Aa

Kiến nghị bảo tồn và phát triển làng nghề cho giai đoạn tới

Thứ Tư, 28/10/2020 - 11:00

Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, ông Vũ Quốc Tuấn cho rằng cần bổ sung nội dung về bảo tồn và phát triển làng nghề cùng những giá trị của nó.

Từ ngày 20/10/2020, dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được công bố rộng rãi, xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội khoá XIV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (giai đoạn 1985 - 1994) cho rằng, việc công bố dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng để lấy ý kiến đóng góp toàn dân là một sự kiện rất quan trọng.

Với tư cách là người đã nhiều năm nghiên cứu và hoạt động trong khu vực làng nghề, ông Vũ Quốc Tuấn kiến nghị cần bổ sung một số nội dung liên quan đến bảo tồn và phát triển làng nghề.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (giai đoạn 1985 - 1994). Ảnh: Quang Đăng

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp của Việt Nam, có nghề "tuổi thọ" lên tới hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm. Trải qua quá trình phát triển, sáng tạo, sản phẩm ngày càng đa dạng, từ thô sơ tiến dần lên thành thủ công mỹ nghệ, có giá trị cao về kỹ thuật và mỹ thuật. Có những sản phẩm được công nhận là di sản văn hóa quốc gia hoặc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thể giới.

Đến nay, cả nước đã có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 1.864 làng nghề truyền thống. Các làng nghề đã thu hút trên 11 triệu lao động với thu nhập gấp 2 - 3 lần so với làng thuần nông, đóng góp sản phẩm cho xuất khẩu và phục vụ du lịch, tăng giá trị sản xuất và thu nhập cho địa phương.

Theo đánh giá của ông Vũ Quốc Tuấn, làng nghề tạo việc làm, đổi mới cơ cấu lao động, nâng cao dân trí, giúp xóa bỏ tệ nạn xã hội, thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới. Điều đặc sắc là mỗi làng nghề truyền thống là một kho báu văn hóa dân tộc, mỗi làng một bản sắc riêng, được bảo tồn và phát triển với đội ngũ nghệ nhân tâm huyết với làng nghề. Có những làng nghề là danh lam, thắng cảnh; có những làng nghề gắn với di tích lịch sử, cách mạng, có nơi thờ Tổ nghề, trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo.

Bạn bè thế giới tìm đến tham quan các làng nghề, nơi mà họ có thể mua những sản phẩm thủ công mỹ nghệ với những mẫu mã khác biệt với các nước khác, có thể tìm hiểu lịch sử, truyền thống làng nghề, trải nghiệm nghề thủ công, gặp gỡ nghệ nhân; từ đó, hiểu sâu sắc hơn những giá trị của làng nghề Việt Nam.

"Từ thực tiễn, có thể khẳng định giá trị của làng nghề nước ta không chỉ về kinh tế, xã hội, mà quan trọng nhất là giá trị về văn hóa. Làng nghề đã tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc trong các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, hình thành văn hóa làng nghề, góp phần vào hình thành nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc mà chúng ta đang tích cực xây dựng", ông Vũ Quốc Tuấn nói.

Với những giá trị nói trên của các làng nghề, ông Vũ Quốc Tuấn cho rằng, trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, tại Mục III (Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững), trong đoạn nói về "Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới…", sau câu "Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị", cần bổ sung nội dung (i) "Phát triển các nghề thủ công, bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề"; đồng thời xin ghi thêm nội dung (ii): "Nghiên cứu, ban hành Luật về Làng nghề; vì trên cơ sở Luật, sẽ có thêm nghị định và các văn bản pháp luật khác, tạo môi trường thuận lợi cho bảo tồn và phát triển làng nghề".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top