Như thông tin vừa cập nhật, nửa đầu năm 2022 nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) giữ vị trí quán quân khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành mới. Riêng ở dòng chảy này cũng đã có khác biệt.
Không chỉ nửa đầu 2022, nhiều năm qua cho đến nay dễ dàng nhận thấy Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ít khi tham gia phát hành trái phiếu. Ngược lại, đây là một trong những NHTM tranh thủ đầu tư vốn vào trái phiếu của ngân hàng khác.
6 tháng đầu năm, ước tính tăng trưởng huy động của Vietcombank chỉ quanh 4%, trong khi tăng trưởng tín dụng vào khoảng 9 - 10%. Tại đây chênh lệch tốc độ tăng trưởng hai chỉ tiêu này thường thể hiện nhiều kỳ công bố trước đây. Vietcombank cũng là thành viên có lãi suất huy động thấp nhất thị trường, song vẫn cân đối nguồn khá tốt dù có chênh lệch tăng trưởng khá lớn nói trên.
Lãi suất huy động thấp nhất, chi phí vốn thấp, cùng với tỷ trọng vốn rẻ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đang kể (hơn 30%) tạo lợi thế trong sử dụng vốn. Một hướng mà Vietcombank tập trung những năm gần đây là đầu tư vào TPDN của các tổ chức tín dụng (TCTD) khác.
Trước đây, trái phiếu này không phải trích lập dự phòng rủi ro, lãi suất thường lấy bình quân “Big 4” cộng thêm khoảng 1-2% tùy thời điểm… Hoạt động đầu tư TPDN của các TCTD trở nên hấp dẫn và sinh lời tốt, nhất là trong bối cảnh lãi suất kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở vùng thấp kỷ lục kéo dài (xét theo tầm giai đoạn).
Với kênh đầu tư trên, lợi nhuận từ đầu tư TPDN của các TCTD vẫn khá ổn định, khi lượng phát hành mới vẫn khá lớn. Nhưng, với TPDN của các lĩnh vực khác, nhất là của các doanh nghiệp bất động sản, cấu trúc lợi nhuận ngân hàng liên quan ở đây đã bị rung rinh đáng kể nửa đầu năm.
Sau những biến cố từ đầu quý II, bên cạnh hoạt động phát hành TPDN mới của các tổ chức phi ngân hàng suy giảm, đặc biệt ở nhóm bất động sản, hoạt động mua lại TPDN trước hạn cũng đáng kể. Cả hai điểm này tác động nhất định đến lợi nhuận NHTM, nhất là với các thành viên có khẩu vị lớn giai đoạn trước đó.
Tương tự, cũng trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán trải qua quý II với đã sụt giảm thảm khốc. Một số quỹ đầu tư tên tuổi của nước ngoài vừa cập nhật giá trị tài sản ròng bị âm liền 5 tháng qua. Hoạt động đầu tư chứng khoán của các NHTM, dù thường không chiếm tỷ trọng lớn, dự kiến không còn đóng góp tích cực như năm 2021, lợi nhuận dự kiến giảm thiểu.
Như vậy ở các thị trường ngày càng có mối quan hệ mật thiết với hoạt động ngân hàng (và lợi nhuận) như TPDN, đầu tư chứng khoán, thị trường bất động sản đã có những diễn biến bất lợi hơn, thậm chí khó khăn trong nửa đầu năm 2022. Hệ sinh thái của mỗi NHTM gắn bó với những cấu phần đó càng lớn, mức độ khó khăn theo có thể càng lớn.
Song, những thị trường trên khó khăn cũng chính là sự kiểm định cấu trúc lợi nhuận mà các NHTM đã dịch chuyển giai đoạn trước: tập trung cho tín dụng bán lẻ và phát triển dịch vụ.
Hiện một số thành viên như TPBank, SeABank… đã cập nhật lợi nhuận nửa đầu 2022 với kết quả khả quan, thậm chí tăng trưởng mạnh. Ngay như Vietcombank tín dụng tăng quanh 10% nhưng lợi nhuận ước tính tăng trưởng tới khoảng 30%. Đây tiếp tục là kết quả của hướng dịch chuyển sang tập trung cho vay bán lẻ trước đó.
Vẫn phải dẫn lại, tín dụng bán lẻ tạo lãi biên lớn hơn so với thông thường. Đây cũng là cầu nối để bán chéo, kích thích các sản phẩm dịch vụ bán lẻ khác, như tăng nền tảng khách hàng (CASA), tăng doanh thu bảo hiểm… Và quan trọng hơn, cấu trúc lợi nhuận theo đó giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi và rủi ro khi các thị trường khác khó khăn như đề cập ở trên.
Đơn cử như trước đây các ngân hàng cho vay tập trung hơn ở nhóm các chủ đầu tư bất động sản, nếu như gặp khó khăn và xáo trộn trên thị trường TPDN và thị trường bất động sản hiện nay thì lợi nhuận các NHTM dễ bị tổn thương với rủi ro phát sinh. Nhưng nay, hoạt động cho vay đã dịch chuyển nhiều hơn sang bán lẻ - cho người mua nhà vay, rủi ro theo đó được phân tán.
Hướng dịch chuyển trên góp phần lý giải vì sao hai năm qua đại dịch, nửa đầu năm nay các thị trường trên bộc lộ khó khăn nhưng lợi nhuận các NHTM bước đầu công bố và dự báo sắp cập nhật tới đây đều khả quan. Trong đó, những thành viên bán lẻ mạnh như Techcombank, Vietcombank, VPBank và đặc biệt có tỷ trọng tín dụng bán lẻ rất cao như tại VIB, dự kiến sẽ tiếp tục có kết quả ấn tượng.
Nhìn chung, các NHTM đã có hướng dịch chuyển nói trên từ 5 - 6 năm trước, để nay có cấu trúc lợi nhuận có sức đề kháng tốt hơn khi môi trường xung quanh không nhiều thuận lợi như trước.
Cùng đó, trong cấu trúc này còn có cấu phần thu dịch vụ. Hiện hệ thống đã có ngày một nhiều hơn các NHTM nâng được cơ cấu thu phi tín dụng đạt trên 15%, thậm chí đạt quanh 25%, và điều này đồng nghĩa với giảm thiểu dần lệ thuộc lợi nhuận vào dùng vốn (đầu tư và cho vay).
Tất nhiên khoảng 80% lợi nhuận ngân hàng vẫn dựa vào tín dụng. Nửa đầu năm nay, cụ thể là từ tháng 4, đã có hiện tượng cạn “room” tăng trưởng. Điều này có thể hạn chế nhất định đến sức tăng lợi nhuận nửa cuối năm, song trên thực tế thì mẫu số tín dụng để tạo lợi nhuận đã được các nhà băng sớm mở rộng từ nửa đầu năm rồi./.