KTS. Võ Trọng Nghĩa: Thiền để tĩnh tâm tạo ra công trình có yếu tố xanh

KTS. Võ Trọng Nghĩa: Thiền để tĩnh tâm tạo ra công trình có yếu tố xanh

Thứ Hai, 02/03/2020 - 06:10

Khi nhắc đến Võ Trọng Nghĩa, người ta thường nghĩ ngay đến “hiện tượng” trong giới kiến trúc Việt Nam. Thường xuyên được vinh danh ở những giải thưởng lớn quốc tế với các công trình độc đáo, KTS. Võ Trọng Nghĩa đã và đang tạo nên sự khác biệt trong ngôn ngữ kiến trúc Việt.

Bẩy năm về trước, tức năm 2012 chính là thời điểm mà KTS. Võ Trọng Nghĩa đã phải trải qua những tháng ngày khó khăn khi đam mê theo đuổi kiến trúc xanh, bởi nó không cùng nhịp với ngôn ngữ kiến trúc thị hiếu thời đó ở Việt Nam. Chính vì thế, dù trở thành KTS có nhiều giải thưởng quốc tế nhất tại Việt Nam, nhưng việc kiến tạo một ngôn ngữ kiến trúc xanh mới, khác lạ đã đẩy công ty của anh vào những khó khăn, thách thức không hề nhỏ.

Sau này, trong nhiều lần chia sẻ với báo giới, anh tiết lộ rằng, chính áp lực mất cân bằng về công việc và cuộc sống đã đưa anh đến với thiền. Và cũng từ đó, anh nhận ra, chính thiền lại giúp anh tĩnh tâm và tập trung trí tuệ để tạo ra nhiều công trình xanh chất lượng hơn. KTS. Võ Trọng Nghĩa cũng không ngần ngại chia sẻ rằng, chính thiền và sự giữ giới đã giúp công ty nhận được nhiều hợp đồng và ngày càng phát triển. Và, anh còn làm cho điều đó lan tỏa: Những người trong công ty của anh đều phải hành thiền mỗi ngày cũng như thực hiện giữ 5 giới: Không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không rượu bia, không sát sinh.

Đầu năm nay, KTS. Võ Trọng Nghĩa và các cộng sự đã đoạt giải thưởng “Giải thưởng Kiến trúc xanh” (Green Good Design Awards) với 3 công trình kiến trúc ấn tượng: Nhũ tre, Breathing House, Nocenco Café. Và mới đây nhất, anh đã nhận được giải thưởng “Dezeen Awards - Architect of the year” (Kiến trúc sư của năm) do Tạp chí Dezeen (một trong những tạp chí chuyên về kiến trúc, nội thất, thiết kế hàng đầu thế giới) trao tặng. Nhân dịp này, anh đã dành cho Reatimes cuộc trò chuyện về kiến trúc xanh và… thiền.

PV: Là KTS Việt Nam được vinh danh rất nhiều trong các hạng mục giải thưởng quốc tế, trước khi thiết kế một công trình, có bao giờ anh nghĩ tới một mục tiêu là giải thưởng?

KTS. Võ Trọng Nghĩa: Tôi có nghĩ đến giải thưởng. Nhưng, nghĩ như thế nào mới là vấn đề.

Thứ nhất, giải thưởng không phải mục tiêu để công ty chúng tôi theo đuổi. Đó cũng không phải là thước đo mức độ làm tốt hay kém của công ty.

Thứ hai, giải thưởng không phải là một tiêu chí, nhưng nó lại là điều kiện cần để đưa ra yêu cầu về chất lượng không gian tốt hơn, là cách để mình làm các chi tiết tốt hơn.

Và, ngay việc làm hồ sơ xét giải cũng rất quan trọng, nó giúp cho tất cả anh em kiến trúc sư (KTS) trong công ty rèn luyện kĩ năng. Việc phải nộp hồ sơ xét giải giúp họ tĩnh tâm hơn trong khi lên ý tưởng, chi tiết hơn về cách trình bày. Đó cũng là kết quả cuối cùng để họ suy ngược lại vấn đề khi làm công trình, ngẫm lại cách mình thực hiện. Tất cả những người trong công ty đều phải tự làm và tự nộp hồ sơ ấy.

Ngay trong quá trình làm hồ sơ xét giải cũng phải giữ giới. Không có chuyện sửa thông tin bức ảnh để gửi đi tranh giải. Lần nộp hồ sơ giải thưởng kiến trúc ARCASIA 2019 vừa qua, dù đang tu tập ở Myanmar, tôi vẫn gọi điện về nhắc nhở nhân viên kiểm tra lại thông tin tác phẩm gửi đi tranh giải. Phải tôn trọng sự thật, ngay cả bức ảnh gửi đi cũng không được photoshop. Giải thưởng chỉ là chuyện nhỏ, nhưng phạm giới là chuyện lớn.

Với KTS. Võ Trọng Nghĩa, thiền là cách để tạo ra công trình có yếu tố xanh. 

PV: Đã có KTS từng nhận định, anh chính là người khởi xướng cho kiến trúc xanh ở Việt Nam. Và điều đặc biệt, các tác phẩm xanh của anh đều nhận được rất nhiều giải thưởng. Vậy, việc đưa yếu tố xanh vào công trình có phải như một “bản năng” thiết kế của chính anh hay là sự theo đuổi các tiêu chí có sẵn của những chứng chỉ?

KTS. Võ Trọng Nghĩa: Tôi chỉ đơn thuần nghĩ, do mình yêu cây, yêu thiên nhiên, cảm thấy ngột ngạt trước một thành phố như thế này, tắc đường và ô nhiễm. Vì vậy, tôi luôn muốn làm một công trình gần gũi với thiên nhiên nhất, khiến mình cảm thấy có một nơi để ở dễ chịu. Nếu mất điện mà mình cảm thấy sống được tạm ổn thì chứng tỏ yếu tố xanh của công trình đó rất tốt. Tôi không nói đến công trình xanh mà nói tới yếu tố xanh của một công trình. Một công trình có kiến trúc xanh rất tốt thì đồng nghĩa phải có điều kiện về thông gió, phải có ánh sáng đủ như mình mong muốn, khiến mình cảm thấy dễ chịu.

PV: Còn việc ứng dụng các vật liệu xanh trong các công trình của anh được thực hiện như thế nào?

KTS. Võ Trọng Nghĩa: Thực ra vật liệu nào cũng được. Có cái gì dùng cái đó, nhưng làm ở một hình thức khác tốt hơn. Bê tông mình cũng dùng để đưa vào công trình và làm theo đúng với chất lượng xây dựng đó theo nghĩa đen. Chủ nhà có cái gì thì mình cũng lựa chọn cái đó đưa vào công trình.

Chúng tôi dùng cả vật liệu tre, nứa, gỗ. Người ta cứ bảo chặt gỗ làm nhà là phá rừng. Không phải. Đó là do Việt Nam phá rừng nhiều hơn trồng nên mới có quan niệm đó mà thôi. Chứ còn làm nhà bằng gỗ không liên quan tới việc phá rừng. Ở Nhật, người ta trồng nhiều hơn chặt. Bài toán đó khi tôi tìm hiểu ra, có lẽ họ chặt 1 cây mà trồng tới 4 cây. Cứ nghĩ trong vòng mươi, mười lăm năm, cứ 10 cây chặt đi mà trồng thêm 1.000 cây thì chúng ta đã có rất nhiều nguyên liệu để làm công trình. Nói thật, với số lượng đó thì làm công trình thoải mái.

PV: Được biết anh là người thường hay nhắc đến thiền. Vậy trong suy nghĩ của anh, thiền và kiến trúc xanh có mối quan hệ như thế nào với nhau?

KTS. Võ Trọng Nghĩa: Chỉ có một liên hệ duy nhất: Thiền tốt thì sẽ học kiến trúc rất nhanh. Có thể mình không nhanh so với người khác, nhưng sẽ nhanh so với chính mình. So với người tĩnh tâm được 3 giây thì người tĩnh tâm được 3 tiếng phải có một trí tuệ siêu việt hơn rất nhiều.

Tự bản thân tôi cũng rút ra được như vậy. Do đó bây giờ tôi tập trung nhiều vào ngồi thiền. Kết quả của quá trình tu tập đó là các ý tưởng ra đời rất nhanh. Hiệu quả làm việc tốt lên nhiều.

Thế nên, tôi tập trung vào phát triển trí lực cho anh em trước khi để họ làm kiến trúc. Họ sẽ học nhanh hơn. Hằng ngày, họ ngồi thiền 2 tiếng. Cứ kiên trì như thế là họ đã tiến bộ hơn về kiến trúc.

Các kiến trúc sư sẽ gặp một giới hạn nào đó. Nhưng nhờ sự tĩnh tâm, họ vượt qua được. Nếu không tu tập thì tâm linh sẽ bị mắc vào mãi, không thoát ra. Và nhờ thiền, họ sẽ tốt hơn rất nhiều.

PV: Trong một lần trả lời phỏng vấn Tạp chí New York Times, anh đã từng nói: “Tôi muốn tạo ra ngôn ngữ kiến trúc hiện đại tại Việt Nam”. Khái niệm “ngôn ngữ kiến trúc hiện đại” nên được hiểu như thế nào?

KTS. Võ Trọng Nghĩa: Lúc phỏng vấn, do thời gian trong giới hạn nên tôi không nói nhiều và diễn đạt được hết ý mình. Ngôn ngữ kiến trúc hiện đại chỉ là làm thuận với tự nhiên. Điều đó tưởng dễ mà thực ra làm rất phức tạp. Đó là phải thuận với khí hậu, điều kiện tự nhiên, con người, văn hóa… Dần dần, nhiều công trình gộp lại sẽ tạo ra phong cách và cuối cùng sẽ hình thành bản sắc.

Kiến trúc Việt Nam đang thay đổi quá nhanh, không rõ có phải do mạng internet khiến mọi người có xu hướng tham khảo nhau hay không. Điều này không tạo ra bản sắc, sự lâu dài và cũng không tạo ra kiến trúc của Việt Nam.

Ngôn ngữ kiến trúc Việt Nam phải phụ thuộc vào điều kiện của nước ta như bây giờ: Không khí đang bị ô nhiễm và thiếu cây xanh khiến con người không thể thở nổi, bức bối. Để nói về việc biến không gian tầng, hay sàn thành một công trình kiến trúc rồi tạo ra điều gì rõ nét là rất khó. Chúng ta phải thiết kế một công trình mà mắt nhìn đã có cảm xúc.

Đáng tiếc là các giải thưởng bây giờ nộp hồ sơ chủ yếu dựa trên cơ sở ảnh chụp công trình. Nhưng chụp ảnh thì làm sao thấy cảm xúc đó được. Không thể diễn tả được cảm xúc thiết kế thông qua các bức ảnh. Nếu công trình đó đẹp, phải đến xem để cảm nhận chiều sâu mà bức ảnh không tạo ra được.

Việt Nam đang có rất nhiều thể loại kiến trúc khác nhau. Để tạo ra ngôn ngữ kiến trúc bản sắc hiện đại riêng là rất khó. Biết là khó nhưng phải quyết tâm làm được thì mới tạo ra bản sắc. Việt Nam đã có điểm rất riêng biệt rồi, không phải nơi đâu cũng được như thế. Trong điều kiện không khí ô nhiễm, tắc đường, khí hậu riêng biệt thì chỉ cần thiết kế thuận tự nhiên. Khi các công trình lặp lại nhiều lần thì sẽ tạo ra một ngôn ngữ đặc sắc.

PV: Đã bao giờ anh nghĩ tới viễn cảnh năm mười năm nữa, ngôn ngữ kiến trúc xanh mà anh đang tạo dựng và theo đuổi sẽ ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?

KTS. Võ Trọng Nghĩa: Lúc đầu tôi không nghĩ nhiều đến như thế. Đầu tiên, tôi nghĩ trước hết đi vận động chính quyền trồng cây, vận động kiến trúc sư làm công trình mà cây xanh giữ vai trò quan trọng. Họ phải làm tốt việc đó. Còn tôi chưa nghĩ tới ảnh hưởng đến ai.

Đến bây giờ, tôi nghĩ xây dựng công ty đẹp sẽ không quan trọng bằng một công ty có nhiều người giữ giới và hành thiền. Những người giữ giới và hành thiền sẽ “sinh ra” năng lượng bình an trong xã hội. Một công trình đẹp đâu quan trọng bằng việc tạo ra an lạc và bình yên trong xã hội. Con người bí bách, khó chịu, cáu giận thì cũng đâu tạo ra công trình tốt.

Thế nên, với tôi, mong muốn của mình là hướng mọi người tới giữ 5 giới là quan trọng hơn làm kiến trúc. Vì giữ giới còn khó hơn làm kiến trúc. Một người giữ giới nghĩa là họ phải rất dũng cảm, kiên trì và quyết tâm mới làm được điều đó. Mà xã hội có nhiều người giữ giới, tức họ đều sống với nhau chân thật, không phạm đạo đức. Thế là xã hội sẽ an lạc. Mà xã hội an lạc thì con người sẽ sáng tạo được các công trình tốt.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Mai Linh
Bùi Trang
02/03/2020 06:10


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top