Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu của toàn hệ thống cuối năm 2019 chỉ ở mức 1,89%, hoàn thành mục tiêu dưới 2% mà cơ quan này đề ra hồi đầu năm.
Nguy cơ tăng nợ xấu
Nợ xấu giảm được kỳ vọng sẽ tạo đà cho các nhà băng tăng tốc về đích Basel II cũng như cải thiện doanh thu, lợi nhuận trong năm 2020. Thế nhưng, kỳ vọng trên bỗng nhiên tan biến khi dịch Covid-19 bùng phát.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN, cho biết dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, nên đã ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ của khách hàng, tiềm ẩn nợ quá hạn, nợ xấu gia tăng.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, dịch Covid-19 sẽ khiến nhu cầu tín dụng giảm, bởi hoạt động sản xuất kinh doanh bị chậm lại, khiến khả năng tài chính của doanh nghiệp yếu đi, từ đó dẫn đến nợ xấu tăng.
Mặc dù đến nay mới có 23 tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo NHNN về tác động của dịch, thế nhưng con số dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng ước tính lên tới 926 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của các TCTD này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Trong đó, một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn như: Nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…
Đẩy nợ xấu về tương lai
NHNN đã cho phép các TCTD được tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch và hiện đang khẩn trương xây dựng Thông tư hướng dẫn chi tiết về vấn đề này.
Theo đó, các TCTD được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước thời điểm ngày 23/1/2020 đối với phần dư nợ của các khoản nợ, mà thời hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng từ ngày 23/1/2020 đến thời điểm liền sau 90 ngày kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch…
Giải pháp cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng được nhiều quốc gia như Trung Quốc… sử dụng trong bối cảnh hiện nay để ngăn ngừa rủi ro nợ xấu. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, chỉ hãm lại phần nào đà tăng của nợ xấu hiện tại để chuyển về tương lai.
Tương lai còn mờ mịt
Sở dĩ như vậy là bởi số dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mới chỉ là ước tính, trong khi tác động gián tiếp ở vòng 2, vòng 3 vẫn chưa được tính đến. Hơn nữa, hoạt động sản xuất – kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thông qua chuỗi cung ứng, qua tín dụng thương mại nên một doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp khác. Vì thế, số dư nợ tín dụng tiềm ẩn rủi ro trở thành nợ xấu trên thực tế còn lớn hơn nhiều.
Ngoài ra, biện pháp cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng chỉ có thời hạn, trong khi khó có thể dám chắc là sau thời hạn này doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tất toán các khoản nợ cho ngân hàng.