Aa

Kinh tế hồi phục tạo động lực cho tín dụng

Thứ Sáu, 18/02/2022 - 14:14

Kinh tế phục hồi sẽ mở ra cho các ngân hàng nhiều dư địa tăng trưởng, trong đó mảng tăng trưởng đột phá được nhiều ngân hàng kỳ vọng là tín dụng bán lẻ.

Để hỗ trợ nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2022, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, nhưng sẽ được linh hoạt tuỳ diễn biến thực tế. Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% hoàn toàn có thể đạt được trong năm 2022, thậm chí có thể cao hơn. Nhưng điều có ý nghĩa ở đây không chỉ ở con số mà là thông điệp điều hành chính sách linh hoạt của NHNN.

“Điều đó cho thấy cơ quan điều hành tiếp tục duy trì sự mềm dẻo trong điều hành chính sách, vừa gắn với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, TS. Thành cho biết và nhấn mạnh thêm, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp rất nhiều biến động do tác động của dịch bệnh, điều hành chính sách tiền tệ cũng như các chính sách khác phải rất linh hoạt, thiết thực để hỗ trợ được nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, cần phải phối hợp nhịp nhàng giữ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023.

Nhiều chuyên gia cũng dự báo, động lực tăng trưởng tín dụng năm nay tích cực hơn so với năm 2021. Đó là triển vọng GDP năm nay tăng trưởng 6 - 7%, độ phủ vắc-xin ngày càng lớn, xuất khẩu tăng trưởng tích cực, Chính phủ đang đốc thúc triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội...

Theo TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sẽ tác động đến cả phía cung và phía cầu, góp phần khôi phục và thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất và tiêu dùng, hỗ trợ cho sự tăng trưởng của ngành Ngân hàng năm 2022 nói chung, tăng trưởng tín dụng nói riêng.

Báo cáo về ngành Ngân hàng mới đây của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng lạc quan đánh giá, năm 2022 các chương trình phục hồi nền kinh tế sẽ tác động tích cực lên ngành Ngân hàng. “Các gói hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo niềm tin doanh nghiệp, cải thiện lưu thông và dòng tiền, đồng thời giảm tổn thất tín dụng với mức độ tùy thuộc vào quy mô, tiến độ và hiệu quả của gói kích thích và đà phục hồi. Khi điều kiện kinh doanh được cải thiện sẽ hạn chế rủi ro tín dụng của nền kinh tế. Từ đó thúc đẩy cung - cầu về tín dụng”, VDSC nhận định.

Mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp.

Thực tế đã chứng minh cho nhận định lạc quan trên là hoàn toàn có cơ sở khi tính đến ngày 28/1/2022, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so cuối năm 2021 cao hơn nhiều mức tăng 0,53% của tháng 1/2021. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng khi tháng 1 theo quy luật hàng năm, thường tín dụng tăng thấp.

“Dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm cho thấy khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới khá tích cực. Nhất là tại các địa phương kiểm soát dịch bệnh, doanh nghiệp trên địa bàn phục hồi nhanh”, một chuyên gia ngân hàng nhìn nhận.

Kinh tế phục hồi sẽ mở ra cho các ngân hàng nhiều dư địa tăng trưởng, trong đó mảng tăng trưởng đột phá được nhiều ngân hàng kỳ vọng là tín dụng bán lẻ. Tổng giám đốc VIB Hàn Ngọc Vũ cho hay, hiện dư nợ cá nhân hộ tiêu dùng trên GDP ở Việt Nam khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore. Tỷ lệ thâm nhập của sản phẩm cho khách hàng cá nhân ở Việt Nam, như cho vay mua nhà, thẻ tín dụng hoặc bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng, hiện cũng chưa cao. Trong khi đó, tỷ lệ dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh và sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong dân số, hứa hẹn mang đến cơ hội rất lớn cho mảng bán lẻ, thúc đẩy nhu cầu nhà ở, tiêu dùng thời gian tới.

Một yếu tố nữa đang được kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng trưởng tín dụng đó là mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức rất thấp. Tuy nhiên lãi suất đang chịu nhiều áp lực. TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, dư địa giảm lãi suất ngày càng hạn hẹp. Tại Việt Nam, dù áp lực lạm phát trong nước không quá lớn nhưng chịu sức ép từ bên ngoài, nhất là nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Trong khi cầu tín dụng tăng trở lại, thanh khoản hệ thống bớt dồi dào ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để hút vốn. Về lý thuyết nếu phải tăng giá đầu vào, thì các ngân hàng khó mà giảm được thêm lãi suất đầu ra.

Giám đốc Khối Tài chính VPBank Lê Hoàng Khánh An nhận định, kinh tế Việt Nam đang quay về trạng thái vận hành bình thường sau giai đoạn chống dịch. Hơn nữa, từ cuối năm 2021, dòng tiền dân cư có sự dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang kênh chứng khoán, bất động sản khiến huy động vốn trên thị trường 1 của các ngân hàng trở nên khó khăn và cạnh tranh hơn. Do đó, mặt bằng lãi suất năm 2022 dự kiến tăng, không còn thấp như năm 2021 nữa.

Đồng quan điểm, lãnh đạo một ngân hàng cũng thừa nhận, năm 2022, mặt bằng lãi suất huy động rẻ sẽ không còn nữa. Song, dù chi phí đầu vào bị đội lên, nhưng ngân hàng cũng cố duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ổn định. Vì dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, sự phục hồi của nền kinh tế chưa thể vững nên mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được ngân hàng đặt lên hàng đầu. Doanh nghiệp có mạnh thì ngân hàng mới khoẻ.

Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Trong đó Thủ tướng yêu cầu NHNN Việt Nam trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh…

Trao đổi với phóng viên, bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách Nhà nước đang được NHNN khẩn trương hoàn thiện để gửi các bộ, ngành cho ý kiến trong tuần này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top