 cuộc họp, tọa đàm ở Hà Nội để thảo luận về cách thức phát triển của Quảng Ninh, từ vấn đề chung đến những tuyến cụ thể của kinh tế, văn hoá, xã hội… Chính những cuộc tranh luận gay gắt đã tạo ra cảm hứng phát triển mạnh mẽ chứ không làm ai giận ai, vì khoa học là vậy. Lãnh đạo Quảng Ninh trước đây và sau này cũng đều như vậy. Từ đó, đã hình thành khát vọng và duy trì, phát huy được khát vọng đó.

 

PCI của Quảng Ninh là minh chứng rõ ràng và mạnh mẽ. Chúng ta đều biết là những năm gần đây, PCI của Quảng Ninh luôn xếp hạng nhất cả nước. Điều này thể hiện rất rõ rằng, ông Phạm Minh Chính và các thế hệ lãnh đạo tiếp theo đã phải “máu lửa” đến mức mà cả bộ máy phải bảo đảm luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ doanh nghiệp. PCI là ý kiến doanh nghiệp đánh giá, xếp Quảng Ninh hạng nhất. Điều đó chứng tỏ độ tín nhiệm chính quyền rất cao của doanh nghiệp. Sự nhất quán trong tư tưởng là phải toàn tâm, toàn ý cho mục tiêu phát triển.

Tất nhiên, như chúng ta thấy, trên thực tế còn những hạn chế về mặt chính sách, có những việc dễ quy lỗi, khiến cán bộ bị rơi vào thế khó. Vấn đề này còn phải rút kinh nghiệm nhiều. Nhưng rõ ràng cho đến bây giờ, chính quyền Quảng Ninh đã làm rất tốt.

Ví dụ như quá trình thi công tuyến đường nối sang Hải Phòng và cầu Bạch Đằng, để thuyết phục được Hải Phòng cũng không phải dễ. Theo lãnh đạo Hải Phòng thì độ tĩnh không của cây cầu phải đủ lớn để tàu bè đi qua được, nhưng nếu xây cầu cao thì sẽ không đảm bảo độ tĩnh không cho sân bay. Theo logic của lãnh đạo Hải Phòng, việc làm cây cầu này cũng không quá bức thiết nên chậm một chút cũng không sao. Ngược lại, điều này rất bức thiết với Quảng Ninh vì không có cây cầu ấy thì rất khó kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để phát triển du lịch. Do vậy, quá trình thuyết phục phải rất nhiệt huyết, rất mạnh mẽ. Trong câu chuyện này, có nhiều vấn đề vượt qua luật, mà như vậy thì rủi ro rất lớn. Cho nên, việc “thổi bừng lên ngọn lửa” phát triển của Quảng Ninh, chuyển từ “nâu” sang “xanh” là phải vì nhân dân, vì doanh nghiệp.

 

Tôi nói khái quát lại như vậy là để thấy mọi thứ rất đẹp, nhưng để trả giá cho cái đẹp ấy thì vất vả vô cùng. Không phải tôi khen hay tâng bốc Quảng Ninh. Nhưng phải khái quát được như vậy mới giải thích được điểm cốt lõi. Sai sót là điều khó tránh. Nhưng không đột phá thì Quảng Ninh không thay đổi được. Đổi mới tức là phải thay đổi cái cũ.

- Các địa phương khác có thể tham khảo điều gì ở Quảng Ninh, thưa ông?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Tôi vẫn mong muốn là phải có một sự tổng kết cho Quảng Ninh như hình mẫu phát triển quốc gia. Quốc gia phải căn cứ vào đó để tạo cảm hứng phát triển cho các địa phương khác, chứ không phải chỉ cho riêng Quảng Ninh. Chúng ta không nên cổ vũ cho quan điểm các địa phương cứ mãi đi xin Trung ương một cách thức phát triển. Bởi với tâm thế đi xin thì còn lâu mới có thể phát triển được. Trung ương phải tổng kết những trường hợp như Quảng Ninh hay Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, đều có nhiều điểm rất tốt. Tổng kết để trở thành hình mẫu quốc gia và các địa phương phải làm theo một hình mẫu nhất định thì mới có thể phát triển được, chứ nếu Trung ương mà vẫn chưa nhận ra được hình mẫu tốt, vẫn duy trì cơ chế xin - cho mà mãi vẫn chưa cho thì đất nước sẽ khó đi lên.

Không phải tôn vinh để lấy lòng Quảng Ninh, mà cốt lõi, tôi coi đây như một nhiệm vụ quốc gia. Không tỉnh nào giống tỉnh nào, không ai giống ai, nhưng tất cả đều đi tới một điểm chung là phải có một sự bắt đầu khác, một khát vọng khác. Lịch sử Quảng Ninh bao nhiêu năm được đất nước “chiều chuộng”, vì đây là vùng mỏ, nhưng có phát triển được đâu. Đến khi tự bản thân Quảng Ninh phải “lột xác” thì mới bứt phá lên được.

Hay một tỉnh như Ninh Thuận, khó khăn như vậy cũng phải tự “lột xác” thì mới phát triển được. Quảng Bình cũng sẽ khó “lột xác”, nhưng đang có ưu thế từ những hang động đẹp nhất thế giới. Hang động trước đây là bẫy cho con người, nơi rừng thiêng, nước độc chứ không ai coi đây là lợi thế phát triển nhưng giờ đây lại trở thành lợi thế. Trước kia cứ nói đến Quảng Bình là “khoai, khoai, toàn khoai”, làm gì có lợi thế để phát triển. Bây giờ, phải lật ngược lại, coi hang động là thứ tạo điều kiện cho mình bứt phá.

 

Có thể có những cái khó cần được Trung ương hỗ trợ, nhưng như Quảng Ninh chỉ cần một chút thôi để có điều kiện đủ như hiện nay, còn những địa phương khác có thể phải hỗ trợ thêm. Nhưng về nguyên tắc, phải tổng kết để đưa ra những ý kiến về những hình mẫu phát triển quốc gia. Giống như Trung Quốc, chính quyền trung ương quyết làm đặc khu, khu thương mại tự do chứ các địa phương không cần phải đi xin, vì đó sứ mệnh quốc gia giao cho phải làm. Đó là trách nhiệm phải làm sao cho bằng những nước đi đầu trong khu vực, chứ không phải cứ đi dò dò thì bao giờ cho đến được đích. Cứ đi xin, khó xin lắm và sẽ không thể thành công.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguyễn Thành Công
24/10/2022 06:30
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top