Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 21/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc.
Nghiên cứu, xem xét lại "các hành vi bị cấm"
Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí và đánh giá cao sự tiếp thu ý kiến của cơ quan soạn thảo trong kỳ họp trước nhằm hoàn thiện dự thảo luật trước khi tiếp tục trình Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, cũng không ít đại biểu nhận định rằng, cho dù dự thảo luật lần này đã được chỉnh lý, bổ sung song những vấn đề về phân cấp phân quyền; cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép xây dựng, cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư...chưa thực sự được tách bạch rõ ràng. Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này có thể vẫn còn sự chồng chéo giữa chính quyền địa phương và các sở ngành. Nguy cơ cao là sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ và toàn xã hội đang nỗ lực thực hiện.
Đại biểu Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) cho hay, cần phải tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh thêm để Luật Kiến trúc sau khi được ban hành sẽ thực sự trở thành công cụ để quản lý hoạt động này và điều tiết quan hệ của các bên tham gia trong đó. Cụ thể như việc cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, theo đại biểu tại sao quy định giao về Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện mà không phải người đứng đầu các sở, ngành - những đơn vị đầu mối quản lý trực tiếp và có nhiều chuyên môn, nghiệp vụ hơn. Điều đó sẽ tạo ra tính khả thi, độ chuyên sâu hơn và cơ bản sẽ giúp rút ngắn thời gian cùng các thủ tục, quy trình trong vấn đề cấp phép, mà lâu nay luôn bị xem là mất thời gian và tốn phí.
Đại biểu Trần Văn Mão cho rằng, chưa nói tới chất lượng mà việc phân cấp như vậy có thể còn giúp giảm tải được trách nhiệm cho người đứng đầu mỗi tỉnh. Ngoài ra, quy định về "các hành vi bị cấm" trong dự thảo Luật Kiến trúc cũng cần phải xem xét, nghiên cứu lại.
"Ta chỉ nên cấm những vấn đề liên quan tới chuyên môn và lĩnh vực hành nghề kiến trúc thôi, chứ các hành vi như công khai môi giới, đưa nhận hối lộ, hành vi móc nối trung gian trái pháp luật... thì đã được quy định khá rõ trong Luật Phòng chống tham nhũng rồi và vì thế không nhất thiết cần đưa vào Luật Kiến trúc", đại biểu khuyến nghị.
Hỗn loạn kiến trúc và vấn đề bản sắc dân tộc
Quy định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc (Điều 5) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, luật quy định giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định nội dung về yêu cầu bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc để bảo đảm khả thi, phù hợp với địa phương do mình quản lý.
"Như vậy, các tỉnh có thể ban hành các tiêu chuẩn kiến trúc theo đặc trưng của tỉnh mình. Trong khi đó nước ta có rất nhiều dân tộc sinh sống tại các tỉnh, thành. Nếu tỉnh thành nào cũng ban hành tiêu chuẩn kiến trúc thì liệu kiến trúc Việt Nam có thống nhất? Do đó cần nghiên cứu vấn đề này", ông Tiến nói.
Cùng góp ý về dự án luật, Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cho rằng việc quy định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc là hết sức cần thiết để tránh tình trạng thực hiện không chặt chẽ, dễ bị lạm dụng, dẫn đến tình trạng sao chép kiến trúc ngoại lai, tùy tiện, phá vỡ kiến trúc của bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. “Hiện nay, kiến trúc đô thị thì hỗn loạn, kiến trúc nông thôn biến dạng”, đại biểu Thành nói. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ ủng hộ khoản 2, điều 4 đã quy định về định hướng kiến trúc. Đây là quy định quan trọng vì định hướng tốt thì sau thực thi có kiến trúc thuần Việt, mang đậm bản sắc văn hoá.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) cho rằng, ở nước ta hiện nay, nhiều công trình kiến trúc có giá trị, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa nhưng trải qua thời gian đã bị xuống cấp, thậm chí là xâm hại. Vì thế, việc quản lý Nhà nước đối với các công trình này rất quan trọng, cấp bách, đồng thời không chồng chéo với các quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy không đồng tình với quy định giao Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm quy định nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc.
Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ không khả thi, dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất trong toàn quốc. Ban soạn thảo chỉ nên quy định theo hướng bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc không trái với thuần phong mỹ tục và nên giao Chính phủ quy định trách nhiệm nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc. Đại biểu phân tích, việc quy định về bản sắc văn hóa dân tộc đòi hỏi chuyên môn sâu, nhất là nước ta có nhiều dân tộc và bản sắc văn hóa các dân tộc rất phong phú, đa dạng.
“Không nên giao cho từng địa phương mà nên giao thống nhất cho Chính phủ để đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc. Việc quy định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc để tránh tình trạng thực hiện không chặt chẽ, dễ bị lạm dụng, dẫn đến tình trạng sao chép kiến trúc ngoại lai, tùy tiện, phá vỡ kiến trúc của bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy kiến nghị.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, nội dung quy chế quản lý kiến trúc do tính đa dạng phong phú và có tính đặc thù của bản sắc văn hoá, nên quy định cụ thể, có tính chất chung cho các địa phương là không thể.
“Tôi từng là lãnh đạo địa phương rồi, không ai hiểu bản sắc văn hoá bằng lãnh đạo địa phương nên đề nghị để UBND cấp tỉnh đề xuất quy chế kiến trúc trong đó có bản sắc văn hoá, sau đó HĐND phê chuẩn. Trong cùng một địa phương có nhiều dân tộc khác nhau, nếu không cẩn thận sẽ có ý kiến”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng đề cập đến Quy chế quản lý kiến trúc không phải nội dung hoàn toàn mới mà được quy định ở quy chế quản lý kiến trúc thì các địa phương thường nặng quy hoạch để phục vụ phê duyệt dự án đầu tư. Thường coi nhẹ nội dung này nên lần này tách riêng, làm sâu thêm để đưa vào luật chuyên ngành.
Dự thảo Luật Kiến trúc có 41 Điều, dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá XIV.