Aa

Kinh nghiệm của một đô thị quyến rũ

Thứ Năm, 24/09/2020 - 15:34

Có một đô thị nhỏ nhắn như cô gái e ấp, xinh đẹp như nàng tiên trong câu chuyện cổ. Đô thị mang tên Spello.

Đó là thiên đường trên mặt đất này tọa lạc tại thị trấn Spello ở thành phố Umbria thuộc miền Trung Italia. Đây là một thị trấn thuộc loại lâu đời không chỉ ở đất nước hình chiếc ủng mà còn ở châu Âu, bởi nó được hình thành và phát triển phồn thịnh từ thời Trung cổ.

Sự thật gì khi đặt chân tới đây?

“Những ngôi nhà rất mộc mạc thôi mà cuốn hút người ta đến thế!” - Đó là nhận xét của hầu hết những người đến nơi.

Đến đây, không phải chỉ là những du khách tham quan, mà còn bao gồm cả những người làm trong lĩnh vực quản lý đô thị của nhiều quốc gia trên thế giới. Họ đến đây để tận mắt chứng kiến, học hỏi kinh nghiệm của một thị trấn đẹp đến nao lòng.

Đến đây người ta như được thoát khỏi thực tại tù túng, bận rộn trong mớ công việc bộn bề để trở về với những sắc xanh vời vợi của bầu trời, những mờ ảo của màn sương sớm và những sắc màu sặc sỡ của rặng hoa do con người nơi đây dâng tặng. Nơi đây mang lại cho người ta xúc cảm đặc biệt như được đắm chìm và chạm tay vào ký ức xưa.

Phong cách kiến trúc cổ điển cùng cách bài trí ấn tượng trước mỗi căn nhà.

Đã nhiều lần, du khách bị chìm đắm trong không gian vừa như mơ màng, lãng mạn mà rất mực có chủ ý. Người ta có thể tản bộ trên những con đường ngoằn nghèo hư ảo mà không thấy mệt. Những ngóc ngách thi vị nơi đây thu hút biết bao nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ, họa sỹ trên khắp mọi miền thế giới.

Ban ngày, dưới ánh nắng Địa Trung Hải chan hòa, cả thị trấn nhỏ bừng lên khoe sắc, tựa như dải lụa mềm mại, lại có lúc như một bức tranh của họa sỹ tài ba thời cổ. Vì cảnh sắc đẹp tựa thiên đường này, nhiều cặp đôi đã lựa chọn Spello làm nơi chụp ảnh kỷ niệm hoặc làm điểm đến cho chuyến đi trăng mật của mình.

Có những người đến đây không vì mục đích gì ngoài việc khát khao hưởng thụ chút không gian hiếm hoi còn lại của một di sản văn hóa châu Âu thời Trung cổ. Để từ đó tìm cho mình sự thư thái, bình yên trong tâm hồn. Đến đây, họ được sống chậm trong bầu không khí yên bình hòa quyện cảnh sắc thiên nhiên mê hoặc.

Vì đâu mà đô thị này quyến rũ đến vậy?

Chính sách quản lý

Thị trấn Spello, Umbria, Ý là thị trấn có từ thời Trung cổ được xây dựng ở đế chế La Mã. Vì tính lịch sử của nó, chính quyền nơi đây ngay từ buổi đầu đã đồng nhất quan điểm: Giữ gìn tối đa những gì mà lịch sử để lại, vì bất cứ lý do gì.

Các nhà quản lý đã ý thức được, rằng đây là nơi được xem là tốt nhất nếu để cho nó sống như những câu chuyện của thời xa xưa. Họ quyết định triệu tập công dân nơi đây để cùng nhau thống nhất cách thức gìn giữ nơi này. Sự gìn giữ ngày cả những điều nhỏ nhặt nhất như viên đá, viên gạch cổ, hàng rào, cửa sổ, mái che, bờ tường, dậu leo…

Tất cả đều được nâng niu, chăm sóc như tài sản của mỗi gia đình.

Những con phố ở Spello vốn dĩ rất nhỏ. Các ngôi nhà bên đường cách nhau rất ngắn. Xa xưa, tục truyền đó là nhà có những chiến binh nên được hình thành đơn sơ nhưng chắc chắn. Nó nhỏ hẹp để những người sống ở đây có thể í ới gọi nhau, giúp đỡ lẫn nhau, vì nhau mà sống. Thời Trung cổ không có nhiều cơ sở vật chất và người ta dựa vào nhau để vui sống.

Hoa ở những bậc thang tôn vẻ đẹp giản dị mà mê hoặc

Sau này, khi xã hội phát triển thì người đứng đầu khi đó vẫn rất mực trân trọng cách sống ấy nên họ nhất mực kêu gọi cư dân của mình hãy sống theo nếp đó. Tất cả những gì hư hỏng đều phải được chính quyền chấp thuận, kể cả con đường phía trước mặt nhà hay bờ tường khuôn viên. 

Những thay đổi và hư hại theo thời gian là điều bất khả kháng nên những nhà quản lý phải rất cầu kỳ nghiên cứu cho bất cứ một thay đổi nhỏ. Họ làm như thế không phải cho bản thân họ, mà là vì cộng đồng và vì giá trị mà họ cảm nhận. Chính vì quan niệm như vậy nên bao năm qua, trải qua thăng trầm, nơi đây ngày nay vẫn tuyệt đẹp như một bức tranh.

Thái độ cộng đồng

Cung cách quản lý của chính quyền tốt nhưng nếu thiếu sự hợp tác của cộng đồng thì khó có thể làm nên kỳ tích ngày hôm nay. Rất may mắn, nơi đây người dân đã đồng tâm nhất trí với nhau để tạo nên một nơi tuyệt vời như vậy.

Họ tôn trọng thiên nhiên, yêu cây cỏ. Mỗi người đều có ý thức hệ “cộng đồng cùng nở hoa”, tỉa tót, chăm sóc từng gốc cây ngọn cả để quanh năm ngập tràn trong sắc hoa tươi thắm. Không có đất thì trồng trên bậu, trên lan can, trên bờ tường… bất cứ nơi nào cũng có màu sắc của thiên nhiên. Thật sự không quá lời khi gọi thị trấn nhỏ ở đất nước Italia này là thiên đường cổ tích.

Nét đẹp không thể chối từ dẫu vô cùng mộc mạc

Đường mòn nhỏ hẹp y như thời cổ, sạch sẽ và quang đãng như chưa từng có sự hiện diện của bao thế hệ du khách. Nơi đây, chính quyền địa phương có cách quản lý nghiêm ngặt với du khách, một cọng rác hay một thái độ hành xử không đẹp với thiên nhiên sẽ bị loại trừ ngay tức thì để làm gương cho những du khách khác. Thế nhưng, không phải vì thái độ ấy mà cư dân nơi đây kém thân thiện với khách thập phương. Ngược lại, họ được chính quyền thông suốt, rằng chính khách du lịch là nguồn đem lại tài chính và niềm vui nên phải rất mực cung kính và thân thiện.

“Chiến lược truyền thông”

Thông thường, một nơi chốn muốn cho nhiều người biết đến thì phải có chiến lược quảng bá rất bài bản, bao gồm cả nhân lực, nguồn lực kinh tế khổng lồ. 

Thế nhưng, tại đây, người ta có “chiến lược truyền thông” rất đơn giản, thô sơ. Đó là làm tốt công tác quản lý, kết hợp ý thức cộng đồng, tạo hình ảnh đẹp cho du khách, từ đó chính du khách là phương thức truyền thông hiệu quả hơn cả.

Không có những cau có, không có những lời thô tục, không có sự khó chịu, không có sự “bắt nạt” du khách. Những nụ cười hiền hậu, câu chào nói khiêm nhường, sự tận tâm chỉ dẫn… cùng với phong cảnh, nếp nhà, kiến trúc nơi đây đã làm nên vẻ đẹp cổ tích đích thực. Đó chính là “chiến lược truyền thông” hiệu quả nhất mà nơi đây áp dụng.

Người ta an tâm và vô cùng thích thú, phương thức truyền miệng lan tỏa sau những trải nghiệm quanh những con phố cổ, thả hồn thư giãn theo những bước chân bởi từng con đường nhỏ uốn lượn khám phá rất nhiều ngóc ngách thú vị trong thị trấn yên bình này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top