Khi đấu thầu bị vô hiệu hóa, sự vô pháp nhìn từ dự án của An Thịnh Group

Khi đấu thầu bị vô hiệu hóa, sự vô pháp nhìn từ dự án của An Thịnh Group

Thứ Ba, 13/10/2020 - 06:25

Tại Hoà Bình, không cần đợi đến quy trình đấu thầu, một doanh nghiệp bất động sản đã động thổ dự án. Dù sai phạm chồng sai phạm nhưng doanh nghiệp vẫn ngang nhiên triển khai, còn chính quyền thì dường như không thấy. 

***

Quy định của pháp luật đặt ra hình thức đấu thầu dự án nhằm đảm bảo sự công bằng, phép tắc trong môi trường đầu tư, kinh doanh và đảm bảo tránh thất thoát tài nguyên đất.

Theo đó, đấu thầu là quá trình chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của mình. Bên mời thầu sẽ tổ chức đấu thầu để các nhà thầu cạnh tranh nhau, mục tiêu là tìm ra chủ thể có khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ với chất lượng và giá cả tốt nhất. Mục đích của nhà thầu là giành được quyền cung cấp hàng hóa, dịch vụ đó với giá đủ bù đắp các chi phí đầu vào và đảm bảo mức lợi nhuận cao nhất có thể. Như vậy, bản chất của đấu thầu đã được xã hội thừa nhận như một sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng, minh bạch và hiệu quả về mặt kinh tế.

Sau khi quá trình đấu thầu hoàn tất, người trúng thầu sẽ cùng với người tổ chức đấu thầu đàm phán, để ký hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hay xây lắp công trình.

Điều 22 Luật Nhà ở quy định, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và lựa chọn chủ đầu tư dự án phải thực hiện thông qua một trong các hình thức, bao gồm: a) Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; b) Đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Như vậy, đấu thầu là hình thức bắt buộc phải thực hiện đối với một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.

Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư cũng xác định, "dự án đầu tư sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao, cần lựa chọn nhà đầu tư thuộc danh mục dự án được phê duyệt theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị định này để xây dựng công trình thuộc đô thị, khu đô thị mới; nhà ở thương mại; công trình thương mại và dịch vụ; tổ hợp đa năng mà không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a Khoản này”. (Năm 2020, quy định liên quan đến đấu thầu đã có sự thay đổi. Nghị định 30 có hiệu lực với các dự án trước thời điểm Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ra đời về quy định đấu thầu).

Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 quy định rõ ràng: Người nào thực hiện các hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận trong đấu thầu; cản trở hoạt động đấu thầu; vi phạm quy định của Nhà nước về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; chuyển nhượng thầu trái phép sẽ bị xử phạt từ cải tạo không giam giữ cho đến 20 năm tù giam tùy mức độ hành vi.

Dẫn các điều luật để thấy rằng, hoạt động đấu thầu đã được quy định rất rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Và hành vi sai phạm trong đấu thầu sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Song, dù quy định đã rõ ràng như vậy, hình thức xử phạt mang tính răn đe, nhưng thực tế tại một số địa phương lại coi nhẹ hoặc cố tình chỉ coi việc đấu thầu mang tính hình thức. 

Thay vì thượng tôn pháp luật, tuân thủ theo quy định phải đấu thầu trước khi triển khai dự án thì thực tế, quy trình tưởng chừng như bắt buộc này lại bị bỏ qua hoặc làm cho có. Đấu thầu đã trở thành một thủ tục mang tính hình thức khi các chủ thể tham gia “dẫm” lên quy định, tự ý triển khai dự án.

Khảo sát thực tiễn tại Hoà Bình ghi nhận xuất hiện tình trạng dự án tồn tại nhiều vấn đề bất cập liên quan đến hoạt động đấu thầu.

Cần nhắc lại, để thực hiện một dự án khu nhà ở, trước tiên phải được HĐND ra nghị quyết. Khi có chủ trương, các sở ngành (Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư) ra văn bản - lập dự án cùng thống nhất trình UBND tỉnh hoặc thành phố xin ý kiến chỉ đạo chấp thuận hay không. Lãnh đạo tỉnh hoặc thành phố chấp thuận phải ra quyết định thu hồi đất, quyết định bàn giao đất cho chủ đầu tư. Để một dự án được chấp thuận, hàng loạt thủ tục phải được thực hiện một cách khắt khe và nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật. Tiếp đến, phải thực hiện tổ chức đấu thầu - lựa chọn nhà đầu tư một cách hiệu quả, công bằng và minh bạch. Đó là những nguyên tắc bắt buộc theo quy định về đấu thầu.

Quy định là vậy nhưng thực tế tại Hòa Bình, quy trình xây dựng dự án Khu nhà ở - The Spring Town (Tân Hòa Garden)  được triển khai theo một hướng hoàn toàn khác.

Dự án Khu nhà ở - The Spring Town (Tân Hòa Garden) có tổng mức đầu tư 115,741 tỷ đồng, diện tích 6,12ha thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình là một ví dụ điển hình của câu chuyện chưa thông qua đấu thầu mà dự án đã xuất hiện nhà đầu tư xây dựng.

Cụ thể, ngày 20/10/2018, MSH Group và An Thịnh Group dù chưa nhận được Quyết định giao đất của UBND tỉnh Hòa Bình nhưng đã tổ chức làm lễ khởi công động thổ Dự án Tân Hòa Garden. Thông tin được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông. MSH Group được giới thiệu là chủ dự án và đã rao bán nhà một cách công khai, rầm rộ trên nhiều trang thông tin...

Đến ngày 02/05/2019, UBND tỉnh Hòa Bình mới có văn bản chấp thuận về chủ trương cho dự án Tân Hòa Garden. Vậy, từ hơn nửa năm trước (ngày 20/10/2018) ai cho phép MSH Group và An Thịnh Group làm lễ động thổ dự án mang tên Dự án Khu nhà ở - The Spring Town (Tân Hòa Garden) khi chưa được thẩm định phê duyệt?

Sau khi UBND tỉnh Hòa Bình ra văn bản chấp thuận về chủ trương, đến ngày 10/6/2019, UBND huyện Lương Sơn ra Quyết định 990/QĐ-XPVPHC về việc vi phạm trong lĩnh vực xây dựng tại Dự án Khu nhà ở - The Spring Town (Tân Hòa Garden). Điều kỳ lạ, đối tượng vi phạm là Công ty Cổ phần Sản xuất Đầu tư Thương mại Thiên Phúc (Công ty Thiên Phúc) chứ không phải MSH Group hay An Thịnh Group - 2 đơn vị động thổ dự án.

Trả lời báo chí liên quan đến Dự án Khu nhà ở - The Spring Town (Tân Hòa Garden), ông Nguyễn Quang Tùng - Trưởng phòng Doanh nghiệp tập thể và tư nhân thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình khẳng định: “Dự án The Spring Town - Tân Hòa Garden tôi chưa nghe thấy bao giờ và không có dự án nào ở đây cả. Ở Hòa Bình hiện đang có tình trạng có đối tượng mua 20 - 30 lô đất thổ cư liền nhau, sau đó xây dựng nhà lên và rao bán nhưng lại quảng cáo trên trang web là dự án quy mô lớn. Qua kiểm tra, Công ty Cổ phần Sản xuất Đầu tư Thương mại Thiên Phúc có tồn tại nhưng trên văn bản pháp lý lại không ghi nhận là chủ đầu tư của Dự án Tân Hòa Garden”. 

Như vậy, khẳng định của đại diện chính quyền tỉnh Hoà Bình xác nhận đã có dự án ma và sự mập mờ thông tin trong quảng cáo dự án. Vậy Công ty Cổ phần Sản xuất Đầu tư Thương mại Thiên Phúc có vai trò như thế nào với Dự án Khu nhà ở - The Spring Town khi MSH Group hay An Thịnh Group mới là đơn vị động thổ? 

Hai tháng sau khi UBND huyện Lương Sơn ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Thiên Phúc, ngày 25/8/2019, MSH Group vẫn rầm rộ tổ chức sự kiện, giới thiệu là chủ của dự án, giao dịch mua bán với khách hàng.

Màn “biến hóa” tài tình khiến khách hàng không rõ ai mới thực sự là chủ dự án, là Công ty Thiên Phúc, MSH Group hay An Thịnh Group. 

Và đến ngày 28/10/2019, Sở Xây dựng Hòa Bình mới phát đi thông báo mời các nhà đầu tư tham gia đấu thầu cho Dự án Tân Hòa Garden.

Đến ngày 25/3/2020, UBND tỉnh Hòa Bình mới ra Quyết định số 590/QĐ-UBND phê duyệt kết quả nhà đầu tư Dự án Tân Hòa Garden cho 2 đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty Thiên Phúc và Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng (Công ty Thành Hưng). Tức là gần 2 năm sau khi MSH Group và An Thịnh Group động thổ Dự án (20/10/2018). 

Như vậy, chưa kể đến sự mẫu thuẫn về các mốc thời gian thì dự án Tân Hòa Garden cũng trở thành trung tâm của "mớ bòng bong" những cái tên doanh nghiệp liên quan. Khi động thổ dự án là MSH Group và An Thịnh Group; trúng thầu lại là Công ty Thiên Phúc và Công ty Thành Hưng; bán nhà lại là MSH Group.

Nhìn vào những mốc thời gian trong "vòng đời" của Dự án Khu nhà ở - The Spring Town (Tân Hòa Garden) có thể thấy, rất nhiều bất cập, lộn xộn đã xảy ra.

Thứ nhất, tại sao khi chưa nhận được quyết định đầu tư, MSH Group và An Thịnh Group đã tiến hành động thổ tại dự án Khu nhà ở - The Spring Town (Tân Hòa Garden)? Chưa kể, những thông tin quảng cáo giới thiệu về dự án diễn ra rầm rộ hơn 1 năm trời mà chính quyền tỉnh Hoà Bình vẫn gần như “im lặng”. 

Thứ hai, tại sao chính quyền tỉnh Hoà Bình lại xử phạt Công ty Thiên Phúc trong khi rõ ràng, “cặp đôi” MSH Group và An Thịnh Group mới là “nhà đầu tư tiến hành động thổ dự án”? 

Thứ ba, đến tháng 3/2020, Quyết định phê duyệt kết quả nhà đầu tư Dự án Tân Hòa Garden ghi nhận 2 đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty Thiên Phúc và Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng. Kết quả này cộng với việc Công ty Thiên Phúc bị xử phạt hồi tháng 6/2019 khiến dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi: Phải chăng Công ty Thiên Phúc đã được “ấn định” làm nhà đầu tư của Dự án Khu nhà ở Tân Hòa Garden trước khi có kết quả đấu thầu? 

Thứ tư, MSH Group không phải là đơn vị “trúng thầu” trở thành nhà đầu tư của dự án nhưng lại đứng ra ký kết hợp đồng, huy động thu tiền của khách hàng mua nhà? Vậy việc giao dịch giữa nhà đầu tư góp tiền mua nhà với MSH Group liệu có an toàn? Bởi MSH Group không thể đảm bảo về pháp nhân để làm sổ cho khách hàng đã giao dịch góp tiền - mua nhà. Hậu quả tương tự cũng xảy ra với các giao dịch liên quan đến An Thịnh Group giống như MSH Group. Sự việc này đã và đang diễn ra như một điều hiển nhiên, còn chính quyền… vẫn chưa thấy có sự can thiệp sát sao nào (?). 

Thứ năm, Dự án Khu nhà ở - The Spring Town (Tân Hòa Garden) chưa được cấp Giấy phép xây dựng nhưng đã tiến hành động thổ (hoạt động này còn diễn ra trước cả thời điểm trao Quyết định phê duyệt kết quả nhà đầu tư). Đã thế, dự án còn triển khai mở bán cho khách hàng. Vậy… chính quyền tỉnh Hoà Bình đang ở đâu mà để sai phạm chồng sai phạm vẫn ngang nhiên diễn ra?

Dư luận sẽ buộc phải đặt câu hỏi bởi một dự án có quá nhiều lùm xùm.

Ai "chống lưng" cho Công ty Thiên Phúc để doanh nghiệp này dám nhảy vào thực hiện triển khai dự án khi chưa được cấp phép xây dựng và chưa thông qua việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư? Sai phạm này, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình có biết không? Nếu đã biết thì tỉnh có thành lập Đoàn thanh tra liên ngành vào cuộc để làm rõ căn nguyên, động cơ, mục đích của cá nhân hay tập thể đã cố tình vi phạm pháp luật? 

Trong trường hợp, Công ty Thiên Phúc đã có sai phạm trong dự án, thì phải chăng, để sự tôn nghiêm của pháp luật được đảm bảo, chính quyền tỉnh Hoà Bình sẽ phải dừng lại mọi hoạt động tại Dự án Khu nhà ở - Tân Hòa Garden cũng như không thể để Công ty Thiên Phúc tiếp tục trở thành nhà đầu tư của dự án. Vì rõ ràng, Công ty Thiên Phúc đã tự "nhảy" vào thực hiện thi công dự án khi chưa trúng thầu trở thành nhà đầu tư, tức đã xuất hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật tham gia đấu thầu.

Việc UBND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định 590/QĐ-UBND ngày 25/3/2020 phê duyệt kết quả trúng thầu cho nhà đầu tư là Liên danh Công ty Thiên Phúc và Công ty Thành Hưng liệu có còn có giá trị không khi thực tế Công ty Thiên Phúc đã thi công dự án trước khi có Quyết định này? 

Một dự án lớn nằm ở vị trí đắc địa, thời gian thi công kéo dài gần 2 năm sau đó mới có Quyết định kết quả trúng thầu nhà đầu tư thì thật là chuyện “trên giời”. Có lẽ chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” là có thật.

Những kết quả bất ngờ liên tiếp xảy ra khiến dư luận đặt câu hỏi rằng "Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 25/3/2020 của UBND tỉnh Hòa Bình có đúng quy định của pháp luật không?"

Bởi căn cứ theo trình tự các sự kiện đang diễn ra đối với Dự án Tân Lạc Garden thì rõ ràng dư luận có thể hiểu: Doanh nghiệp đang được chính quyền ưu ái hết sức nên bất chấp sự “vô pháp” diễn ra trước đó, doanh nghiệp vẫn nhận kết quả đánh giá năng lực tốt, phù hợp với dự án.

Những hậu quả của việc phá vỡ sự thượng tôn pháp luật là điều dễ thấy. Hệ luỵ của việc xâm phạm quy định pháp luật khiến môi trường đầu tư mất tính cạnh tranh, trong sáng, minh bạch. Điều này còn tạo ra sự “hỗn loạn” khi quyền và lợi ích của khách hàng đầu tư nhà ở bị xâm phạm. 

Trách nhiệm của chính quyền địa phương không sát sao, buông lỏng cũng là một vấn đề cần phải nghiêm túc xem xét lại? Bởi đó không phải là một dự án nhỏ khi quy mô đầu tư lên tới hơn 100 tỷ đồng. Sự thất thoát tài nguyên của Nhà nước là điều khó đo đếm, đặc biệt vấn đề không tuân thủ theo quy định của pháp luật sẽ khoét sâu thêm những bất ổn khó lường.

Trách nhiệm này trước tiên phải nói đến vai trò của các sở, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình và UBND huyện Lương Sơn. Cần phải nghiêm túc xem xét đến tận cùng những dấu hiệu vi phạm tại một dự án lớn về quy mô cũng như lớn cả về trị giá tổng dự án.

Phân tích sâu về vấn đề này, luật sư Trần Đức Phượng cho rằng, căn cứ trên thông tin cung cấp, nhiều vấn đề cần phải đặt ra.

Thứ nhất, nếu doanh nghiệp chưa nhận được quyết định trúng thầu, giao đất nhưng đã có hành vi quảng cáo về dự án, tự ý xây dựng và triển khai dự án khiến khách hàng lầm tưởng dự án đó thuộc doanh nghiệp, thì trường hợp này có thể khẳng định đây là dự án ma.

Thứ hai, dự án được quảng cáo và xây dựng trong 1 - 2 năm nhưng chính quyền vẫn thông báo “không biết, không có trách nhiệm” thì trách nhiệm của chính quyền cần phải xem xét lại. Với dự án ma như vậy, chính quyền phải chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động xây dựng trên địa bàn. Trong trường hợp, thông tin mà doanh nghiệp đưa ra không chính xác, chính quyền phải có biện pháp ngăn chặn, xử phạt theo pháp luật, hoặc chính quyền phải ra thông báo cảnh bảo về tình trạng dự án ma.

Bình luận về "tính hình thức" trong hoạt động đấu thầu, chuyên gia tài chính PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, quy định đấu thầu là bắt buộc nhưng thực tế, đấu thầu đã trở thành một hình thức để hợp thức hoá các quỹ đất.

“Thế nên mới xảy ra câu chuyện ở tỉnh, doanh nghiệp triển khai dự án mà chưa cần có quyết định giao đất hoặc không cần phải thông qua đấu thầu. Thế nên cũng mới có chuyện khi vấn đề này đang nóng, nhiều tỉnh đã tiến hành đấu thầu lại, thu hồi dự án. Nhưng thực tế đó chỉ là hình thức hợp thức hoá lại, còn doanh nghiệp nào nhận dự án vẫn là doanh nghiệp đó”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia này, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể ngang nhiên thực hiện dự án sai phạm mười mươi mà không thấy chính quyền can thiệp. Điều này chỉ có thể là do doanh nghiệp được "chống lưng" nên mới có chuyện “sai nhưng vẫn được làm ngơ”.

Không thể phủ nhận rằng, những năm trở lại đây, hàng loạt vụ án được đưa ra trước ánh sáng liên quan đến hoạt động vi phạm trong đấu thầu, làm thất thoát ngân sách Nhà nước. Sự mạnh tay đó đã tạo ra niềm tin của người dân vào tính thượng tôn pháp luật. 

Soi chiếu vào tỉnh Hoà Bình, có lẽ rằng, khi nơi đây đang nổi cộm lên những vấn đề liên quan đến giao đất, đấu thầu đất, một cuộc thanh tra tổng quát cần phải được tiến hành để đảm bảo làm rõ sai phạm, thiết lập lại sự thượng tôn pháp luật.

Nhà đầu tư "tuổi trẻ tài cao" An Thịnh Group

Dù là một cái tên mới trong thị trường bất động sản nhưng An Thịnh Group đã "gánh vác" trên vai rất nhiều dự án, từ lớn đến nhỏ như Dự án Phú Cát City 19ha tại Đô thị Hòa Lạc (Hà Nội); Dự án Legacy Hill tại Lương Sơn (Hòa Bình); Dự án The Spring Town tại khu vực Xuân Mai (Hà Nội); Dự án Reenco Hòa Bình - Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn... 

Tuổi nghề tỷ lệ nghịch với lượng dự án nắm trong tay, An Thịnh Group khiến giới quan tâm không khỏi đặt những câu hỏi về năng lực của doanh nghiệp này. Là "siêu năng lực" hay mối quan hệ "siêu phàm"? 

Mới đây nhất, năm 2019, An Thịnh Group liên danh với Công ty Thành Hưng và Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Hòa Bình thực hiện Dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn (xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, Hòa Bình). 

Được biết, đây vốn là một dự án được thực hiện từ quý III/2012, tổng vốn đầu tư 1.008,5 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án có thời gian thực hiện là 33 tháng, sẽ đi vào hoạt động năm 2015. Tuy nhiên, việc triển khai dự án bị đình trệ, “đắp chiếu” suốt 7 năm. Đến tháng 7/2019, dự án bị buộc thu hồi đất theo Nghị quyết số 151/NQ-HĐND để tổ chức lại từ đầu - lựa chọn lại nhà đầu tư có năng lực để tái phát triển dự án. Dù vậy, với thành tích ít ỏi, không rõ, An Thịnh Group đã chứng minh năng lực bằng cách nào để được chọn trở thành nhà đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn. 

Một khảo sát thực tế cho thấy, không chỉ riêng với Hoà Bình, tại Thái Nguyên, một số dự án đã và đang bị thu hồi lại để tiến hành “hợp thức hoá” đấu thầu. Nhiều dự án đã được nhà đầu tư triển khai và quảng cáo bán dự án. Tuy nhiên, đến nay, chính quyền Thái Nguyên mới chính thức tiến hành đấu thầu dự án.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./. 

Diệu Hiền - Quốc Huy - Mai Linh
Thảo Quyên
13/10/2020 06:00


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top