Aa

Kinh tế Việt Nam: Hồi phục và thách thức phát triển

Thứ Hai, 05/07/2021 - 06:35

Kinh tế Việt Nam đang tiếp tục hồi phục, nhưng chặng đường phía trước còn nhiều thách thức.

Dấu hiệu phục hồi

Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào những con số vừa được Tổng cục Thống kê công bố, thì có thể khẳng định, kinh tế Việt Nam đang trong xu hướng phục hồi. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý II ước đạt 6,61%, 6 tháng là 5,64%. Đó là mức tăng trưởng khá, nhất là khi so với tốc độ tăng trưởng 0,39% của quý II/2020 và 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020.

Chính vì vậy, khi công bố số liệu, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã một lần nữa khẳng định, kết quả tăng trưởng đã cho thấy “sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021”.

Với GDP tăng trưởng 5,64% trong 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đang trong xu hướng phục hồi
Với GDP tăng trưởng 5,64% trong 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đang trong xu hướng phục hồi. Ảnh: Đ.T

Có thể kể hàng loạt chỉ số cho thấy sự phục hồi này. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm nay tăng 8,91% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020. Sản xuất nông nghiệp cũng tích cực, đạt 3,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 4,24% của 6 tháng đầu năm 2011 trong giai đoạn 2011-2021 và cao hơn nhiều so với mức tăng 2,42% của 6 tháng đầu năm 2020.

Tương tự, theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%...

Đó là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2021. Thậm chí, nếu cần thiết, có thể viện dẫn các con số về tốc độ tăng trưởng GRDP của các địa phương. Theo đó, đầu tàu kinh tế của cả nước là TP.HCM vẫn đạt mức tăng trưởng 5,46%, cao hơn mức tăng 1,02% của cùng kỳ năm trước, bất chấp việc vừa phải trải qua 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội.

Trong khi đó, Đà Nẵng đã thoát tăng trưởng âm, đạt 4,9%. Con số này ở Cần Thơ là 5,6%, Hà Nội là 5,91%, Hải Phòng lên tới 13,5%, Bình Dương là 7,23%, Đồng Nai là 5,74%...

Mặc dù các chỉ số tăng trưởng của quý II và 6 tháng đầu năm là “khá tích cực”, song một cách thẳng thắn, một chuyên gia kinh tế đã nói với phóng viên rằng, con số này là “thấp”, bởi tốc độ tăng trưởng này được so với nền tăng trưởng rất thấp của quý II và 6 tháng đầu năm ngoái. Quý II/2020 là thời điểm kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19.

Năm nay, trải qua 2 đợt dịch Covid-19 thứ ba và thứ tư, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Tốc độ tăng trưởng quý II và 6 tháng đầu năm đều thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng được ban hành kèm theo Nghị quyết 01/NQ-CP, cũng như kịch bản được điều chỉnh trong quý I/2021. Thậm chí, còn thấp hơn cả con số 5,8% mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự ước và báo cáo Chính phủ cách đây chưa lâu.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, trong cuộc tọa đàm Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức mới đây cũng đã nói rằng, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm này dù “đáng khích lệ”, nhưng cũng “cho thấy những dấu hiệu không mấy khả quan”.

Chặng đường trắc trở

Cũng vì nhận định có những dấu hiệu “không mấy khả quan”, nên ông Cấn Văn Lực cho rằng, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay là “cực kỳ khó”.

Theo dự báo của ông Lực, con số đạt được có thể ở mức 6,1 - 6,3%. “Tăng trưởng kinh tế năm nay phụ thuộc nhiều vào diễn biến của Covid-19. Đạt được con số trên cũng đã là một thành công, bởi vượt mục tiêu Quốc hội đề ra”, ông Lực nói.

Tăng trưởng GDP quý II ước đạt 6,61%, 6 tháng là 5,64%. Đó là mức tăng trưởng khá, nhất là khi so với tốc độ tăng trưởng 0,39% của quý II/2020 và 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020.

Cuối năm ngoái, Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng 6%, trong khi Chính phủ đặt quyết tâm đạt mức 6,5%.

“Tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ khó đạt mục tiêu đề ra. Với diễn biến dịch Covid-19 hiện nay, thì nền kinh tế sẽ gặp không ít khó khăn trong quý III, tốc độ tăng trưởng có thể bị chậm lại”, một chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.

Trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế đã không đạt mục tiêu đề ra và điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng cả năm. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, trong hai quý cuối năm, tốc độ tăng trưởng phải đạt con số 7,2%, nhưng theo ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), đạt được con số này là “rất khó khăn”.

Vì thế, chặng đường hồi phục kinh tế của Việt Nam càng thêm trắc trở.

Hãng truyền thông Bloomberg vừa công bố bảng xếp hạng theo tháng đánh giá khả năng phục hồi của 53 nền kinh tế, từ mức tốt nhất cho tới mức tệ nhất. Theo đó, Việt Nam xếp vị trí thứ 40, ngay sau Thái Lan và ở trên Indonesia, Malaysia, Philippines. Khá lạc quan, Bloomberg dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2021.

Tuy nhiên, chỉ mới hồi tháng 4, Bloomberg đã xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 11, với dự báo tăng trưởng đạt 7,3%.

Rõ ràng, đợt dịch Covid-19 thứ 4, bùng phát vào cuối tháng 4/2021 đã khiến tình thế xoay chuyển khá nhiều, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức hơn.

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đã chỉ ra tới 4 vấn đề mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong quá trình phục hồi. Đó là khan hiếm nguồn cung; năng lực logistics, hậu cần, vận tải chưa đáp ứng được quá trình phục hồi kinh tế; lạm phát đang có xu hướng tăng; dịch bệnh đang “đánh” vào các trung tâm sản xuất lớn ở Việt Nam.

Trong khi việc sản xuất tại Bắc Ninh, Bắc Giang còn chưa phục hồi, thì lần lượt các trung tâm sản xuất lớn khác như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… cũng đang bị dịch Covid-19 tràn qua. Đặc biệt, TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - hiện đóng góp tới 22% kinh tế của cả nước - đang phải trải qua đợt giãn cách xã hội thứ 3. Nếu kinh tế TP.HCM, kể cả Đồng Nai và Bình Dương bị ảnh hưởng, thì tăng trưởng kinh tế của cả nước cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Thực tế, dù 6 tháng đầu năm, các đầu tàu kinh tế này vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá, nhưng lại vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Điều đó có nghĩa, vai trò “đầu tàu” chưa được phát huy. Để kinh tế cả nước hồi phục, thì trước tiên, cần sự phục hồi từ chính các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top