Aa

Kinh tế đêm - “đòn bẩy“ để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng hậu Covid-19

Thứ Sáu, 15/04/2022 - 06:08

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia khi nhắc tới việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng sau hai năm chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19.

Du lịch, nghỉ dưỡng 2022 trước vận hội mới

Từ đầu năm 2022, nền kinh tế nói chung và lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng nói riêng đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Từ cơ chế chính sách đến tâm lý du khách đã dần được “tháo gỡ”. Theo các chuyên gia, đây sẽ là yếu tố cốt lõi thúc đẩy bất động sản du lịch khởi sắc và bước vào đà hồi phục nhanh chóng.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trải qua 2 năm sống chung với đại dịch Covid-19, các hoạt động kinh tế đều bị cầm chừng, đặc biệt là ngành du lịch. Đây là lĩnh vực gần như phải dừng lại hoàn toàn, nhiều địa phương ghi nhận tăng trưởng âm.

Do đó, với việc phủ vắc-xin cùng những chính sách cởi mở về du lịch đang dần mang lại sức sống mới cho một trong những ngành năng động nhất của nền kinh tế Việt Nam. 

“Chỉ trong tháng 3/2022, đã có khoảng 15.000 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nâng số khách du lịch đến trong quý I/2022 lên mức trên 22.000 người. Khách du lịch nội địa cũng tăng trưởng không ngừng khi các đường bay được nối lại bình thường. Đây là những dấu hiệu tích cực cho một vận hội mới đang mở ra”, ông Nguyễn Văn Đính nhìn nhận. 

Bất động sản du lịch đang đứng trước nhiều cơ hội mới. (Ảnh minh hoạ)

Đồng quan điểm, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng đánh giá, thị trường bất động du lịch, nghỉ dưỡng năm 2022 đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Đó là các chính sách mở cửa đường bay, giúp nối lại khách du lịch trong nước và quốc tế; tâm lý vững vàng của người dân; sự quan tâm của Chính Phủ với gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ; hạ tầng giao thông được chú trong đẩy mạnh… Dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ đạt mức tăng trưởng từ 6 - 7%. Trong trường hợp, các sự kiện địa chính trị trên thế giới ảnh hưởng lớn, lạm phát tăng cao, mức tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ đạt mức 5%. 

"Tâm thế của doanh nghiệp và người dân khi bước sang năm Covid-19 lần thứ ba đã khác hoàn toàn so với năm thứ nhất và thứ hai. Nỗi sợ dịch bệnh đã không còn là nỗi lo lớn nhất thay vào đó là nỗi lo về kinh tế, về thu nhập. Vì vậy, kể cả trong bối cảnh dịch có diễn biến phức tạp trong năm nay, ngành du lịch nước ta vẫn sẽ mở cửa và hồi phục mạnh mẽ. Minh chứng là ngày 15/3 vừa qua, các đường bay quốc tế và trong nước đã hoàn toàn hoạt động trở lại, lượng du khách tăng lên nhanh chóng. Đây là động lực quan trọng cho ngành du lịch cả nước trong năm 2022 và thời gian tới, khẳng định ngành du lịch nước nhà đã dần được "thức tỉnh", phục hồi phát triển như một ngành mũi nhọn, tạo đà tăng trưởng cho các lĩnh vực khác", PGS. TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận.

Cũng theo chuyên gia này, Việt Nam vốn sở hữu nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hoá, lịch sử, là điểm đến ưa thích của nhiều quốc gia trên thế giới nên ngành du lịch, nghỉ dưỡng sẽ nhanh chóng vực dậy. Trong thời gian tới, sẽ có nhiều dự án lớn được đầu tư bài bản, quy mô, mang tầm đẳng cấp quốc tế đến từ các chủ đầu tư tên tuổi được ra đời. 

Thực tế cũng cho thấy, từ đầu năm 2022, hàng loạt các dự án bất động sản nghỉ dưỡng mới đã được triển khai xây dựng. Đơn cử như Hoà Bình, Hội đồng Nhân dân tỉnh vừa phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng 50ha đất rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc, Hòa Bình.

Tại Thanh Hóa, Tập đoàn Flamingo cũng công bố sẽ xây dựng tòa tháp Ibiza Party Resort tại Hải Tiến. Đây là tòa tháp gần 600 phòng khách sạn, dự kiến đi vào hoạt động trong quý IV/2023.

Hay mới đây, tại huyện Tam Nông (Phú Thọ), Tập đoàn T&T Group đã chính thức khởi động dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông với quy mô gần 500ha, tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng. Đây là dự án khu đô thị sinh thái và sân golf có quy mô lớn nhất tỉnh Phú Thọ tính đến thời điểm hiện nay.

Việc các dự án bất động sản nghỉ dưỡng liên tục “bung hàng” bất chấp dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm liên tục tăng cao tại nhiều địa phương cho thấy sự quyết tâm khởi động để tăng tốc của phân khúc này trong bối cảnh "bình thường mới".

Đẩy mạnh khai thác "khoảng trống" kinh tế đêm 

Đứng trước nhiều cơ hội cho việc khởi động và phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, song các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường này vẫn còn những "khoảng trống" cần được chú trọng đầu tư, nổi bật là vấn đề khai thác kinh tế đêm.

Hiện nay, nhiều địa điểm du lịch trên cả nước đang phát triển du lịch một mùa, du lịch ban ngày chưa thu hút được khách tới du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh văn hoá. Các địa phương vẫn còn thiếu những sản phẩm du lịch mang dấu ấn bản địa và chưa phát triển đúng tầm mô hình kinh tế đêm.

Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, để bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng bứt phá mạnh giai đoạn hậu Covid-19 cần tập trung đẩy mạnh du lịch về đêm.

Kinh tế đêm là đòn bẩy để phát triển du lịch hậu Covid-19. (Ảnh minh hoạ)

Ông Phạm Trung Hiếu, Trưởng đại diện văn phòng Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tại Quảng Ninh nhìn nhận, kinh tế ban đêm hay du lịch ban đêm sẽ đem lại một nguồn thu lớn, là sức hấp dẫn mạnh các du khách nước ngoài và tối ưu hoá những lợi thế của khu vực. Hơn hết, sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch, kinh tế đêm chính là đòn bẩy giúp ngành du lịch nhanh chóng hồi phục và phát triển.

Song hiện tại, nhiều địa điểm du lịch trên cả nước vẫn chưa chú trọng vào khai thác mảng kinh tế này, chỉ mới tập trung du lịch ban ngày. Đây là một khoảng trống, sự thiếu sót trong việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

"Tại Quảng Ninh hay khu vực Duyên hải Bắc Bộ của chúng tôi cũng vậy. Vốn sở hữu những ưu thế về tự nhiên, văn hoá, lịch sử, kinh tế ban đêm sẽ là giải pháp giúp thúc đẩy ngành du lịch vùng trở nên hoàn thiện và đa dạng, hướng tới được đông đảo đối tượng du khách tham quan, nhưng hiện nay nó lại không được đẩy mạnh. Vì vậy, trong thời gian tới, đây sẽ phải là vấn đề mũi nhọn được quan tâm triển khai", ông Hiếu khẳng định.

Theo đó, vị chuyên gia cũng nêu rõ, các địa điểm du lịch trên cả nước cũng cần tăng cường các dịch vụ hoạt động ban đêm một cách quy mô và bài bản. Đồng thời, các tỉnh thành cần có những chính sách khuyến khích đầu tư nhiều hơn nữa các dự án, công trình để khách du lịch có nhiều lựa chọn; cần tiếp tục hình thành những khu du lịch có quy mô lớn, chức năng kết hợp được nhiều hoạt động, nhiều mục đích.

Cuối cùng, các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cần phải có những giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, tính đa dạng và chất lượng dịch vụ cung cấp nhằm thu hút, thoả mãn và duy trì khách du lịch đến với cơ sở, tạo hiệu quả cao trong khai thác kinh doanh.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng nhìn nhận, kinh tế đêm không còn mới vì thế giới đã phát triển từ lâu, phải là nguồn lợi lớn thì các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển mới chú trọng. Vì vậy, Việt Nam cũng không nên bỏ lỡ cơ hội này để thúc đẩy ngành du lịch tăng tốc ở giai đoạn hậu Covid-19. 

Tuy nhiên, để phát triển hiệu quả và bền vững, cần có cơ chế, chính sách cho hoạt động ban đêm rõ ràng, minh bạch và có chế độ riêng. Ví dụ như chế độ lương thưởng phù hợp cho lực lượng công an, quản lý thị trường…

"Cần quan tâm yếu tố an ninh, an toàn cho hoạt động của các cơ sở kinh doanh ban đêm. Bởi nếu phát triển kinh tế ban đêm mà tội phạm phát triển theo thì du khách cũng... chả dám tới", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top