Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện nay đang lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014.
Đây không phải lần đầu tiên Thông tư 36 được sửa đổi bổ sung. Trước đó, ngày 27/5/2016, Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đã được áp dụng chính thức, ghi nhận những thay đổi ở tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và hệ số rủi ro đối với một số lĩnh vực.
Thay đổi lần này được thực hiện dựa trên cơ sở đánh giá tác động số liệu giám sát của NHNN và số liệu kinh tế vỹ mô, tình hình kinh tế các tháng đầu năm 2017, cũng như định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong những tháng cuối năm.
Thông tin từ phía NHNN, Dự thảo có mục đích sửa đổi một số quy định cho phù hợp với tình hình thực tế và khả năng tuân thủ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, tại Dự thảo này, một lần nữa, lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn lại được điều chỉnh, nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng GDP của Chính phủ.
Theo đó, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ được giảm từ 60% (năm 2016) xuống mức 45% vào năm 2018, và đến năm 2019 sẽ xuống mục tiêu 40%, đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khác với mục tiêu ban đầu của Thông tư 06 là tỷ lệ này sẽ xuống mức 40% từ năm 2018.
Việc thay đổi này được đánh giá là sẽ có những tác động tích cực trong ngắn hạn, giúp giảm áp lực lên biến động lãi suất huy động của các ngân hàng. Ngoài ra, nguồn vốn đáp ứng cho đầu tư trung và dài hạn của các doanh nghiệp cũng không bị “xiết” lại đột ngột. Ngân hàng có thời gian cơ cấu lại việc cho vay ở một số lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, BĐS sang các khoản vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở khía cạnh khác, doanh nghiệp cũng có thời gian cân đối các dòng vốn của mình.
Từng nhiều lần đưa ra các cảnh báo cho thị trường tài chính và thị trường BĐS Việt Nam khi hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS chỉ có đến 20% là vốn tự có, còn lại phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn từ các ngân hàng - chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng sự "dựa dẫm" này có thể dẫn đến những rủi ro cho cả doanh nghiệp BĐS, hệ thống ngân hàng và khách mua BĐS.
Vì vậy, đứng trước câu chuyện giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, ông Hiếu phân tích: thị trường tài chính có thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Thị trường tiền tệ của Việt Nam đang phát triển rất tốt, vì vậy các ngân hàng chủ yếu lấy vốn từ thị trường tiền tệ (vốn ngắn hạn) để cung cấp cho cả nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS.
"Đây có thể được coi là một khiếm khuyết lớn của thị trường tài chính Việt Nam, chúng ta không có một thị trường vốn trung và dài hạn để cung cấp cho các ngân hàng để các ngân hàng cho vay BĐS. Để điều chỉnh sự khiếm khuyết này, vấn đề được đặt ra là việc phát triển một thị trường vốn rất quan trọng.
Để làm được điều đó ta cần những nguồn đầu tư vốn dài hạn như các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bên cạnh đó phải có những công cụ để thu hút nguồn vốn như trái phiếu trung và dài hạn, không những của chính phủ mà còn của tư nhân và của các công ty BĐS".
Chia sẻ với Reatimes về những thông tin quanh Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 của NHNN, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc giãn thời gian giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 của NHNN sẽ giúp hệ thống ngân hàng có thêm room để có thể tăng trưởng tín dụng lên mức 21 - 22% như kỳ vọng của Chính phủ, mức tăng trưởng tín dụng này cũng có thể hỗ trợ tăng trưởng GDP 2017 đạt mức 6,7%. Tuy nhiên theo ông Hiếu, không thể không nhắc đến những rủi ro tiềm ẩn trong việc giãn lộ trình này.
Cần phải hiểu, bản chất việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là để quản lý thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và quản lý rủi ro liên quan đến độ lệch kỳ hạn. Tỷ lệ này càng cao thì nghĩa là ngân hàng đang dùng nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và rủi ro lãi suất đối với ngân hàng càng tăng.
“Phần lớn người dân gửi tiền ngân hàng trong thời gian ngắn hạn, rồi ngân hàng lại đem vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn thì khi đó các ngân hàng luôn luôn ở trong tình trạng phải huy động ngày càng nhiều vốn ngắn hạn. Không tránh khỏi trường hợp mỗi khi có đợt tiền gửi đến hạn thì ngân hàng lại phải “chạy đôn chạy đáo” vào thị trường 1 huy động vốn với lãi suất cao.
Chính bởi vậy mà nếu sử dụng nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thì có thể “giải khát” cho ngân hàng trong thời gian ngắn nhưng về lâu dài sẽ đưa ngân hàng vào tình trạng thiếu thanh khoản, rủi ro thanh khoản cao”, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Ông Hiếu cũng đưa ra quan điểm rằng, nếu muốn cho vay, các ngân hàng hoàn toàn có thể huy động vốn trung và dài hạn nhiều hơn, không bắt buộc phải giãn thời gian và tỷ lệ như Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 mới đây của NHNN nêu ra.
“Tôi thấy rằng hiện tại chúng ta không phải đang ở một tình huống quá cấp bách như khủng hoảng, thiên tai... để phải giãn lộ trình như vậy. Các ngân hàng có thể gia tăng huy động vốn trung dài hạn bằng cách như phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao như mấy tháng trước đây.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần đẩy tín dụng vào đúng địa chỉ, bởi nếu tín dụng ngân hàng đẩy nhiều vào các khu vực nhiều rủi ro như BĐS và chứng khoán, đặc biệt là vào thị trường 2 của các phân khúc này, thì có lẽ sẽ không giúp nhiều cho vấn đề tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đang kỳ vọng. Vì vậy tôi nghĩ rằng nên duy trì thời gian giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 50% xuống 40% bắt đầu từ đầu năm 2018 thay vì dời lại như dự thảo lần này”, ông Hiếu khẳng định.