Aa

Kiên Giang muốn thêm quyền cho Chủ tịch đặc khu Phú Quốc

Chủ Nhật, 22/04/2018 - 06:11

Tỉnh Kiên Giang cho rằng dự thảo luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã hạn chế quyền của chủ tịch đặc khu trong việc thu hồi đất nên xin thêm cơ chế thoáng hơn.

Chiều 20/4, nguồn tin của Zing.vn cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Kiên GiangPhạm Vũ Hồng đã ký báo cáo số 70 gửi Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan chức năng về kế hoạch tổ chức, xây dựng, hình thành Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc (đặc khu Phú Quốc). Báo cáo 5 trang, gồm trên 10 mục của 4 phần, từ công tác chuẩn bị đến kế hoạch xây dựng, hình thành đặc khu và kiến nghị xử lý những khó khăn, vướng mắc.

Cương quyết thu hồi dự án triển khai chậm

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, địa phương đã dự thảo nhân sự, hoàn thành khung vị trí việc làm cho đặc khu Phú Quốc. Đối với những cán bộ, công chức không đảm bảo năng lực sẽ thực hiện chính sách tinh giảm biên chế.

Phú Quốc đã đưa vào vận hành cáp treo dài nhất thế giới. Ảnh: Việt Tường.

Phú Quốc đã đưa vào vận hành cáp treo dài nhất thế giới. Ảnh: Việt Tường.

Các điều kiện cho đầu tư phát triển đặc khu như hạ tầng giao thông, điện, nước, xử lý rác thải... ở đảo ngọc đã và đang hoàn thành. Đối với dự án tạo động lực đã hoàn thành hệ thống cáp treo dài nhất thế giới, dự kiến quý II/2018 hoàn tất các thủ tục cho tổ hợp casino.

Để tạo tiền đề cho đặc khu Phú Quốc và làm tốt việc giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Kiên Giang có chủ trương tạm dừng xét các dự án du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn; chỉ đạo rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai hoặc triển khai cầm chừng, giữ đất... nhằm chuẩn bị quỹ đất kêu gọi đầu tư cho đặc khu Phú Quốc khi được thành lập.

Về số lượng cấp phó, tỉnh Kiên Giang đề nghị Trung ương cho tăng thêm 1 (không quá 3) ở cấp đặc khu. Hoặc trong trường hợp có thể "tăng độ nở" quy định hơn được nữa, Kiên Giang kiến nghị giao lại cho Chủ tịch Ủy ban đặc khu tùy vào tình hình thực tế để quyết định số lượng cấp phó ở cấp đặc khu, các cơ quan chuyên môn thuộc đặc khu và khu hành chính.

Tăng quyền trong thu hồi đất

Đối với chính sách thu hồi đất, theo dự thảo luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì Khoản 5 của Điều 32 chỉ nêu 8 trường hợp Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, nếu áp dụng theo điều, luật này thì sẽ xáo trộn rất lớn trong việc thu hồi đất, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giao đất, cho thuê đất và thực hiện các dự án.

Với quan điểm như trên, tỉnh Kiên Giang kiến nghị bổ sung theo hướng tăng thẩm quyền cho chủ tịch đặc khu. Cụ thể là người đứng đầu chính quyền đặc khu được "thu hồi đất để thực hiện các dự án tại khu chức năng gồm: Khu phi thuế quan, cụm công nghiệp, khu vui chơi giải trí, khu du lịch, khu đô thị, khu dân cư và các khu dân cư chức năng khác theo quy hoạch đặc khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt".

Khách sạn hình con tàu ở Phú Quốc. Ảnh: Việt Tường.

Khách sạn hình con tàu ở Phú Quốc. Ảnh: Việt Tường.

Một phương án khác cũng được đưa ra là chủ tịch đặc khu được "thu hồi đất đối với các dự án thuộc danh mục ngành nghề ưu tiên phát triển và dự án do Chủ tịch UBND đặc khu quyết định chủ trương đầu tư đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch xây dựng đặc khu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt".

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) nói rằng đặc khu là mô hình mới tại Việt Nam. Do đó, mọi vấn đề liên quan đến xây dựng pháp luật hoặc các hành lang pháp lý khác có liên quan đến quá trình hoạt động tại đặc khu thì cần có lộ trình.

"Nếu mở toang cánh cửa, tăng quyền cho Chủ tịch UBND đặc khu như đề xuất của UBND tỉnh Kiên Giang thì theo tôi là không nên, mà cần phải có lộ trình, xem đặc khu đi vào hoạt động như thế nào. Nếu ta không nhìn xa vào tương lai, sẽ trả giá cho hậu quả (nếu có) xảy ra sau này", luật sư Đức nêu quan điểm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top