Aa

Kienlongbank “ngập” nợ xấu và kinh doanh không hiệu quả

Mộc Trà
Mộc Trà vukimlinh@gmail.com
Thứ Bảy, 08/08/2020 - 14:17

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Kienlongbank đạt 103 tỷ đồng lợi nhuận. Trong đó, chủ yếu nguồn thu đến từ đầu tư chứng khoán và thu nhập khác.

Ngân hàng TMCP Kiên Long - Kienlongbank (mã KLB) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020. Trong đó, tín dụng mang về cho ngân hàng khoản lãi 254 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi thuần từ mảng dịch vụ quý II/2019 của KLB đạt 16 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, mảng này lãi gần 36 tỷ đồng, tăng 20%. Lãi từ kinh doanh ngoại hối quý II giảm 30% so với cùng kỳ, xuống 10 tỷ đồng, lãi lũy kế 6 tháng ở mức 19 tỷ đồng.

Lãi từ hoạt động khác quý II đạt 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ lãi đột biến trong quý I nên lũy kế 6 tháng đầu năm, mảng này ghi nhận lợi nhuận 63 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ.

Riêng mảng mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận tăng mạnh khi lợi nhuận 6 tháng đạt 38 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Được biết, đây là khoản đầu tư trái phiếu Chính phủ của ngân hàng này. 

Chi phí hoạt động quý II/2020 của KLB tương đương với cùng kỳ, ở mức hơn 267 tỷ đồng. Kết thúc quý II/2020, Kienlongbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 46 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2019.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng đạt lợi nhuận 103 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Kienlongbank hoàn thành 13,7% kế hoạch lợi nhuận mục tiêu cả năm. Được biết, hồi tháng 4, ngân hàng này đã đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2020 là 750 tỷ đồng, tăng 9 lần so với năm 2019.

Tại ngày 30/6/2020, tổng tài sản của Kienlongbank đạt 55.420 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng hơn 34 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng mạnh 10%, lên 36 nghìn tỷ đồng.

Tới cuối tháng 6/2020, Kienlongbank đang có tổng cộng 2.249 tỷ đồng nợ xấu, tăng hơn 6 lần so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 6,59%/tổng cho vay. Trong đó, nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nợ nhóm 5, lên 2.145 tỷ đồng.

Theo Kienlongbank, trong số nợ có khả năng mất vốn này có 1.895 tỷ đồng dư nợ các khoản vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ nhóm 5 theo Quyết định số 2595/QĐ-NHNN ngày 18/12/2019 và các công văn khác có liên quan đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Được biết hồi quý II, Kienlongbank chào bán 176.373.887 cổ phiếu Sacombank (STB) với giá chào bán khởi điểm 24.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền theo mệnh giá thu về dự kiến hơn 1.760 tỷ đồng, còn nếu tính theo giá chào bán thì số tiền thu về sẽ là hơn 4.224 tỷ đồng. Từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu STB chỉ bằng một nửa giá Kienlongbank chào bán.

Trên thị trường, cổ phiếu STB của Sacombank hiện giao dịch quanh mức 10.800 đồng/cổ phiếu, như vậy mức giá mà Kienlongbank muốn bán là cao hơn gấp 2,4 lần thị giá của STB. Số lượng cổ phiếu Kienlongbank yêu cầu nhà đầu tư phải mua tối thiểu là 100.000 cổ phiếu. Như vậy giao dịch này nhiều khả năng sẽ được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Ngân hàng này đã có 4 lần giao bán cổ phiếu STB trong năm 2020.

Kienlongbank không ghi rõ mục đích vay vốn của khách hàng đối với khoản vay trên. Tuy nhiên với trị giá hơn một nghìn tỷ đồng, khả năng khoản vay có thể liên quan đến bất động sản. Còn trong báo cáo tài chính hợp nhất, tài sản đảm bảo các khoản vay chung của khách hàng liên quan đến bất động sản tại thời điểm 30/6 là 56 tỷ đồng. 

Trước đó tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Kienlongbank cuối năm 2019, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, năm 2019 lợi nhuận giảm hơn 70% so với năm 2018 và chỉ đạt 86 tỷ đồng chủ yếu do liên quan đến cổ phiếu STB.

Cụ thể, ngân hàng này phải hạch toán giảm các khoản lãi phải thu đã ghi nhận trong các năm trước theo phương án xử lý nợ được NHNN Việt Nam phê duyệt đối với các khoản cho vay của nhóm khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB. Và việc xử lý số cổ phiếu nói trên trong năm 2020 sẽ giúp ngân hàng hồi phục trở lại với lợi nhuận cả năm dự kiến là 750 tỷ đồng, gấp 9 lần năm 2019.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top