Aa

“Khủng hoảng” nước sạch sông Đà: Luật không thiếu nhưng “hổng” vì không giám sát

Thứ Ba, 29/10/2019 - 06:10

Theo PGS.TS. Bùi Thị An, hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện đã khá đầy đủ song chính việc kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ khiến xảy ra nhiều vụ việc để lại hậu quả đáng tiếc mà điển hình là vụ nước sạch sông Đà.

Ngày 8/10, hồ chứa sơ lắng của nhà máy nước sông Đà tại hồ Đầm Bài, Hòa Bình bị đổ trộm dầu thải, gây nhiễm styren cho toàn bộ hệ thống nước sạch cung cấp cho cư dân ở 8 quận, huyện của Hà Nội. Sự việc khiến chính quyền thành phố phải đưa ra hàng loạt ứng phó như:  Cung cấp các xe téc nước miễn phí, thay nguồn nước sông Đà bằng sông Đuống, công ty nước sông Đà xử lý hồ chứa và đường ống.

Cuộc "khủng hoảng" nước sạch sông Đà đã đặt ra nhiều bài toán như làm thế nào để khắc phục "lỗ hổng" đang xảy ra trong việc cung cấp nước và đâu là giải pháp để tạo lập một cuộc sống thực sự an toàn cho người dân.

PV Reatimes đã có trao đổi với PGS.TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng xung quanh vấn đề này.

- Từ vụ “khủng hoảng” nước sạch sông Đà, có vẻ như phải đến khi xảy ra và có hậu quả, người ta mới hốt hoảng tìm kiếm các giải pháp “vá” lỗ hổng hiện tại. Bà nghĩ thế nào về điều này?

PGS.TS Bùi Thị An: Như tôi đã trao đổi rất nhiều lần, một trong những phẩm chất của người lãnh đạo là biết dự báo. Đó là dự báo tình huống xảy ra, dự báo tương lai thế nào để hoạch định chính sách tốt, phù hợp với tương lai. Trên thực tế, phù hợp với tương lai, có thể là 10 - 20 năm hoặc xa hơn thì sẽ đỡ tốn kém và đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân, xã hội. Nhưng những người lãnh đạo thiếu đi tầm nhìn sẽ cho ra đời các chính sách có thể phù hợp ngay với hiện tại mà không đảm bảo được cuộc sống lâu dài cho người dân.

Hoạch định chính sách chỉ có thông qua thực tiễn mới biết được vấn đề nào hoạch định chuẩn hay không chuẩn. Để biết được kết quả, đôi khi cần thời gian. Nó không bộc lộ ngay lập tức. Có nhiều nhà hoạch định chính sách, sau 5 – 10 năm họ mới nhận thấy hệ thống đường mà mình quy hoach đã chật, bị tắc. Nhưng có những sản phẩm tức thời ngay từng thời điểm nên rất dễ kiểm soát. Tôi lấy ví dụ như quy hoạch và kiểm tra chất lượng nước.

PGS.TS Bùi Thị An.

Quay trở lại với vụ nước sạch sông Đà, tôi khẳng định rằng, hệ thống pháp luật hiện quy định khá đầy đủ về vấn đề quy hoạch; điều kiện, tiêu chuẩn của vùng nước vào đầu nguồn; khi lấy nước mặt thì thế nào; lấy nước ngầm được thực hiện ra sao... đã có hết trong các văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng chỉ ở Việt Nam mới có chuyện, nước sạch hóa thành nước bẩn.

Trước khi đến với các tòa nhà, những hộ dân thì nước đã phải đảm bảo tiêu chuẩn sạch. Nhưng là do chủ đầu tư nước sạch sông Đà đã không thực hiện đúng cam kết mới khiến tất cả những doanh nghiệp bất động sản hay cư dân phải lo lắng e ngại về câu chuyện: Làm thế nào để đảm bảo được sự an toàn cho cuộc sống của mình.

- Rõ ràng như bà đã nói, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã khá đầy đủ. Vậy “lỗ hổng” đang nằm ở đâu, thưa bà?

PGS.TS Bùi Thị An: Chúng ta đang thiếu đi khâu giám sát và kiểm tra. Có một thực tế, các cơ quan quản lý chưa bao giờ báo cáo Quốc hội là ở đâu thực hiện đúng quy hoạch, các công việc của công ty kinh doanh nước có đúng quy hoạch, quy chuẩn không? Trách nhiệm của họ là phải kiểm tra và báo cáo, thậm chí là báo cáo định kỳ hoặc đột xuất. Riêng với vụ nước sông Đà, trách nhiệm về quản lý là rất lớn. 

Đáng ra cơ quan quản lý địa phương phân cấp cho ai, Bộ Xây dựng phân cấp cho Cục hay đơn vị nào là phải báo cáo, nhưng trên thực tế lại không báo cáo. Để rồi, rất lâu sau đó, cơ quan chính quyền mới lên tiếng. Nhưng thiệt hại đã xảy ra rồi, và đến giờ, giải pháp sau vụ việc vẫn còn chưa tỏ tường.

Không chỉ có sự việc của nước sạch sông Đà, tôi thiết nghĩ cần cơ quan chức năng làm rõ để tránh trường hợp tương tự xảy ra.

- Trải qua cuộc “khủng hoảng” nước sạch sông Đà vừa qua, người ta đã bắt đầu bàn tới câu chuyện kiến tạo cuộc sống xanh, an toàn cho cư dân. Bà nghĩ sao về tầm quan trọng của việc xây dựng cuộc sống thực sự an toàn?

PGS.TS Bùi Thị An: Thực ra, các cụ đã có câu “an cư mới lạc nghiệp”. An cư trong môi trường trong sạch khác hoàn toàn với an cư trong môi trường bất đắc dĩ. Tôi thấy rằng, tiêu chí đặt ra xây dựng công tình xanh rất phù hợp, đảm bảo tối thiếu cuộc sống đáng sống cho người dân và phù hợp với mục tiêu phát triển của Đảng và Chính phủ. Người dân cần cuộc sống chất lượng cao. Để thực hiện được điều này phải có quá trình và điều kiện nhất định.

Trong trường hợp này, Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp đạt được mục tiêu xây dựng được cuộc sống, phục vụ cho người dân. Xây dựng công trình xanh thì tất nhiên phải đắt hơn nhưng doanh nghiệp buộc có lợi nhuận tối thiểu để tồn tại, tái hoạt động sản xuất. Thế nên, Nhà nước cần khuyến khích và có cơ chế tốt như về thuế, đất. Còn doanh nghiệp khi kiến thiết chung cư, khu đô thị cũng phải có ý thức với xã hội, tạo ra môi trường đáng sống thực sự. Các nhà đầu tư không đủ năng lực, có sự không trung thực hoặc gian dối trong kinh doanh nên loại bỏ.

- Cảm ơn chia sẻ của bà!


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top