Không mạnh tay chặt đứt “vòi bạch tuộc” lợi ích, khó lòng bảo vệ thiên nhiên

Không mạnh tay chặt đứt “vòi bạch tuộc” lợi ích, khó lòng bảo vệ thiên nhiên

Nguyên Hà - Thương Thương
Nguyên Hà - Thương Thương lienlien.media@gmail.com
Thứ Bảy, 24/10/2020 - 06:06

Ngoài chức năng chính là hồ chứa nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều hồ thủy lợi đã được điều chỉnh thêm chức năng phát triển du lịch, dịch vụ nhằm khai thác những tiềm năng từ cảnh quan, thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội.

Đơn cử như Hồ Đại Lải (Ngọc Thanh, Phúc Yên, Vĩnh Phúc), công trình thủy lợi lớn hàng đầu miền Bắc và lớn nhất tỉnh Vĩnh Phúc trong vòng 60 năm qua, được tạo nên nhờ hàng triệu ngày công của lực lượng thanh niên xung phong.

Hồ Đại Lải được hình thành nhằm giải quyết vấn đề thoát lũ, chống úng, giữ nước, chống hạn cho 5.059ha đất nông nghiệp thuộc 2 huyện Kim Anh, Bình Xuyên (nay là một số địa phương của Vĩnh Phúc và TP. Hà Nội). Theo đó, diện tích hồ Đại Lải được xác định phần mặt nước rộng 525ha, chứa 26,4 triệu m³ nước, mang lại lợi ích thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nông lâm nghiệp và phục vụ tưới tiêu cho khoảng 2.900 - 3.500ha đất canh tác.

Từ năm 2006, hồ Đại Lải đã được điều chỉnh có thêm chức năng du lịch, dịch vụ. Cụ thể, ngày 15/8/2006, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 1899/QĐ-CT “Phê duyệt dự án nâng cao khả năng khai thác tổng hợp hồ chứa nước Đại Lải, TX. Phúc Yên”.

Theo đó, thông qua việc chấp thuận các dự án phát triển du lịch, dịch vụ trong khu vực mà một phần diện tích thuộc khu vực bán ngập của hồ Đại Lải, nhằm khai thác hiệu quả lợi ích tổng hợp của hồ; tăng cường vai trò, chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi...; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch phục vụ nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí của nhân dân và du khách.

Quyết định này đã khiến hồ Đại Lải trở thành một "miếng bánh" vô cùng hấp dẫn với các nhà đầu tư, những vùng đất ven hồ như "con gà đẻ trứng vàng" để phát triển du lịch. Đó cũng là lý do khiến nhiều năm qua, hồ bị bủa vây bởi hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Không ít dự án bộc lộ những dấu hiệu san lấp, lấn chiếm khiến lòng hồ bị thu hẹp.

Bên cạnh những dự án đã hình thành khu nghỉ dưỡng hút khách được báo chí phản ánh từ năm 2018, thì mới đây, việc một doanh nghiệp tiến hành san gạt một quả đồi xuống hồ, tạo mặt bằng làm dự án gây bức xúc trong dư luận, cho thấy việc bức tử hồ thủy lợi không còn là nguy cơ.

Hàng chục nghìn khối đất được bạt từ quả đồi ngay sát cạnh đổ thẳng xuống lòng hồ tạo thành một mặt phẳng rộng lớn kéo dài 700m, cao hơn 2 - 3m so với mặt hồ. Nhiều con đường nội bộ rộng rãi đã được cấp phối chia ô nối với các khu đất dự kiến sẽ trở thành những khu biệt thự nghỉ dưỡng trong nay mai.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vĩnh Phúc gửi Tổng cục Thủy lợi về các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Đại Lải, đây là Dự án sân Golf và tổ hợp văn hóa thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ mát và du lịch của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam. 75,97ha diện tích toàn dự án nằm trong phạm vi bảo vệ hồ Đại Lải, trong đó có tới 45,67ha nằm ở dưới cao độ mực nước dâng bình thường 21,5m, nằm hoàn toàn trong lòng hồ. 

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra số diện tích hồ bị lấn chiếm tại 3 dự án khác. Cụ thể, tại dự án Khu du lịch Đảo Ngọc của Công ty TNHH Đạt Tiến, doanh nghiệp đã tự ý xây tường rào, quây đất với tổng diện tích 5,26ha, tự ý đóng cọc chắn sóng, kè bê tông, đổ đất chiếm hồ, làm đường dạo, trong khi diện tích đất mà công ty này được giao là 3,708ha. Phần đất mà doanh nghiệp này đổ đất lấp lòng hồ là 2,05ha, trong đó phần đất doanh nghiệp tự ý chiếm là 1,549ha. Điều đáng nói, trong suốt quá trình triển khai, dự án này chưa được cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, giấy phép làm bến bãi, giấy phép kinh doanh dịch vụ du lịch trên hồ, giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi.

Tại dự án Khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải - Paradise Đại Lải Resort của Công ty CP Đầu tư và thương mại Nhật Hằng (Công ty Nhật Hằng) có diện tích được cấp phép hoạt động trong lòng hồ Đại Lải và vùng bán ngập lên tới 30,1ha.

Quá trình kiểm tra hiện trường, các cơ quan chức năng phát hiện Công ty Nhật Hằng đã đắp đất, ngăn hồ tạo thành đường nội bộ dài 190m, diện tích hồ bị ngăn khoảng 4,2ha. Công ty này cũng không có giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi theo quy định.

Với Dự án khu du lịch sinh thái Flamingo Đại Lải của Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải, số liệu tính toán theo đường đồng mức bản vẽ san nền có tổng diện tích hơn 100ha. Trong tổng diện tích này, có 50,91ha nằm trong vùng phụ cận của hồ; 53,3ha nằm trong phạm vi bảo vệ công trình hồ Đại Lải; diện tích nằm trong lòng hồ Đại Lải là 18,94ha.

Hiện, Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải đang thực hiện các hoạt động không phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi gồm: Xây dựng bến bãi neo đậu tàu thuyền (qua kiểm tra có 4 bãi neo đậu chưa được cấp phép), hoạt động kinh doanh vui chơi giải trí (bãi tắm, du thuyền…). Dự án này có tổng diện tích 6,71ha đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi chưa có giấy phép.

Kết luận của Tổng cục Thủy lợi chỉ rõ, trong 4 doanh nghiệp được kiểm tra thì có 3 doanh nghiệp đã san nền, đổ đất, xây tường kè, đắp đường ngăn hồ... trong phạm vi bảo vệ hồ chứa Đại Lải.

Trước đó, sau khi kiểm tra đột xuất các hoạt động trong ph­ạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc, các doanh nghiệp đang có dự án kinh doanh, du lịch trong phạm vi hồ chứa nước Đại Lải, tại Kết luận số 253 ngày 20/2/2020, Tổng cục Thủy lợi đã kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 doanh nghiệp nói trên trong đó chỉ rõ có 3 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Đại Lải, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhật Hằng, Công ty TNHH Đạt Tiến đã san nền, đổ đất, xây tường kè, đắp đường ngăn hồ... trong phạm vi bảo vệ hồ chứa Đại Lải. Đồng thời, các đơn vị này đã thực hiện nhiều hoạt động nhưng không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc hoạt động không đúng nội dung quy định của giấy phép đã được cấp là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.

Hiện tại, lòng hồ bị xâm lấn đã mất hết toàn bộ các đảo bán ngập. Bởi những đảo này đều được cấp phép “chia cho” các tổ chức cá nhân, xây dựng các dự án, công trình biệt thự, nhà điều hành, đảo du lịch… nhằm mục đích kinh doanh phát triển du lịch dịch vụ.

Thực tế trên khiến dư luận đặt ra nghi vấn, việc phát triển các dự án nghỉ dưỡng, đô thị ven hồ phải chăng đang quá giới hạn?! Nếu không kiểm soát tình trạng xâm lấn lòng hồ thì chức năng chính của hồ Đại Lải sẽ sớm bị đảo ngược, từ mục tiêu cốt lõi là xây dựng để phục vụ sản xuất, tiêu nước, chống lũ... sang lấy phát triển du lịch làm trọng, phát triển tràn lan các dự án. Hậu quả tiếp theo của việc phát triển không đi đôi với bảo tồn và sự bê tông hóa ven hồ là sự bào mòn các giá trị tự nhiên và các tác động đến sản xuất nông nghiệp và môi trường mà không ai khác, người dân khu vực sẽ phải gánh chịu.

Và hệ lụy nhãn tiền đã rõ. Phản ánh với báo chí, nhiều người dân sống cạnh hồ Đại Lải cho biết, nhiều năm nay, họ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước canh tác những ngày hạn và ngập đường vào ngày mưa, dù ở cạnh hồ chứa lớn. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là bởi các dự án ven hồ đã bóp nghẹt nguồn nước, trong khi hệ thống thủy lợi không được chú trọng.

“Mang tiếng ở cạnh hồ thủy lợi, nhưng bị dự án chặn hết, mương cũng chẳng có, nước thì không chảy ngược lên được, chết khô!", người dân sinh sống ven hồ chứa nước Đại Lải (Ngọc Thanh, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cho hay.

Theo người dân, chính vì phải chịu cảnh mất mùa do thiếu nước nên khi có dự án đặt vấn đề mua đất, nhiều hộ dân đã quyết định bán ruộng với giá rẻ để đi làm việc khác.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các dự án đã gây nên tình trạng úng ngập cục bộ ở một số tuyến đường ở xã Ngọc Thanh.

"Thời chưa xây dự án không bao giờ có chuyện ngập, mưa là thoát hết xuống hồ. Nhưng giờ trời mưa ở trên thì nước chảy xuống, ở dưới thì dự án chặn lại, không có lối thoát. Đường lớn đến mùa mưa là ngập hết, ngập đến bụng. Năm ngoái ai đi xe qua đó là xe cháy bugi.

Nước ngập quá chúng tôi phải đi đường vòng rất xa, các cháu đi học lẽ ra chỉ 2km nhưng lại phải đi đến 5km. Vừa rồi có trận mưa là lại ngập", bà Lĩnh (một người dân địa phương) chia sẻ với báo chí.

UBND xã Ngọc Thanh cũng thừa nhận, việc úng ngập cục bộ xã xảy ra tại địa phương vào cuối năm 2019 do việc thi công dự án gây ách tắc cống tiêu.

Trước những diễn biến “tiêu cực” này, nếu không có sự vào cuộc sớm của cơ quan chức năng thì hồ Đại Lải nhiều khả năng trong tương lai gần sẽ trở thành một… hồ chết.

Những diễn biến “tiêu cực” này, nếu không có sự vào cuộc sớm của cơ quan chức năng thì hồ Đại Lải nhiều khả năng trong tương lai gần sẽ trở thành một… hồ chết.

Và câu chuyện cũng không chỉ dừng lại ở hồ Đại Lải mà thực tế còn có rất nhiều hồ khác ở Vĩnh Phúc cũng vì lợi thế không gian cảnh quan, sinh thái mà trở thành mục tiêu của các “vòi bạch tuộc”, như hồ Thanh Lanh, hồ Xạ Hương, hồ Làng Hà...

Hồ Thanh Lanh rộng khoảng 3,5km2, nằm ở phía Bắc làng Thanh Lanh (xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Hồ được xây dựng năm 2.000 nhằm phục vụ cho mục đích điều tiết cung cấp nước tưới tự chảy cho 1.200ha đất canh tác của các xã Trung Mỹ, Bá Hiến và Thiện Kế, góp phần chặn lũ cho vùng đồng bằng Vĩnh Yên và Phúc Yên. Nói như vậy để thấy, hồ Thanh Lanh có vai trò rất quan trọng mà bất kỳ ai cũng không thể xem nhẹ.

Vậy nhưng, người dân xã Trung Mỹ cho biết, từ cuối năm 2018, Công ty CP Nam Tam Đảo đã tiến hành thi công đổ đất, san lấp, lấn chiếm phần đất bán ngập hồ thủy lợi Thanh Lanh. Việc làm này khiến nhiều hộ dân lo ngại, bởi phần diện tích đất bán ngập vừa có vai trò làm tăng diện tích chứa nước lòng hồ, vừa đảm bảo an toàn cho hồ thủy lợi trước những sự cố thiên tai, lũ lụt bất ngờ. Bên cạnh đó, các dải bán ngập tự nhiên cũng có vai trò hạn chế ô nhiễm nguồn nước trong lòng hồ…

Tất cả những minh chứng nói trên đã khiến dư luận phải đặt ra dấu hỏi về công tác quản lý của chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan trong việc để xảy ra nhiều sai phạm lấn chiếm, “bức tử” hồ thủy lợi. Và thực tế cho thấy, thay vì sự giám sát, quản lý chặt chẽ, hướng phát triển đi đôi với bảo tồn thì dường như những người “cầm dấu đỏ” lại đang trở thành “cánh tay nối dài” để các doanh nghiệp “vươn xa”, rộng cửa thực hiện các hành vi sai phạm với nhiều cách thức khác nhau và không ít trường hợp theo kiểu “tiền trảm, hậu tấu”. Và liệu rằng, mục tiêu bảo vệ thiên nhiên, phát triển bền vững có được quan tâm một cách thấu đáo hay đang bị che mờ bởi những lợi ích hầu hĩnh trước mắt?!

Theo Tổng cục Thủy lợi, việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất, cho thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải cho các doanh nghiệp thực hiện dự án, trong đó có diện tích được tôn nền để xây dựng công trình, làm giảm dung tích hữu ích và dung tích phòng lũ của hồ chứa, ảnh hưởng đến nhiệm vụ và an toàn của hồ là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.

Ngoài ra, việc tôn nền đối với phần diện tích cao trình dưới diện tích ngập hoàn toàn theo thiết kế làm ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất đã được xác định là hồ chứa thủy lợi vi phạm khoản 2 Điều 163 Luật Đất đai và khoản 39 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Trong khi Tổng cục Thủy lợi và Bộ Tài Nguyên Môi trường quyết liệt thực hiện hoạt động kiểm tra các sai phạm và đề nghị chính quyền tỉnh sớm vào cuộc và xử lý, khắc phục các sai phạm thì dường như tỉnh lại ì ạch và chậm trễ thực hiện. Việc báo cáo Thủ tướng cũng tương tự, hơn 3 tháng kể từ khi Văn phòng Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra và xử lý các thông tin báo chí phản ánh liên quan đến việc xẻ đồi, san lấp hồ Đại Lải, Văn phòng chính phủ vẫn chưa nhận được báo cáo từ địa phương.

Đặc biệt, sau khi báo chí phát hiện sai sót trong quyết định Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 5/1/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải (chủ đầu tư Công ty TNHH Đại Lải) khi cho phép một doanh nghiệp san nền ở cốt 17,65m (mực nước dâng bình thường) thuộc phạm vi bảo vệ của hồ Đại Lải, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định đính chính, cho rằng, sai sót trên là do lỗi đánh máy và điều chỉnh thông số thiết kế độ cao san nền từ 17,65m lên cốt 21,5m trở lên. 

Việc đính chính này được thực hiện sau 4 năm khi ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch, doanh nghiệp triển khai dự án và nhiều sai phạm xâm lấn lòng hồ đã được Tổng cục thủy lợi và Sở Tài Nguyên - Môi trường kết luận. 

Tuy nhiên, giải pháp khắc phục cơ quan chức năng Vĩnh Phúc đưa ra là “đề nghị UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các dự án chưa được cấp phép hoạt động tại khu vực xung quanh hồ Đại Lải, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức hoàn thiện, trình UBND tỉnh cấp phép, cấp phép bổ sung hoạt động trong lòng hồ Đại Lải theo Kết luận kiểm tra của Tổng cục Thủy lợi”.

Và đây là một minh chứng cụ thể. Tại kết luận kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối đối với Công ty Đạt Tiến khi thực hiện dự án khu du lịch Đảo Ngọc do Phó Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc, ông Hoàng Văn Đăng ký đã nêu rõ: “Công ty Đạt Tiến đã tự ý san lấp, đóng cọc, đắp nền phần diện tích bán ngập với diện tích hơn 15.000m2 để trồng cây, làm vườn, đường dạo xung quanh khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật”.

Dù xác định được hành vi vi phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư dự án, nhưng cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc lại “Cho phép Công ty Đạt Tiến được lập hồ sơ xin giao, cho thuê bổ sung phần diện tích hơn 15.000m2”.

Dự án  Đảo Ngọc xây dựng không phép giữa lòng hồ Đại Lải. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Việc xử phạt hành chính và “cấp phép bổ sung” cho các dự án không phép khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về một quy trình hợp thức hóa các sai phạm. Trước đó, dù Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng nhiều chuyên gia pháp lý, quy hoạch khẳng định việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc lập quy hoạch cho phép lấn hồ là sai, việc các dự án có phần diện tích lấn vào khu vực bảo vệ của hồ, thậm chí lấn vào lòng hồ lại càng sai, tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc lại nhiều lần khẳng định các doanh nghiệp đã làm đúng theo quy hoạch được phép. Phần diện tích nằm trong lòng hồ không làm ảnh hưởng đến dung tích hồ chứa.

Với “bệ đỡ” này, mỗi khi cơ quan chức năng về thanh kiểm tra, thì doanh nghiệp thực hiện các dự án du lịch ven hồ lại trưng ra hồ sơ quyết định được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Vĩnh Phúc cho phép họ thực hiện dự án trong phạm vi mốc giới đã được giao…

Thế nhưng, khi được hỏi về việc các doanh nghiệp có lấn hồ so với diện tích được phép hay không, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, mốc giới hồ Đại Lải đang bị thất lạc, không thể xác định rõ diện tích hồ hiện tại nên chưa thể khẳng định “ai lấn ai”.

“Riêng hồ Đại Lải thì bị thất lạc mốc giới, đến bây giờ không tìm được. Phải có mốc giới thì mới biết ai lấn ai. Tôi không biết mốc giới bao nhiêu nhưng diện tích UBND tỉnh thu hồi không phải của hồ. So diện tích ban đầu với vừa rồi thì trùng nhau, tức là không lấn chiếm”, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định với báo chí.

Chia sẻ với báo chí, ông Mai Sỹ Diến, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho biết: “Hành động san lấp lòng hồ Đại Lải vi phạm nghiêm trọng cùng lúc nhiều luật, nghị định, thông tư: Theo QĐ số 688/2019 của Bộ NN&PTNT, hồ Đại Lải có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho hơn 1.384ha đất nông nghiệp, có nhiệm vụ cấp nước thô cho công nghiệp, phòng chống lũ lụt cho hạ du và phát triển du lịch.

Việc lòng hồ hiện nay chỉ còn hơn 300ha so với 577ha khi được giao về tỉnh Vĩnh Phúc quản lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng về chức năng chứa nước, ngăn lũ lụt cho vùng hạ du và cấp nước cho nông nghiệp và nước thô cho công nghiệp; vi phạm khoản 39, Điều 2, Nghị định số 1/2017 của Chính phủ.

Việc tôn nền đối với phần diện tích ngập hoàn toàn theo thiết kế làm ảnh hưởng đến mục đích sử dụng nước là vi phạm khoản 2, Điều 163 Luật Đất đai: “Việc khai thác, sử dụng mặt nước chuyên dùng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến mục đích sử dụng chủ yếu đã được xác định”: Mục đích ở đây là hồ chứa nước thủy lợi, phải tuân theo quy định về kỹ thuật của các ngành;

Việc Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đã dùng đất, đá từ quả đồi san lấp xuống lòng hồ là vi phạm vào các hành vi bị cấm quy định tại khoản 8, Luật Thủy lợi, đó là: Ngăn, lấp, đào trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi”.

Sự mập mờ đúng sai và kéo dài thời gian kiểm tra, báo cáo việc thực hiện rà soát các dự án theo chỉ đạo gắt gao từ trung ương càng chứng tỏ trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ hồ Thủy Lợi đang tồn tại nhiều bất cập: Quản lý buông lỏng, xử lý theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, phạt cho tồn tại, thậm chí sau đó lại cho phép điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng thêm diện tích từ nguyện vọng của chủ đầu tư. Nhiều dự án sau khi bị lập biên bản vi phạm về việc đổ đất san lấp lòng hồ trái phép, sau khi hoàn chỉnh các thủ tục lại xin điều chỉnh quy hoạch và hầu hết đều được chính quyền gật đầu.

Đơn cử như Công ty TNHH Đạt Tiến đã 3 lần điều chỉnh quy hoạch đối với dự án Khu dịch vụ du lịch Đảo Ngọc. Từ những hạng mục như quy hoạch ban đầu, tới quyết định điều chỉnh quy hoạch lần 3 (Quyết định số 2767, ngày 6/11/2018), dự án này đã thay đổi rất nhiều với các hạng mục xây dựng khách sạn, nhà hàng, biệt thự, khu tập golf…

Chỉ trong 2 năm, năm 2015 và 2017, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã liên tiếp ký các quyết định về việc điều chỉnh nội dung giao và cho thuê đất theo QHCTXD tỷ lệ 1/500 dự án biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải của Công ty Nhật Hằng. Những quyết định này của UBND tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ giúp chủ đầu tư điều chỉnh nội dung về sử dụng đất mà còn giúp chủ đầu tư tăng diện tích dự án lên nhiều hecta.

Như vậy, thay vì những biện pháp ngăn chặn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn “tạo điều kiện” cho các doanh nghiệp mở rộng diện tích dự án.

Tất cả những động thái trên của chính quyền địa phương khiến việc “con voi chui lọt lỗ kim” đã gần như trở thành chuyện thường. Tình trạng này sẽ tạo ra tiền lệ xấu, khiến các doanh nghiệp nhờn luật, tạo ra sự móc ngoặc, lợi ích nhóm và do đó, không ít lo ngại đặt ra rằng, nếu không có giải pháp kịp thời để chặn đứng việc cho phát triển dự án ở ven hồ, bất chấp mọi nguyên lý cân bằng và bền vững, bảo tồn thiên nhiên thì tương lai của các hồ thủy lợi sẽ còn bị thu hẹp tới đâu? Trong khi tiền nhân ra sức đào hồ thì hậu thế lại dốc sức lấp hồ?!

Cà phê cuối tuần hôm nay đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia: GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; PGS.TS. Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam để làm rõ hơn câu chuyện này.

PV: Chủ trương khai thác tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven các hồ Thủy lợi, đặc biệt ở Vĩnh Phúc thời gian qua đã dẫn đến một thực tế, lòng hồ bị thu hẹp và xảy ra tình trạng san lấp, lấn chiếm lòng hồ. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp không được cấp phép vẫn tiến hành san nền, làm khu nghỉ dưỡng. Kết luận 253 của Tổng cục Thủy lợi chỉ rõ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất, cho thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải cho các doanh nghiệp thực hiện dự án, trong đó có diện tích được tôn nền để xây dựng công trình, làm giảm dung tích hữu ích và dung tích phòng lũ của hồ chứa, ảnh hưởng đến nhiệm vụ và an toàn của hồ. Các chuyên gia nhìn nhận như thế nào về thực tế này?

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ: Đương nhiên việc biến các hồ thủy lợi hay kể cả thủy điện thành khu du lịch là hoàn toàn có thể bởi nó gắn với ưu thế là mặt nước rộng và đẹp thì sẽ dễ thu hút du lịch. Tuy nhiên, thực tế việc các hồ thủy lợi bị lấn chiếm, lấp hồ làm khu nghỉ dưỡng, phát triển du lịch cho thấy nếu quản lý không tốt sẽ rất dễ bị lợi dụng trục lợi, biến chủ trương tốt thành con dao hai lưỡi.

Theo nguyên tắc khi cho bất kỳ một đối tượng nào được khai thác các hồ, đập để gắn với du lịch thì cần đảm bảo yếu tố công tác quản lý sao cho du lịch được khai thác như thế nào, không được khai thác những gì?

Vì vậy, nếu như công tác quản lý không tốt thì việc mọc lên các hàng quán, khu nghỉ dưỡng, vui chơi lấn vào lòng hồ chắc chắn sẽ dễ xảy ra. Thậm chí, tôi còn biết có nhiều người đưa du thuyền đến các hồ. Việc này sẽ khiến các mặt hồ bị tích tụ nước bẩn, hoàn toàn không có lợi cho môi trường, cảnh quan.

Tình trạng lấn chiếm, xâm phạm hồ chứa đang diễn ra ở rất nhiều địa phương. Thời gian qua đang rộ lên ở Vĩnh Phúc với việc doanh nghiệp "bổ" cả quả đồi thẳng xuống hồ. Dự án quanh hồ mọc lên rất nhiều. Diện tích lòng hồ bị lấn chiếm, thu hẹp đang ngày càng tăng.

PGS.TS. Trương Mạnh Tiến: Cá nhân tôi thấy rất buồn. Toàn bộ cảnh quan của hồ Đại Lải dường như không còn được như trước nữa khi nhấp nhô các dự án. Có dự án còn khoanh hồ lại thành ao nhà. Từ một hồ rộng lớn, dòng chảy xuyên suốt, nay Đại Lải đã bị chặn lại, bị chia thành nhiều hồ nhỏ. Tổng cục Thủy lợi đã chỉ ra một số sai phạm của các dự án lấn hồ sau khi kiểm tra đột xuất, nhưng nhìn vào thực tế phát triển dự án ở hồ Đại Lải hiện nay, tôi tin số dự án lấn chiếm không chỉ có 4 dự án mà còn nhiều hơn thế nữa. 

Được biết, có dự án đã được triển khai từ năm 2002, trước khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc được chấp thuận thay đổi chức năng hồ Đại Lải, ngoài mục tiêu cốt lõi là chứa nước, thủy lợi thì được phép phát triển du lịch, kinh tế xã hội sau thời gian dài đề xuất.

Theo các thông tin phản ánh thì dường như đang có những cuộc chạy đua xây dự án ven hồ và giữa lòng hồ. Những giá trị khổng lồ về cảnh quan, không gian mà hồ chứa mang lại là không thể phủ nhận. Nếu làm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thì chắc chắn rất hút khác. Nên ai cũng muốn xí phần, tạo ra cuộc chạy đua khó kiểm soát. Đây là một thực tế rất đáng quan ngại.

PV: Phải chăng, sự phát triển kinh tế - xã hội đang đi xa rời mục tiêu bền vững. Hậu quả nhãn tiền của việc “bức tử” hồ, đầm nước đã thấy, thế nhưng chính quyền địa phương dường như chậm trễ trong phát hiện và xử lý các vi phạm xảy ra và có những dấu hiệu bật đèn xanh cho doanh nghiệp. Dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi về câu chuyện lợi ích nhóm từ công tác quản lý của chính quyền, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ nghĩ sao về điều này?

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ: Phải đặt câu hỏi tại sao người ta có thể lấn chiếm được, thậm chí là lấn chiếm một cách công khai như vậy? Và chắc chắn câu trả lời là phải có người tiếp tay. Chỉ khi chính quyền buông lỏng quản lý thì các nhà đầu tư mới có thể triển khai mà không bị chặn đứng ngay từ đầu. Trong câu chuyện này chắc chắn đang làm ngơ, thậm chí là bật đèn xanh cho các doanh nghiệp thực hiện. Lợi ích nhóm là điều không phải bàn cãi. Bởi nếu có cầm “phong bì” mới nhắm mắt làm ngơ, chần chừ, không quyết liệt, rồi tìm mọi cách để hợp thức hóa các sai phạm cho doanh nghiệp, còn nếu không cầm “phong bì” thì sao người ta có thể tự dấy bẩn lên trách nhiệm, công việc của mình.

PV: Việc khai thác những tiềm năng sinh thái, du lịch của hồ chứa là chủ trương tốt, nhưng có thể thấy còn nhiều kẽ hở để việc thực hiện bị quá đà. Nếu không có những biện pháp chặt chẽ thì việc phát triển dự án khu vực có hồ sẽ gây ra những hệ lụy gì?

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ: Trước tiên, hệ lụy mà chúng ta có thể nhìn thấy được là hệ sinh thái của hồ bị phá vỡ, chất lượng nguồn nước cũng đứng trước nguy cơ bị nhiễm bẩn bởi các hoạt động du lịch nếu khâu quản lý không tốt.

Nhiệm vụ chính của hồ thủy lợi là chứa nước, tưới tiêu phục vụ cho nông nghiệp, ngoài ra một số nơi còn phục vụ cho nuôi trồng thủy hải sản. Thế nhưng, việc các dự án du lịch tiến lại bên hồ đã kéo theo nguy cơ chặn đứng các dòng chảy thấm hút tự nhiên, có thể dẫn đến tình trạng ngập úng khi nước không thoát được xuống hồ.

Việc phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản và phát triển du lịch ở hồ chứa nếu không đảm bảo cân bằng được thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều mặt về kinh tế chứ không riêng gì cảnh quan. Bởi vì đây là câu chuyện phát triển bền vững. Chúng ta cứ vì lợi ích trước mắt mà hủy hoại thiên nhiên, thì lâu dần sẽ phải gánh chịu hậu quả.

PGS.TS. Trương Mạnh Tiến: Việc giữ gìn các công trình có nhiều giá trị như hồ Đại Lải không hẳn là tìm mọi cách để giữ nó một cách nguyên thủy, mà là làm thế nào để vừa phục vụ đời sống con người, vừa mang lại những lợi ích kinh tế, phát triển xã hội. Tuy nhiên, các hồ thủy lợi đang bị san lấp với diện tích ngày càng lớn để phục vụ mục đích du lịch. Điều này, đã và sẽ đem lại rất nhiều hệ lụy.

Trước hết, hoạt động san lấp này phá vỡ cảnh quan sinh thái. Việc san lấp hồ bởi các dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch đang làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên, cảnh quan tự nhiên vốn có của hồ. Tiêu biểu như ở Đại Lải (Vĩnh Phúc) vốn có những đảo rất đẹp như đảo Ngọc, nhưng khi tiến hành các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở đây thì cảnh quan sinh thái đã bị phá vỡ hoàn toàn, những vẻ đẹp tự nhiên vốn có đã trở thành nhân tạo. Việc phát triển dự án du lịch là không sai nhưng nó đang bị làm quá lên, vượt mức cho phép được thực hiện. Chính vì vậy, những nét đẹp cảnh quan tự nhiên ở những khu vực này không còn được đảm bảo.

Thứ hai, thực chất, hồ Đải Lải là hồ thủy lợi nên chức năng chính của nó trước đây cũng như bây giờ là đảm bảo tưới tiêu thủy lợi, phục vụ chăn nuôi, trồng trọt phát triển nông nghiệp. Khi các dự án nghỉ dưỡng mọc lên, tình trạng lòng hồ bị lấn chiếm, lấp đầy ngày càng mở rộng sẽ ảnh hưởng đến dung tích bể chứa nước. Như vậy, xét cho cùng, thực tế này đang tác động rất lớn đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, những năm gần đây, thiên tai lũ lụt, hạn hán đang hoành hành, ảnh hưởng rất lớn thì vai trò của các hồ thủy lợi lại càng quan trọng. Việc diện tích hồ ngày càng thu bé lại sẽ tác động lớn đến việc canh tác nông nghiệp của người dân. 

Như vậy, những chức năng cần có, cần đảm bảo của các hồ thủy lợi đã không thực sự được đáp ứng, trong khi lại đi đáp ứng các dịch vụ nghỉ dưỡng không cần thiết. Yếu tố cốt lõi cần được đảm bảo lại không đảm bảo, cái không quá cần thiết lại đi thực hiện rất tốt.


PV: Vậy để vừa có thể khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, vừa bảo vệ được thiên nhiên, môi trường, phát triển bền vững thì cần có những giải pháp gì, thưa ông?

PGS.TS. Trương Mạnh Tiến: Phát triển đi đôi với bảo tồn luôn là khẩu hiệu được nêu ra khi xây dựng các dự án ở những vùng cảnh quan, di sản. Tuy nhiên, để thực hiện được lại không dễ chút nào. Quan trọng là cấp quản lý phải có sự quyết liệt, phải nghĩ đến thiên nhiên, tương lai của hồ chứa và phải tránh xa được cám dỗ lợi ích, công khai, minh bạch thông tin, từ việc lập quy hoạch đến việc giám sát, phát hiện và xử lý các sai phạm để tránh những "sự đã rồi". 

Tôi kiến nghị cơ quan chức năng phải xem xét, rà soát lại các dự án nghỉ dưỡng ven các hồ, đập thủy lợi. Bởi việc thực hiện các dự án này bản chất là không sai nhưng cách tiến hành và mức độ tiến hành lại sai. Sai ở chỗ đã “xẻ thịt” quá nhiều dẫn đến nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài. Vì vậy, các cơ quan chức năng, những bên có thẩm quyền phải ngồi lại để xem xét, giải quyết chứ không thể làm ngơ, hay thậm chí là tiếp tay bỏ qua.

Tất cả những phê duyệt quy hoạch của địa phương cũng phải đúng pháp luật, không thể chỉ dựa trên đề xuất của doanh nghiệp rồi ký duyệt. Các quy hoạch đã ban hành cũng phải rà soát lại xem có phù hợp hay không.

Bên cạnh đó, cần phải có những quy định quản lý chặt chẽ các chủ đầu tư trong hoạt động xây dựng đối với các công trình xây dựng quanh hồ và đối với những công trình đặc biệt xây dựng trên mặt hồ phục vụ du lịch. Đánh giá tác động môi trường phải được thực hiện sát sao và kỹ càng đối với từng dự án để đảm bảo ngoài việc phục vụ cho du lịch còn phải đảm bảo an toàn cho hồ chứa trong việc phục vụ nông nghiệp và thoát lũ. Đó là mục tiêu cốt lõi. 

Vòi bạch tuộc lợi ích đang khiến lòng hồ chứa dần bị thu hẹp. Ảnh: Hồ Thanh Lanh (Vĩnh Phúc).

PV: Còn với GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, theo ông, có cách gì để chặt đứt những "vòi bạch tuộc" lợi ích nhóm trong câu chuyện này?

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ: Khi bắt đầu cho phép làm du lịch ở hồ chứa thì chúng ta phải nghĩ ngay đến câu chuyện quản lý. Phải tổ chức ban quản lý hồ, phải đề cao trách nhiệm quản lý một cách rõ ràng. Nếu không thể quản lý một cách chặt chẽ và hiệu quả thì tốt nhất không nên cho phép làm gì.

Tổng cục Du lịch phải trình Thủ tướng chính phủ một quy tắc rằng: Cấp trực tiếp quản lý nào mà để xảy ra các tình trạng này thì cần có hình thức xử phạt nghiêm khắc, rõ ràng, truy  trách nhiệm đến cùng. Cần phải làm nghiêm ngay từ đầu và làm “thật” thì tự khắc mọi chuyện sẽ đâu vào đó.

Ở Việt Nam, trong hệ thống quản lý có tính thân hữu nên rất khó xử lý. Thân hữu ở đây có thể là phong bì, có thể là tình thân nên giải quyết rất khó. Tuy nhiên, nếu chúng ta có một chế tài thật sự chặt chẽ, nghiêm khắc và được thực hiện một cách đúng đắn thì sẽ rất dễ dàng. Các quy định pháp luật, chế tài quản lý liên quan đến bảo vệ hồ đập, công trình thủy lợi đã được quy định rõ nhưng việc xử lý vi phạm lại chưa thực sự chặt chẽ và cũng chưa đủ sức răn đe. Nguyên nhân ở đây chính là sự xâu chuỗi trong mối quan hệ thân hữu từ địa phương đến trung ương trong cả hệ thống quản lý khiến việc quản lý bị bê trễ, việc xử lý các sai phạm không triệt để, mang tính hình thức và dẫn đến nhiều hậu quả. Điển hình nhất là khiến sai phạm nối tiếp sai phạm. Người sau lại tiếp diễn, doanh nghiệp khác lại tiếp tục, xử lý như không xử lý.

Đây là những vấn đề tồn đọng cần giải quyết, không chỉ ở vụ việc các hồ thủy lợi bị “xẻ thịt” quá đà mà còn rất nhiều vấn đề khác.

PV: Ở hầu hết các dự án sai phạm, chỉ khi báo chí vào cuộc thì cơ quan chức năng mới tiến hành kiểm tra, dẫn đến nhiều trường hợp “sự đã rồi” rất khó xử lý. Mặt khác, việc tiến hành công tác kiểm tra cũng kéo dài rất lâu và khi không được hỏi thì coi như "ỉm" luôn, không công bố. Theo ông, trong câu chuyện này, việc minh bạch thông tin quy hoạch và các thông tin dự án, và công tác xử lý sai phạm cần được thực hiện ra sao?

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ: Việc minh bạch thông tin quy hoạch và các thông tin dự án, và công tác xử lý sai phạm là điều tất yếu phải làm. Đặc biệt là công tác giám sát, luôn cần có sự minh bach hoàn toàn, từ công tác kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới, kiểm tra các dự án đang hoạt động ở ven hồ thủy lợi,… Các bộ, ban ngành cần phải có sự kiểm tra thường xuyên và công khai kết quả, tránh việc quy hoạch một đằng, thực hiện một nẻo, hoặc quy hoạch không phù hợp. 

Sự tham gia giám sát của người dân cũng rất quan trọng trong việc phát hiện ra các sai phạm. Báo chí sẽ chỉ phát hiện khi sự việc đã rồi, còn người dân có nhiều điều kiện hơn trong công tác giám sát, phát hiện. Tuy nhiên, nếu người dân có giám sát thì người ta gửi đi đâu? Đó cũng là vấn đề cần nghiên cứu. Chỉ một ít người dân có quen biết cơ quan báo chí người ta mới có thể tố cáo được nhưng lúc đó nhiều khi sự đã rồi. Nhưng trước hết, muốn người dân giám sát được, thì điều cốt lõi cũng cần phải minh bạch, công khai các thông tin dự án.

Nhưng nếu không chặt đứt được những vòi bạch tuộc lợi ích thì khó có thể minh bạch được. Lợi ích sẽ khiến những thông tin quy hoạch, thông tin về sai phạm dự án bị giấu nhẹm đi.

Một vấn đề khác ở đây là chúng ta chưa sử dụng các công nghệ vào công tác kiểm tra, giám sát nên công tác kiểm tra của các cơ quan theo chiều dọc còn nhiều cồng kềnh không nghiêm túc, không hiệu quả. Đó là chưa nói đến việc, quyết định kiểm tra thì luôn có đề thời hạn nhưng việc báo cáo kết quả thì trì hoãn từ năm này qua năm khác. Trong khi chỉ cần xem trên ảnh vệ tinh là chúng ta có thể biết cụ thể hoặc qua những ứng dụng phần mềm là có thể nhận biết được để chặn đứng các sai phạm kịp thời.

Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam): Trách nhiệm của việc này thuộc về các cơ quan Nhà nước, những đơn vị có hệ thống thanh tra, kiểm tra. Người dân xây dựng lấn ra ngoài một chút thì đã có thanh tra kéo đến, trong khi những câu chuyện vi phạm lớn như vậy lại không biết. Phải đặt nghi vấn và làm rõ về điều này. Việc thực thi pháp luật ở Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề. Luật có thể rất chặt chẽ nhưng người thi hành và thực thi, kiểm tra đối với luật pháp lại không làm đúng. Đôi khi vì lợi ích kinh tế, họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, chỉ cần điều đó có khả năng làm được. 

Cân bằng giữa các mục đích và ưu tiên mục đích cốt lõi

Với các hồ đầm thủy lợi thủy điện dù là thiên tạo hay nhân tạo, với chức năng chính là giữ nước, chứa nước hay điều tiết nước phục vụ tưới tiêu phát triển nông nghiệp, năng lượng...đều có các quy định của pháp luật để bảo vệ, khai thác hiệu quả tính năng kỹ thuật của chúng. Gần đây do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà các đầm, hồ này có kết hợp phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nhưng phải có Quy hoạch và phải đảm bảo sự cân bằng giữa các mục đích và phải ưu tiên cho mục đích chính, cốt lõi.

Việc một số dự án gần đây san lấp lòng hồ, đầm để phát triển du lịch đã can thiệp quá mạnh vào môi trường, bất chấp quy hoạch tổng thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là vi phạm pháp luật, không phù hợp với phát triển bền vững, ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan. Lưu ý rằng, bản quy hoạch này cũng phải đảm bảo tính khoa học và sự cân bằng giữa phát triển và bảo vệ các giá trị sinh thái, môi trường và phát triển bền vững.

Để ngăn chặn và khắc phục tình trạng “bức tử” hồ thủy lợi, cũng như nâng cao vai trò của cơ quan quản lý địa phương, tôi đề xuất 5 giải pháp sau:

Trước hết, nhất thiết phải có quy hoạch tổng thể với cách tiếp cận đa ngành để giải quyết bài toán lợi ích cho các chủ thể có liên quan. Thứ hai, không can thiệp quá mạnh, quá thô bạo vào thiên nhiên, diện tích ven hồ, mặt nước. Thứ ba, tôn trọng các chức năng, tính chất cốt lõi của hồ, đầm được pháp luật quy định. Thứ tư, tăng cường công tác thanh kiểm tra, trong đó có vai trò của cộng đồng. Thứ năm, chính quyền địa phương các cấp nói không với cơ chế “xin - cho” hay “Nhiệm kỳ”.

KTS. Trương Văn Quảng , Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển Việt Nam  

Riêng đối với vụ việc ở hồ Đại Lải gần đây, ta không chỉ thấy dấu hiệu vi phạm của chủ đầu tư mà còn thấy cả sự buông lỏng trong quản lý nhà nước. Tình trạng hồ Đại Lải bị xâm lấn và bị xâm lấn nghiêm trọng đã diễn ra trong suốt một thời gian dài, khiến cho việc khắc phục hậu quả hiện nay cũng cực kỳ khó khăn.

Ngoài ra, cũng từ vụ việc này cho thấy sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước còn nhiều vấn đề, còn chưa hiệu quả. Trước đây, Tổng cục Thủy lợi và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị UBND Tỉnh Vĩnh Phúc xử lý, khắc phục sai phạm, nhưng UBND tỉnh lại giao lại cho UBND TP Phúc Yên, và vẫn chưa có một quyết định phạt hành chính nào được đưa ra.

Bên cạnh đó, khi đã có sai phạm xảy ra thì phải xử lý vi phạm và phải tìm cách khắc phục chứ không thể lấy lý do “sự đã rồi” để tiếp tục làm ngơ và tạo điều kiện cho các sai phạm đó tiếp tục tồn tại. Nếu pháp luật không công bằng, không nghiêm thì về sau sẽ còn có nhiều cá nhân, tổ chức coi thường pháp luật và cố tình gây ra vi phạm.

Chỉ với việc chậm trễ trong phát hiện và xử phạt các vi phạm xảy ra ở hồ Đại Lải đã khiến cho diện tích lòng hồ bị thu hẹp đi rất nhiều. Nếu cứ tiếp tục “nhắm mắt cho qua” thì chắc chắn trong tương lai sẽ không còn có hồ Đại Lải nữa. Nói rộng ra, không chỉ riêng hồ Đại Lải mà còn rất nhiều các danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch và di tích lịch sử cũng khó mà giữ được “an toàn”.

Riêng đối với các công trình xung quanh hồ Đại Lải hiện nay, sau khi khắc phục hậu quả và xử lý vi phạm đúng người, đúng hành vi vi phạm, thì hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho phần còn lại hoạt động theo đúng pháp luật, giúp thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế của địa phương cũng như của đất nước.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 41 cho phép chủ đầu tư san nền với thiết kế thấp nhất là 17,65m tại khu vực phía tây nam hồ. Như vậy, Quyết định 41 đã cho phép doanh nghiệp san nền dưới mực nước dâng bình thường của hồ (+21,50m), xâm phạm vào lòng hồ Đại Lải.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW


Nguyên Hà - Thương Thương
Lê Quyên - Thanh Thảo
24/10/2020 06:06


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top