Aa

Kiến tạo điểm đến quốc tế thay đổi vị thế du lịch Quy Nhơn

Thứ Tư, 23/03/2022 - 06:30

Với mong muốn biến TP. Quy Nhơn trở thành điểm nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, những tiềm năng "có một không hai" tại vùng biển nơi đây trở thành mục tiêu săn đón của nhiều tập đoàn bất động sản, du lịch, lữ hành.

NHIỀU TIỀM NĂNG "NGỦ YÊN" CẦN ĐƯỢC KHAI PHÁ

Ðược mệnh danh là vùng “Ðất võ - Trời văn”, Bình Định được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, đa dạng. Trong đó, thành phố biển Quy Nhơn được xem là “thủ phủ du lịch” của tỉnh Bình Định, là vùng đất sở hữu đường bờ biển dài 72km với nhiều cảnh quan tự nhiên đa dạng, các bãi biển đẹp, di tích lịch sử - văn hóa đậm nét riêng cùng khí hậu nhiệt đới ấm áp quanh năm, ẩm thực phong phú... Vẻ đẹp nguyên sơ, trong lành của Eo Gió, Kỳ Co, Cù Lao Xanh, Bãi Trứng, Hòn Khô, Ghềnh Ráng hay bán đảo Hải Giang... đã đưa Quy Nhơn trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. 

Tại thị trường đầy tiềm năng này, giai đoạn 2016 – 2019 đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng cả về lượng khách và doanh thu từ du lịch. Từ đầu năm 202 đến nay khi dịch Covid-19 hoành hành gây tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, lượng khách đến Quy Nhơn tuy có giảm nhưng đây vẫn là địa phương thu hút nhiều du khách so với các tỉnh, thành khác và liên tiếp được bình chọn là điểm đến hấp dẫn, an toàn hàng đầu tại Đông Nam Á.

Tháng 6/2020, thành phố biển Quy Nhơn lọt top 20 điểm "phượt bụi" tốt nhất do Hostelworld (Mỹ) bình chọn. Cũng trong năm 2020, thành phố này được vinh danh là một trong những điểm du lịch tốt nhất năm 2020 (bảng xếp hạng Hostelworld Mỹ), thành phố du lịch sạch nhất Đông Nam Á (diễn đàn du lịch Đông Nam Á 2020) và lọt top 7 nơi an toàn đáng được đến sau đại dịch theo bầu chọn của tạp chí CNBC.

Xác định phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025, Bình Ðịnh đang nỗ lực vươn mình, trở thành điểm đến mới của du lịch miền Trung và châu lục, từng bước khẳng định thương hiệu và ngày càng thu hút nhiều du khách.

Qua nhiều đợt dịch bùng phát, Quy Nhơn vẫn là một trong số ít điểm đến có khả năng phục hồi nhanh và trở thành điểm sáng về du lịch trên cả nước. Năm 2020, dù đối mặt với tình hình Covid-19 phức tạp, Quy Nhơn vẫn đón 2,22 triệu lượt khách với tỷ lệ lấp đầy phòng ở mức cao trong những tháng cao điểm. Đến nay, trong bối cảnh "bình thường mới" khi dịch đang dần được kiểm soát và du lịch đã mở cửa toàn diện từ 15/3, Quy Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung cũng đã đón khách trở lại, đồng thời triển khai nhiều giải pháp quảng bá, xúc tiến du lịch.

Quy Nhơn đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ (Ảnh: Internet)

Với địa thế thuận lợi, kết hợp cùng những bước chuyển mình mạnh mẽ về hạ tầng, kinh tế - xã hội và các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng của địa phương, các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định sự phát triển của Quy Nhơn trong những năm gần đây như tốc lực của báo gấm. Quy Nhơn đang trở thành tâm điểm thu hút đầu tư tại miền Trung, trong đó đáng chú ý là dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản. 

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết: "Những năm vừa qua, Bình Định có sự phát triển rõ rệt về du lịch và bất động sản. Chúng tôi rất trăn trở phải làm sao để tỉnh có bước đi đúng và phù hợp với thị trường".

Theo đó, suốt 10 năm qua, Bình Định đã chú trọng đầu tư xây dựng nhiều hạ tầng kết nối, trong đó sân bay Phù Cát đang đón cả khách trong nước và quốc tế, cùng với đó là cảng biển, đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh ngày càng thuận tiện. Hiện nay, Bình Định cũng đã mở xong một số đường trục, đường ven biển để kết nối Quy Nhơn với các địa phương khác nhằm góp phần phát triển hạ tầng đô thị và phục vụ du lịch.

Mặt khác, tỉnh rất chú trọng đến việc chỉnh trang đô thị, bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái; đã có những hoạt động đầu tư chỉn chu với hệ thống đường sá, cây xanh, xử lý nước thải... UBND tỉnh Bình Định cũng đã phát triển, đầu tư để tạo dựng công viên cây xanh, mang đến bộ mặt hoàn toàn mới cho tỉnh.

Đặc biệt, về vấn đề quy hoạch chung Quy Nhơn và quy hoạch chi tiết các khu vực, tỉnh cũng nhận thức rõ quy hoạch phải đi trước một bước và có tầm nhìn xa, đồng thời phải có sự kết nối đồng bộ về quy hoạch để phát triển và để các nhà đầu tư yên tâm.

TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, Bình Định là khu vực sở hữu nhiều lợi thế, đặc biệt là có chính sách cởi mở nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đến địa phương tham gia phát triển các hạ tầng, dự án có quy mô lớn... Bởi vậy, dù trong bối cảnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng giá đất tại Quy Nhơn vẫn nóng và không có xu hướng quay đầu. Đây chính là điểm sáng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đến những thị trường mới nổi như Quy Nhơn, Bình Định.

Đánh giá về tiềm năng phát triển trong tương lai của TP. Quy Nhơn, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định: “Tầm nhìn phát triển của Quy Nhơn không chỉ là tầm nhìn khu vực châu Á. Chúng ta đi sau, đuổi kịp và vượt lên với mục tiêu lớn lao là tầm nhìn toàn cầu”.

Quy Nhơn còn nhiều tiềm năng phát triển cần được khai phá

Tuy nhiên, để có thể biến nơi đây trở thành điểm đến mới của khách du lịch quốc tế, chắc chắn cần thêm thời gian với một chiến lược phát triển bài bản và sự đồng lòng của các cấp chính quyền, người dân địa phương, cùng với sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp.

Trên thực tế thời gian qua, lượng khách quốc tế đến Quy Nhơn vẫn còn ít so với các điểm du lịch truyền thống tại miền Trung. Điển hình, năm 2019, khách du lịch quốc tế đến Bình Định là 484 nghìn lượt, trong khi con số này của Đà Nẵng là 3,52 triệu lượt, cao hơn rất nhiều lần. Cùng với đó, thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế tại Quy Nhơn là 2,1 ngày/người, thấp hơn nhiều so với Đà Nẵng là 4,5 ngày/người. Hoạt động kinh doanh lữ hành của Quy Nhơn cũng còn yếu và chưa chủ động được nguồn khách.

Các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Điều này dẫn đến việc khách du lịch ít tiêu tiền vào dịch vụ vì thiếu những sản phẩm du lịch mang tính giải trí hay các tổ hợp giải trí lớn để vui chơi. Mặc dù ban ngày, du khách có thể thoải mái lựa chọn các tour du lịch biển đảo, tham quan các di tích, nhưng ban đêm ở Quy Nhơn lại có phần buồn và trầm lắng. Nguồn thu từ mua sắm cũng ít bởi sản phẩm hàng hóa, quà lưu niệm dành cho khách du lịch còn chưa thực sự đa dạng và hấp dẫn, thiếu tính biểu tượng vùng miền cũng như thiếu các sản phẩm, loại hàng đặc sản có giá trị đặc trưng.

Ngoài ra, trong khi tại các bãi biển ở Đà Nẵng, Nha Trang luôn có những khu tắm tráng công cộng thuận tiện thì khi đến với Quy Nhơn lại không có sự xuất hiện dịch vụ tiện ích đó. Du khách sau khi tắm biển luôn phải đi một đoạn rất xa về khách sạn mới có thể tắm tráng nước ngọt.

GIẢI BÀI TOÁN ĐƯA QUY NHƠN TRỞ THÀNH ĐIỂM ĐẾN MỚI CỦA CHÂU Á

Với nhiều lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, ẩm thực và đặc biệt là mặt tiền biển Đông, có thể nói, thế mạnh lớn nhất và còn nhiều dư địa khai thác nhất của Việt Nam nói chung hay Quy Nhơn, Bình Định nói riêng chính là du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng.

Để du lịch phát triển bền vững, mang lại giá trị cao, đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch là nền móng quan trọng. Theo đó, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng gắn với thưởng thức di sản, thưởng thức văn hoá, ẩm thực được các chuyên gia đánh giá là một trong những giải pháp căn cơ thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.

Chương trình hành động phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn 2020 - 2025 xác định mục tiêu trong giai đoạn này sẽ thu hút 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế; đầu tư 25.000 phòng lưu trú và nâng thời gian lưu trú trung bình của du khách lên 3 ngày.  

Riêng TP. Quy Nhơn đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt doanh thu du lịch trên 13.000 tỷ đồng và trở thành một trong những điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch châu Á.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, ở những quốc gia mới phát triển như Việt Nam, có một đặc điểm cần lưu ý đó là tầng lớp trung lưu là tầng lớp phát triển mạnh nhất. Vì thế, chủ đầu tư các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng chủ yếu nhắm đến tầng lớp này trở lên.

Do đó, để có thể phát triển những thị trường du lịch mới như Quy Nhơn vươn tầm châu lục và thu hút thêm nhiều du khách quốc tế, hướng tới đạt được những mục tiêu đã đề ra, xu hướng đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng cần phát triển những tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp, với nhiều sản phẩm du lịch có bản sắc riêng, độc đáo, mới lạ, đủ sức thu hút khách du lịch sành sỏi và sẵn sàng chi tiền.

"Cần những dự án bất động sản du lịch triển khai theo hướng phức hợp, gắn đầy đủ các dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú, mua sắm, thể thao, giải trí, trải nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu một điểm đến cho tất cả của du khách. Mà muốn tạo nên sự trải nghiệm mới, cần hệ sinh thái tiện ích định hình bởi những dịch vụ tiện ích theo chuẩn 5 sao quốc tế, nhằm hướng đến sự đa dạng, linh hoạt, phù hợp với sở thích, nhu cầu khác nhau của từng nhóm khách.

Nếu kết hợp được chủ đầu tư phát triển mảng kinh doanh lữ hành song song quá trình hình thành bất động sản, có thể tận dụng lợi thế của chủ đầu tư và lợi thế của công ty lữ hành. Đây là cơ hội tạo ra cấu trúc, cơ cấu sản phẩm bất động sản hợp lý", TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Theo đó, Quy Nhơn cần phát triển đồng bộ và hài hòa giữa tăng cường sản phẩm du lịch đặc thù với phát triển hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng cao; đầu tư và tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt, đặc sắc; cần phát triển các dự án có quy mô lớn, chú trọng xây dựng chuỗi tiện ích đa trải nghiệm, mở ra nhiều hoạt động tận hưởng ngày và đêm nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Hiện nay, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Quy Nhơn đang trở nên ngày càng sôi động với sự đổ bộ của nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản, lữ hành và du lịch. Sự xuất hiện của những nhà đầu tư chiến lược mang tính dẫn dắt sẽ giúp bộ mặt đô thị du lịch Quy Nhơn ngày càng cải thiện.

Trong đó, Tập đoàn Hưng Thịnh đã và đang triển khai các bước đi chiến lược, bài bản để góp phần nâng tầm vị thế thành phố biển. Hàng loạt hợp tác toàn diện đã được Tập đoàn Hưng Thịnh triển khai như hợp tác với Vietravel thực hiện các chương trình quảng bá, kết nối Quy Nhơn với các thị trường du lịch quốc tế giàu tiềm năng tại châu Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc). 

Bên cạnh đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã hợp tác với Trường Đại học Quy Nhơn và Trường Quốc tế Pegasus triển khai các chương trình đào tạo chính quy và ngắn hạn theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực du lịch. 

Tập đoàn Hưng Thịnh, Quy Nhơn
MerryLand Quy Nhơn được Tập đoàn Hưng Thịnh định hướng phát triển trở thành "thành phố bán đảo du lịch thương mại thông minh đẳng cấp quốc tế" trong tương lai.

Đặc biệt, Tập đoàn Hưng Thịnh đã và đang triển khai hàng loạt dự án bất động sản quy mô tại Quy Nhơn. Trong đó, siêu dự án MerryLand Quy Nhơn đang được triển khai tại bán đảo Hải Giang, xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1 tỷ USD.

MerryLand Quy Nhơn được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi hoàn toàn bức tranh trải nghiệm du lịch tại Quy Nhơn với quảng trường nhạc nước rộng lớn, hệ thống kênh đào, khách sạn - resort 5 sao, sân golf 18 lỗ, bến du thuyền cùng 2 du thuyền lớn bậc nhất Đông Nam Á… 

Trong đó, Marriott Quy Nhon Resort & Spa là một trong những phân khu cao cấp nhất của MerryLand Quy Nhơn. Phân khu cung cấp đến du khách 250 phòng khách sạn, 390 căn villa mang kiến trúc độc đáo, được thiết kế tinh tế theo tiêu chuẩn quốc tế 5 sao của Marriott International, trải dài trên diện tích hơn 100ha với bãi biển riêng và phong cảnh tuyệt mỹ bao quanh, hòa hợp với không gian tổng thể của toàn bộ dự án MerryLand Quy Nhơn.

Sau khi hoàn thành, dự án MerryLand Quy Nhơn sẽ là "thành phố bán đảo du lịch thương mại thông minh đẳng cấp quốc tế". Đồng thời, giải cơn khát cơ sở lưu trú 5 sao của thành phố biển, đón đầu đà phát triển mạnh mẽ của du lịch Quy Nhơn, đặc biệt trong bối cảnh thành phố biển đang xúc tiến hàng loạt hoạt động chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Quy Nhơn trở thành điểm đến của châu Á vào năm 2030.

Quần thể này được kỳ vọng trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại thông minh sầm uất bậc nhất, quy tụ nhiều tiện ích ấn tượng, góp phần đưa vị thế Quy Nhơn vươn xa hơn trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới, trở thành điểm đến hàng đầu của khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top