Aa

Kinh doanh homestay ở chung cư, liệu có bị cấm?

Thứ Sáu, 09/10/2020 - 13:20

Pháp luật về nhà ở đã có quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày. Vậy loại hình homestay liệu có nằm ngoài những quy định ấy?

Loại hình kinh doanh homestay ở chung cư, liệu có bị cấm?

Mới đây, cử tri TP HCM đề nghị Bộ Xây dựng giải thích rõ các quy định liên quan đến việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày và chế tài xử lý cụ thể, do hiện nay việc quản lý loại hình cho thuê này hết sức khó khăn, nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao.

Theo đó, liên quan đến các quy định về việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở, tại điểm b khoản 1 Điều 10 của Luật Nhà ở 2014 đã quy định: “Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm". 

Đồng thời, tại Điều 6 của Luật Nhà ở 2014 cũng đã quy định nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

Loại hình kinh doanh homestay ở chung cư, căn hộ hiện nay rất phổ biến tại Việt Nam.

Liên quan đến việc sử dụng nhà chung cư, tại Điều 35 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý sử dụng nhà chung cư, như tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; gây tiếng ồn quá mức quy định của pháp luật hoặc xả rác thải, nước thải, chất độc hại không đúng quy định của pháp luật; thực hiện các hành vi nghiêm cấm quy định tại Điều 6 của Luật Nhà ở...

Như vậy, pháp luật về nhà ở đã có quy định với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị nghiêm cấm.

Cũng tại điểm e Khoản 1 Điều 39, Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ trưởng Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư (gọi tắt là Quy chế 02) quy định: Các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm chấp hành nội quy, quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư cũng như có trách nhiệm thông báo kịp thời về các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Mặt khác, tại khoản 3 Điều 48 và khoản 2 Điều 49 Quy chế 02 đã có quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp phường, quận trong việc giải quyết, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Do vậy, các chủ sở hữu nhà chung cư khi phát hiện có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư cần phản ánh kịp thời đến UBND cấp phường, quận nơi có nhà chung cư để các cơ quan này xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Nói về pháp luật kinh doanh loại hình lưu trú du lịch homestay, Th.s Trần Thị Khánh Chi, (Giảng viên Khoa Luật - Trường Đại học Đà Lạt) cho biết: "Theo quy định của pháp luật hiện hành thì homestay - Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê được hiểu là nhà ở có khu vực được bố trí trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú; khách cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhà. Đây là một loại hình lưu trú du lịch cho nên chủ thể chỉ được kinh doanh lưu trú du lịch kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Do đó, phải đáp ứng những quy định chung về kinh doanh lưu trú du lịch như có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch...

Về chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở và công sở đã có quy định cụ thể việc xử lý các hành vi vi phạm như: Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; kinh doanh vật liệu gây cháy nổ; kinh doanh vũ trường...

Theo đó, Điều 66: Vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư quy định cụ thể:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Gây thấm, dột căn hộ, nhà chung cư;

b) Sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định;

c) Kinh doanh vật liệu gây cháy nổ, dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc dịch vụ giết mổ gia súc;

d) Kinh doanh nhà hàng, karaoke, quán bar tại phần diện tích không dùng để kinh doanh của nhà chung cư hoặc tại phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư nhưng không đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng, chống cháy, nổ hoặc nơi thoát hiểm theo quy định;

đ) Hoạt động kinh doanh (trừ trường hợp quy định tại điểm c, điểm d khoản 1, điểm b khoản 3 Điều này) tại phần diện tích không dùng để kinh doanh của nhà chung cư theo quy định;

e) Không thành lập ban quản trị nhà chung cư theo quy định.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng của nhà chung cư;

b) Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở;

c) Sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM có ý kiến gửi UBND TP HCM để chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư và phát hiện kịp thời, xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng chung cư nói chung và sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

Các chuyên gia tranh luận về quy định này 

Quy định là vậy, tuy nhiên, dư luận lại có nhiều luồng ý kiến trái chiều, bởi loại hình kinh doanh homestay tại căn hộ chung cư hiện nay rất phổ biến và phát triển ở nước ta. Thế nhưng đa số người kinh doanh homestay chung cư cũng chưa nắm được những quy định pháp lý bắt buộc.

Giáo sư Đặng Hùng Võ.

Nói về vấn đề này, trao đổi với PV, GS Đặng Hùng Võ nhận định: "Homestay là một loại hình kinh doanh du lịch cần khuyến khích, tại sao lại có những quy định ngược đời như vậy? Chung cư có thể dùng để ở và có thể dùng cho nhiều việc khác, như thuê văn phòng chẳng hạn, miễn là không ảnh hưởng đến những người khác. 

Tất nhiên, Bộ Xây dựng từng có những quy định như cấm chung cư làm văn phòng, nhưng rồi cuối cùng cũng có triển khai được gì đâu? Vì những điều quy định đưa ra không hoàn toàn phù hợp với cuộc sống. Du lịch homestay thực hiện ở chung cư, điều đó không thể cấm được. Sự thực thì cuộc sống có những quy luật của nó và luật pháp phải dựa vào quy luật của cuộc sống. Nếu đưa ra những quy định không phù hợp thì nó sẽ không thực hiện được".

Cũng trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam có ý kiến ngược lại, đó là không phản đối việc Bộ Xây dựng cấm căn hộ cho thuê theo giờ ngắn ngày. Theo ông Đính, hầu hết, các căn hộ cho thuê ngắn ngày thường hoạt động theo hình thức homestay gia đình tự phát và không thông báo với địa phương. Do đó, công tác quản lý gặp nhiều vấn đề và tạo ra một kẽ hở để nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao...Căn hộ được pháp luật Việt Nam quy định là sản phẩm để ở và không có chức năng kinh doanh. Nếu chủ nhà cố tình cho thuê ngắn ngày sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại địa phương, gây ra các vấn đề xấu tới môi trường hoặc ảnh hưởng tới hộ dân sống xung quanh” - ông Đính nói.

Tuy nhiên, ông Đính cũng kiến nghị Bộ nên tìm ra một giải pháp phù hợp nới lỏng một phần quy định này, để kích cầu du lịch sau khi đại dịch Covid-19 đi qua. “Khó khăn nhất chính là công tác quản lý. Nếu muốn nới lỏng quy định, bắt buộc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà và chính quyền cấp phường, xã. Đồng thời, chủ nhà cũng phải “thành thật” khai báo với cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Đính thẳng thắn chia sẻ.

Rõ ràng, câu chuyện kinh doanh homestay có được thực hiện ở căn hộ chung cư hay không còn nhiều vấn đề đáng bàn. Bộ Xây dựng cần đưa ra những quy định phù hợp hơn với thực tế cuộc sống, rõ ràng và chi tiết hơn để tránh cho những chủ kinh doanh homestay ở căn hộ chung cư “phạm luật mà không biết mình phạm luật”. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top