Aa

Khi chung cư "tuột" khỏi vòng quản lý: “Tiền tỷ” cũng khổ

Thứ Hai, 29/04/2019 - 06:01

Tự quản, tự bỏ tiền ra sửa chữa là cách mà hàng trăm hộ dân ở chung cư Thành phố giao lưu đang thực hiện để chống lại tình trạng xuống cấp, nhếch nhác ngày một nghiêm của dự án.

Trước câu hỏi về việc ai quản lý, ai chịu trách nhiệm sửa chữa, khắc phục những hư hỏng của tòa nhà thì ai cũng lắc đầu: “Làm gì biết kêu ai, mà kêu thì có ai nghe. Dân chúng tôi tự bảo nhau, tự quản là chính”.

Cụ bà tên Tư nay đã ngoài 80 tuổi, bước chậm rãi từ sảnh chung cư đi ra vườn rau sạch bà trồng, khúc khích bảo: “Đây mỗi nhà một luống sau sạch, của ai tự người nấy trồng, tiện lắm”.

Cả khuôn viên cảnh quan của khu chung cư Thành phố giao lưu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chỗ thì cỏ mọc cao vút, chỗ thì trồng rau, chỗ thì đổ rác, chỗ lại để xe, chiều chiều thậm chí còn có cả… chợ cóc. Theo các hộ dân, tổ quản lý tòa nhà (thuộc công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) chỉ làm nhiệm vụ trông xe, còn công tác khác lại bỏ mặc, cư dân muốn làm gì thì làm.

Xe đỗ trong khuôn viên.

Xe đỗ trong khuôn viên.

v

Cỏ mọc kín bồn hoa.

Xuống cấp, hỏng hóc triền miên

Dẫn phóng viên đi quan sát tình trạng xuống cấp của tòa nhà, bà Hằng (chủ căn hộ 1411, tòa CT1A) cho hay, ở chung cư này, từ thang máy đến hệ thống thoát nước đều hỏng. Đó là chưa kể tình trạng dột từ trên mái làm ẩm mốc, bong tróc tường, gạch lát sàn cũng nứt vỡ lổm chổm. Tình trạng này theo bà Hằng, đã xuất hiện từ lúc bà mới nhận nhà cách đây 5 năm nhưng chưa có một đơn vị nào xuống sửa chữa.

“Từ lúc mới về nhận nhà, trên nóc nhà đã bị thấm dột, những khu vực không gian chung thì chỗ nào cũng hỏng hóc, xập xệ. Kiến nghị nhiều lần không được, chúng tôi đều phải tự sửa chữa. Nhưng sửa tạm thời thôi, còn nhìn chung vẫn hỏng, vẫn dột, gạch thay được viên này thì lại hỏng viên khác. Cứ tự sửa thế này chắc chúng tôi đến mức phá sản…", bà Hằng bức xúc nói.

Bà Bùi Thị Hằng chỉ cho phóng viên tình trạng xuống cấp của tòa nhà.

Bà Bùi Thị Hằng chỉ cho phóng viên tình trạng xuống cấp của tòa nhà.

Bỏ tiền tỷ ra mua nhà, những tưởng sẽ có một cuộc sống an cư, tốt đẹp, bà Bùi Hải Yến (chủ căn hộ 911) cũng không thể ngờ sẽ phải rơi vào tình cảnh này. Mua nhà là mua cả tiện ích nhưng ở khu chung cư này, không những không được hưởng tiện ích, người dân lại còn phải gánh chịu hậu quả từ sự xuống cấp, xấu xí ngày càng nghiêm trọng.

“Gầm cầu thang máy nước chảy vào, toàn phải dùng máy bơm để bơm, dân phải tự góp tiền để sửa chữa nếu không trước nay chỉ có đi bộ. Khuôn viên xung quanh cũng toàn dân bỏ tiền ra trồng hoa, tưới hoa chứ còn Ban quản lý, thành phố chẳng có ai quan tâm, ngó ngàng đến vấn đề đó cả. Trong nhà, chỗ nào dột, chỗ nào nứt, bong tróc đều phải tự tìm thợ đến sửa. Lo được tiền mua nhà, nay còn phải lo tiền sửa nhà”, bà Bùi Hải Yến, phòng 911, tòa nhà CT1A chia sẻ.

Năm lần bảy lượt làm đơn nhưng chẳng có đơn vị nào để ý đến, khu chung cư nghiễm nhiên rơi vào tình cảnh “cha chung không ai khóc”. Tất cả các vấn đề người dân đều tự quyết tự làm. Ấy vậy mà nhiều người bày tỏ sự lo ngại, sớm muộn nơi đây cũng sẽ trở thành khu ổ chuột, đúng hơn là đang dần trở thành khu ổ chuột cao tầng.

Nỗi lo trở thành Harlem “phiên bản” Hà Nội

Trước thực trạng xuống cấp ngày một nghiêm trọng nhưng lại đang có dấu hiệu bị bỏ mặc, tuột khỏi sự quản lý của chính quyền, của chủ đầu tư, các cư dân tại Thành phố giao lưu và những chung cư có hoàn cảnh tương tự đang phải gồng mình chờ đến ngày chốn “an cư” trở thành… Harlem (tên khu ổ chuột nổi tiếng ở New York) ngay giữa lòng Hà Nội.

“An cư mới lạc nghiệp mà chỗ ở cứ hết vấn đề nọ đến vấn đề kia thì sao chúng tôi có thể không lo lắng. Chắc phải đợi lên lúc chung cư này nó nghiêng, đổ thì mới được ngó ngàng, để ý đến”, một hộ dân bày tỏ sự bức xúc.

Ông Bùi Quốc Dũng, Phó phòng quản lý nhà xã hội tái định cư, Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội từng chia sẻ trên báo chí, Công ty này chỉ tiếp nhận, bàn giao quỹ nhà tái định cư cho người dân nên không kiểm soát chất lượng xây dựng.

Đến nay, nhiều hạng mục của các chung cư bị xuống cấp, hư hỏng, dù đã khắc phục nhưng vẫn tiếp tục xuống cấp.

"Trước tháng 6/2013, ngân sách TP chi sửa chữa chung cư tái định cư. Sau thời điểm đó, UBND TP yêu cầu không dùng tiền ngân sách, mà dùng số tiền nằm trong 2% quỹ bảo trì chung cư để sửa. Tòa nhà nào có ban quản trị thì chúng tôi bàn giao quỹ này, chưa có ban quản trị thì khi dùng tiền chúng tôi phải lấy ý kiến người dân. Tuy nhiên, do các hộ dân không đồng ý dùng quỹ này nên chúng tôi không có nguồn nào khác để sửa chữa chung cư", ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định mức hỗ trợ người dân sửa chữa 6 hạng mục nhà chung cư bằng tiền kinh doanh dịch vụ tầng 1. Tuy vậy, đến nay TP. Hà Nội chưa có quy chế cụ thể để áp dụng vào thực tiễn, nên việc sửa chữa chung cư tái định cư hiện đang rất chậm. Công ty phải linh hoạt sử dụng khoản thu này để bảo trì các hạng mục hư hỏng.

Thực trạng xuống cấp, hỏng hóc xảy ra tại các khu chung cư, nhất là chung cư tái định cư, không chỉ gây mất an toàn, khó khăn cho đời sống, sinh hoạt của các hộ dân ở đây, mà còn làm ảnh hưởng đến tâm lý vốn rất ngại tái định cư ở các khu chung cư của người dân. Nếu không có những chế tài quản lý kịp thời, lấy gì để đảm bảo những khu chung cư khác đang xây dựng và bàn giao, 10 đến 20 năm nữa không rơi vào hoàn cảnh tương tự?

Một số hình ảnh khác mà phóng viên ghi nhận về tình trạng xuống cấp, nhếch nhác tại khu chung cư Thành phố giao lưu:

Tường ẩm mốc, bong tróc, sàn nhà nứt toác

Tường ẩm mốc, bong tróc, sàn nhà nứt toác

Thang máy bị ngấm nước không hoạt động.

Thang máy bị ngấm nước không hoạt động.

Phần móng nhà bị nứt, rêu mốc.

Phần móng nhà bị nứt, rêu mốc.

Nước thải, rác thải không được xử lý.

Nước thải, rác thải nằm lộ thiên, không được xử lý.

Vẻ ngoài nhem nhuốc của tòa CT1B.

Vẻ ngoài nhem nhuốc của tòa CT1B.

Hầm để xe bỏ hoang, xuống cấp.

Hầm để xe bỏ hoang, xuống cấp.

Chợ cóc hoạt động ngay tại lối ra vào chung cư.

Chợ cóc hoạt động ngay tại lối ra vào chung cư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top