Aa

Kiều hối bổ sung nguồn lực cho phát triển kinh tế

Thứ Năm, 23/12/2021 - 10:17

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trên toàn cầu nhưng theo số liệu của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác quốc tế, năm 2021 lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn ước đạt khoảng 18,1 tỷ USD.

Kiều hối tăng

Anh Nguyễn Đức ở tiểu bang Ohio, Mỹ cho biết, mọi năm không có dịch bệnh Covid-19 còn đi du lịch, mua sắm, ăn hàng… Nhưng hai năm qua dịch bệnh căng thẳng nên quỹ thời gian tập trung chủ yếu vào làm việc. Đặc biệt, dịch vụ hàng không hiện nay khó khăn và đắt đỏ nên nhiều người lao động Việt chọn cách ở lại Mỹ không về quê ăn Tết Nguyên đán với người thân ở trong nước. Nguồn tích lũy tăng nên tranh thủ gửi tiền hỗ trợ người thân ở Việt Nam.

Các ngân hàng cũng triển khai nhiều sản phẩm tiện ích để đón dòng kiều hối, đặc biệt giữ nguồn ngoại tệ ở lại ngân hàng. Trưởng bộ phận giao dịch bán lẻ của một chi nhánh Vietcombank tại TP.HCM cho biết, thường thì những tuần cận Noel và năm mới Dương lịch hàng năm là thời điểm nhộn nhịp chi trả kiều hối. Năm nay giá trị kiều hối trên mỗi đơn không lớn so với những năm trước đây, nhưng số lượng đơn chuyển kiều hối về cho thân nhân lại tăng nhẹ. Có những đơn chi trả kiều hối nhỏ nhất chỉ 100 USD, ngân hàng vẫn chi trả tận nhà hoặc người thân đến quầy giao dịch một công đôi ba việc: Nhận kiều hối bán lấy VND, đổi thẻ từ sang thẻ chip, mở mới tài khoản…

Vượt đại dịch, dòng chảy kiều hối vẫn tăng trưởng
Vượt đại dịch, dòng chảy kiều hối vẫn tăng trưởng.

“Hầu hết những khoản kiều hối nhỏ lẻ, người nhận đều bán lại cho ngân hàng. Với những người nhận kiều hối lớn, thường được ngân hàng mời bán lại ngoại tệ và mở tài khoản tiết kiệm tiền đồng có lãi suất 5 - 6% so với tiền gửi USD lãi suất 0%”, lãnh đạo Eximbank nói.

Cùng với đó, các ngân hàng gần đây gia tăng hợp tác với những công ty chuyển tiền quốc tế có mạng lưới rộng khắp thế giới để chuyển và chi trả kiều hối cho người Việt Nam. Đơn cử, Eximbank vừa hợp tác với Công ty Tranglo Pte, Ltd có trụ sở tại Singapore để mở rộng kênh chi trả kiều hối.

Hình thức chi trả kiều hối hiện nay cũng rất đa dạng. Các tổ chức tín dụng áp dụng công nghệ cá nhân hóa người nhận kiều hối theo thông tin địa chỉ, số điện thoại người gửi từ nước ngoài ghi trên lệnh chuyển kiều hối về nước. Trước đây các ngân hàng chuyển tiền quốc tế phổ biến qua kênh Swift, hiện nay một số ngân hàng đã áp dụng chuỗi khối (blockchain) tốc độ đường truyền nhanh và bảo mật hơn.

Các tổ chức tín dụng cũng gia tăng tiện ích và khuyến mãi, tặng quà, tặng lãi suất… cho người nhận kiều hối nếu bán lại ngoại tệ chuyển sang gửi tiết kiệm tiền đồng. Điều này ngoài việc cạnh tranh thu hút dịch vụ và các tổ chức tín dụng còn giúp người nhận kiều hối giao dịch qua kênh chính thức của Nhà nước.

Nguồn lực quan trọng

Lượng kiều hối chuyển về nước những năm gần đây năm sau thường tăng cao hơn năm trước. Chẳng hạn năm 2020 kiều hối chuyển về nước đạt 17,2 tỷ USD, thì năm 2021 dự ước đạt 18,1 tỷ USD. Bên cạnh các thị trường kiều hối truyền thống của Việt Nam là các quốc gia Mỹ, Úc, Canada… chủ yếu chuyển về qua ngả TP.HCM; những năm gần đây có thêm nhiều “kênh” kiều hối mới như Nhật, Hàn, Đài Loan, Malaysia… được phát triển qua nguồn xuất khẩu lao động ở hầu hết các tỉnh thành phố.

Hiện Chính phủ có chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động, trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vay vốn với lãi suất thấp đi xuất khẩu lao động. Chẳng hạn, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam hiện nay cho vay vốn cho hộ nghèo đi xuất khẩu lao động với lãi suất ưu đãi 6,6%/năm. Trong khi đó, các chính quyền địa phương cũng trích nguồn ngân sách ủy thác vốn thông qua NHCSXH tại địa bàn cho vay xuất khẩu lao động với lãi suất thấp. Chẳng hạn NHCSXH chi nhánh TP.HCM cho vay từ nguồn vốn ủy thác của địa phương đối với hộ nghèo đi xuất khẩu lao động lãi suất thấp chỉ 6%/năm, hạn mức vay tối đa theo hợp đồng xuất khẩu lao động và không cần tài sản thế chấp.

TS. Nguyễn Ngọc Thao - Học viện Hành chính Quốc gia nhận định, số lượng người đi lao động xuất khẩu nước ngoài ngày một tăng, nhờ kinh nghiệm và chuyên môn mỗi ngày được nâng lên, thu nhập tăng theo. Bên cạnh đó, những người tự đi nước ngoài theo diện bảo lãnh, người đi du học sau đó tìm việc ở nước ngoài, người Việt làm cho các dự án của doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài cũng tăng đã góp phần thúc đẩy lượng kiều hối chuyển về nước hàng năm tăng cao.

Bà Trần Thị Trân Châu - Đại học Khánh Hòa đánh giá, kiều hối là nguồn ngoại tệ ổn định, không hoàn lại và đặc biệt tạo ra nguồn vốn cho sự phát triển kinh tế. Kiều hối đóng góp vào xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người lao động. Nguồn vốn này chảy thẳng vào khu vực dân cư, làm gia tăng tiết kiệm quốc gia và thúc đẩy đầu tư tư nhân cao, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao mức thu nhập cho những người nhận kiều hối. Bên cạnh đó kiều hối hỗ trợ cán cân thanh toán quốc gia.

Báo cáo nghiên cứu toàn cầu của HSBC phát hành trong tháng 12/2021, nhận định, Việt Nam thâm hụt thương mại liên tiếp trong quý II và III năm nay do phải giãn cách xã hội chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Việt Nam còn thâm hụt dịch vụ do dịch bệnh ngành du lịch là nguồn thu ngoại tệ nhưng trong gần hai năm qua đã không có du khách quốc tế đến Việt Nam. Thế nhưng, bất chấp đại dịch Covid-19 trong năm 2021, Việt Nam vẫn là nước nhận kiều hối cao thứ ba ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Philippines. Lượng kiều hối gửi về đều đặn từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong năm 2021 là nguồn hỗ trợ có giá trị cho tài khoản vãng lai của Việt Nam chỉ thâm hụt ở mức 0,5% GDP.

Không phủ nhận kiều hối là nguồn lực vàng giúp an sinh xã hội và bổ sung nguồn lực cho phát triển kinh tế, song TS. Nguyễn Ngọc Thao cho biết, để nuôi dưỡng và phát triển nguồn kiều hối, Việt Nam cần thúc đẩy những nhân công có trình độ cao ra nước ngoài làm việc để có nguồn thu nhập cao chuyển về nước. Hơn nữa, cần thay đổi quan điểm những giảng viên trong các trường đại học được đi du học, nếu họ ở lại nước ngoài làm việc có thu nhập gửi về nước sẽ tốt hơn đứng trên góc độ phát triển kinh tế - xã hội trong thời hội nhập.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top