KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh: Hành trình đi tìm bản sắc kiến trúc Việt

KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh: Hành trình đi tìm bản sắc kiến trúc Việt

Thứ Bảy, 20/02/2021 - 06:00

Trong cuộc trò chuyện với PV Reatimes, KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh lý giải: Con đường đến với trái ngọt chính là một hành trình mang đậm 2 chữ “trải nghiệm”. Đó là chìa khoá để anh từng bước xây dựng ngôn ngữ kiến trúc khác biệt cho chính mình, bằng những công trình mang dấu ấn bản sắc Việt đương đại.

PV: Từ khi nào, trong tâm thức anh đã hình thành việc theo đuổi yếu tố bản địa trong các công trình kiến trúc?

KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh: Trong quá trình làm việc, tôi có cơ hội đến nhiều vùng miền khác nhau. Tôi nhận ra rằng, mỗi nơi đều mang một đặc trưng riêng, từ giọng nói, món ăn đến khí hậu, bối cảnh khác nhau. Công trình ở địa phương này không thể giống công trình địa phương khác.

Điểm chung của bản sắc văn hoá Việt Nam là mỗi nơi đòi hỏi cách nghiên cứu, đề cập, xử lý từng vấn đề khác nhau. Mỗi công trình đặt ra yêu cầu: Làm sao đưa nơi chốn đó trở nên đẹp hơn bằng những thủ pháp sử dụng vật liệu từ chính không gian đó? Hay làm sao để thiết kế một công trình thuộc về chính nơi đó, chứ không phải từ nơi khác.

Những suy nghĩ và trải nghiệm từ việc đi nhiều nơi đã dần hình thành ý tưởng trong các công trình của tôi với yếu tố bản địa là sự xuyên suốt. Đó là ngôn ngữ kiến trúc mà tôi sẽ theo đuổi cho đến khi không còn làm nghề. Bởi đó là con đường mang lại giá trị đích thực trong cuộc sống cho chính tôi.

PV: Đến thời điểm hiện tại, công trình kiến trúc nào khiến anh tự hào và tâm đắc nhất?

KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh: Mỗi công trình là một tác phẩm đầy ấn tượng với chính tôi. Trong đó, Naman Retreat Pure Spa là một trong những công trình tiêu biểu khiến tôi tự hào vì đã nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng kiến trúc sư trong và ngoài nước. Đây là công trình để lại cho người ta cảm xúc muốn được xem lâu, được trải nghiệm. Đây cũng là công trình tạo cảm hứng cho nhiều bạn KTS trẻ.

Với tôi, một công trình không phải xây xong đẹp là hoàn thành, mà còn phải là khả năng cảm hứng cho đồng nghiệp cũng như cách mà tôi được khơi dậy cảm hứng từ những kiến trúc sư khác đi trước. Trải nghiệm từ quá trình làm nghề đã khiến tôi rút ra được nhiều điều quý giá.

PV: Anh đã đưa yếu tố bản địa vào công trình Naman Retreat Pure Spa như thế nào?

KTS Nguyễn Hoàng Mạnh: Để Naman Retreat Pure Spa ra đời, tôi đã dành nghiên cứu về bối cảnh, không gian, khí hậu vùng miền Đà Nẵng. Tôi cũng nghiên cứu bản sắc quen thuộc của người Đà Nẵng, Hội An. Tôi nhận thấy, họ chuộng sống trong những căn nhà nhỏ với tán cây trước nhà tạo ra bóng mát và các khoảng trống bên trong để không gian được “xốp”, giao hòa với thiên nhiên nhiều hơn.

Từ đó, với Naman Retreat Pure Spa, tôi sử dụng mành rèm bằng vật liệu cúc tần Ấn Độ, cùng thủ pháp sử dụng vật liệu đơn giản. Khi ánh nắng thay đổi, bóng đổ thay đổi, thiên nhiên xung quanh được thở, tốt cho không gian của kiến trúc. Không gian của resort được tối ưu từng khoảng ngoài trời nhằm tiết kiệm tiêu thụ năng lượng cho toà nhà, tạo cảm xúc gần gũi với thiên nhiên. Đó là yếu tố quan trọng cho một công trình spa: Vừa thoải mái, vừa đầy sinh khí và pha sự hứng thú.

PV: Và một công trình mới đây nhất của anh được cộng đồng KTS đón nhận với cảm xúc ấn tượng, đó là Ashui Pavillion 2021 "Bụi rơm". Điều gì khiến anh quyết định mang đến giữa Sài Gòn sôi động, ồn ào một hình ảnh gắn liền với làng quê Việt Nam xưa?

KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh: Bụi rơm cũng không loại trừ cảm xúc của nơi chốn khi đến bối cảnh đặt trong thành phố: Khu vườn Thảo Điền. Đây là khu vực có mật độ xây dựng cao. Nhưng trong khu vườn Thảo Điền, tất cả không gian gợi nhớ về cánh đồng quê ở Việt Nam với từng con kênh, luống rau sạch. Tất cả mang lại cảm xúc trong quá khứ, sự quen thuộc và gần gũi trong không gian đặc thù. Bối cảnh đã sẵn đẹp và nhiệm vụ của KTS là đem một công trình vào phù hợp với nơi đó, không để “chọi” lại bối cảnh. 

Khi đó, tôi nhớ đến làng quê Việt Nam với nền văn hoá lúa nước. Mỗi gia đình có bụi rơm kế bên, nơi không chỉ gắn với tuổi thơ của những thế hệ đã trưởng thành mà còn là nơi tạo ra nhiều cảm xúc của thiên nhiên giao hòa. Tôi đã đưa hình ảnh bụi rơm vào để tạo cảm xúc cho khu vườn Thảo Điền và không phá đi cái đẹp đã có sẵn. Với tôi, “nhiều khi kiến trúc không cần phải nói nhiều, cứ trải nghiệm từng bước rồi cảm xúc sẽ được thăng hoa”.

Công trình Bụi rơm.

PV: Liệu có một công thức chung nào để cân đo đong đếm yếu tố bản địa trong các công trình kiến trúc, thưa anh?

KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh: Các công trình kiến trúc là dành cho người Việt Nam, ở tại Việt Nam. Khi nói đến công trình Việt Nam, đầu tiên, chúng ta phải nhắc tới khí hậu vùng miền, bối cảnh của công trình sẽ ra đời như thế nào trong điều kiện sinh hoạt làng xóm có tính cộng đồng cao, thể hiện qua đình làng, qua giao lưu tầng bậc trong xã hội… từ đó hình thành văn hoá. Kiến trúc chính là bức tranh phản ánh văn hoá, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con người nội tại. 

Thế nên, thông thường đình làng Việt Nam có kiến trúc khoe mái, phía ngoài nhà thấp, phía trong cao hơn để che nắng gắt và che mưa, tạo ra thông gió tự nhiên. Cảm xúc với con người phải có tỷ lệ cân đối, hài hoà với không gian.

Lịch sử kiến trúc Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi nhiều phong cách kiến trúc khác nhau do nước ta trải qua hàng trăm năm bị đô hộ, từ Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản đến Mỹ. Thế nên, kiến trúc Việt Nam có sự biến thể, pha tạp qua các thời kỳ. Một bản sắc không rõ ràng nhưng bản sắc còn lại thấy được để thành kiến trúc Việt Nam là khí hậu vùng miền, nét sinh hoạt mang tính tập tục. Đó là 2 điểm mà những KTS Việt Nam cần khai thác tốt hơn để hình thành một thực thể rõ nét để các thể hệ sau tiếp bước thực hiện.

PV: Một KTS khác đã từng nói: “Các công trình của KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh thoạt nhìn rất “phương Tây”, không khai thác nhiều chi tiết, họa tiết dân gian nhưng trong đó vẫn khai thác giá trị nơi chốn từ địa hình, phương hướng, vật liệu, khai thác yếu tố môi trường để kiến tạo vi khí hậu trong công trình”. Anh có thể chia sẻ rõ hơn yếu tố “phương Tây” trong các công trình kiến trúc của mình?

KTS Nguyễn Hoàng Mạnh: Bản chất kiến trúc thuộc về ngành nghệ thuật sáng tạo. Sáng tạo phải là làm ra cái mới, không phải đi sao chép cái cũ và quá khứ, cũng không phải vẽ thật nhiều để cuối cùng không thấy gì. Kiến trúc trong ngành nghệ thuật của tôi đi theo xu hướng đương đại. Nó thể hiện quan điểm, không gian, vật liệu, cảm xúc nơi chốn gắn nơi đó. Như một nhạc sĩ sáng tác, họ có thể chơi nhạc cổ điển nhưng không thể nói là sáng tác nhạc cổ điển được. Thế nên, phong cách kiến trúc đương đại phảng phất nét Tây là điều đương nhiên. Bởi thủ pháp của kiến trúc đương đại sẽ cần tiệm cận với thế giới qua các điều kiện kỹ thuật xây dựng và tiếp cận vật liệu mới. Tuy nhiên, bản sắc văn hoá của mình chính là không gian đó phải rất Việt Nam, đặt trong bối cảnh ở Việt Nam, không phải ở phương Tây.

PV: Có bao giờ anh cảm thấy đơn độc khi lựa chọn con đường khác biệt, đó là theo đuổi, tạo dựng những công trình mang đậm bản sắc Việt, trong khi, nhiều KTS lại lựa chọn hơi hướng hiện đại, mang yếu tố Tây hoá?

KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh: Tôi chưa bao giờ suy nghĩ mình đơn độc khi theo đuổi kiến trúc mang bản sắc Việt. Tôi quen nhiều anh em trong nghề cùng thế hệ, hay ngay cả khác thế hệ đều làm kiến trúc bằng cái tâm. Họ không coi kiến trúc là một nghề để kiếm sống hay kinh doanh bằng nghề đó. Xác định làm nghề kiến trúc là một con đường rất khó và dài để theo, không dễ thành công và không biết bao giờ thành công. Đó là sự kiên trì, đam mê, tâm huyết của nghề nghiệp, là sự cố gắng nỗ lực mỗi ngày để đạt được kết quả tốt hơn.

Muốn thành công trong nghề kiến trúc, các KTS cần dấn thân. Nếu chúng ta chọn con đường dễ, không suy nghĩ về nó nhiều, chúng ta sẽ không thể làm được điều vĩ đại còn chờ ở phía trước. Tuy nhiên, chúng ta có nhiều cách để đi bởi xã hội là sự muôn hình muôn vẻ. Những người có nhu cầu khác nhau sẽ có quan điểm, nhận thức khác nhau. Đó là câu chuyện rất bình thường.

Riêng với tôi và những người đồng nghiệp cùng chung định hướng đều xác định rõ con đường đi: Làm sao xây dựng bản sắc đương địa kiến trúc Việt đi ra thế giới để có thể nói rằng: “Đây là bản sắc của kiến trúc Việt Nam từ góc nhìn của thế kỷ 21, không phải từ thế kỷ 18” hay là của một ai khác mang về Việt Nam. Đó là mong mỏi, đam mê của chúng tôi khi làm việc.

PV: Nhìn thực tế, các công trình nhà ở đều “chuộng” quảng cáo: Mang dấu ấn châu Âu. Đó có phải là điểm khó của anh khi thuyết phục chủ đầu tư lựa chọn ngôn ngữ, phong cách kiến trúc mang bản sắc Việt?

KTS Nguyễn Hoàng Mạnh: Cách đặt vấn đề của tôi không đi theo xu hướng. Tôi không muốn mình giống ai. Trong một bối cảnh không gian như vậy, công trình của tôi sẽ được đặt ra để giải quyết đúng vấn đề yêu cầu để mặc nhiên công trình thuộc về nơi đó như một lẽ tự nhiên. Khi gắn với yếu tố tự nhiên xung quanh, công trình tự mang lại giá trị, tự cất tiếng nói của chính mình mà không cần phải giải thích hay cố gắng, làm gì thêm.

PV: Làm thế nào để anh đối thoại và thuyết phục được chủ đầu tư đồng thuận với các ý tưởng, quan điểm thiết kế của chính mình?

KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh: Theo dòng thời gian trải nghiệm, tôi học được rất nhiều. Tư vấn của tôi ngày càng tốt hơn trong đối thoại với chủ đầu tư. Quá trình làm nghề theo thời gian đã giúp tôi thực hành, đúc kết trải nghiệm khác nhau. Quá trình này đã giúp gọt giũa, rèn luyện giúp tôi khả năng tư vấn với một góc nhìn đa chiều để chủ đầu tư hiểu về công trình sẽ xây dựng. Khi tư vấn tốt, chủ đầu tư sẽ đồng thuận với phương án của mình. 

Sắc xanh trong công trình Naman Retreat Pure Spa của KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh.

PV: Xuyên suốt cuộc trò chuyện vừa rồi, có một từ mà anh nhắc đến nhiều lần, đó là: “trải nghiệm”. Với anh, “trải nghiệm” có ý nghĩa như thế nào trong quá trình làm nghề?

KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh: Người ta vẫn thường nói rằng, một KTS vẽ 100 đồ án trên giấy nhưng không có ý nghĩa nếu không được đưa vào triển khai thi công. Chỉ cần KTS có 1 đồ án được xây đã bằng 1.000 đồ án trên giấy.

Kiến trúc không phải là một mặt hàng như người ta đi vào showroom mua ô tô với các giá tiền khác nhau. Họ nhìn thấy bằng trực quan và được thử lái chiếc xe đó. Nhưng kiến trúc hoàn toàn khác, khi chủ đầu tư đến gặp KTS, trong tay KTS chưa có gì để bán, tức họ đang phải mua một món đồ chưa hiện hữu và sẽ hình thành trong tương lai.

Thế nên để tư vấn cho chủ đầu tư, KTS phải có một quá trình trải nghiệm tốt, từ thiết kế ý tưởng công trình xây dựng, trải qua nhiều giai đoạn để hiện thực hoá ý tưởng. Trải qua thời gian với nguyên nhân tác động khách quan hay chủ quan, KTS mới rút ra được những bài học cho chính mình. Qua từng công trình, vô tình chung, KTS học được rất nhiều điều, cái sau sẽ làm tốt hơn cái trước. Đó là điều khiến tôi hứng thú khi nói đến trải nghiệm.

Hơn nữa, bản thân một KTS sẽ không bao giờ ngừng học. Học từ đối tác, từ đồng nghiệp, từ chuyến đi va chạm thực tế, từ tiếp cận văn minh tiến độ của công trình trên thế giới và điều này giúp KTS có nhiều trải nghiệm hơn. Càng đi càng trải nghiệm, càng hứng thú trong chinh phục thử thách xây dựng các công trình.

 

PV: Ghi dấu ấn trên “thương trường” quốc tế với nhiều giải thưởng lớn, với anh, đó có phải là một trong những mục tiêu tiếp tục phải chinh phục?

KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh: Trước đây, internet chưa phát triển, thế giới phẳng chưa hình thành. KTS Việt Nam chưa ra nước ngoài nhiều nên vẫn tự ti vì nước ta còn đang phát triển, thua kém các nước khác trong làm kiến trúc. Hơn 10 năm trước, nhiều người chưa bao giờ mơ tới mang công trình Việt Nam ra thế giới. Nhưng sau này, chúng tôi nhận ra, công trình trên thế giới cũng hay nhưng không có nghĩa là công trình của Việt Nam không có điểm riêng thú vị.

Khi thế giới phẳng đến, mọi thứ mở ra nhiều cơ hội cho KTS, khiến giới KTS đặt ra câu hỏi: “Tại sao chúng ta lại không có quyền mang công trình Việt ra thế giới”. Gần 5 năm trở lại đây, KTS Việt Nam dường như đang được nhận diện sáng hơn trên diễn đàn của thế giới trong lĩnh vực nhà ở. Đó là điểm khởi đầu hứng khởi với KTS Việt Nam.

Thế nên, khi KTS Việt Nam mang công trình ra nước ngoài thi đấu, đó không chỉ là cách giới thiệu, khẳng định về vị thế bằng giải thưởng mà còn là sự ghi nhận và khích lệ của cộng đồng làm nghề cho KTS Việt Nam. Sự ghi nhận đó còn tạo cảm hứng cho mình, khẳng định sự lựa chọn của mình đã đi đúng hướng. Tôi và rất nhiều KTS đồng nghiệp khác ở Việt Nam vẫn tiếp tục hành trình mang công trình Việt ra nước ngoài chia sẻ. Hành trình đó sẽ còn tiếp diễn lâu dài và đang ngày càng trở nên tốt hơn.

 

- Cảm ơn những chia sẻ của anh!

20/02/2021 06:06

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top